Bí quyết làm đẹp hình ảnh và âm thanh trên HDTV ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 12 năm trước

Nhiều người tưởng rằng khi mua một bộ rạp hát tại gia, chỉ cần cắm điện là có thể xem các chương trình yêu thích. Thực tế không nhanh như vậy. Người sử dụngphải trải qua các quá trình dưới đây để có thể thư giãn với hệ thống một cách tối đa.

1. Tinh chỉnh hình ảnh

Một bộ phim sẽ quyến rũ hơn khi được đặt đúng màu, độ tương phản, độ sáng bởi các thông số này sẽ thể hiện rất khác nhau tùy thuộc môi trường xem nhất định. Chúng sẽ biến đổi tùy theo nguồn video như từng bộ phim, trò chơi, chương trình truyền hình. Dùng các mẫu test tiêu chuẩn sẽ giúp người sử dụng tối ưu hóa các cài đặt này để có trải nghiệm tốt nhất.

Trình tinh chỉnh hình ảnh THX Optimizer

Dễ nhất và nhanh nhất là dùng bất kỳ đĩa nào có một bộ phim được thu bằng âm thanh chuẩn THX. Các đĩa DVD và Blu-ray THX đều có công cụ kiểm tra ngay trong mục setup. Chỉ cần bấm vào “THX Optimizer” và theo các hướng dẫn trên màn hình.

Trước khi bắt đầu thử, cần chú ý điều chỉnh độ sáng của phòng ở mức bình thường mà bạn dùng để xem TV. Hạ độ sắc nét (sharpness) về mức bình thường; đảm bảo độ màu được đặt ở 6500 độ Kelvin (là chuẩn màu video, thường gọi là D65). Một số TV có các mức Warm (màu ấm), Normal (bình thường) và Cool (lạnh). Có thể kiểm tra lại từ phía nhà sản xuất hoặc người bán hàng xem cài đặt nào gần mức 6500 độ Kelvin nhất. Ví dụ ở các Plasma của Panasonic, mức Warm là gần nhất.

Sau đó THX Optimizer sẽ dẫn bạn đi quanăm mẫu thử để chỉnh các cài đặt. Các hướng dẫn trên màn hình cho từng mẫu sẽ chỉ bạn phải tìm gì và chỉnh thông số gì. Tốt nhất trong lúc đó nên đứng gần với màn hình để cảm nhận dễ hơn.

Đối với người chuyên nghiệp hơn, họ sẽ thuê một người tư vấn, tất nhiên có thể trả tiền công,hoặc tự làm bằng các đĩa setup cao cấp như Digital Video Essentials của Joe Kane ở dạng DVD hoặc Blu-ray. Nếu bạn có đầu Blu-ray thì nên chọn đĩa Blu-ray bởi nó có các mẫu thử cho độ phân giải 1080p và 720p. Cả hai bản này đều có các bộ lọc màu đỏ, xanh dương, xanh lá cây để người dùng có thể đặt lên màn hình hỗ trợ sửa màu- một việc rất khó làm bằng mắt thường.

Digital Video Essentials cũng chứa một clip hướng dẫn chi tiết để tinh chỉnh hình ảnh một cách cơ bản, có nhiều mẫu thử khác và cả bài giải thích cẩn thận để người dùng thật sự hiểu.

2. Giảm nhòe hình

Hầu hết các HDTV có tốc độ quét dòng 120 và 240Hz đều quảng cáo rằng chúng dùng tốc độ quét nhanh để loại bỏ hiện tượng nhòe hình thường xảy ra ở các TV 60Hz. Các công nghệ này được hãng gọi bằng nhiều tên khác nhau như Motion Flow (Sony), Motion Picture Pro3 (Panasonic), Movie Plus (Samsung) và TruD (Sharp). Tất cả đều đi đến mục đích là chèn thêm khung hình vào để các hoạt động nhanh mềm hơn, không bị giật cục.

Một số người thích hiệu ứng này vì hình ảnh trông rất êm mượt và ổn định. Số khác không thích và cho rằng như vậy trông thiếu tự nhiên, nhất là với phim. Do đó, tùy theo sở thích cá nhân, bạn có thể tắt hoặc giảm mức làm mượt chuyển động khi xem phim (cùng lúc đó bật chế độ chơi 24Hz nếu TV có hỗ trợ), hay duy trì chế độ giảm nhòe hình.

3. Quan sát từng pixel

Ngay cả khi TV có sẵn độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel), bạn không đảm bảo là sẽ nhìn thấy mọi pixel trong các bộ phim Blu-ray. Nhiều HDTV dùng cách che các diềm đen (gọi là overscan) quanh khung hình được xem, nghĩa là sẽ phóng to hình ảnh gốc lên một chút (2- 10%) rồi cắt xén chúng đi ở các viền. Kỹ thuật che viền đen này sẽ loại bỏ những viền khó chịu thường thấy khi xem các nguồn video phân giải tiêu chuẩn nhưng lại rất tệ với các tín hiệu HD thật sự bởi nó giảm độ phân giải.

Do đó khi thấy các logo, hộp chú thích trong các chương trình truyền hình bị xén lẹm đi, bạn có thể hiểu rằng TV đã bị che viền. Hãy đọc lại sách hướng dẫn đi kèm để tìm các chế độ như Zero-overscan, Full Pixel, 1:1 Pixel, Pixel for Pixel hay Dot by Dot. Khi kết nối TV với máy tính thì cũng nên để chế độ này, nếu không, chữ gõ nhỏ sẽ bị méo và không đọc được.

