Chuẩn bị cho đám cưới

TRước khi cưới em cũng lượn lờ diễn đàn tham khảo chán chê mới hoàn thành 1 cái đám cưới. Để cảm ơn những người đi trước đã chia sẻ và cho những người đi sau còn đang bối rối, em cũng viết thành 9 phần kinh nghiệm cưới, mời cả nhà tham khảo dần dần nhé! Lưu ý là kinh nghiệm áp dụng cho mọi người ở HN.

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/maihuong_bc 

Kinh nghiệm cưới xin P1

Trong khi rục rịch chuẩn bị đám cưới, tớ đã lần mò sờ mó bác Google rất nhiều lần, và được bác chỉ dẫn đến nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người thú vị. Từ những kinh nghiệm học được của mọi người, tớ tự nhủ khi cưới xong sẽ kể lại kinh nghiệm của mình, có thể sẽ lại giúp ích được cho mọi người cưới sau. Tất cả những gì tớ viết là dựa trên kinh nghiệm bản thân, chưa kiểm nghiệm được đúng hay sai nên mọi người có thể tham khảo thêm nhiều nguồn khác.

I. Đầu tiên là tiền đâu

Cưới là việc tốn kém và nhiều khoản phát sinh vô cùng tận. Trước hết, mọi người phải tính được số lượng tiền mà mình có, hoặc có thể đầu tư cho đám cưới là bao nhiêu để quyết định những việc tiếp theo dễ dàng hơn và không vượt quá ngân sách quá nhiều. Ví dụ, có 50Mb chuẩn bị cho đám cưới thì có ít sự lựa chọn hơn là 100Mb. Chẳng hạn vậy. 

Càng có kế hoạch cưới trước bao nhiêu thì càng có nhiều thời gian chuẩn bị cho việc tài chính bấy nhiêu. Tuy nhiên, chắc là cũng không quá 6 tháng vì nếu còn tới 1 năm nữa mới cưới thì lại… tặc lưỡi “còn lâu” thì phiền. 

II. Các việc phải làm trước

1. Đặt chỗ làm tiệc cưới. 


Cái này tùy thuộc vào sở thích của cô dâu chú rể mà chọn chỗ. Đầu tiên là ước lượng số khách (không cần phải chính xác hoàn toàn nhưng cũng phải ước lượng để chọn chỗ phù hợp); xác định tiêu chí đặt chỗ: Rộng rãi, thoáng mát; sang trọng, lịch sự; ấm cúng hay giá cả phải chăng. Tớ cũng hì hụi 1 thời gian với việc này, sau đó thì tớ thấy có thể chia các thể loại khách sạn ra theo nhóm sau: 

+ Top 1: Bao gồm các kiểu như Sofitel, Sheraton, Deawoo,… đại khái là các khách sạn 4, 5 sao, xịn và sang. Cái này tớ không để ý nhiều, vì biết là mình không dùng. Cỡ khoảng 25USD/người. Nhưng mọi người có vẻ recommend Sheraton vì không gian lịch sự, cỗ bàn cũng oki.

+ Top 2: Bao gồm các khách sạn 4 sao trong thành phố kiểu như Horizon nhưng tớ không để ý nên không biết

+ Top lỡ cỡ: Bao gồm khách sạn Hà Nội, tháp Hà Nội, khách sạn Thắng Lợi, Trung tâm hội nghị quốc gia, Cung văn hóa. Các khách sạn này ở mức tương đối vừa phải, khoảng 210K đến 350K/ người tùy nơi, tùy mức. 

Ở khách sạn Hà Nội cũng khá ổn, khoảng 15 đến 19USD/người và có nhiều dịch vụ đính kèm. Nhưng lưu ý là khách sạn này chỉ chứa được khoảng 200 đến 250 người. Nhiều hơn nữa sẽ bị kê chật hoặc tràn ra bên ngoài. Thêm vào đó, phòng tiệc của khách sạn này trần khá là thấp và bí. Mọi người có thể cân nhắc tùy thuộc vào số lượng khách để đặt.

Tháp Hà Nội cũng khoảng tầm giá như trên, cũng thấy mọi người nói là không chưa được nhiều người, phải ngăn cách hành lang và lối đi lên không ổn lắm. 

Trung tâm Hội Nghị quốc gia thì rộng rãi, đẹp, hoành tráng, nhưng khá là đắt, và không gian có vẻ rộng quá nên loãng. Tớ cũng không thích ở đây.

Cung Văn hóa nhiều người thích, nhưng tớ không thích nên không quan tâm lắm ạ. Chỉ nghe nói là muốn làm ở đây phải đặt trước rất lâu, cỗ rất ngon, dịch vụ rất ổn, trang trí đẹp. Nhưng rất nhiều người đặt rồi và gần đến ngày cưới bị gọi lên giả lại tiền đặt cọc bảo đi tìm khách sạn khác vì hôm đó phải đón tiếp ai đó… blah. 

Tiêu chí của nhà tớ trước hết là phải có không gian rộng rãi thoáng mát. Có view đẹp, giá cả phải chăng, với lại cũng có khá là nhiều lượt đi về với khách sạn Thắng Lợi nên nhà tớ quyết định chọn chỗ này đặt tiệc cưới. Lúc đầu còn húng muốn làm ở ngoài vì cái hồ bơi và không gian bài trí xung quanh khá đẹp. Nhưng mọi người can sợ mưa phùn gió bấc, thêm vào đó, phải tốn khoảng 20Mb để đặt vị trí (trừ khi nhà bạn đặt lên đến 120 mâm cỗ) nên tớ từ bỏ hẳn ý định này. Và sau khi cưới xong thì thấy rất hợp lý khi làm trong nhà vì nó ấm cúng và mọi người vẫn có thể view được. Giá của khách sạn này có 3 mức: 210K/suất, 230K/suất; 250K/suất, chưa tính tiền đồ uống. Khi mọi người chọn món và trộn lẫn, bao giờ cũng sẽ phải phụ trội lên khoảng 10K/suất.

Tuy nhiên, muốn đặt ở khách sạn này vào ngày đẹp thì các cặp nên đi đặt sớm sớm 1 chút, chừng khoảng 4, 5 tháng trước khi cưới. Nhà tớ đặt trước 4 tháng nhưng đã hết chỗ, may quá là có 1 đám chuyển ngày nên bọn tớ được chen chân vào. Thêm 1 việc cần lưu ý ở khách sạn này là nếu bạn đặt dưới 50 mâm thì phải đặt tất cả mọi thứ bên ngoài: Phông bạt đám cưới hết 500K, rượu vang nổ, các bon tạo khói trong ly, bánh cưới… và lúc đi làm hợp đồng sẽ rất chán. 

