Mang bầu: Nên và không nên những gì?

nguyễn thị mít
nguyễn thị mít
Trả lời 11 năm trước

Không phải mẹ bầu nào cũng có đủ kiến thức cần thiết về thai kỳ. Để 9 tháng mang thai được trọn vẹn và con yêu phát triển tốt nhất, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:

Khi có thai bạn NÊN:

Bổ sung dinh dưỡng

Nên nhớ rằng bạn cần ăn uống đầy đủ không những cho bản thân mình mà còn vì sự phát triển của con bạn. Vì vậy bạn nên uống nhiều nước và ăn đủ thức ăn, đặc biệt là những thức ăn cần thiết (cung cấp năng lượng như: gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mỳ; phát triển cơ thể như: thịt, cá, sữa và trứng; và bảo vệ cơ thể như: hoa quả, rau xanh, gan, cá, trứng). Không nên kiêng những thức ăn mà bạn vẫn thường ăn trước khi có thai.

Đi khám thai

Nên đi khám thai ít nhất là ba hoặc bốn lần trong thời gian mang thai: một lần vào ba tháng đầu, một lần vào ba tháng giữa và một hoặc hai lần vào ba tháng cuối. Nếu có điều kiện bạn nên đi khám thai nhiều hơn. Những lần khám thai giúp cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường không, và người mẹ có bệnh gì hoặc có khó khăn gì cần phải xử trí không. Khám thai cũng giúp cho bạn biết bạn sẽ đẻ thư­ờng hay sẽ cần những can thiệp đặc biệt (như mổ đẻ). Vì vậy trong những lần đi khám thai vào ba tháng cuối bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để chọn nơi sinh thích hợp. (Nếu bạn được dự báo là sẽ đẻ khó thì bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn bạn nên sinh ở một cơ sở y tế có đủ các phương tiện cấp cứu).

Bổ sung sắt

Khi có thai nhu cầu sắt của người phụ nữ thường cao gấp đôi hoặc gấp ba bình thường, vì vậy phụ nữ có thai thư­ờng hay bị thiếu máu. Ðể tránh thiếu máu, bạn cần ăn các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: thịt nạc, gan, rau xanh và uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh.

Tiêm phòng

Tiêm vac-xin phòng uốn ván hai lần. Mũi thứ nhất cần được tiêm càng sớm càng tốt (thường tiêm khi bạn đi khám thai lần thứ nhất). Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất một tháng và muộn nhất là trước khi đẻ một tháng (thường tiêm khi bạn đi khám thai lần thứ hai hoặc thứ ba). Tiêm vắcxin sẽ giúp cho bản thân bạn và cả con bạn tránh được một căn bệnh rất nguy hiểm trong hoặc sau khi sinh là uốn ván. Vắcxin không có tác hại gì đối với thai nhi cũng như đối với bản thân bạn.

Ngủ đủ giấc

Mỗi đêm nên ngủ ít nhất là 8 tiếng. Nghỉ ngơi đủ để bạn cảm thấy thoải mái, ví dụ như mỗi ngày nằm nghỉ một giờ vào buổi trưa.

Vệ sinh cơ thể

Tắm rửa thường xuyên để giữ gìn thân thể sạch sẽ là điều rất cần khi mang thai. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nuôi con bằng sữa mẹ sau này, bạn nên tự chăm sóc vú từ khi đang có thai bằng cách lau rửa đầu vú nhẹ nhàng hàng ngày. Một số ít phụ nữ có núm vú ngắn dẹt hoặc lõm vào trong. Nếu bạn có núm vú lõm như vậy thì nên bóp và kéo núm vú nhẹ nhàng dần dần ra phía ngoài. Bạn nên làm như vậy vài phút mỗi ngày để con bạn sau này bú mẹ được dề dàng hơn.

