Mềm sụn thanh quản ở trẻ nhũ nhi như nào?

Trả lời 16 năm trước
Ngày đăng: 17/07/2007 Ảnh:jupiterimages.comSức Khoẻ 360 - Mềm sụn thanh quản là một bất thường bẩm sinh sụn thanh quản dùng để mô tả trường hợp mô nâng đỡ các cấu trúc giải phẫu phía trên thanh quản gồm nắp thanh quản và sụn phễu chưa phát triển kịp khiến các cấu trúc này sa vào đường thở của trẻ tạo nên tiếng thở khò khè. Đặc điểm bệnh lý Mềm sụn thanh quản là khiếm khuyết bẩm sinh hay gặp nhất ở vùng thanh môn và thanh quản. Mềm sụn thanh quản chủ yếu xảy ra ở sụn nắp thanh môn và sụn phễu hoặc cả 2 cấu trúc trên. Khi sụn nắp thanh môn mềm, nó thường bị kéo dài và xếp nếp. Nếu nhìn nghiêng thì sụn nắp thanh môn bệnh lý này giống chữ omega (Ω) và được gọi là nắp-thanh-môn-hình-chữ-omega. Nếu sụn phễu bị mềm thì nó sẽ bị phình ra . Trong cả hai trường hợp thì các mô sụn nói trên sẽ phập phều và qua nội soi thanh quản sẽ thấy các sụn này bị sẽ bị ép và sa vào che lấp phần trên thanh môn khi trẻ hít vào. Nghẽn tắc đường thở trong thì hít vào như vậy sẽ gây nên một tiếng thở rít khi hít vào và có âm sắc cao gọi là tiếng thở khò khè thì hít vào. Mềm sụn thanh quản là nguyên nhân gây khò khè kéo dài hay gặp nhất ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Trẻ bị mềm sụn thanh quản dễ bị trào ngược dạ dày-thực quản (ọc sữa) do nghẽn tắc một phần thanh môn trong thì hít vào và khi trẻ cố sức hít vào sẽ làm tăng áp suất âm trong lồng ngực quá mức khiến thức ăn trong dạ dày ở khoang bụng trẻ dễ bị trào ngược lên thực quản (phần đường tiêu hóa nằm trong lồng ngực). Ngược lại, trẻ bị trào ngược dạ dày-thực quản nặng sẽ có các thay đổi về mặt cấu trúc bệnh học tương tự như mềm sụn thanh quản, đặc biệt là sưng và phình sụn phễu. Đôi khi quan sát được những thay đổi viêm ở thanh quản gọi là viêm thanh quản do trào ngược. Do bệnh thường liên quan đến sụn nắp thanh môn nên khi đặt trẻ nằm ngửa, dưới tác dụng của trọng lực sẽ làm nắp thanh môn sa vào đường thở nhiều hơn và làm cho trẻ khò khè nhiều hơn. Người ta chưa rõ nguyên nhân tại sao gây ra mềm sụn thanh quản, có lẽ do vùng thần kinh điều khiển trương lực đường hô hấp chưa phát triển. Tỉ lệ tử vong / Diễn tiến trầm trọng : Rất hiếm,có thể gây ra thiếu oxy máu và ngạt nhẹ có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Trong trường hợp nặng có thể kèm theo trào ngược dạ dày-thực quản và khi cho trẻ bú dễ bị sặc sữa hay ói ra sữa vón cục. Chủng tộc: không có khác biệt nào giữa các nhóm chủng tộc. Giới tính: không có khác biệt giữa nam và nữ. Tuổi: Mặc dù đây là khiếm khuyết bẩm sinh nhưng khởi phát triệu chứng ở tuần 4-6 sau sinh vì trẻ dưới tuổi này lưu lượng khí hít thở chưa đủ mạnh để gậy ra tiếng khò khè. Bệnh cảnh lâm sàng: • Bệnh cảnh thường gặp là trẻ bắt đầu thở khò khè khi được 2 tháng tuổi, điển hình là lúc 4-6 tuần tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện vào 2-3 tháng tuổi cho đến trước thôi nôi. • Cơn thở khò khè ngắt quãng khi hít vào. Tiếng thở khò khè lúc đầu dễ lầm tưởng là trẻ bị nghẹt mũi, tuy nhiên nó kéo dài và không có chất nhầy trong mũi của trẻ. Âm sắc của tiếng thở khò khè của trẻ có thể cao giống như tiếng rít. • Khò khè tăng khi đặt trẻ nằm ngửa, lúc trẻ bứt rứt quấy khóc, hoặc khi có viêm đường hô hấp trên kèm theo. Nhiều trường hợp khò khè trong và sau khi trẻ bú. • Trừ những lúc có viêm thanh quản kết hợp, nói chung trẻ vẫn chơi và bú như