Top ấm cúng: Có mấy trung tâm hội nghị, Vạn Tuế, Vạn Hoa và kiểu kiểu như thế. Ưu điểm là cỗ ngon, không gian ổn, mọi thứ chấp nhận được nhưng không có gì đặc biệt. Tùy thuộc vào số lượng khách để chọn vị trí. Tớ cũng thích du thuyền Hồ Tây, nhưng mỗi du thuyền chỉ có thể chở được khoảng 200 người mà lại phải chia làm 2 khoang trên dưới, nên hơi bị chán. Nếu chỉ có bạn bè của mình cô dâu chú rể và muốn vui vẻ, tụ tập ở 1 khoang hát hò, thì đây là chỗ hợp lý về giá cả và cách thức!

Sau khi đặt được tiệc cưới, mọi người chuyển sang những chuyện tiếp theo.

Xem tiếp phần sau: Vét, váy và áo dài

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Vét, váy và áo dài

Chú rể thì đương nhiên phải may vét rồi, đằng nào cũng mặc. Tớ có tham khảo 1 số địa chỉ may vét như PHú Hưng (hơi già); anh Nam hàng Gà: Trẻ nhưng hơi chẽn, tớ không thích lắm; Chương ở Núi Trúc, bạn tớ bảo rẻ mà đẹp nhưng tớ đọc tham khảo trên mạng thì nếu muốn sửa lại đồ ở đó thì rất không được phục vụ nhiệt tình, rồi cái gì Thái ở trên phố có bán sẵn và may đo, cũng không đến nỗi tệ. Nhưng có vẻ Cao Minh Tailor (Số 8 Ngô Thì Nhậm) thì ít điều chê hơn nên tớ quyết định may ở Cao Minh.

Nếu bạn không sành về vải, tốt nhất nên lên hàng may chọn vải vì mất tới mấy Mb tiền công mà vải rởm vì rẻ được 1 ít xiền thì càng phí. Nhà tớ chọn vét màu đen có sắc xanh 1 tí, 450K/m, 1 áo 2 quần, hết 3,7Mb/bộ vét và thấy hoàn toàn hài lòng. Bạn tớ may ở Cao Minh cũng thấy hài lòng và nói là chưa thấy ai may ở đó xấu cả. Tuy nhiên, cung cách phục vụ của cửa hàng này hơi bị khó chịu, chủ yếu làm vào giờ hành chính, buổi trưa nghỉ, 6h chiều nghỉ, nhân viên cũng không vồn vã, không tư vấn gì cả. Mọi người nên vào website và gọi điện hẹn trước nếu không đi được vào giờ làm việc.

Áo dài cho cô dâu, sau một tham khảo chán chê mê mải. Jijian hay La Hằng thì quá đắt, Hồng Nhung với gì gì đó nữa cũng đắt. Tớ may một bộ với tiêu chí giá cả vừa phải và không chỉ mặc cho ăn hỏi nên màu sắc vừa phải. Tớ search 1 hồi thì tìm ra áo dài Vân Huế ở số 2 Nguyễn Siêu, về cơ bản là không có ai chê bai gì cả. Tớ rủ 1 đứa bạn sắp cưới lên đó may và cả 2 đều thấy hài lòng. Áo dài của tớ hết 1Mb, vải màu hồng nhạt, có đính 1 dải dọc hoa hồng bé bằng ngón tay 1 phía từ trên xuống đuôi áo. Ai cũng khen là trông có vẻ nghệ thuật và tinh tế..

Tại thời điểm này, các cô dâu cũng nên xác định cụ tỷ là mình sẽ may váy cưới hay thuê. Với những bạn làm dịch vụ trọn gói và không cưới ở quê thì đơn giản rồi. Tớ sau rất nhiều băn khoăn thì cũng đã quyết định may váy vì một số yếu tố sau:

- Mình chọn được đúng kiểu mình thích

- Phù hợp với vóc dáng

- Là người đầu tiên mặc nó

- Có thể bán lại và kinh tế hơn đi thuê mình váy không.

Váy cưới tớ may ở Hạnh Vũ, số 7 Bùi Thị Xuân, hết 3,5Mb bao gồm găng tay, voan ngắn, voan dài, 1 bộ mỹ ký kèm theo. Hôm cưới ai cũng khen váy đẹp và hiện đang có nhu cầu cho thuê lại để thu hồi vốn., bạn nào quan tâm thì ới tớ. Ngoài ra mọi người cũng có thể tham khảo địa chỉ ở 6B Trần Quốc Toản thì phải, có bán sẵn và may đo, rẻ hơn nhiều nhưng chất liệu không xịn và kiểu dáng không sang bằng.

Có vét, váy và áo dài rồi, thì lúc nào cũng có thể sẵn sàng đi chụp ảnh cưới.

Phần 3 sẽ là phần mà hầu hết mọi người trải qua và không được hài lòng: Chụp ảnh cưới

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

3. Chụp ảnh cưới

Việc này cũng nên tính toán và làm sớm bởi vì nếu vào mùa cưới sẽ tốn rất nhiều thời gian để có album ảnh cưới. Và ảnh cưới chủ yếu ngắm trước khi cưới, sau khi cưới chẳng ai ngắm mấy nên chụp sớm sẽ khoe được nhiều người hơn.

Về việc này có 1 số điểm cần lưu ý: Thứ nhất là chọn chụp ảnh ở ảnh viện nào? Tớ thấy ảnh viện nào cũng có lời khen tiếng chê cả. Nói chung nhiều khi phụ thuộc vào may rủi nữa, nên mọi người cứ nhòm vào ngân sách của mình mà định hình nên chụp ở đâu là hợp lý.

Thứ 2 là chụp ảnh theo kiểu của mình hay kiểu của Ảnh viện. Nếu của mình thì mọi người sẽ phải tốn công nghĩ là ảnh cưới của mình cần gì? Còn ảnh viện thì cứ để người ta xành xạch là xong.

Thứ 3 là tinh thần khi đi chụp ảnh cưới. Đi chụp ảnh cưới phải có tinh thần phấn chấn và tâm lý thoải mái thì mới dễ diễn và diễn có hồn được. Đừng coi chụp ảnh cưới là một việc phải làm, coi đó như là một chuyện vui thì sẽ đơn giản hơn nhiều.

Thứ 4 là dứt khoát cô dâu không được cáu chú rể và chú rể cũng không được nhặng xị với cô dâu. Cố gắng vui vẻ nhất, thoải mái nhất để chụp ảnh.

Thứ 5 là chọn địa điểm để chụp ảnh. Tớ thấy, nếu đi xa mà cũng chỉ là cảnh na ná cây xanh suối chảy, thì vào mấy cái công viên ở HN mà chụp cho nó lành. TRừ phi đến một điểm nào đó có liên quan đến cô dâu chú rể hoặc có một đặc trưng đặc biệt của vùng miền ấy mà ở HN không có được. Còn nếu bạn chụp ở HN thì cũng nên nghiên cứu kỹ các điểm muốn đến chụp ảnh trước. Tuy nhiên, vấn đề địa điểm này lại liên quan đến việc nội dung của album ảnh của bạn diễn tả cái gì, còn nếu không thì phó mặc hoàn toàn cho studio cho đỡ mất công. Lưu ý một số điểm đến chụp thì phải nộp tiền và có giấy phép như Ciputra chẳng hạn.

