Tìm hiểu bệnh sốt phát ban là gì ?

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
Trả lời 12 năm trước

Sốt phát ban – Triệu chứng, biến chứng và cách ngăn ngừa

Đây là một bệnh trẻ em thường mắc phải. Bệnh sốt phát ban có tên Mỹ là Roseola tức là ban màu hồng. Là vì những vết nổi lên sau cơn sốt của bệnh này có mầu hồng. Còn tên tiếng Việt thì đặt theo tiến triển của bệnh: sau cơn sốt kéo dài 2, 3 ngày, thân người của em bé sẽ nổi ban.

p21791 Sốt phát ban  Triệu chứng, biến chứng và cách ngăn ngừa

Đối với người Việt Nam, những vết nổi trên toàn thân nào cũng được gọi là “ban” khiến nhiều lúc khó phân biệt những bệnh có triệu chứng này. Bệnh sốt phát ban thường được nhầm lẫn nhiều nhất với bệnh sởi, một bệnh nặng hơn nhiều.

Bệnh sốt phát ban rất thông thường, hầu như em bé nào cũng từng bị qua. Tuy nhiên, có em bị rất nhẹ, không được để ý tới, có em thì lại bị nặng hơn với đầy đủ những triệu chứng, có khi bị cả giật kinh nếu cơn sốt quá cao và bất thình lình.

Triệu chứng sốt phát ban Rubella

Thông thường, thời gian ủ bệnh, tức từ lúc tiếp xúc với siêu vi gây bệnh cho tới lúc có triệu chứng, là 1 tới 2 tuần. Triệu chứng gồm có:

  • 1.Sốt: Thường cơn sốt đến bất thình lình và cao, hơn 103 độ F (39,5 độ C). Em bé có thể bị đau cổ họng nhẹ hoặc hơi sổ mũi. Ngoài ra, em cũng có thể bị sưng hạch ở cổ. Cơn sốt thường kéo dài từ 3 tới 7 ngày.
  • 2.Nổi đỏ: Sau khi hết sốt, các em thường bị nổi đỏ, cũng có em không bị. Ban đỏ này thường gồm những điểm hay những mảng nhỏ mầu hồng. Những vết này thường phẳng nhưng cũng có thể hơi nổi cộm. Chung quanh những vết này có thể có một quầng trắng. Ban thường nổi lên ở ngực, sau lưng, bụng và sau đó lan tới cổ và cánh tay, có thể lan tới chân và mặt. Ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày.
  • 3.Các triệu chứng khác gồm có mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy nhẹ, kém ăn, mí mắt sưng…

Nguyên nhân

Nguyên nhân thông thường nhất là con siêu vi human herpes 6 (HHV6). Nhưng bệnh này cũng có thể do con human herpes 7 (HHV7) gây ra. Những con siêu vi này có liên hệ tới những con siêu vi gây ra bệnh lở miệng cold sore và bệnh herpes ở bộ phận sinh dục.

Lây Lan

Bệnh sốt phát ban lây lan qua những chất tiết ra từ đường hô hấp hay nước miếng. Thí dụ: 2 đứa trẻ uống chung một ly nước.

Bệnh có thể lây ra cho dù đứa bé bệnh không bị nổi đỏ gì cả, tức là khi nó đang bị sốt, chưa mọc ban ra, do đó rất khó tránh bị lây. Nếu con bạn đã chơi với một đứa bé vừa phát bịnh roseola, bạn nên theo dõi xem con mình có bị lây bệnh không. Tuy nhiên, nhiều khi cũng khó biết là bé bị lây bệnh từ đâu.

Bệnh sốt phát ban ít khi nào gây ra những trận “dịch” nho nhỏ như bệnh thủy đậu hay một vài bệnh của trẻ em khác.

Những ai dễ bị lây bệnh? Những trẻ từ 6 tới 12 tháng dễ bị lây bệnh nhất vì vào tuổi này, kháng thể của người mẹ truyền cho chúng từ trong bào thai đã hết mà kháng thể mới thì chưa thành lập.

