Hỏi về việc thực hiện BHXH tự nguyện ?

Người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì được tính chế độ hưu trí như thế nào?
loc minh tung
loc minh tung
Trả lời 15 năm trước
Theo Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH ngày 31-1-2008 của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện Luật BHXH về BHXH tự nguyện, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; NLĐ tự tạo việc làm, tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân; NLĐ làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã nhận BHXH một lần được quyền tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên hoặc nam từ đủ 55 tuổi trở lên, nữ từ đủ 50 tuổi trở lên đối với người tham gia BHXH tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Người tham gia BHXH tự nguyện mà trước đó đã có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi thuộc trường hợp nam từ đủ 50 tuổi trở lên, nữ từ đủ 45 tuổi trở lên hoặc có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ví dụ: Ông A sinh ngày 22-6-1960, tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 5-2008, trước đó ông A đã có 20 năm đóng BHXH bắt buộc và đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc. Ông được Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 61%. Từ tháng 7-2010 ông A đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng với mức thấp hơn. NLĐ là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hằng tháng. Ví dụ: Ông T đủ 60 tuổi, có 15 năm 6 tháng đóng BHXH bắt buộc và chưa nhận BHXH một lần. Ông T được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 4 năm 6 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Mức hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Ví dụ: Ông H hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi, có 35 năm 2 tháng đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau: - Thời gian đóng BHXH của ông H là 35 năm 2 tháng, số tháng lẻ 2 tháng không tính, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của ông H là 35 năm. - 15 năm đầu tính bằng 45%. - Từ năm thứ 16 đến năm thứ 35 là 20 năm, tính thêm: 20 x 2% = 40%. - Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 40% = 85%; Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông H được tính mức tối đa bằng 75%. Nếu mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện của ông H là 1.050.000 đồng/tháng thì mức lương hưu hằng tháng của ông H là: 75% x 1.050.000 đồng/tháng = 787.500 đồng/tháng.