Môn thể thao nào hay làm thế nào có thể tăng sự tự tin khi giao tiếp vậy?

thu
thu
Trả lời 11 năm trước

Chào bạn

Rất hoan nghênh bạn tập thể dục, bất kì môn thể dục nào cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe làm mình năng động hơn, còn tuy thuộc vào bạn thích tập và phù hợp với môn thể thao nào nữa

về vấn đề giao tiếp, để có được tự tin trong giao tiếp thì mình xin chia sẻ

Bước thứ nhất: Trang bị vốn từ vựng phong phú – Nhất là từ vựng chuyên ngành

Bạn đã lúc nào đó thấy bí vì không tìm ra được từ thích hợp để diễn tả ý của mình chưa? Đôi lúc chúng ta bối rồi khi đứng trước ai đó mà không biết phải nói với họ như thế nào, bắt đầu một cuộc giao tiếp thật khó khăn nhưng để duy trì nó còn khó khăn nhiều. Bạn muốn một cuộc nói chuyện thoải mái, tự nhiên thì không còn cách nào khác là phải thông thuộc vốn từ vựng để khi có tranh luận cũng đưa ra những lý luận sắc bén, không thể chối cãi được. Sự phong phú về vốn từ vựng sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn trong mắt người đối diện, vì nó phần nào thể hiện sự hiểu biết và vốn sống của bạn. Chăm đọc sách báo, tập viết văn, nói chuyện với nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ có một vốn hiểu biết và vốn từ kha khá đấy.

Bước thứ hai : Học cách nhận biết đối tượng giao tiếp, đi vào trọng tâm vấn đề

Một trong những điểm yếu của chúng ta là nói dai, nói dài, nói dại. Chính vì vậy mà bạn phải biết đâu là trọng điểm của vấn đề để không lan man sang những vấn đề khác, khi biết mình đi chệch khỏi hướng ban đầu biết điều chỉnh vấn đề trở lại. Nếu không nhắm thẳng vào đối tượng và trọng tâm của cuộc giao tiếp rất có thể bạn sẽ thất bại trong công cuộc tìm tiếng nói chung, thậm chí bỏ qua nhiều cơ hội phát triển của mình. Giao tiếp hàng ngày và chuyện phiếm với bạn bè, bạn có thể nói bao nhiêu tùy thích, song trong những cuộc hội thoại có tính chất trang trọng thì bạn cần phải cân nhắc, vì sự dài dòng làm bạn rớt điểm rất nhiều trong mắt người nghe. Mặt khác, trước khi giao tiếp, bạn cần hiểu một chút về đối phương để có phong cách hội thoại phù hợp. Những người có tính lãnh đạo, thích làm chủ…thường thích nói hơn là lắng nghe người khác. Đàn ông thường thích ngắn gọn, rõ ràng, nhanh chóng, chính xác; trong khi phụ nữ thường thích khía cạnh tình cảm hơn. Vì thế trước khi sắp xếp lịch hẹn với ai hãy dành thời gian để tìm hiểu họ đã bạn nhé.

Bước thứ ba : Điều chỉnh giọng nói sao cho truyền cảm

Bạn thấy giọng nói của bạn như thế nào? Có đủ truyền cảm để lôi cuốn người nghe chưa? Nếu chưa tự tin với giọng nói của mình bạn hãy luyện tập giọng nói của mình sao cho truyền cảm và dễ nghe. Giọng nói là một phần gây ấn tượng đầu tiên với người đối diện đó, và đóng vai trò quan trọng trong suốt buổi nói chuyện. Nói quá to sẽ làm mọi người nghĩ rằng bạn là người thô lỗ, bất lịch sự. Nói quá nhỏ sẽ khiến người khác không nghe rõ lời của bạn và đánh giá thấp khả năng của bạn. (những người có giọng nói nhỏ thường gây cho người khác suy nghĩ là họ kém tự tin, không khỏe mạnh, năng lực làm việc thấp hơn người có giọng nói chững chạc). Để kiểm tra mình nói dễ nghe không, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của bạn bè, hoặc tự ghi âm và phát lại cho mình nghe).