Khi nào nên gọi bác sĩ

Bệnh sốt phát ban có thể gây ra sốt rất cao, hơn 103 độ F. Nếu con bạn sốt cao như vậy, nên gọi bác sĩ để có thể được khám bệnh tìm nguyên nhân của sốt.

Khi nhiệt độ lên cao quá nhanh và bất thình lình, em bé có thể bị giựt kinh. Nếu em đang bị sốt cao mà không giựt kinh thì có nghĩa là em sẽ không giựt. Do đó, ta cũng không nên quá hốt hoảng khi em bé bị sốt cao. Nếu em bị giựt kinh mà không có nguyên do gì rõ rệt , em cần được khám ngay.

Nếu em bị sốt quá 7 ngày hoặc ban kéo dài quá 3 ngày, cũng nên gọi bác sĩ.

Nếu vì một nguyên do nào đó (thí dụ như đang dùng thuốc chữa ung thư), hệ miễn nhiễm của bạn không còn làm việc tốt và bạn có tiếp cận với một người bị roseola, bạn cũng nên gọi bác sĩ của mình vì trong trường hợp này, bạn có thể bị bệnh nặng hơn là em bé.

Bệnh sốt phát ban đôi khi cũng rất khó phân biệt với những bệnh nhiễm trùng khác vì triệu chứng sơ khởi đều giống nhau, thí dụ như cảm, nhiễm trùng tai. Nếu bác sĩ khám em bé mà không thấy dấu hiệu rõ rệt của bệnh cảm, nhiễm trùng tai, viêm họng hay những bệnh thông thường khác, bác sĩ sẽ chờ xem em có mọc ban ra không. Bạn sẽ được chỉ dẫn chữa sốt và chờ xem có ra ban không. Tính chất của ban sẽ khiến bác sĩ định bệnh được.

Biến chứng của bệnh sốt phát ban Rubella

Như trên đã nói, em bé có thể bị giựt kinh nếu nhiệt độ tăng nhanh bất thình lình. Nếu bị giựt kinh, em sẽ bất tỉnh, tay chân giựt, mắt trợn lên khoảng vài phút. Nên cho em đi khám bệnh ngay. Nhưng cũng may mắn là chứng giựt kinh do sốt cao thường không gây ra tai hại gì cho em cả.

Ngoài chuyện giựt kinh, sốt phát ban ít khi gây ra biến chứng nào đáng kể. Nếu không có bệnh gì khác, thường là trẻ em và người lớn bị sốt phát ban sẽ bình phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, những người có hệ miễn nhiễm bị yếu đi, thí dụ như những bệnh nhân sau khi được ghép tủy hay cơ quan khác, có thể mắc bệnh sốt phát ban mới hay bị bệnh cũ tái phát. Trường hợp này, họ sẽ bị nặng hơn và lâu bình phục hơn. Họ cũng có thể bị biến chứng sưng phổi hay viêm não, rất nguy hiểm.

Ngăn ngừa bệnh

Không có thuốc chích ngừa bệnh sốt phát ban. Do đó, cách tốt nhất để con bạn không bị bệnh là tránh tiếp xúc với một em bé đang bị. Nếu con bạn đang bị bệnh, nên giữ em ở nhà, cách xa các trẻ em khác.

Đa số chúng ta đều đã có kháng thể chống bệnh vào tuổi bắt đầu đi học, khiến tránh được bệnh lần thứ nhì. Nhưng dù vậy, khi trong nhà có người bị bệnh này, cả nhà nên rửa tay kỹ thường xuyên để tránh lây lan bệnh cho những người chưa bị.

