Xài điện thoại giá rẻ để cắt giảm chi tiêu

Giá cả leo thang khiến nhiều người phải từ bỏ ý định xài điện thoại đắt tiền. Trào lưu dùng "dế" giá bình dân đang sôi động trở lại.

Anh Quang nhân viên công ty xây dựng ở Hà Nội muốn mua một chiếc Blackberry Bold 9000 từ lâu bởi anh “kết” khả năng quản lý danh bạ vô cùng thông minh của dòng smartphone này. Thế nhưng, với mức lương 6-7 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt còn lại tiết kiệm chẳng được bao nhiêu nên anh đành ngậm ngùi chuyển sang model đời cũ 8830 giá chưa tới một triệu đồng.

"Đàn ông ai cũng thích điện thoại xịn cả. Thế nhưng với thu nhập chừng ấy trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, nếu cứ cố mua loại đắt tiền thì chỉ có nước để vợ con nhịn đói thôi”, anh Quang chia sẻ.

Một mẫu điện thoại thu hút sự chú ý của giới trẻ. Giá bán của chú dế này là 790.000 đồng. Ảnh: N.Q.

Anh cho biết không chỉ cắt giảm tiền mua điện thoại, một số thói quen chi tiêu khác như cafe sáng, bia bọt bù khú với bạn bè cũng được tiết giảm triệt để.

Không riêng anh Quang, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho đời sống liên tục tăng mạnh nên nhiều người không còn mấy mặn mà với cuộc chạy đua điện thoại đời mới. Cánh chị em cũng bắt đầu cân đong đo đếm giữa nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như "ăn uống, đi lại" hơn là việc sắm cho mình một mẫu điện thoại đời mới và đắt tiền.

Chị Thảo ở Hoàng Cầu, Hà Nội cho biết gần 3 năm nay, chị vẫn trung thành với chú dế E63 màu xanh đậm, dù rằng bàn phím bắt đầu trầy xước, âm thanh đôi lúc cũng khó nghe. Mấy lần ra cửa hàng để xếp hàng mua iPhone hoặc nâng đời dòng máy từ E63 lên E71, sau khi cân nhắc thiệt hơn, chị quyết định mua hàng đã qua sử dụng. "Cô bạn tôi đi công tác Hàn Quốc 3 năm. Cô ấy để rẻ lại cho tôi chiếc E72 với giá cực rẻ chưa đầy 2 triệu đồng. Thời buổi khó khăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy", chị Thảo nói.

 Như Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường Kim Liên, Hà Nội cho biết hồi năm ngoái, bố mẹ cô khá chịu chi cho nhu cầu liên lạc của con gái. Ngay từ năm lớp 10, cô đã được xài điện thoại E71 với các chức năng chụp ảnh, quay phim và truy cập Internet cực tốt. Chiếc điện thoại này giúp em có thể chụp tài liệu gửi mail và bắn các thông tin về bài vở cho bạn bè qua Bluetooth cực nhậy. "Thế nhưng năm nay, khi đề cập đến chuyện mua sắm, bố mẹ em có vẻ cân nhắc ghê gớm lắm. Đôi khi thấy mẹ em tính toán nhiều, em cũng ngại hỏi mua, dù điện thoại của em đã tậm tịt lắm rồi", Quỳnh cho biết.
 

Để tiết kiệm cho bố mẹ, Quỳnh mất gần 2 giờ đồng hồ dạo qua mạng để vào các website rao bán điện thoại tìm mua đồ cũ. Cuối cùng cô cũng chọn được một chiếc E72 đã qua sử dụng với giá rẻ khoảng một nửa so với bình thường. "Em kiểm tra kỹ chức năng của nó và thấy chú dế này vẫn còn ngon lắm", Quỳnh cho biết.