The last but the most important thing là nếu bạn tự đi chụp ảnh, thì cô dâu chú rể phải lên 1 danh sách đội ngũ hỗ trợ và nhờ việc cụ thể đến từng người. Yêu cầu đội ngũ hỗ trợ tận tình và chuyên tâm để giúp việc chụp ảnh được chuẩn xác và hiệu quả hơn. Ví dụ, cần có người chuyên tâm hắt sáng, người chuyên tâm cầm đạo cụ để khi cô dâu chú rể cần là có, chứ không phải nhăn nhó vì trót quên đạo cụ hay không có người hỗ trợ.

Nhà tớ có 1 số bạn thích chụp ảnh, chồng lại thích nghịch ngợm thiết kế. Bọn tớ quyết định nhờ các bạn hiền chụp ảnh và chồng sẽ tự thiết kế để mang đi in. Tớ mượn được 2 váy cưới, có 1 áo dài, thuê thêm 1 váy cưới + trang điểm hết 800K nữa, thế là cả bọn rồng rắn lên đường.

Trước khi cưới, bọn tớ đã lên kịch bản cho album ảnh, vì muốn nó sẽ thành 1 album kể về câu chuyện tình iu của bọn tớ từ đầu đến ngày cưới. Mong muốn diễn đạt được trong đó hỉ nộ ái ố của một chặng đường. Thế nên bọn tớ đã viết kịch bản, tư thế, vị trí, bối cảnh, trang phục cho từng tấm ảnh một.

Chiến đấu từ 6h sáng đến 6h chiều tại 4 điểm ở Hà Nội và kiểm soát thời gian khá tốt nhưng số lượng ảnh bọn tớ chụp được vẫn chưa đầy đủ và đủ đẹp so với kịch bản. Dẫu vậy, bọn tớ cũng xuất bản được 1 album về mặt hình thức là khá ổn và chắc chắn là không giống ai cộng với một ngày có rất nhiều niềm vui và kỉ niệm với “đoàn tùy tùng” bao gồm 1 lái xe, 2 phụ trách ánh sáng, 2 phụ trách đạo cụ và vài mẫu diễn cùng… :D

Tất nhiên, cũng có nhiều tiếc nuối trong chụp ảnh như bọn tớ định đi lên miền Bắc chụp hoa Cúc quỳ vào tháng 10 và nếu có thể thì đi miền trung chụp biển nữa nhưng đều tan tành thành mây khói. (Nếu được làm lại, chắc tớ muốn đi chụp ảnh ít nhất là 2 ngày) :D. Nhưng dẫu sao, cũng khá là hài lòng với bộ ảnh mà tớ đã có được.

Về các ảnh viện, tớ cũng có tham khảo vài nơi và suýt định chọn Nency để chụp ảnh. Thấy có Thanh Hằng làm khá hiện đại, nhưng đợt này đang ưa tông nước dưa, màu sắc không được tự nhiên cho lắm, Phượng Anh thì tớ nghe kêu ca nhiều về trang điểm, nên cũng không biết thế nào. Juliet thì siêu đông khách, nhưng cũng lắm bàn ra tán vào, nói chung là đằng nào cũng nên mất công chọn lọc và đi tham khảo dựa trên ngân sách của mình. Một số chỗ tớ rất thích như ảnh của Jun đất và Nghiêng Studio nhưng quá đắt và mọi người cũng bảo là xem đến 3 bộ thì về mặt ý tưởng là giống nhau. Cũng đơn giản để giải thích vì mỗi mùa cưới người ta không thể nghĩ là 100 cuốn album khác nhau cho 100 cặp cô dâu chú rể được.

Ưu điểm của chụp ảnh ở Ảnh viện là bạn không phải lo lắng và bận tâm về việc ra đời album nhiều lắm. Đặt tiền, đặt ngày, đợi, mang người đến và chụp. Các thợ ảnh cũng sẽ đạo diễn cho bạn luôn, khỏi cần nghĩ nhiều về tư thế. Nhưng nhược điểm là sẽ rất dễ bị trùng lặp với vô số các cặp khác và nhạt. Nếu các bạn định sử dụng dịch vụ của ảnh viện, muốn khác đi thì tốt nhất hãy nghĩ cho mình 1 kịch bản của cuốn album và đề xuất ảnh viện thực hiện theo mình.

Về cơ bản, có thể bạn sẽ tuyệt đối hài lòng với bộ ảnh của mình, có thể không hẳn, nhưng khi nó đã ra đời rồi, nếu không được như ý thì hãy nghĩ đó là một album ghi lại những thời khắc, xấu hơn hay đẹp hơn thì cũng chỉ mang tính sự kiện mà thôi.

Phần tiếp theo sẽ là: "Kế hoạch cưới xin"

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Kế hoạch cưới xin

Lúc này là lúc phải lên một To-do-list các công việc cần làm trước và cho lễ ăn hỏi. Từ việc nhỏ như con kiến đến việc to như con voi. Từ việc mua cái phong bao lì xì, pháo hoa, rượu sâm panh, đội ngũ hỗ trợ, người giúp từng việc một, thời gian, chi phí ước tính cho từng việc. Sau khi xong thì ghi lại về số tiền thực chi để dễ quản lý ngân sách.

Tớ có 1 bản kế hoạch cưới xin khá là cụ tỷ do tham khảo và kinh nghiệm thực tế bản thân. Bạn nào cần thì Pm hoặc comment địa chỉ email cho tớ, tớ sẽ gửi cho. Tuy nhiên, mỗi đám cưới có 1 đặc điểm khác nhau, nên các to-do-list của các cặp khác chỉ mang tính chất tham khảo, nên dựa theo tình hình cụ tỷ để xây dựng kế hoạch cho thích hợp.

Quan trọng nhất trong việc xây dựng kế hoạch là nhằm kiểm soát thu chi của đám cưới. Sau tên mỗi đầu việc và người thực hiện, nên có cột dành cho xiền tiêu và các khoản cụ tỷ. Cố gắng sau mỗi đợt tiêu phải ghi lại ngay kẻo dễ quên vô cùng vì có quá nhiều đầu mục mua và không thể nhớ nổi.

Kế hoạch cũng giúp cho các cặp kiểm soát được cái gì là “thật sự cần thiết” để mua, cái gì là “cần nhưng có thể để sau” được nhằm để dành xiền cho những ưu tiên cao hơn, vì đảm bảo khi bạn đi lùng mua hàng, bạn sẽ thấy 1 tỷ thứ thú vị và hấp dẫn đều muốn ôm về nhà. Nhưng đến khi về nhà ở mới thấy cái gì là thực sự cần phải có.

