Lái xe mùa mưa bão cần lưu ý những gì?

Chào các cụ, chẳng là em mới mua xe, vừa đi học lái xe nên chưa có kinh nghiệm gì cả. Mùa mưa bão sắp đến rồi, xin hỏi các cụ, nên lưu ý những gì khi lái xe mùa mưa bão ạ?

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 7 năm trước

Trời mưa bão sẽ gây khó khăn cho các lái xe quan sát đường, các ký hiệu giao thông cũng như các xe đang di chuyển, cộng với đường trơn, dễ mất lái, do vậy khi di chuyển trong thời điểm này, việc đầu tiên là nên đi chậm và quan sát kỹ đường đi.

Dưới đây là một số lưu ý khi lái xe trong mùa mưa bão:

1. Duy trì khoảng cách thích hợp đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào.

2. Nếu có thể, hãy cố gắng quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

3. Không nên đi gần những xe trọng tải lớn, bởi những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của bạn. Tuy nhiên, đừng cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.

4. Bật đèn cốt hoặc đèn sương mù ngay cả khi mưa nhỏ cũng như lúc trời âm u. Điều này không chỉ giúp bạn quan sát đường tốt hơn, mà còn giúp các lái xe khác thấy rõ bạn. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.

5. Nếu điều kiện cho phép, hãy chạy xe ở giữa làn đường, vì ở 2 bên đường thường trũng, lượng nước ngập nhiều hơn.

6. Không nên vượt quá giới hạn mà tầm nhìn cho phép. Trời mưa to sẽ hạn chế tầm nhìn của tài xế. Đã có khá nhiều trường hợp “tưởng vậy mà không phải vậy” gây ra những tai nạn đáng tiếc.

7. Khi đi trong khu vực ngập nước, hay giữ tốc độ động cơ (vòng tua máy) cao để tránh nước lọt vào ống xả, khiến xe "chết máy". Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1, cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể.

8. Khi mức nước ngập nửa lốp xe - tức là đã đến giới hạn không nên vượt qua; với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước tràn qua mũi xe vào cửa gió và động cơ.

9. Khi đi qua khu vực ngập nước cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều. Hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng hoặc hắt nước ngược lên capo xe, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ.

10. Không phóng xe tốc độ cao vào vũng nước, vì như vậy rất dễ bị nước sục vào họng gió, cũng như tạo "sóng nước", nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.

11. Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ, vì máy sẽ không thể khởi động lại được nữa, mà sẽ làm cong tay biên, vỡ thành máy...

12. Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ.

13. Khi xe chết máy, bạn hãy quan sát xem mực nước có vượt qua mép sàn xe hay chưa, nếu cao hơn thì tuyệt đối không mở cửa, vì nước sẽ tràn vào bên trong, làm hư các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất như: nỉ, da, gỗ...”.

14. Khi qua chỗ ngập, bạn nên đạp nhẹ chân phanh để rà phanh, loại bớt nước trên đĩa.

15. Luôn lưu ít nhất một số điện thoại cứu hộ giao thông phòng khi cần thiết.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Mùa mưa bão đến, nhiều người đã chuyển sang đi bằng ô tô thay vì xe máy bởi sự tiện lợi, ấm cúng và không lo ướt mưa như khi di chuyển bằng xe máy.

Tuy nhiên không ít trường hợp vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm xử lý nên tài xế đã khiến mình và những người đi cùng gặp hậu quả đáng tiếc.Để giúp các tài xế, vatgia.com đã đưa ra một số lời khuyên bổ ích.

1. Khi trời mưa lớn:

- Nếu phải chạy xe trong lúc mưa bão, các bác tài nên giảm tốc độ, gạt mưa chế độ nhanh nhất, giữ khoảng cách an toàn xa hơn.

- Đánh lái và đạp phanh nhẹ nhàng để tránh trượt.

- Bật đèn chiếu sáng phía trước.

- Chú ý những vũng nước đọng bên đường

2. Lưu ý khi đi qua đường ngập nước trong mùa mưa bão

Trong vùng đang xảy ra bão lũ rất nguy hiểm bởi dòng nước chảy xiết mạnh có thể làm sạt lở mặt đường thậm trí làm biến mất cả một đoạn đường mà chúng ta không nhận biết được.

Đồng thời với mực nước cao tạo thành một đệm nước phía dưới xe làm cho trọng lượng xe và độ bám đường giảm đi. Khi đó chiều dài thân xe bị ngập nước sẽ tạo thành một vật cản dòng chảy, trong khi đó chiếc xe đóng kín cửa nó sẽ như một chiếc thuyền, phao rất dễ bị dòng nước cuốn trôi.

Vì vậy lời khuyên của chúng tôi khi gặp đường bị ngập nước trong vùng có bão lũ là:

- Nên quay lại, tìm đường khác hoặc chúng ta phải tìm cách đỗ xe ở nơi vị trí cao, an toàn và BÌNH TĨNH chờ nước rút.

- Không nên cố gắng thử lái xe đi qua.

- Xác định độ sâu của vùng bị ngập nước (không vượt quá tâm bánh xe).

- Khi di chuyển cần tắt tất cả các phụ tải không cần thiết như điều hòa, hệ thống giải trí trên xe để giảm tải cho động cơ.

- Đi số thấp (số 1 hoặc số 1) và đi đều ga, tránh tăng ga lấy đà.

3. Cách xử lý xe bị chết máy do ngập nước

- Tuyệt đối không được khởi động lại khi bị tắt máy giữ chừng bởi điều này có thể làm cong tay biên, hoặc nặng hơn là gãy tay biên, vỡ lốc máy do hiện tượng “thủy kích”

- Nếu có thể bạn hãy đẩy xe của bạn đến vị trí không bị ngập và ngồi chờ cứu hộ.