Tập thể dục

Tập thể dục đều đặn và thường xuyên là điều nên làm trong suốt thời gian mang thai. Việc tập luyện thể thao giúp giảm những tác động xấu trong thai kỳ như đau nhức người, giảm ốm nghén, tăng năng lượng… Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không được tập luyện quá sức và những bài tập khó. Nếu chưa từng tập thể thao trước đó, bạn nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội hoặc đơn giản hơn là đi bộ.

Đăng ký lớp học tiền sản

Tại đây, các chuyên gia sẽ hướng dẫn tận tình cho bạn những kiến thức về việc chăm sóc thai nhi, chuẩn bị sinh nở, trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ… Tại đây bạn cũng được cung cấp những thông tin quan trọng về việc mang thai và sinh nở. Nếu bạn đang thắc mắc về vấn đề gì đó, đừng ngần ngại hỏi bác sĩ. Bạn cũng có thể đi cũng ông xã để giúp chàng có thêm kiến thức cùng mình chăm sóc con.

Đừng quên tham khảo kinh nghiệm của những mẹ bầu khác trong lớp học này bạn nhé, rất hữu ích đấy!

Khi có thai bạn KHÔNG NÊN:

- Trong ba tháng đầu của thai kỳ và trước khi sinh một tháng không nên quan hệ vợ chồng.

- Không được mặc áo lót quá chật và không nên mặc quần áo bó chặt cơ thể. Không mang giày cao gót.

- Khi ngủ không nên nằm ngửa mà nên nằm nghiêng bên trái để cảm thấy dễ chịu hơn.

- Để tránh lây các bệnh truyền nhiễm, bà bầu không nên chơi với chó mèo.

- Không nên ăn nhiều đường vì sẽ có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và thai nhi quá to, vừa làm tăng thêm sự nặng nề, khó sinh nở, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

- Bà bầu không nên nhuộm tóc vì hóa chất có thể thẩm thấu qua da, vào mạch máu và làm ảnh hưởng đến thai nhi.

- Rượu, thuốc lá có thể làm nhiễm sắc thể của thai nhi biến dạng, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến sẩy thai, bà bầu tuyệt đối không được sử dụng. Không nên uống chè đặc và cà phê.

- Phần lưng và cột sống của thai phụ cong hơn so với trước khi mang thai, nếu nằm đệm mềm lâu ngày dẫn đến lệch vị trí cột sống, chèn ép thần kinh, làm tăng thêm gánh nặng cho cơ lưng. Điều này vừa khiến thai phụ bị đau lưng và làm tăng thêm sự mệt mỏi. Vì vậy, bà bầu không nằm giường có đệm mềm.

- Không nên để mình rơi vào trạng thái trầm cảm, stress hoặc gây gổ với chồng; sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống, hấp thu tiêu hóa của mẹ và vì thế cũng ảnh hưởng đến con.

- Nên nhớ, từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ đã có thể nghe được những tiếng động bên ngoài. Bé cũng có thể phân biệt được những lời nhẹ nhàng âu yếm với những câu nói bực dọc, gay gắt.

- Hơn 50% thai phụ đều có những vấn đề về da. Tuy nhiên, do quan niệm bệnh da không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên nhiều thai phụ đã xem thường, không điều trị. Đặc biệt, những bệnh da có sẵn trước khi mang thai lại càng phải được quan tâm nhiều hơn. Phải gặp bác sĩ chuyên khoa nếu thấy những triệu chứng về da trong khi mang thai. Những bệnh về da do thai kỳ như sẩn ngứa thai kỳ, viêm nang lông ngứa của thai kỳ, vàng da ứ mật thai kỳ… thường nặng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của cả mẹ lẫn con.

- Khi mang thai không nên làm việc nặng, không đứng quá lâu và cố gắng tránh tình trạng táo bón.

- Chị em cũng không được xoa bóp đầu ti để tránh kích thích đầu vú gây ra co thắt tử cung, dẫn đến sẩy thai.