Tuy nhiên, cô dâu cũng cố gắng mua những thứ hằng ngày cần dùng nhất, hoặc chuyển dần những “nhu yếu phẩm” về bên nhà mới vì cô dâu mới về nhà chồng, mà vừa lạ nhà, vừa không có đẩy đủ những thứ mình cần thiết thì dễ có cảm giác chán nản ngán ngẩm. :D

Bên cạnh đó, cũng cần lên danh sách nhưng người nằm trong đội hỗ trợ và nhờ vả công việc nhiệt tình. Ai sẽ hộ việc hoa, ai lo bánh kẹo, ai tiếp khách, ai đón khách, xếp mâm, ai cầm nhẫn, ai bắn pháo… và có nhờ vả phân công công việc cụ tỷ đến từng người một. Mọi việc tuy bé, nhưng thiếu đi 1 mắt xích thì lắm lúc cũng lôi thôi và mất hứng to. Ví dụ như quên nhẫn chẳng hạn. :D. Kinh nghiệm cho thấy là ở mỗi nhà trai và nhà gái nên có 1 đội ngũ hỗ trợ và có mama tổng quản. Đội ngũ không cần đông, khoảng 3, 4 người, nhưng đặc biệt là phải có 1 người cứng cáp để đứng ra quản lý, giao đầu việc cụ thể cho những người còn lại. Người tổng quản chỉ loanh quanh bên cạnh cô dâu chú rể đề phòng có việc phát sinh và biết ngay đầu mối để xử lý.

Một chuyện cũng khá là quan trọng là trước khi cưới khoảng 1 tuần nên có một kế hoạch đầy đủ, chi tiết về các sự kiện diễn ra hôm cưới. Làm như Agenda của 1 cuộc họp í, sau đó in ra 4 bản, chia cho 2 người tổng quản ở 2 nhà mỗi người 1 bản. 1 bản dùng để review với bố mẹ và các bậc cần thiết trước hôm cưới. Cái này vừa có chức năng lên chương trình, vừa nhắc cho bạn cần làm gì, như thế nào, vào lúc nào, ở đâu và kiểm soát thời gian tốt nhất ở mức có thể.

Bọn tớ cũng làm 1 cái Agenda kiểu này, nhưng hôm trước cưới tớ quên không review, thế là cũng dính mấy phốt, may mà không ảnh hưởng gì lắm.

Túm lại 1 điều là, kế hoạch là cần thiết, càng chi tiết càng tốt.Chi tiết bao nhiêu thì cô dâu chú rể sẽ đơn giản hơn cho các công đoạn tiếp theo bấy nhiêu.

Phần tiếp theo sẽ liên quan đến Ăn hỏi và những điều cần làm ạ. :D

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Những lưu ý trước lễ ăn hỏi

Từ phần 1 đến phần 4 chủ yếu là những phần liên quan đến “hội”, và cô dâu chú rể có thể chủ động quyết định được. Còn những phần như cưới và ăn hỏi là liên quan đến phần “lễ”, có dính líu người nhớn vào. Nên tình hình có đơn giản cũng trở nên khá là phức tạp nếu không thống nhất được cụ tỷ giữa 2 bên. Cô dâu chú rể phải hết sức lưu ý điều này.

Có một kinh nghiệm quý báu được rút ra là: Với tất cả những chuyện liên quan đến người lớn, 2 đứa phải thống nhất trước, sau đó trao đổi với bố mẹ 2 bên, và bố mẹ 2 bên chỉ nói chuyện với nhau trên tình thần thống nhất cao độ theo kế hoạch đã được các con phím trước. Ví dụ, lễ ăn hỏi sẽ gồm có 3 phần: Phần 1, nhà gái giới thiệu thành phần, phần 2, nhà trai giới thiệu thành phần và phát biểu, phần 3, nhà gái phát biểu và nhận trầu. Thế là xong. Rồi cô dâu thông báo cho nhà là chương trình như thế có được không? Ngần đấy mâm lễ có được không? Ngần đấy tiền đen có được không? Sau khi được thì chuyển nhời cho chú rể, chú rể sẽ lon ton báo với bố mẹ mình. Việc cuối cùng là bố mẹ chú rể và cô dâu gặp nhau (hoặc điện thoại) để nói chuyện và thống nhất với nhau vì nhà nào cũng biết và cũng được thỏa mãn.

Có 1 lưu ý nhỏ là để tránh những trường hợp có vẻ không hiếm gặp, 2 nhà chỉ nên thỏa thuận là 1 nhà đi xem và quyết định ngày giờ ăn hỏi, đón dâu, làm lễ… Vì rất dễ có trường hợp không trùng nhau và gây khó khăn cho cả 2 nhà, đặc biệt là cô dâu chú rể. Xác định tư tưởng cho các cụ là bố mẹ nào cũng thương con mình cả và chắc chắn sẽ đi xem mấy nơi để tìm ngày đẹp nhất nên tin tưởng là thượng sách, tránh tranh cãi về sau.

Sơ sơ xung quanh tớ đã thấy ít nhất 2 đôi, 1 đôi thì trục trặc mãi gần 2 năm sau mới cưới chỉ vì bố mẹ cô dâu bảo: “Về bảo bố mẹ anh là cưới ngày đó thì cưới, không thì thôi”, rồi chú rể cắp đik ra về. Một đôi khác thì nhà cô dâu bảo: “Ngày nhà bên đó chọn là ngày xấu nhất trần đời”, còn nhà chú rể bảo: “Chưa từng thấy ngày nào xấu hơn ngày nhà cô dâu chọn” và đến bây giờ vẫn chưa biết chọn hôm nào.

Các phần việc phải được làm rất chi tiết và thông báo cực kỳ chi tiết đến các cụ. Vì tính các cụ đa số là đại khái, không cụ thể chi tiết theo kế hoạch như mình quen làm (trừ bố mẹ chồng iem). Ví dụ, số lượng người sẽ đi đến nhà cô dâu? Ai là người phát biểu? Ai là người giới thiệu? Đặt mấy mâm lễ? Chè thì mấy kg, bánh cốm bao nhiêu cái, ai là người lo các đầu việc…. Nghĩa là càng chi tiết cụ thể bao nhiêu thì càng tránh bỏ sót lẫn lộn bấy nhiêu.

Nhà tớ kết hợp 3 lễ một lúc: Ăn hỏi, định ngày xin cưới và nạp tài cùng một hôm do điều kiện đường xá xa xôi, nên phần lễ có nhiều thứ phức tạp hơn. Cái này 2 nhà phải chủ động đưa ra đề xuất và ngồi bàn bạc cùng nhau. Sau khi thống nhất sơ bộ và đi vào chi tiết thì con cái sẽ làm cầu nối thông tin để đi đến quyết định cuối cùng.