bình thường. Các triệu chứng sẽ tăng nặng trong vòng vài tháng đầu , thường là từ 4-8 tháng tuổi. Đa số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ hết các triệu chứng khi được 12-18 tháng. Các triệu chứng khác có thể kèm theo như: - Chậm lên cân - Bú khó - Ói ọc sữa - Sặc sữa - Ngưng thở - Co kéo lồng ngực khi hít vào - Tím tái - Ói ọc dịch chua trong dạ dày Chẩn đoán Chẩn đoán mềm sụn thanh quản dựa vào bệnh cảnh lâm sàng đặc trưng kết hợp với thăm khám lâm sàng và nội soi thanh quản bằng ống nội soi mềm Phân loại: Nhẹ Thở khò khè thì hít vào không có biến chứng nghẽn tắc đường thở nghiêm trọng, không ảnh hưởng trẻ bú và không có các triệu chứng khác kèm theo. Các trẻ này thường hay quấy khóc bảo mẫu nhưng không có vấn đề nào khác ảnh hưởng đến sức khỏe và thường tự khỏi sau 12-18 tháng tuối. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản nhẹ thì bạn vẫn rất cần quan tâm theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng diễn tiến xấu để kịp thời mang trẻ đến cơ sở y tế. Vừa Trẻ được xếp vào loại này khi có các triệu chứng sau: - Khò khè khi hít vào - Ói ọc sữa - Nghẽn tắc đường thở (do thanh quản mềm) - Bú khó nhưng không ảnh hưởng tăng cân đều đặn của trẻ - Có tiền sử nhập viện nhiều lần vì nghẽn tắc đường thở - Trào ngược dạ dày – thực quản (ói ọc dịch chua trong dạ dày) Các trẻ này cũng tự khỏi sau từ 12-18 tháng tuổi nhưng có thể cần phải điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Ngay cả khi trẻ được xếp vào nhóm bệnh vừa thì bạn vẫn rất cần quan tâm theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng diễn tiến xấu để kịp thời mang trẻ đến cơ sở y tế. Nặng Trẻ xếp loại này thường có thể cần phải được phẫu thuật để chữa trị. Các bác sĩ sẽ đề nghị mổ nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng sau: - Khó thở đe dọa tính mạng - Có các cơn tím tái nặng - Không lên cân được vì bú khó - Co kéo lồng ngực và cổ nặng khi thở - Cần phải thở oxy - Bệnh lý tim phổi gây ra do tình trạng thiếu oxy kéo dài Các xét nghiệm và thủ thuật để chẩn đoán Bác sĩ có thể đề nghị một hay nhiều xét nghiệm hay thủ thuật chẩn đoán như sau: 1.Nội soi bằng ống nội soi mềm Thao tác này được dùng để chẩn đoán xác định trẻ có bị mềm sụn thanh quản hay không. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mũi họng có gắn đèn và camera quan sát (laryngoscope) vào mũi hay miệng trẻ để quan sát vị trí các cấu trúc phía trên thanh môn để xem chúng có dao động phập phều hay không. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ quan sát các cấu trúc khác trong họng/thanh quản nào có thể làm cho trẻ thở khò khè. Tín hiệu hình ành từ ống nội soi sẽ được nối vào màn hình và cha mẹ của trẻ cũng có thể quan sát được. Trong lúc thăm khám, bác sĩ cũng có thể yêu cầu cho trẻ bú bình để xem trẻ có bú được dễ dàng không đặc biệt là đối với trẻ có tiền sử ói ọc hay sặc sữa. 2. Chụp X quang vùng cổ, ngực Nhiều trẻ bị mềm sụn thanh quản có thể có các nguyên nhân khác gây ra khò khè . Hình chụp X quang có thể tầm soát các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây khò khè ở đường hô hấp trên, khí quản, lồng ngực và phổi. Nếu có nghi ngờ , bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm và thủ thuật khác để xác định chẩn đoán. 3. Đo pH thực quản Có mối liên hệ chặt giữa mềm sụn thanh quản và trào ngược dạ dày – thực quản. Tất cả trẻ đều có thể nấc và ọc sữa