4. Đầu tư cho âm thanh vòm

Không gì có thể làm việc chiêm ngưỡng hình ảnh HD tuyệt vời hơn là âm thanh hay đi kèm với nó. Điều quan trọng là bạn cần có loa hay mua riêng chứ không nên phụ thuộc vào loa tích hợp trong TV. Các mẫu TV phẳng hiện nay càng ngày càng mỏng hơn, viền cũng nhỏ hơn để thể hiện sự sành điệu nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng thiếu không gian cho âm thanh tốt.

Thanh sound bar cho âm thanh vòm của Sony

Tốt nhất là nên lắp đặt một bộ 5.1 hay 7.1 đàng hoàng. Nhưng nếu phòng hẹp có thể lựa chọn một bộ loa vòm ảo dạng thanh (sound bar) nằm ngang trước TV. Lợi thế của chúng là tiết kiệm không gian và giá hợp lý (khoảng 200 USD là có thể mua được)

5. Chọn AV receiver chuẩn

Trừ phi đã mua một bộ “rạp hát tại gia trong hộp” gọn gàng bao gồm cả loa và receiver, đôi khi cả đầu DVD hay Blu-ray tích hợp, bạn sẽ cần một thiết bị thu nhận tín hiệu để giải mã âm thanh và chỉnh hệ thống loa. Âm thanh vòm có nhiều công ty thiết kế bộ giải mã như Dolby, DTS và THX. Đầu DVD hay Blu-ray sẽ hiển thị các định dạng cho một bộ phim. Quan trọng nhất là Dolby Digital 5.1 (thường thấy trong hầu hết các đĩa DVD) và Dolby TrueHD 7.1, các định dạng mã hóa DTS-HD Master Audio.

AV receiver của hãng Onkyo

Do đó, người sử dụng sẽ cần một receiver có thể giải mã các kênh âm thanh này (trừ khi đầu Blu-ray đã tích hợp giải mã), có đủ khả năng đẩy loa lên mức lớn cho căn phòng và có đủ cổng HDMI, các ngõ vào cho các nguồn video khác. Tốt nhất nó phải có khả năng đưa tín hiệu analog lên 1080p qua các ngõ ra HD và HDMI.

6. Đặt loa chính xác

Đối với hệ thống 5.1 loa trung tâm cần được đặt ngay dưới TV, loa trái,phải đặt ở hai bên màn hình và hai loa vòm đặt ở hai cạnh vị trí ngồi nghe, đều ở tầm cao bằng tai. Loa siêu trầm có thể đặt ở bất kỳ đâu trong khu vực nghe, miễn là cho âm thanh tốt, nhưng không hẳn ở chính giữa phòng. Đối với hệ thống 7.1, hai loa vòm nữa được đặt sau vị trí ngồi.

Khi đã đặt xong loa, bạn cần kết nối với receiver và tinh chỉnh loa thông qua thiết bị này. Có thể dùng THX Optimizer đề cập ở trên. Việc thử loa cần đến một micro để gửi tín hiệu về cho receiver. Sau đó, receiver sẽ sửa các hiện tượng mất cân bằng trong khu vực nghe và đăt lại tần số cắt cho loa siêu trầm.

7. Nối dây cho loa vòm sau lưng

Rất ít người muốn nối dây loằng ngoằng quanh phòng để cắm với loa vòm đặt canh hay sau ghế ngồi. Giải pháp là bạn có thể dùng vật trang trí và thảm để che dây bởi dây đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tín hiệu âm thanh. Một số loại dây như Invissible Wire của DeCorp là kiểu phẳng, cho phép sơn lên để “ngụy trang”. Còn đối với “tín đồ” của hình thức, các bộ loa kết nối với nhau theo công nghệ wireless sẽ tỏ ra phù hợp hơn. Nhiều mẫu loa surround mới rất chú ý đến tâm lý này của khách hàng và họ cho sản phẩm kết nối bằng cảhai kiểu: không dây và có dây.

8. Chơi video HD từ PC và nhiều thiết bị khác

Nhiều người khi mua TV rất muốn kết nối với máy tính hay máy giải trí cầm tay bởi trên PC của họ có khá nhiều phim và video tải từ trên mạng miễn phí. Muốn xem được như vậy, TV và máy tính tất nhiên phải nối với nhau bằng cáp chuyên dụng, đặc biệt là HDMI, để có hình ảnh tốt nhất. Hiện nay có nhiều hệ thống desktop và laptop mới trang bị ngõ ra HDMI, có thể kết nối trực tiếp với TV. Một số máy giải trí cầm tay cũng có khả năng này để đưa video HD lên màn hình lớn.

9. Dùng hộp giải mã tín hiệu

Nếu máy tính hay lap top là đời cũ, ngại nâng cấp để kết nối, bạn có thể dùng một hộp giải mã tín hiệu set-top box nối với ổ cứng ngoài và gắn vào TV qua cổng USB. Sau khi tải phim HD từ các nguồn như BitTorrent vào ổ cứng ngoài này hoặc ra hàng nhờ chép phim (5.000- 10.000 đồng/phim), cắm vào hộp giải mã và TV là bạn có thể thưởng thức phim HD một cách đơn giản.

10. Nâng cấp máy chơi game lên HD

Nếu sở hữu PlayStation 3 hay Xbox 360 Elite, bạn đã có một bộ máy chơi game có khả năng chơi HD. Tuy nhiên, cần phải nâng cấp cáp lên HDMI để có thể tận hưởng thêm nhiều pixel hơn trên màn hình HDTV. Khi đó, cần chú ý thay đổi cài đặt output cho video trên các máy này lên 720p hoặc 1080p, tùy vào độ phân giải lớn nhất của TV.