Về chỗ đặt đồ lễ ăn hỏi thì tớ không có nhiều kinh nghiệm lắm, vì anh chồng tớ đặt của nhà quen. Nói chung là bánh cốm thì cứ Nguyên Ninh với An Ninh là được, còn cứ tìm nhà nào trông có vẻ chuyên nghiệp 1 tý là cũng giông giống nhau cả thôi í mà, cùng lắm là đắt hơn 1 tý với rẻ hơn 1 tý. Suýt tớ định chọn hàng gần nhà để làm cho có cơ hội ra kiểm tra kiểm soát và vận chuyển đi lại cũng dễ dàng hơn.

Còn nếu nhà dâu rể cách xa nhau quá, thì có khi nhà cô dâu đặt hết lễ ở gần nhà mình, nhà chú rể đi vào đến trong gần nhà cô dâu thì lấy lễ, xếp lễ ,mang đến cho vừa chắc chắn vừa đẹp đẽ. Đại khái thế.

Trong phần lễ ăn hỏi thì ngắn nhất nhưng quan trọng nhất là lúc phát biểu ý kiến, vì có quan viên 2 họ 2 bên, và mọi người nghe rất khắt khe và nghiêm trang, nên lúc đó phải tránh tối đa những sai sót dù là nhỏ nhất. Nhà tớ bố chồng tớ đến phát biểu, nói theo lối quy nạp là “Hôm nay gia đình đến có 3 phần lễ và 3 phần việc như sau” rồi mới xin thưa từng lễ một, đưa từng lễ một, sau đó đã bị trách là “Ai lại nói gộp 3 lễ như thế”.Đấy, nói chung là vô cùng phức tạp.

Một lưu ý trong phần ăn hỏi nữa là ảnh ót. Thứ nhất là nhà trai nên dừng lại trước nhà gái 1 khoảng cách để xếp mâm bày đội bê lễ để đi bộ 1 đoạn vào nhà gái để chụp ảnh cho đẹp và hoành tráng, rồi ảnh ót các sự kiện cũng nên chụp cho đầy đủ. Nếu như bạn nhờ bạn bè chụp ảnh, thì phải dặn bạn bè là lúc cần chụp thì phải đề nghị cả nhà “dừng hình” để chụp ảnh để sau này khỏi tiếc vì ít ảnh đẹp.

Về lễ ăn hỏi, nói ra thì ít, nhưng việc lắt nhắt cũng nhiều, kinh nghiệm thì lúc nhớ lúc quên, nên có thể chưa kểđược hết. Chỉ nhắc mọi người là cố gắng càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt và cố gắng làm cầu truyền tin và người đàm phán tốt để đạt được sự thống nhất cao và hài lòng của 2 bên các cụ.

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Những việc nhỏ không thể bỏ qua

1.Thiếp cưới

Tớ rất thích thiệp của Song hỷ vì nó quá đẹp, đúng kiểu cách và chất lượng in + chữ đều rất tốt.

Nhưng tớ đã không chọn thiệp Song hỷ vì nó quá… đắt. Sau khi thấy các chị nhòm thấy cái thiệp, đọc lướt qua lấy thời gian và địa điểm thì quẳng toẹt vào thùng giác luôn. Giá trị sử dụng và vòng đời quá ngắn ngủi của nó khiến tớ quyết định sẽ dùng cái thiệp với giá rẻ nhất với hình thức có thể chấp nhận được để in thiệp cưới. Sau khi lượn 1 vòng Song hỉ và Uyên Ương, tớ về Ngã tư sở quyết đại 1 hàng, chọn 1 kiểu theo tiêu chuẩn là phải giống hình cái phong bì bên ngoài cho lịch sự, màu kem, in, hết 1,8K/cái, rẻbằng 2, 3 lần so với những cái thiệp tớ thích nhưng đáp ứng yêu cầu. Thế là xong.

Bọn tớ không mời mọi người đến dự đám cưới ở nhà trên thiệp cưới (Với ai cần mời thì sẽ mời miệng riêng), mà chỉ mời đến dự tiệc ở khách sạn. Thời gian, địa điểm và giấy mời chỉ hết 1 mặt, còn 1 mặt bọn tớ thiết kế in thành chương trình từ khi đón khách ở khách sạn đến lúc cuối là quay phim chụp ảnh. Cụ thể là: 11h-11h30: Đón tiếp khách mời; 11h30 – 11h40: Tổ chức lễ cưới; 11h40 – 11h45: Khai tiệc; 11h45 – 13h30: Dự tiệc và Chụp ảnh lưu niệm. Ai nhận được thiếp cưới cũng trầm trồ về phần Nội dung chương trình này lạ và thú vị. (Không biết là trầm trồ thật hay đùa). Cái này cũng cho mọi người nắm rõ thời gian, lịch trình đến dự lễ cưới hơn.

Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn chuẩn bị đi in thiếp, thì tớ nghĩ là tốt nhất nên in cái rất vừa tiền thôi, đừng bị ham đẹp hay kiểu cách, vì thiếp cưới của bạn có đẹp như một bức ảnh, thì cũng có rất ít người lưu lại, vì nó không phải là bức ảnh của khách mời, mà là ảnh của bạn.

Thêm một lưu ý hết sức quan trọng, là mọi người in ở chỗ rẻ tiền thì dứt khoát phải check thật kỹ lưỡng lỗi chính tả khi duyệt market của thiếp, không như “Trúc Bạch” thì thành “Chúc Bạch”, “Lưu niệm” thì thành “Lưu liệm”. Nhà tớ đã bắt cửa hàng in lại toàn bộ thiếp vì những lỗi chính tả ngớ ngẩn này.

Cô dâu chú rể cũng đừng đặt quá nhiều thiếp, vì bây giờ mọi người gọi qua điện thoại là chính, thiếp không còn được sủng ái lắm nữa. Vì vậy cũng nên lên danh sách những người cần đưa thiếp và in thôi, lại tiết kiệm được 1 khoản.

Cần lưu ý là, thiếp cho mình khác, cho bố mẹ khác, ở quê khác. Nên trước khi đi in cũng phải nắm chắc chắn thời gian địa điểm, lịch và market cho cả 3 loại thiếp.

2.Phông cưới

Rất là chán khách sạn Thắng Lợi là, nó chả cho mình 1 tý dịch vụ add in nào, thành ra phải tự lo và trang trí hết, từ font đến sâm panh mời bố mẹ và vang nổ. Phông cưới treo ở khách sạn thì bọn tớ đặt ngay ở khách sạn lo cho (cho đơn giản, đỡ mất công cử người lên trông chừng việc treo phông). Còn ở nhà trai và nhà gái, tham khảo mạng mẽo chán chê, cuối cùng tớ quyết định đặt 1 chỗ ở gần nhà (và thấy nó rất là sáng suốt) vì cực tiện cho việc đi đặt, đi lấy và đi trả, mà lại cũng rất ưng ý. Vì mẫu là chung rồi, chỉ cần chọn cái phông mới mới 1 tý, trông sạch sẽ đẹp đẽ, dán chữ xốp bọc kim tuyến là thấy long lanh ngay. Mỗi bộ phong đầy đủ hết 300K tiền cắt xốp và 50K tiền thuê phông. Tớ bớt đi chữ “hỉ”, vì cả 2 vợ chồng đều ghét chữ hỉ, và thêm bớt 1 số, thay thế 1 số họa tiết vào, thế là còn 300K/font cả chữ cả nền.