 Theo bạn Thu Thủy, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, sinh viên không có tiền nhưng nhu cầu liên lạc với người thân và giao lưu cùng bạn bè qua điện thoại vẫn rất cao. Đời sống ngày càng khó khăn đến tiêu chí chọn dế của họ cũng thay đổi. Trước kia khi chọn dế thì quan tâm tới hình thức đẹp và nhiều chức năng, giờ thì chỉ dám chọn chiếc nào vừa rẻ nhất mà lại bền nhất mà thôi.
 
Không chỉ các bạn sinh viên mới chuộng điện thoại ít tiền, hiện có rất nhiều người dùng từ nhân viên văn phòng, giới trẻ năng động cho tới người trung niên cũng chuyển sang sử dụng. Những người nhiều tiền thường dùng "2 tay hai súng" thì lựa chọn hình thức một chiếc xịn cài số điện thoại liên lạc chính. Chiếc còn lại dùng để sử dụng số điện thoại dùng để liên lạc riêng.
 
Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc Công ty Phân phối các sản phẩm máy tính, điện thoại di động Bảo An cho biết trước kia, với mức giá rẻ dưới 2 triệu đồng, người tiêu dùng chỉ có thể tìm mua những điện thoại có tính năng rất cơ bản: nghe, gọi, nhắn tin, nghe nhạc, Bluetooth. Giờ đây cũng với số tiền trên, người dùng có thể tha hồ lựa chọn nhiều mẫu điện thoại có những tính năng hiện đại: chụp ảnh, quay phim, kết nối Wifi, 3G, bàn phím Qwerty, màn hình cảm ứng... "Đây là lý do dòng điện thoại này ngày càng thu hút nhiều người dùng. Theo thống kê của Bảo An hiện tại, có tới 80% sản phẩm bán ra nằm ở dòng bình dân dưới 2 triệu đồng", ông Sơn cho biết.
 

Sức hấp dẫn từ doanh thu điện thoại giá bình dân khiến cho các nhà sản xuất từ lớn tới nhỏ đều không thể làm ngơ thị phần này. Tại trang enbac.com, dienthoaigiatot hay vatgia.com, người dùng dễ dàng tìm thấy những dòng điện thoại giá rẻ đến từ các thương hiệu có tên tuổi trên thị trường như Nokia, Samsung, Motorola, LG, Sony Ericsson... Chỉ cần bỏ ra từ vài trăm nghìn cho tới 2,5 triệu đồng, người dùng tha hồ lựa chọn.

 Không chỉ giá rẻ, chúng còn có thiết kế đẹp, chất lượng cao, độ bền cũng như khả năng chịu “quăng quật” rất tốt. Chị Thu Trang, phụ trách gian hàng “Điện thoại giá rẻ” của Vatgia.com cho biết điện thoại bình dân đang là mặt hàng rất “hot”. Chỉ tính riêng gian hàng Điện thoại giá rẻ trên website của công ty đã có hơn 15.000 lượt khách truy cập mỗi ngày. Sản phẩm được quan tâm nhất hiện nay là model giá rẻ có khả năng chat qua các dịch vụ Ovi, Yahoo, MSN và khả năng truy cập nhanh mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Flickr...

Bên cạnh đó, những chiếc điện thoại Trung Quốc và một số sản phẩm made in Việt Nam như Q-mobile, FPT mobile hay Mobistar, Mobell… cũng được nhiều người lựa chọn, thậm chí còn lấn át cả các thương hiệu lớn bởi giá siêu rẻ. Giá những chiếc dế này chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng kết hợp rất nhiều tính năng, “giao diện” bắt mắt với kiểu dáng thường ăn theo phong cách của các mẫu điện thoại mới nhất, đẳng cấp nhất trên thị trường.

 "Đặc biệt những chiếc điện thoại cho phép dùng nhiều sim, nhiều sóng cùng một lúc được rất nhiều người ưa chuộng", chị nói.

Hồng Anh

Nguồn http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/02/xai-dien-thoai-gia-re-de-cat-giam-chi-tieu/

Cập nhật: 28-02-2011

Lưu tin này trong mục ưa thích của bạn