4. Những lưu ý khi kéo xe

- Đối với xe AWD và xe trang bị hộp số tự động, hệ thống tự động chống trượt, hệ thống tự động cài cầu: chỉ nên chuyên chở bằng xe bàn (4 bánh không quay)

- Nâng bánh phía sau: áp dụng với xe chỉ dẫn động cầu sau.

- Nâng bánh phía trước: áp dụng với xe chỉ dẫn động cầu trước.

5. Cách xử lý khi xe đỗ trong khu vực ngập nước

- Xác định điểm ngập nước cao nhất với xe. Kể cả khi nước đã rút đi vẫn cần cẩn trọng xem xét nước đã ngập đến đâu để xác định độ ảnh hưởng với xe. Nếu nước ngập chưa quá tâm bánh xe thì có thể xem xét và vận hành xe bình thường.

- Nếu nước ngập quá tâm bánh xe, thậm chí ngập cả sàn xe hoặc tràn vào khoang xe, cần gọi ngay cứu hộ.

- Khi chờ cứu hộ, chủ xe nên chủ động tháo dây ắc quy để tắt toàn bộ hệ thống điện của xe, tránh các hư tổn khi bị ngập nước, đẩy xe đến vị trí khô ráo.

- Tuyệt đối không được khởi động xe. Nếu khởi động lại sẽ có thể làm cong tay biên, hoặc nặng hơn là gãy tay biên, vỡ lốc máy do hiện tượng “thủy kích”.

- Cần nói rõ điểm ngập nước cao nhất cho nhân viên kỹ thuật của đại lý để họ có thể xác định đúng mức độ ảnh hưởng với xe và có các biện pháp kiểm tra và vệ sinh các hệ thống hợp lý.

- Nên chủ động mua bảo hiểm thủy kích/ngập nước để được hỗ trợ trong các trường hợp rủi ro này.

Hồ Anh Khang
Hồ Anh Khang
Trả lời 7 năm trước

Lời khuyên chính xác nhất dành cho lái xe khi qua vùng ngập nước là không nên đi, cố gắng đợi nước rút hay đánh xe vào một nơi nào đó gởi xe tìm phương tiện khác an toàn hơn. Nếu có việc gấp bắt buộc phải vượt qua cần chú ý những điều sau

Kinh nghiệm lái xe qua vùng ngập nước

- Trước khi quyết định đi qua vùng ngập nước, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào thay vì qua đường khí nạp theo xe để tránh cho nước khỏi vào động cơ. Sau khi vượt qua đoạn ngập lụt, bạn có thể lắp lọc gió động cơ trở lại bình thường.

- Bạn nên xem xét mức nước trước khi đi qua, mức nước an toàn là dưới 25 cm và không vượt qua tâm bánh xe, ở trên mức đó bạn không nên liều lĩnh đi qua. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý khi có xe chạy cùng chiều và ngược chiều vì có thể xảy ra hiện tượng tạo sóng, làm nước dâng cao hơn và tăng nguy cơ nước tràn vào đường nạp gió, vào lọc gió động cơ.

- Khi lái xe trong vùng ngập nước, nên tắt công tắc điều hòa (nút AC), đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, lái từ tốn. Với xe số tự động, chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1. Nếu để nguyên, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Chú ý không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

- Nên hạn chế đạp thốc ga vì việc tăng ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu nước vào sẽ dẫn tới hiện tượng thủy kích làm cong tay biên.

- Khi đã đi qua chỗ ngập, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa. Sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.

- Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe vị trí cao và gọi ngay cứu hộ.

- Khi gọi cứu hộ, tài xế cũng lưu ý nếu xe trang bị số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay).

- Nên tránh mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

Chăm sóc xe hậu lũ lụt

Sau khi đi qua vùng ngập nước, bạn nên mang xe đi kiểm tra, bảo dưỡng. Trong trường hợp nước tràn vào xe, ngoài việc kiểm tra và sửa chữa động cơ, hệ thống gió… bạn còn phải nhanh chóng làm sạch nội thất.

- Việc làm sạch nội thất không đơn giản chỉ là lôi thảm ra phơi mà còn là kiểm tra, chăm sóc, vệ sinh hàng loạt bộ phận phức tạp: mút cách âm, ống dẫn khí điều hòa thổi chân, hệ thống điện điều khiển ghế, sưởi ghế, lỗ sạc điện và hệ thống dây dẫn điện điều khiển toàn bộ đèn ở đuôi xe…

- Ngoài thảm lót sàn, nỉ trải sàn, mút cách âm cũng cần được phơi khô, thậm chí thay thế vì nếu bị ngâm nước lâu, các bộ phận này sẽ bị ải, rách, gây ảnh hưởng đến khả năng chống ồn của sàn xe. Ngoài ra, nấm mốc sinh ra do ẩm uớt ở nỉ sẽ gây mùi khó chịu, có hại cho sức khỏe.

- Hệ thống ống dẫn khí điều hòa thổi chân cũng cần được làm sạch gấp vì hệ thống này làm bằng nhựa, có dạng ống kín nằm chìm dưới lớp nỉ trải sàn và nếu nước bẩn của các trận ngập lọt vào sẽ ứ đọng làm nảy sinh các dạng vi sinh vật có hại.

- Kiểm tra và sấy khô các giắc cắm, mối chuyển của hệ thống điện. Các đầu tiếp xúc kim loại này có thể bị han gỉ và ảnh hưởng đến khả năng truyền điện cũng như dẫn tới việc chập cầu chì, hỏng đèn hay tê liệt một chức năng nào đó trong xe.

- Hút, sấy, vệ sinh và khử mùi ghế cùng toàn bộ nội thất để làm sạch xe và đảm bảo tuổi thọ cho xe.