Bước thứ tư: hình thành phong thái tự nhiên, điềm tĩnh

Đây là điểm cộng tuyệt vời cho bạn. Bạn thử nghĩ xem, nếu nói chuyện với một người nhút nhát, rụt rè bạn sẽ rất ngại đúng không? Bạn rất muốn dẫn dắt họ vào câu chuyện của mình nhưng lại không biết phải làm như thế nào. Nếu bạn rơi vào trường hợp là người thụ động trong giao tiếp, hãy học cách nói chuyện tự nhiên và điềm tĩnh. Đừng tỏ ra quá nhút nhát rụt rè, cũng đừng bị động lệ thuộc vào người khác. Hãy làm mới mình bằng cách bắt chuyện với những người chưa quen biết, bạn sẽ dễ dàng hòa mình vào câu chuyện của họ và bộc lộ hết cái tôi cá tính của mình.

Sự tự nhiên khiến bạn trở nên thân thiện, tự tin, dễ gần. Phong thái điềm tĩnh cho thấy bạn chín chắn, tự chủ. Kinh nghiệm bản thân cũng cho thấy rằng, khi nói chuyện với người có hai đặc điểm này, bạn thấy thoải mái và tin tưởng hơn, đúng không? Hãy tập rèn luyện sự tự nhiên và điềm tĩnh khi giao tiếp với người thân của bạn trước, sau đó mở rộng ra là đối tượng bạn bè – nếu bạn thấy nói chuyện tự nhiên với người lạ là một việc khó thực hiện.

Bước thứ năm: Học cách thuyết phục người khác và lôi kéo họ vào cuộc nói chuyện

Điều này cũng không quá khó khi bạn biết hết những sở thích, sở trường của người đó, chỉ cần bạn nắm được điểm mấu chốt của vấn đề bạn sẽ dễ dàng thuyết phục họ. Thái độ nói chuyện của bạn cũng có tác động rất lớn đến cách đánh giá của người đối diện đấy. Rất nhiều người tự tin, phô bày hết những hiểu biết của mình nhưng lại không nhận được sự đồng tình của đối tác. Đơn giản vì họ quá tự tin, tỏ ra quá hiểu biết khiến người khác e dè. Hãy để cho đối tác của mình ngưỡng mộ ở mức vừa phải. Đừng để họ nghi ngờ về tính chân thật của lời nói hoặc ngần ngại nói chuyện với bạn vì họ sợ bị “khớp”.

Kỹ năng giao tiếp rất cần thiết cho cuộc sống của mỗi người, bạn chứ không ai khác có thể hình thành kỹ năng giao tiếp cho mình. Nhất là sự tự tin trong giao tiếp với đồng nghiệp, bạn hàng hay đối tác. Chỉ cần bạn biết cách thu phục nhân tâm, bạn sẽ sớm gặt hái được những thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy nhớ lời nói đi đôi với hành động mới có giá trị, mới làm nên giá trị thực sự của hình ảnh con người bạn. Giao tiếp chỉ là một phương tiện để khẳng định thêm các giá trị đó mà thôi.

Chúc bạn thành công với các bước giao tiếp tự tin!

hao
hao
Trả lời 11 năm trước

Mình sẽ giúp bạn một vài cách mà mình biết và thấy hiệu quả.
1. Tự tập luyên một mình, trước gương hoặc tập đứng trước bạn bè, lớp của mình.
2. Chuẩn bị kỹ càng về tâm lý và bề ngoài của bạn. bạn sẽ tự tin hơn khi bạn mặc một bộ đồ hợp thời trang hay bất cứ thứ gì khiến bạn là chính bạn và thể hiện được cái tôi và phong cách của bạn.v.v.
3.Chuẩn bị về kiến thức và các kỹ năng giao tiếp thông thường, luyện tập ứng xử các tình huống khó khăn.
Cuối cùng là luyện tập và luyện tập. Phải luyện tập thật nhiều thì mới đạt được hiệu quả bạn ạ.
Chúc bạn thành công!