Người lớn nào lúc nhỏ chưa bị thì có thể bị lây bệnh nhưng thường chỉ bị nhẹ thôi, tuy họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Tự săn sóc

Thường thì chúng ta không cần làm gì cả, chỉ chờ cho hết bệnh. Tuy nhiên, sốt cao có thể làm cho em bé khó chịu, cha mẹ có thể cho em uống thuốc acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil, Motrin..) để giảm bớt sốt. Không nên cho em uống aspirin vì có thể làm em dễ bị chứng Reye’s syndrome là một bệnh nặng. Nên cho em bé uống nhiều nước, nằm nghỉ.

Trần Hồng
Trần Hồng
Trả lời 12 năm trước
Sốt phát ban và cách ngăn ngừa.

Phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Khoảng thời gian trước khi bị phát ban, em bé sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, rõ ràng nhất là biểu hiện quấy khóc. Sau đó bé sẽ bị sốt, sổ mũi, ho, nhiều bé còn bị thêm tiêu chảy, vài ngày sau cơ thể bé sẽ xuất hiện những chấm đỏ toàn thân.

Bệnh chỉ nguy hiểm khi hiểu sai cách chữa trị và dẫn tới biến chứng. Phát ban ở trẻ nhỏ thường có những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, nặng hơn sẽ là viêm não.

Làm gì khi bé bị sốt phát ban?

Sốt phát ban có thể điều trị tại nhà, nhưng cách chữa trị theo kiểu khi bị phát ban phải kiêng gió, kiêng tắm, ăn tinh là một sai lầm. Trong suốt thời gian bị sốt phát ban, nếu kiêng gió, kiêng nước bằng cách hạn chế vệ sinh cá nhân cho bé, thì trước hết bé sẽ cảm thấy bức bối. Sau đó hệ quả xấu của kiêng khem là cơ thể bé sẽ khó hạ sốt, nguy cơ bị nhiễm trùng da và gặp biến chứng viêm phổi rất cao. Ăn tinh sẽ làm cho bé rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém nên khó chống chọi được với bệnh tật.

Làm gì khi bé bị sốt phát ban?

Điều trị phát ban tại nhà phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sỹ , không được tự tiện dùng thuốc và thay đổi đơn thuốc. Thêm vào đó, bé nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh để bé bị nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Chế độ ăn cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng. Bé nên ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa.

Lưu ý: Phát ban là bệnh lây theo đường hô hấp do đó khi bé bị phát ban, cần hạn chế bé tiếp xúc với nhiều người để tránh lây lan virus gây bệnh.

Bạn liên hệ 19006899 để được tư vấn trực tiếp.

Hoặc soạn tin: AZH Câu Hỏi gửi 8785


hao
hao
Trả lời 10 năm trước
Sốt phát ban thường gây ra bởi virut sởi hoặc virut Rubella. Bệnh lây theo đường hô hấp, khi hít thở chung nguồn khí với người bệnh. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, phát ban có thứ tự. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Virut sởi gây bệnh thế nào?

Virut sởi phát tán qua không khí xâm nhập niêm mạc đường hô hấp (như hắt hơi), do vậy, bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, nếu kiểm soát không tốt có thể gây thành dịch. Sau đó, vào máu (nhiễm virut máu lần thứ nhất). Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ ủ bệnh. Từ máu, theo các bạch cầu, virut đến các cơ quan đích (phổi, lách, hạch, da, kết mạc mắt...) gây tổn thương các cơ quan này và gây ra các triệu chứng lâm sàng trong thời kỳ toàn phát. Ban ở da và niêm mạc chính là hiện tượng đào thải virut và phản ứng miễn dịch bệnh lý của cơ thể. Ngày thứ 2 - 3 từ khi mọc ban, cơ thể sinh kháng thể. Kháng thể trung hòa virut. Bệnh chuyển sang thời kỳ lui bệnh.

Giai đoạn ủ bệnhkhoảng 8 - 11 ngày, bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng. Nếu là trẻ sơ sinh có thể kéo dài 14 - 15 ngày.

