1. Viêm màng bồ đào là gì?
Màng bồ đào được cấu tạo bởi ba thành phần: mống mắt phía trước, thể mi ở giữa và hắc mạc (màng mạch). Bệnh lý viêm của ít nhất một trong ba vị trí trên gọi là bệnh viêm màng bồ đào.
Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến trên thế giới thường gặp ở mọi lứa tuổi, bênh có căn nguyên phức tạp, thường gây ra những tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến mù loà nếu không được điều trị kịp thời hoặc không kiên trì trong quá trình điều trị.
2. Phân loại viêm màng bồ đào
Có ba loại viêm màng bồ đào:
- Viêm màng bồ đào trước, tức viêm mống mắt và thể mi.
- Viêm màng bồ đào trung gian.
- Viêm màng bồ đào sau: viêm hắc mạc, có khi là viêm hắc võng mạc.
3. Nguyên nhân của viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào là một bệnh do nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm màng bồ đào như sau:
- Do viêm nhiễm: Viêm nhiễm có thể do vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng, nhiễm trùng sau phẫu thuật nhãn khoa.
- Do nhiễm độc: từ thức ăn, hóa chất…
- Do bệnh tự miễn.
- Do chấn thương vào mắt.
- Thứ phát từ các bệnh toàn thân: Bệnh da liễu, bệnh nhiễm trùng huyết, bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống, viêm khớp thiếu niên vô căn…
- Viêm màng bồ đào chưa rõ nguyên nhân.
4. Triệu chứng của viêm màng bồ đào
Triệu chứng của bệnh viêm màng bồ đào có thể kín đáo và khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng của viêm:
– Đỏ mắt, dễ nhầm lẫn với viêm kết mạc.
– Nhìn mờ, cảm giác như nhìn qua màn sương.
– Đau nhức mắt nếu có kèm tăng nhãn áp.
– Nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay).
– Đỏ mắt hay tái phái cũng nên nghi ngờ viêm màng bồ đào.
5. Viêm màng bồ đào có nguy hiểm?
Tuy là một bệnh không lây, nhưng viêm màng bồ đào có nguy cơ gây nhiều biến chứng cho mắt. Với viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt hoặc viêm mống mắt thể mi), đáng lo nhất là tình trạng dính đồng tử hoặc bít đồng tử.
Viêm màng bồ đào nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì biến chứng để lại vô cùng nghiêm trọng; nó có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thậm chí teo nhãn cầu, nguy cơ mù lòa rất lớn.
7. Điều trị viêm màng bồ đào
Điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh của từng người bệnh.
• Điều trị bằng nội khoa:
Với viêm màng bồ đào trước: cho nhỏ thuốc làm dãn đồng tử, chống dính đồng tử.
Với viêm màng bồ đào nói chung, việc sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Một số thuốc có thể được lựa chọn như: thuốc chống viêm steroid dạng thuốc uống, nhỏ mắt, tiêm; thuốc điều trị nhiễm trùng (chủ yếu là các loại kháng sinh); thuốc kháng virus; thuốc chống viêm.
• Điều trị bằng ngoại khoa:
Với một số trường hợp diễn biến bệnh xấu hơn, hoặc viêm nhiễm nặng, tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến thị lực, sử dụng thuốc không có hiệu quả thì cần phải can thiệp bằng laze quang đông, lạnh đông xuyên củng mạc cho võng mạc chu biên, hoặc phẫu thuật cắt dịch kính.
Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm màng bồ đào (tùy từng tình trạng bệnh):
- Phẫu thuật thay thuỷ tinh: đối với biến chứng đục thủy tinh thể.
- Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp: đối với biến chứng tăng nhãn áp.
- Phẫu thuật cắt dịch kính: Đối với biến chứng về võng mạc.
- Phẫu thuật bong võng mạc: Đối với biến chứng về võng mạc.
8. Cách phòng ngừa
- Bệnh viêm màng bồ đào do tự miễn không phòng ngừa được.
- Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa bằng cách: chú ý giữ vệ sinh tay sạch sẽ, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi để tránh nhiễm ấu trùng giun, sán. Ngoài ra, không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm, bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.
- Nếu phát hiện bị viêm màng bồ đào, người bệnh cần kiên trì điều trị.
Bệnh viện mắt Tây Nguyên
Điện thoại 02623.68.08.08
Email: benhvienmattaynguyen.cskh@gmail.com
ĐC: 309 Ngô Quyền, Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk 63109
Bình luận