Cách chế ngự flash của máy ảnh?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Sử dụng đèn flash là lĩnh vực khá khó đối với dân chơi máy ảnh a-ma-tơ, thế nhưng không phải vì thế mà người chụp không kiểm soát và lĩnh hội hết kỹ thuật của hệ thống ánh sáng này.

Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các bức ảnh thiếu hoàn hảo chính là thiếu sáng. Máy ảnh cần rất nhiều ánh sáng để tái tạo một bức ảnh đẹp, và đó cũng chính là lý do tại sao hầu hết các loại máy ảnh hiện nay đều có sẵn đèn flash để tăng cường độ sáng khi cần thiết. Thế nhưng việc sử dụng đèn flash như thế nào cho hiệu quả không phải ai cũng nắm bắt được, nhất là những người mới bước chân vào “nghiệp ảnh”.

Sử dụng Flash khi cần

Một số người luôn để đèn flash bật bất cứ lúc nào, và điều đó đồng nghĩa với việc đèn bật ngay cả khi không cần tới. Trong khi đó, những người khác thì lại có thói quen không bao giờ dùng đèn flash, và luôn tắt bỏ nó. Vấn đề ở đây là bạn sử dụng hợp lý, lúc cần flash, lúc không. Khi chụp ảnh, nếu quá tối mà không có đèn flash, có thể máy ảnh sẽ cảnh báo bạn bằng một biểu tượng ở góc màn hình. Khi đó, hoặc là bạn bật đèn flash, hoặc là giảm tốc độ chụp xuống, hoặc là tăng độ nhạy sáng (ISO) của máy ảnh lên, hoặc là kết hợp tất cả những yếu tố này để có được bức ảnh mong muốn.

Hiểu chế độ Flash của máy ảnh

Đèn máy ảnh có thể có nhiều cài đặt chứ không đơn thuần chỉ có mỗi chế độ tắt và bật. Bạn nên biết khi nào chuyển sang chế độ chụp ngược sáng (“fill flash” hay còn gọi là “flash on”) để tránh hiện tượng tối cục bộ khi chụp ảnh chân dung ngoài trời dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp. Bạn cũng cần biết cách sử dụng chế độ khử mắt đỏ khi chụp ảnh trong nhà trong điều kiện ánh sáng yếu.

Sử dụng đèn flash rời

Đèn flash có sẵn trong máy ảnh (flash tích hợp) chỉ đóng vai trò rất hạn chế và thường không mang lại hiệu quả mong muốn nếu bạn sử dụng chúng. Đèn này chỉ chiếu sáng được trong khoảng 3m, còn xa hơn thì đành … bó tay. Chính vì vậy, bạn cần phải sử dụng đèn flash ngoài để hắt sáng xa hơn, có thể là 10m, hoặc 12m, hay thậm chí là 15m. Không chỉ có máy ảnh ống kín rời (DSLR) mới dùng được đèn flash rời mà ngay cả một số mẫu máy ảnh du lịch cũng sử dụng được.

Hắt sáng

Ánh sáng mạnh mà bạn có được từ chiếu sáng flash trực tiếp có thể khiến cho bức ảnh bị lóa (còn gọi là “lốp”). Nếu sử dụng đèn flash ngoài, bạn có thể vận dụng kỹ thuật hắt sáng để cho bức ảnh mềm mại hơn. Hãy cố hắt sáng lên trần, hoặc sử dụng tấm bìa hắt sáng để khuếch tán ánh sáng từ đèn flash. Bạn có thể mua tấm bìa hắt sáng hoặc tự làm (kích thước chỉ khoảng chiếc danh thiếp).

Rọi sáng cả căn phòng lớn

Nếu cần chụp bức ảnh có không gian lớn trong điều kiện thiếu sáng, nhất thiết bạn phải sử dụng đèn flash ngoài. Tuy nhiên, thay vì gắn vào máy ảnh, bạn nên cầm chúng trên tay để chiếu sáng. Thường thì máy ảnh có thể điều khiển không dây tới đèn flash, nhưng nếu không có thì cũng chẳng sao. Bạn chỉ cần đề máy ảnh trên chân máy, rồi thiết lập chế độ chụp hẹn giờ tốc độ thấp (khoảng 30 giây); rồi sau đó bạn đi xung quanh và bật đèn flash ở nhiều khu vực khác nhau của căn phòng để máy ảnh ghi lại. Khi đi xung quanh, tốt nhất bạn không nên đi vào khu vực ghi hình của máy ảnh, và đừng nên chiếu sáng trực tiếp vào máy ảnh. Bạn chỉ cần rọi vào những điểm cần chiếu sáng mà thôi.

Tùy biến máy ảnh nếu không có đèn flash rời

Một bức ảnh chụp bằng đèn flash đạt hiệu quả thực ra lại cần rất ít sự can thiệp của người chụp. Hầu hết các bức ảnh chụp bằng flash lại có rất nhiều cấp độ sáng khác nhau, và ánh sáng của đèn chỉ có ảnh hưởng tới nền (background) bức ảnh, trong khi những thứ còn lại được chiếu sáng bằng tất cả những ánh sáng sẵn có. Ngay cả trong đêm tối, bạn vẫn có thể tắt đèn flash để chụp, nhưng dĩ nhiên phải có chân máy, và cần phải chụp ở tốc độ rất thấp để máy ảnh có thời gian lấy ánh sáng cần thiết. Và nếu không có đèn flash rời, bạn có thể tùy biến các thông số khác như độ nhạy sáng ISO, độ mở ống kính và tốc độ chụp.

Chụp chậm để ghi hình

Nếu bạn không thích các bức ảnh chụp bằng đèn flash, thì có thể tăng ISO. Ngoài ra, nếu máy ảnh của bạn có chế độ bù sáng thì hãy tận dụng chúng. Bạn cần chuyển máy ảnh về chế độ Ưu tiên tốc độ (ký hiệu bằng S hoặc TV tùy từng dòng máy), tốc độ chụp càng thấp thì nền ảnh càng sáng. Ngay cả khi bạn đặt chế độ chụp ở tốc độ 1 phút (rất chậm) thì nền ảnh vẫn sắc nét do độ sáng của chúng dựa trên chùm sáng phát ra từ đèn flash.

Khắc phục hạn chế của đèn flash

Thông thường, máy ảnh của bạn được lập trình theo kiểu sau khi đèn flash bật sáng, máy ảnh sẽ có khoảng 1/60 giây để ghi lại bức ảnh trước khi đóng lại. Tuy nhiên, đôi khi khoảng thời gian này lại không đủ để chiếu sáng background ở xa. Vậy nên, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà bạn sẽ cần thay đổi chế độ mặc định này. Thời gian chụp càng lâu thì nền ảnh càng sáng. Bạn có thể đặt máy ảnh về tốc độ 1/30 giây hoặc khoảng 1 giây để ghi hình hiệu quả hơn.