INTEL - Intel Corporation (California, USA):
Công ty hàng đầu thế giới về sản xuất các Bộ Xử Lý Trung Tâm cho Thế giới máy tính cá nhân. Được thành lập năm 1968 bởi Robert Noyce, Gordon Moore (tác giả của "định luật Moore" nổi tiếng thế giới) và Andy Grove. Intel khởi sự sản xuất sản phẩm đầu tiên là sản phẩm chip bộ nhớ tĩnh lưỡng cực 64 bit (64 bit bipolar static RAM chip) năm 1969. Năm 1971, Intel khởi sự phát triển Công nghệ vi xử lý đầu tiên dành cho máy tính bỏ túi (calculator) theo đơn đặt hàng của một Công ty Nhật Bản. Bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất cho máy tính "đa chức năng" (general-purpose machine) là bộ vi xử lý 4004 của hãng Intel. Nổi tiếng nhờ các dòng vi xử lý x86 của mình, cho đến nay Intel đã phát triển rất nhiều loại chip xử lý, các sản phẩm bo mạch và các sản phẩm hoàn chỉnh như thiết bị mạng, máy chủ...
AMD - Advanced Micro Devices, Inc - (California, USA):
Nhà sản xuất các thiết bị bán dẫn nổi tiếng như các CPU tương thích dòng x86 (x86 compatible CPU), các bộ xử lý nhúng (embedded processor), các bộ nhớ truy cập nhanh (flash memory), các thiết bị lập trình logic và các thiết bị mạng. Được thành lập năm 1996 bởi W. J. Sanders III và bảy thành viên khác, AMD là công ty đầu tiên sản xuất các bộ xử lý tương thích 386 và 486 vào các năm 1991, 1993 và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hãng Intel cho đến ngày nay với các bộ vi xử lý công nghệ mới.
TRANSMETA - Transmeta Corporation (California, USA):
Là một hãng thiết kế bộ vi xử lý được thành lập năm 1995 bởi David Ditzel. Đầu năm 2000, Transmeta trở nên nổi tiếng sau khi công bố bộ xử lý Crusoe, một CPU tương thích x86 sử dụng năng lượng pin rất ít. Crusoe được thiết kế để chạy các ứng dụng Windows và Linux trên các thiết bị cầm tay và được sản xuất bởi IBM. Linux Torvalds - tác giả sáng tạo ra Hệ điều hành Linux- sau này đã tham gia vào công ty Transmeta này.
CYRIX - Cyrix Corporation (Texas, USA):
Là một nhà sản xuất các chip CPU tương thích x86 được thành lập năm 1988. Sản phẩm đầu tiên của Cyrix là một bộ đồng xử lý toán học (math co-processor). Năm 1992, Cyrix giới thiệu dòng sản phẩm CPU tương thích 486, sau đó là dòng tương thích Pentium (6x86) và Pentium II (6x86MX). Năm 1998, Nó được Công ty National Semiconductor (USA) mua lại và hoạt động như một chi nhánh độc lập của hãng này. Năm 1999, National Semiconductor bán lại bộ phận sản xuất bộ xử lý Cyrix cho Công ty VIA Technologies Inc., một nhà thiết kế và sản xuất chipset hàng đầu.
CHIP:
Là một mạch điện tử tích hợp được cấu tạo để thực hiện một chức năng cụ thể nào đó hoặc được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các nhà sản xuất các sản phẩm điện tử cơ bản và công nghệ cao như các chip điện tử này thông thường bán sản phẩm của mình cho các nhà sản xuất các thiết bị hòan chỉnh để họ sản xuất nên các sản phẩm tiêu dùng gia đình hoặc trong các ngành công nghiệp. Ví dụ chúng ta thường nói: thanh RAM hiệu ABC sử dụng chip MT (Micron Technology Corporation - USA), RAM hiệu ABC sử dụng Chip Huyn-Dai (Huyn-dai, Korea), Modem Mercury sử dụng chip Motorola SM56 (Motorola-USA), Card mạng Repotec 10/100 Mbps sử dụng chip Realtek8139...v.v...
CHIPSET:
Là một nhóm các chip làm việc như một đơn vị độc lập để thực hiện một chức năng nào đó. Ví dụ: Modem chipset bao gồm tất cả các mạch tích hợp đảm nhận việc truyền và nhận thông tin. System Chipset (chipset hệ thống) hoặc mainboard chipset (chipset mainboard) cung cấp tất cả các giao diện kết nối giữa tất cả các hệ thống xử lý và nhập xuất trong máy tính - gọi là các hệ thống con (subsystems).