Về màu của phông, nên thuê font nhung màu đỏ tịm tịm 1 tý, đừng thuê màu tươi, tuyệt đối không thuê phông màu xanh vì lên ảnh cực xấu.

Túm lại về phông bạt cưới là gần nhà, mới. Thế là vừa xinh.

3.Đồ trang trí cưới

Có đèn lồng, các loại dây dợ hầu hết bán ở chỗ bạn đặt lễ ăn hỏi hoặc thuê phông bạt, hỏi nó cần trang trí, kiểu gì cũng được tư vấn nhiệt tình tối đa.

4.Cô dâu chú rể nhỏ:

Nếu bạn có khoản này, nên lên kế hoạch về việc nhờ các cô dâu nhí và chú rể nhí. Dặn hôm đấy cho các cháu mặc đẹp và chuẩn bị đội ngũ đội hình. Thỉnh thoảng cũng phải nhắc nhở lại bố mẹ về việc đã nhờ từ trước. Nên chọn 2 đôi, 1 là để cho đông vui, 2 là để back up trong trường hợp 1 đôi bỗng dưng bị ốm hoặc không đến đúng hẹn. Đám cưới tớ thì có 3 đôi liền, còn muốn tất cả bọn trẻ con được dung dăng chạy theo cô dâu chú rể, nhưng lúc đó không điều khiển được.

Mỗi cô dâu nhỏ đều có một vòng hoa hồng baby kết với lưu ly, còn chú rể nhỏ có thể mặc vét hoặc vét đuôi tôm. Đồ này có thể thuê được ở các cửa hàng váy cưới, hoặc mua đứt bán đoạn tại các cửa hàng trẻ con. Có 1 cửa hàng chuyên đồ trẻ con ở Nguyễn Chí Thanh, qua ngã ba Nguyễn Công Hoan 1 tẹo, ở bên cạnh hiệu thuốc, hình như đối diện với Hồ Ngọc Khánh thì phải, có cả váy và vét phù dâu quanh năm.

Về nghỉ tết với bố mẹ ông công ông táo thôi. Còn gì thì phần sau post tiếp!

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

_Sẵn sàng về tinh thần và thể chất

Cưới xong thì tớ hình dung ra rằng: Đằng sau cái từ “cưới” nghe có vẻ lãng mạn và đẹp đẽ ấy là cả một núi công việc. Các bậc phụ huynh nhà tớ thì nghĩ đơn giản là cưới ở khách sạn thì chỉ cần mời người ta đến khách sạn, ăn xong rồi đi về, thế là xong, chả phải nhúng tay làm việc gì. Nhưng để cả cái tập thể mấy trăm người ấy chịu ngồi vào khách sạn, có sẵn người tiếp đón, sẵn nước, sẵn trà, sẵn rượu, sẵn đồ ăn, sẵn hoa quà, sẵn đàn ca sáo nhị trong cùng gần 1 thời điểm là cả một vấn đề long óc.

Tính toán khách mời là 1 trong những việc không thể không đau đầu của mỗi cặp. Làm thế nào để không thừa không thiếu, hoặc thiếu không quá nhiều, thừa in ít thôi (nếu có). Tính xem khách nào sẽ đến, khách nào không (nhưng vẫn phải mời). Khách nào đến một người, nhà nào đi cả 4. (Lúc đầu tớ định in trên thiệp mời là “Mần ơn confirm sự có mặt”, nhưng nghĩ thế chắc chả ai đến nữa, nên lại thôi. Định hỏi bằng miệng, nhưng cũng có những người ngại, rồi thôi. Đại khái thế. Bọn tớ không mời quá rộng, mời trong phạm vi đối tượng là cố gắng là mời khách nào thì họ cũng đến, nhưng tất nhiên, vẫn phải trừ hao, và một số phát sinh khác.

Lập tên, tuổi, địa chỉ vào file excel, ước lượng số người đến, cộng tổng và tính số mâm, review lên review xuống, bọn tớ mới thống nhất được số mâm và ước chừng sát nhất số người đến. Rất may là cuối cùng khách vừa đủ mâm, không thừa không thiếu bất cứ 1 mâm nào, khách sạn tấm tắc khen chúng tớ căn chuẩn ác liệt, và có những điều khá bất ngờ. Có người mình mời nghĩ không đến thì lại đến cả nhà, có những người nghĩ chắc chắn họ đến thì chả thấy mặt mũi đâu. Nói chung phải có sân siu, nhưng tớ không ngờ vừa khít thế!

Trước hôm cưới, cô dâu chú rể cố gắng bố trí công việc, tận dụng bạn bè. Cũng nhắc nhở các bạn nếu có “bạn bè thân thiết” thì cũng chịu khó góp tay góp sức góp sự nhiệt thành để hỗ trợ cô dâu chú rể. Đặc biệt là trong ngày trước khi cưới, vì thời điểm đó là thời điểm cô dâu chú rể bỗng dưng thấy hoang mang, bỗng dưng cần 1 khoảng lặng, và bỗng dưng cực kỳ cần 1 sự chia sẻ.

Buổi chiều hôm trước cưới tớ tha thẩn đi mua mấy thứ linh tinh kiểu cặp tóc, dây buộc tóc ở khu phố tớ ở, rồi đi gội đầu đắp mặt, thấy trống rỗng cực kỳ. Tớ thề, chả biết có cô dâu nào như tớ không? Không phải vì cảm giác nuối tiếc hay gì gì cả, mà cứ lang bang hoang hoải vậy thôi. Chắc là cảm giác trước 1 sự kiện lớn của cuộc đời mình.

Tối đến có các bạn đến chơi, cùng cả nhà treo phông bạt, các bạn lớp tiếng Anh của tớ còn cùng đi ăn ốc, ăn chè, tán gẫu, chia tay thời độc thân của tớ. Cái Nhom thì sau khi nấu nướng rửa bát phục vụ gia đình xong thì ngồi ôm cái máy tính xử lý vụ máy bay đi Mẽo. Huyền rùa thì ôm cái đầu từ 7h tối đến 12h đêm để ngày mai diện đẹp đi ăn đám cưới bạn, còn chú rể thì hì hụi chạy long tóc gáy và bó hoa cưới cho cô dâu!J

Nói chung, cô dâu chú rể nên giữ cho mình 1 khoảng lặng để lấy lại cân bằng, để hít thở đều trước khi cuộc sống thực sự bước sang 1 trang mới.

