Làm thế nào để phòng tránh tác dụng phụ của kháng sinh?

Có phải kháng sinh là loại thuốc dễ gây tác dụng phụ không? Làm thế nào để phòng tránh?   

(Trần Văn Hòa-  BN)

 
Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 13 năm trước

Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc được sử dụng hết sức rộng rãi trong thực tế để điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả điều trị, hầu hết các kháng sinh cũng đều có nguy cơ gây ra các phản ứng không mong muốn cho người bệnh.



Do đó, khi sử dụng các thuốc này, cần cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ. Hầu hết các phản ứng phụ của kháng sinh xảy ra trong quá trình sử dụng gây ra do tác dụng dược lý của thuốc.

Một số phản ứng khác có thể gây ra do phản ứng miễn dịch hoặc phản ứng đặc ứng của cơ thể đối với thuốc hoặc các sản phẩm chuyển hoá của thuốc.

Các phản ứng phụ gây ra do tác dụng dược lý của thuốc thường có thể đoán trước được nếu nắm rõ các tác dụng dược lý của thuốc. Loại phản ứng này thường phụ thuộc liều và có thể tránh hoặc giảm nhẹ nếu điều chỉnh liều thích hợp.

Một số phản ứng khó dự đoán trước như phản ứng dị ứng, đặc ứng hoặc tình trạng không dung nạp thuốc thường xảy ra không phụ thuộc liều dùng và đường dùng của thuốc. Loại phản ứng này thường ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ quan của cơ thể như da, niêm mạc, gan và các tế bào máu.

Một số phản ứng hiếm gặp và thường chỉ xảy ra với một số ít loại thuốc như thiếu máu bất sản tủy chỉ gặp với chloramphenicol.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp của thuốc, một số yếu tố của người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tần suất xuất hiện và mức độ của phản ứng phụ liên quan đến kháng sinh như đặc điểm di truyền, khả năng chuyển hoá thuốc, các bệnh cùng mắc và các thuốc cùng sử dụng.


Biện pháp quan trọng nhất để hạn chế các phản ứng phụ gây ra do kháng sinh là phải sử dụng một cách đúng đắn các thuốc này. Tránh sử dụng kháng sinh chỉ nhằm mục đích dự phòng mà không có chỉ định rõ ràng như các trường hợp nhiễm virut hoặc nhiễm trùng tiết niệu không triệu chứng ở người già.

Ngoài ra, khi sử dụng kháng sinh cũng cần đặc biệt lưu ý các chống chỉ định của thuốc và tránh các yếu tố có thể làm tăng nặng độc tính của thuốc.

Với những người bệnh đã có tiền sử dị ứng với thuốc trước đây, khi có chỉ định dùng kháng sinh, cần tránh dùng lại các thuốc mà người bệnh đã từng bị dị ứng hoặc có dị ứng chéo với thuốc mà người bệnh bị dị ứng (như giữa cephalosporin và penicillin).

Với các kháng sinh họ aminoglycoside, để hạn chế độc tính trên thận và ốc tai tiền đình của thuốc, nên dùng một lần trong ngày, tránh sử dụng ở những người bệnh có suy giảm chức năng gan thận và ốc tai tiền đình. Nếu có thể, nên định lượng nồng độ thuốc trong máu người bệnh trong quá trình dùng thuốc.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc da do vancomycin, thuốc này nên được truyền chậm mỗi liều kéo dài ít nhất 2 giờ.


Với những người bị kích ứng đường tiêu hoá do erythromycin, nên chuyển sang dùng các kháng sinh cùng họ nhưng ít tác dụng phụ hơn như clarithromycin hoặc azithromycin.

Để giảm kích ứng dạ dày và loét thực quản do doxycycline, nên uống thuốc với một cốc nước lớn và tránh uống vào trước khi đi ngủ.
BS. Nguyễn Hữu
Theo SKĐS