CPU - Central Processing Unit:
Bộ xử lý trung tâm: là bộ phận tính toán và điều khiển họat động chính của máy tính. Nó thường được gọi là "Processor" hoặc "Chip" (Bộ Xử lý). Trong một hệ thống máy tính, người ta thường sử dụng nhiều "Bộ Xử Lý" (processor, chip) hoặc tập hợp các bộ xử lý (Chipsets) để điều khiển các tác vụ, các card chức năng nào đó. Card âm thanh (sound card), card màn hình (Video card), hoặc mainboard... đều có các bộ xử lý (chip, chipsets) riêng để điều khiển các chức năng họat động riêng của mình... và toàn bộ hệ thống máy tính được điều khiển bởi một Bộ xử lý trung tâm (CPU). Hiện nay, nhiều người trong chúng ta dùng chữ "CPU ABC" để chỉ máy tính sử dụng CPU loại ABC. Ví dụ: "Máy tính Pentium III 800Mhz", máy tính Intel 586...v.v...
Ngoài ra nhiều người còn gọi nguyên thùng máy tính (Case) là "thùng CPU" hoặc "Cục CPU" nhưng thực ra thùng máy chứa rất nhiều thiết bị khác nhau như : ổ đĩa cứng (HDD), ổ đĩa mềm (FDD) ổ đĩa CD-ROM, Bo mạch chủ (mainboard), Bộ nhớ (RAM)...v.v...
COPROCESSOR - Bộ đồng xử lý:
Là một bộ xử lý thứ cấp được sử dụng để giúp hệ thống máy tính hoạt động nhanh hơn bằng cách đảm nhận một số công việc chuyên biệt "phụ giúp" cho CPU - Bộ xử lý trung tâm. Các Coprocessor thường gặp là Math Coprocessor (bộ đồng xử lý toán học) và Graphics Coprocessor (bộ đồng xử lý đồ họa).
MATH PROCESSOR - Bộ đồng xử lý toán học:
Mạch điện tử tích hợp thực hiện các phép tính toán dấu chấm động tốc độ cao (floating point calculations). Nó thường được tích hợp sẵn trong các CPU. Trong các máy tính sử dụng CPU Intel 386 và 486SX hoặc trước nữa, bộ đồng xử lý toán học (math coprocessor) thường là một chip riêng biệt và tùy chọn. Khả năng tính toán dấu chấm động rất quan trọng đối với các công việc tính toán thiết kế dựa vào máy tính (computation-intensive CAD). Nhiều chương trình CAD (Computer-aided Design - Thiết kế dựa vào máy tính) không thể chạy được nếu không có Bộ đồng xử lý toán học.
MMX - MultiMedia eXtensions:
Là một tập hợp mở rộng gồm 57 lệnh hỗ trợ đồ họa được xây dựng dành riêng cho CPU Intel Pentium nhằm mục đích giúp hệ thống xử lý các tác vụ đa phương tiện (multimedia operation) như âm thanh, phim, hình ảnh và modem (truyền nhận dữ liệu). MMX được thiết kế sẵn trong các dòng CPU Pentium MMX và Pentium II (các CPU Intel Pentium và Pentium Pro không có hỗ trợ MMX). Tập lệnh MMX cho phép các tác vụ được thực hiện đồng thời trên nhiều đơn vị dữ liệu khác nhau. Các đối thủ cạnh của Intel (như AMD, Cyrix, Centaur) cũng phát triển các bộ xử lý tương thích MMX của họ (MMX-compliant chips) với các bộ lệnh riêng chuyên xử lý các tác vụ tính tóan hình học và dấu chấm động cần thiết khi di chuyển các hình ảnh 3D (3 Dimension - 3 chiều) trên màn hình.
3D-NOW: Là một công nghệ tương tự công nghệ MMX nhưng được xây dựng bởi AMD.
SIMD - Single Instruction stream Multiple Data stream:
Là một cấu trúc máy tính thực hiện một tác vụ trên nhiều tập dữ liệu khác nhau.
SSE - Single SIMD Extentions:
Một nhóm gồm 70 lệnh được thiết kế thêm trên Bộ xử lý Pentium III nhằm tăng cường chất lượng thực thi các tác vụ đồ họa 3 chiều (3D graphics). Nó hỗ trợ khả năng thực hiện tính toán dấu chấm động và hình học - các tính năng cần thiết để hiển thị và di chuyển hình ảnh 3 chiều trên màn hình. Đây là tập hợp các lệnh tăng cường thứ 2 của Intel nhằm cải tiến khả năng đồ họa của các bộ vi xử lý (tập hợp đầu tiên chính là MMX). SSE còn được gọi là KNI (Katmai New Instruction) do tên mã trước đây của CPU Intel Pentium III là Katmai.
SSE2:
Là tập lệnh được thiết kế cho Intel Pentium 4. Nó tăng cường thêm 144 lệnh hỗ trợ đồ họa, truyền thông đa phương tiện và kết nối mạng trực tuyến (true multimedia and online Internet).