Buổi tối trước khi cưới, cô dâu, chú rể nên ngồi lại với gia đình, review lại kế hoạch (trong phần trước tớ đã nói) để xem lịch trình cụ thể diễn ra thế nào? Ai sẽ là người cầm chương thời gian, ai là người phát biểu, bao nhiêu người đi đón dâu... Phần này làm càng tốt bao nhiêu thì đám cưới sẽ càng suôn sẻ bấy nhiêu.

Việc cuối cùng trong lễ cưới là chụp ảnh. Cố gắng có ảnh thật đầy đủ với các nhóm bạn đến chơi, đặc biệt là gia đình nữa, không thì sẽ rất lấy làm tiếc trong lúc ấy. Nói thì đơn giản, nhưng tụ tập được không phải dễ đâu nhé, đặc biệt là trong buổi lễ, thì anh chị em phải là những người lăng xăng vất vả nhất, nên tìm thấy người này lại không thấy người kia nữa.

Entry cuối cùng tớ muốn chia sẻ sẽ là về Tuần trăng mật. Kết thúc nợ đồng lần của năm trước từ những kinh nghiệm cưới xin mà tớ đã trải qua.J

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Trăng mật

Trước khi nói về chuyện trăng mật, tớ xin nói thêm 1 chút về chuyện hoa cưới và xe cưới. Tại cái này nhà tớ được chị bạn chồng lo hộ nên không phải lo và không tốn kém nên quên mất, nhưng cũng có chút chút kinh nghiệm nên chia sẻ với mọi người. Xe cưới và hoa cưới cũng là 1 khoản khá tốn kém, nên bạn nào có bạn bè đi ô tô 4 chỗ trông ngon nghẻ thì nên tận dụng tối đa. Bạn tớ đặt hoa lan vàng + trắng + xe cưới (Camry đời bao nhiêu tớ không biết) mà hết tới 3Mb lận. Hự hự. Cái này mọi người có thể xem xét nhiều nơi để khảo giá, rồi chọn chỗ phù hợp. Nhưng nếu có sẵn xe thì có thể lên số 10 Nguyễn Khuyến, hoa đẹp và rất tươi. Còn 1 địa chỉ khác mà tớ mua hoa hôm đi chụp ảnh (bó hoa Rum trắng rất đẹp và bó tử tế) hết có đâu 120K hay 150K gì đó. Cửa hàng hoa Ngọc Lan đường Kim Mã (Ngay Ngã tư Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh). Ở đó có catalog, mình có thể xem và chọn hoa. Giá cả ổn (có thể mặc cả nhé, nhưng không giảm lắm) và chất lượng hoa cũng ổn, nói chung là nên đặt trước. Còn thì có thể xem thêm một số mẫu trông khá tâytrên hoacuoi.vn để mang ra hàng nhờ bó (chỉ sợ không có hoa).

Quay trở lại chuyện trăng mật. Nhiều đôi băn khoăn việc đi hay không do nhiều lý do: công việc, thời gian, xiền bạc… Tớ mới vào làm ở công ty mới chỉ được có mấy tháng là cưới, nhưng tớ vẫn quyết định nghỉ phéng 2 tuần (kết sạch phép của năm mới luôn) vì: Công việc thì mình có cả đời để làm, còn cưới thì mình giỏi lắm cả đời cũng được 1 (vài) lần thôi; nghỉ phép là quyền lợi của bạn, và chả có lý do gì để sếp bắt bạn không được nghỉ phép cả;2 là thời gian, thì chắc chắn là thanh niên son trẻ sẽ rảnh rang hơn cặp vợ chồng 1 nách 2 con rồi; xiền thì tất nhiên là đi trăng mặt sẽ sau khi cưới, mà sau khi cưới thì phong bì đám cưới vẫn còn nóng hôi hổi ra đó, kiểu gì chả có xiền để đi. Với lại, tớ vẫn tin là đi trăng mật ngay sau khi cưới nó có cảm giác khác hơn rất nhiều so với vợ chồng đã cũ gỉn gìn gin rồi. (Lúc đó thành đi chơi, không thành đi trăng mật nữa). Với lại, ngộ nhỡ, vừa cưới xong khoảng tháng cô dâu dính bầu, thế thì việc đi chơi hoãn vô thời hạn, vì lúc đó chắc còn lâu chồng mới cho đi (chưa tính bố mẹ chồng và bố mẹ mình nữa). Cho nên nói gì thì nói, tốt nhất là nên đi trăng mật ngay sau khi cưới, (nếu có thể). Tất nhiên đó cũng là cảm giác chủ quan của tớ, cũng tùy vào điều kiện, thời gian và hoàn cảnh khác nhau của mỗi cặp đôi để tự quyết định.

Bọn tớ đi Nha Trang – Đà Lạt trong 1 tuần, vé đặt trước khoảng 3 tháng (vì có đợt giảm giá), chỉ có 1 rắc rối duy nhất là nếu đặt vé giá rẻ, lại đặt cách quá xa thì phải làm theo đúng kế hoạch vì dứt khoát không đổi, không hủy, không hoàn vé gì hết. Bọn tớ đặt vé giá rẻ chỉ có 1,5Mb/2 người chiều đi. Chiều về vì không muốn gò thời gian nên mua sau (1,5Mb/người). Nói chung, tớ không có lưu ý đặc biệt gìvề địa điểm và thời gian đi trăng mật, vì nó tùy thuộc và mỗi cặp, chỉ lưu ýlà mình nên tự đi lấy, không book theo tour, vì đi vừa được như ý của mình, cũng đi được nhiều điểm mà không phải chạy sô như đi tour. Đến thành phố nào thì cũng nên mua 1 cái bản đồ, thuê xe máy chạy khắp nơi. Đặc biệt lưu ý trước khi đi thì cô dâu chú rể phải google để tìm hiểu về của ngon, vật lạ, địa điểm ăn chơi nơi mình đến (làm việc này cùng với những việc chuẩn bị cưới vì cưới xong chắc chẳng ai làm được), thế là yên tâm lên đường.

Thật ra mọi chuyến đi thú vị phần nhiều là do người đồng hành và tâm trạng của mình khi đi, đi đâu không quan trọng lắm, nhưng miễn là có một thời gian tách khỏi cuộc sống hằng ngày, để nghỉ ngơi sau một thời gian không ngắn nhiều mệt mỏi.

Cuối cùng thì chúc các cô dâu chú rể có được 1 đám cưới ưng ý, nhưng quan trọng hơn là sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc với nhau. Đám cưới cũng chỉ là 1 sự kiện mà trôi đi thì mọi người sẽ quên, cô dâu chú rể cũng không có nhiều thời gian nhớ đến, nhưng cuộc sống hằng ngày thì mới là hiện hữu và lâu dài!J

quaque
quaque
Trả lời 12 năm trước

Để đám cưới bớt phần tẻ nhạt

Nhạc cho đám cưới

Đã bảo là kinh nghiệm cưới lúc nhớ lúc quên, thành ra là hôm rồi bị các bạn nhắc mới nhớ đến 2 phần quan trọng mà tớ cũng đã phải dành nhiều thời gian và tâm sức cho chuyện này (nhưng vẫn quên).