nhưng trẻ bị mềm sụn thanh quản hay bị ói ọc sữa hơn các trẻ khác. Acid từ dạ dày trào ngược ra thực quản và vùng thanh quản có thể gây sưng viêm thêm các mô đã bị ảnh hưởng do bị mềm sụn thanh quản. Đo pH thực quản được tiến hành như sau : bác sĩ sẽ đặt một đầu dò qua mũi và đưa vào thực quản trẻ. Đầu dò gắn với thiết bị đo để ghi lại số lần dịch vị trào vào thực quản và được đo ở hai vị trí : phần dưới thực quản ngay trên chỗ tiếp giáp với dạ dày và phần trên thực quản gần vùng hầu họng. Vị trí đầu dò sẽ được quan sát bằng X quang. Bác sĩ có thể yêu cầu cho trẻ nhập viện để làm xét nghiệm này nhằm đánh giá mức độ trào ngược dạ dày (ói ọc sữa) của trẻ. Điều trị Chăm sóc nội khoa: • Trên 99% sẽ dần dần tự khỏi mà không cần điều trị, hầu như đa số sẽ hết khò khè khi được 2 tuổi. Tiếng khò khè sẽ tăng trong 6 tháng đầu sau sinh vì lượng khí trẻ hít thở sẽ tăng theo tuổi. Sau tuổi đó tiếng khò khè không tăng nữa và giảm dần rồi biến mất. Nhiều trường hợp, các triệu chứng biến mất nhưng đặc điểm bệnh học vẫn còn kéo dài cho đến lớn và trẻ có thể bị khò khè trở lại khi gắng sức hay thỉnh thoảng khi bị nhiễm virus đường hô hấp. • Nếu trẻ khò khè quấy khóc nhiều hơn khi ngủ thì có thể đặt trẻ nằm sấp và nên cẩn thận tránh đặt trẻ nằm trên nệm quá mềm và nên thận trọng vì mền gối có thể bít mặt mũi bé gây ngạt. • Khi trẻ bị thiếu oxy nặng cần phải nhập viện để đo nồng độ oxy máu. Nếu nồng độ oxy máu trong lúc nghỉ <90% thì trẻ sẽ được cho thở oxy. • Nếu trẻ vẫn bú được, chơi được, tăng cân bình thường, chỉ có thở khò khè trong 2 tháng đầu sau sinh thì không cần xử trí gì thêm. Mềm sụn thanh quản là một chẩn đoán thường gặp và bác sĩ sẽ trấn an cha mẹ của trẻ về tính chất dạng bệnh này. • Nếu chưa rõ chẩn đoán hoặc nếu cha mẹ chưa hoàn toàn yên tâm thì bác sĩ sẽ cho trẻ nhập viện để nội soi chẩn đoán. Phẫu thuật: • Đối với những trường hợp mềm sụn thanh quản nặng gây trẻ khó bú, kém tăng cân và phát triển, có thể dùng phẫu thuật. • Phẫu thuật chỉ đơn giản chủ yếu là tạo hình các cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, lấy đi những phần mô thừa gây tắc khí đạo. Rất hiếm khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị mềm sụn thanh quản. Nếu trẻ đã được phẫu thuật rồi thì vẫn nên tiếp tục điều trị trào ngược dạ dày thực quản và các bậc cha mẹ vẫn rất cần theo dõi các dấu hiệu chuyển biến xấu để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ăn uống : Không cần kiêng cữ thức ăn nào hết. Hoạt động thể chất: Không cần hạn chế hoạt động thể chất của trẻ Nhập viện: • Không cần thiết trừ khi trẻ có dấu hiệu thiếu oxy hay ngưng thở. • Nếu độ bão hòa oxy máu cao hơn 90% thì không cần thở oxy Điều trị ngoại trú: • Không cần cho trẻ uống thêm thuốc gì khác. • Tái khám theo chỉ định của bác sĩ nếu có • Vẫn tiêm phòng cho trẻ bình thường như các trẻ khác . Phòng ngừa: Bệnh này không phòng ngừa được và cũng không có yếu tố gia đình. Biến chứng: Hạ oxy máu & cần thở thêm oxy Các dấu hiệu cha mẹ nên theo dõi khi trẻ bị mềm sụn thanh quản: Mang trẻ đến bệnh viện khi có các triệu chứng sau: - Ngưng thở trên 10 giây - Thở khò khè + tím tái quanh môi - Co kéo lồng ngực và cổ không bớt khi bạn xoay trẻ lại hoặc bế trẻ lên Báo cho bác sĩ biết khi trẻ có các dấu hiệu sau: - Trẻ khó nuốt và ói ọc liên tục - Trẻ đứng hay sụt cân - Trẻ bú kém và bỏ bú giữa chừng - Trẻ có dấu hiệu sặc sữa - Trẻ khó thở khi bú