Giai đoạn khởi phát (viêm xuất tiết):Thông thường khoảng 3 - 4 ngày.Người bệnh đột ngột sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao. Kèm theo các biểu hiện viêm xuất tiết mũi, họng, mắt (chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt). Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sau có thể có viêm thanh quản.

Giai đoạn toàn phát (giai đoạn mọc ban):Ban mọc vào ngày thứ 4 - 6 của bệnh. Dạng ban là ban dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ là các ban dát màu hồng. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc theo thứ tự: Ngày thứ 1 mọc ở sau tai, lan ra mặt. Ngày thứ 2 lan xuống đến ngực, tay. Ngày thứ 3 lan đến lưng, chân. Ban kéo dài 6 ngày rồi bay theo thứ tự như nó đã mọc.

Cần phân biệt với các loại sốt phát ban khác

Do là sốt phát ban nên bệnh có thể nhầm với các loại sốt phát ban khác cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi như:

Rubella: phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long đường hô hấp; nhiễm enterovirus: phát ban không có trình tự, hay kèm rối loạn tiêu hóa. Phát ban do Mycoplasma pneumoniae: Sốt nhẹ, đau đầu và viêm phổi không điển hình. Sốt mò: Có vết loét hoại tử do côn trùng đốt; Phát ban mùa xuân trẻ em: Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, khởi đầu là tình trạng nhiễm khuẩn rồi có biểu hiện thần kinh, sau khi hết sốt thì ban mới mọc; Ban dị ứng: Kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan; Nhiễm virut Epstein-Barr: Hay kèm theo tăng bạch cầu đơn nhân.

Biến chứng của bệnh

Khi mắc bệnh nếu không được điều trị hoặc do bệnh nhân tự ý điều trị dẫn đến bội nhiễm và có những biến chứng như:

Biến chứng đường hô hấp:Viêm thanh quản: Ở giai đoạn sớm xuất hiện ở giai đoạn khởi phát hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Ở giai đoạn muộn do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao, ho, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều.

Viêm phế quản - phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Bệnh nặng có sốt cao, khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ. Đây là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Biến chứng thần kinh:Viêm não - màng não - tủy cấp do virut sởi.

Viêm não: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 - 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 - 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt, co giật, rối loạn ý thức: hôn mê, liệt 1/2 người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII, hay gặp hội chứng tháp - ngoại tháp, tiểu não, tiền đình...

Viêm màng não kiểu thanh dịch (do virut sởi).

Viêm tủy: Liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.

Viêm màng não mủ do bội nhiễm: Viêm màng não mủ sau viêm tai, viêm xoang, viêm họng... do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van Bogaert): Hay gặp ở tuổi 2 - 20 tuổi, xuất hiện muộn có khi sau vài năm, điều này nói lên virut sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân, ở những bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.

Biến chứng đường tiêu hóa:Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã (xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent (Leptospira vincenti) là một loại xoắn khuẩn hoại thư, gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi).

Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như Shigella, E.coli...

Lời khuyên của thầy thuốc

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Cần tiêm phòng vaccin sởi và tuân thủ đúng lịch cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Bệnh sởi do virut lây lan rất mạnh, phát tán qua đường hô hấp vào không khí, những người không có miễn dịch hoặc miễn dịch kém thì khả năng lây nhiễm cao. Do bệnh có nguy cơ lây lan cao, vì thế khi sốt chưa rõ nguyên nhân người bệnh cần được cách ly ở phòng riêng, không đến chỗ đông người. Khi có sốt cao, phải đến khám tại các cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và cách điều trị đúng.

Khi mắc bệnh lưu ý không nên nghe theo quan niệm sai lầm dân gian là phải kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn vì khi không vệ sinh cơ thể sạch sẽ rất khó hạ sốt. Kiêng ăn làm sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm khuẩn. Khi chăm sóc trẻ bệnh, có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm, lau mát thường xuyên và tăng cường dinh dưỡng bằng nhiều loại thức ăn mềm, chia nhỏ bữa ăn và tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.