Vì không gian ở khách sạn Thắng Lợi khá là đẹp và bọn tớ cũng muốn đám cưới bớt phần tẻ nhạt nên đã mời 1 nhóm nhạc sống đến chơi Piano, Violon, guitar và 1 cái đàn gì đó tớ không nhớ).

Có ban nhạc, bạn không phải lo tìm nhạc, chọn bài nào cho thời điểm nào nữa vì họ đã thành bài bản rồi. Phải nói là đội chơi nhạc chơi rất rất hay, rất rất hấp dẫn và cũng rất là nghệ sỹ, anh chơi nhạc chính đã học nhạc ở Nga tận 10 năm giời nên có vẻ rất là điêu luyện. Đội chơi nhạc chia làm 2 phần:

Phần chơi nhạc đón khách, những bài nhạc rộn rã tươi vui. Rất nhiều người bạn của tớ đến sớm thích phần nhạc này. Đến chú rể mà cũng muốn khiêu vũ khi nghe thấy nhạc.

Sau khi khách đến đông đủ, trước khi tổ chức lễ ở bên trong 20p, bạn phải báo với đội nhạc để họ chuẩn bị vào chơi trên sân khấu để sẵn sàng cho phần lễ.

Nhìn chung, tớ hoàn toàn hài lòng về phần nhạc này, đám cưới của tớ xong có mấy bạn hỏi xin số điện thoại của ban nhạc, bạn nào cần thì bẩu tớ nhé, vì public số điện thoại cá nhân lên đây lại không được tiện lắm. Giá cả thì tầm từ 2,5 đến 3Mb gì đó. Nói chung, chỉ cần gọi 3 cuộc điện thoại, là đã có 1 ban nhạc ngon lành cho đám cưới. Nhưng lưu ý là, không gian và âm ly, loa cũng phải phù hợp cho 1 đoàn nhạc chơi nữa.J

TRước đám cưới, nhà tớ cũng có trăn trở với Ka Loan về ý tưởng làm cho đám cưới đỡ tẻ nhạt hơn, nhờ đó, bọn tớ đã in ảnh từ những thuở xa xưa để treo thành 1 dãy trước cửa vào đám cưới.

Nội dung của bộ ảnh nhằm phản ánh 3 giai đoạn: Trước khi gặp nhau (Là ảnh lẻ, tớ một mình, chồng một mình được chọn ảnh từ năm tớ học thứ nhất và thời gian một mình ở Úc). Giai đoạn 2 là những ngày tháng chơi bời, rất may là bọn tớ hay đi chơi, hay chụp ảnh qua cả 4 mùa xuân hạ thu đông, nên bộ ảnh ở giữa là 4 cái ảnh chụp chung trong 4 mùa. Cuối cùng, là 1 cái ảnh cưới to. Ảnh rửa đơn giản như ảnh bình thường, ép mờ sẽ đẹp hơn, bọn tớ in cỡ 30 x 50 và thuê giá treo ảnh ở cổng trường Mỹ Thuật trên đường Đê La Thành đến khách sạn. (Giá treo ảnh thuê 15k/ngày).

Có 1 cái ảnh chụp đội chơi nhạc đang chơi giữa lối đi với 1 bên là dãy ảnh của tớ rất cute, nhưng không biết up ảnh lên cái plus này thế nào nên đành chịu vậy. Hic hic.

MC cho đám cưới

Bọn tớ xác định là không thuê MC cho đám cưới với bất kỳ giá nào, kể cả cho không. Vì nghe những lời trơn tuột từ các MC chuyên nghiệp thấy chả có cảm giác gì. Với lại, việc dẫn chương trình ở đám cưới không quá cầu kỳ, kiểu cách, nên bọn tớ đã nhờ anh Hải Bánh làm vụ này. Đảm bảo với người thân, MC sẽ phải cẩn thận hơn, chỉn chu hơn và riêng tư hơn cho đám cưới của bạn. Anh Hải Bánh trước hôm cưới 11h đêm còn gọi điện cho tớ hỏi một số chi tiết vì đang hì hụi viết kịch bản dẫn, hôm sau đó mặc vét đuôi tôm, thắt nơ cánh bướm, dẫn chương trình rất nuột. Nói chung, là tớ cũng thấy hài lòng và ổn.

Nên tớ cũng nên khuyên cô dâu chú rể là nếu có bạn nào dạn dĩ, thân thiết 1 chút thì nên nhờ làm MC trong đám cưới của mình, vừa có cảm giác thân mật, yên tâm và tin tưởng hơn.

Trang điểm cô dâu

Cái này tớ cũng mất tới 2 ngày để search xem ai trang điểm đẹp, nhưng phần trang điểm là phần mà tớ không được hài lòng nhất trong hôm đám cưới. Vì tớ trang điểm hơi bị đậm, và già (thấy mọi người bẩu thế), nhưng may là lên ảnh vẫn xinh.Tớ thì khuyên các cô dâu là nên nhòm thấy một cố dâu nào đó đã được trang điểm theo cách mình ưng thì xin số điện thoại và liên hệ với người trang điểm.

Căn giờ chính xác và tuyệt đối không được đi trang điểm về muộn, vì người ở nhà đợi sẽ cực kỳ sốt ruột và lo lắng. (Nhất là khi nhà trai đến rồi mà cô dâu chưa về thì buồn cười lắm).

Cô dâu chú rể cũng phải để ý, đi chào và chúc rượu nhanh chân, để quay ra cổng chào khách về. Bọn tớ đi chào chưa hết lượt thì dãy chưa đến chào được đã ăn xong và đi về mất. Sau đó đã phải chạy theo ra hành lang xin lỗi từng người 1 và quay lại vị trí để tiễn khách.

Những chuyện này là cực kỳ nhỏ nhặt với 1 đám cưới nhưng lại rất to với người đến dự đám cưới (đặc biệt là người lớn tuổi hơn, vì bạn bè thì dễ thông cảm), nên cô dâu, chú rể và gia đình phải hết sức lưu ý.

Về cơ bản là những chia sẻ của đám cưới cũng đã hòm hòm rồi. Rất nhiều bạn đọc xong kinh nghiệm của tớ bảo chẳng dám cưới nữa. Thật ra thì muốn hay không cũng đến lúc chui vào rọ thôi, càng xác định tư tưởng trước thì càng nhàn hơn trong từng khâu xử lý.

Dâu Tây Tây
Dâu Tây Tây
Trả lời 10 năm trước

Em rất tâm đắc với bài viết của chị, cực kì rõ ràng, dễ hiểu và chi tiết. Em cũng đang lên kế hoạch để chuẩn bị cưới. Tuy là em k ở HN nhưng có nhiều thứ em có thể tham khảo. Chị có thể cho em xin bản kế hoạch chi tiết cưới được k ạ? Mail em là cherry.baby170790@gmail.com

Em cảm ơn chị nhiều!