Cách tránh chi phí phát sinh trong ngày cưới ?

Nguyễn Hà
Nguyễn Hà
Trả lời 11 năm trước

Khi nghĩ đến việc tổ chức đám cưới, các đôi uyên ương luôn lo lắng về chi phí và hy vọng sẽ có một đám cưới tiết kiệm nhưng vẫn mang đến sự hài lòng nhất. Để giúp các đôi uyên ương lên kế hoạch tổ chức cưới hợp lý và giữ được ngân sách không "thâm hụt" quá nhiều sau bữa tiệc, báo Ngôi Sao sẽ đưa ra một số lời khuyên, hy vọng sẽ là bí quyết tham khảo giúp các tân lang tân nương chuẩn bị ngày vui tốt nhất.

1. Tổ chức tiệc trong giới hạn chi trả

Trước khi có kế hoạch cưới, các đôi uyên ương cần đưa ra một con số chi phí cụ thể, nằm trong giới hạn chi trả của hai người. Trong cách tổ chức đám cưới hiện nay, cô dâu chú rể có rất nhiều cơ hội để lựa chọn dịch vụ đa dạng, từ đó giá tiền cũng phong phú.

Nếu có ngân sách hạn hẹp, bạn vẫn có thể tổ chức cưới đơn giản, gọn nhẹ, ngược lại, nếu có ngân sách dồi dào, bạn sẽ có một đám cưới lộng lẫy, nhiều hoạt động thú vị. Nhưng quan trọng nhất, chi phí đám cưới phải hợp lý để hai người có thể lo liệu, chi trả mà không phải vay mượn nhiều, khiến sau đám cưới lại cảm thấy mệt mỏi vì trả nợ.

2. Cân bằng các khoản chi tiêu

Khi đã có một số tiền nhất định, cô dâu chú rể nên chia nhỏ tiền ra theo từng khoản quan trọng, ví dụ chi phí cho đồ lễ, chi phí hoa, chi phí tiệc... Nếu cô dâu chú rể đặc biệt yêu thích và muốn chú trọng vào một chi tiết trong đám cưới, thì nên dồn chi phí vào phần này và giảm bớt ngân sách của các phần khác. Ví dụ, nếu thích trang trí không gian tiệc cưới ấn tượng, bạn có thể chọn một khách sạng trung, giá thuê và thực đơn vừa phải, thay vì chọn khách sạn cao cấp với chi phí cao.

3. Chỉ mua những thứ cần thiết

Bạn không nên nghĩ rằng tất cả các vật dụng trong đám cưới đều phải là đồ mới, đều cần đặt mua mà hãy nhờ cậy tới bạn bè, người thân, chi tiết nào có thể mượn được thì không nên mua mới, việc này sẽ giúp chi phí tổ chức giảm xuống đáng kể.

Ngay cả đối với việc thuê wedding planner, cô dâu chú rể cũng nên cân nhắc kỹ. Nếu có thể tự mình trang trí, hoặc nhờ bạn bè giúp các việc trong đám cưới thì không nên thuê chuyên gia hoặc chỉ thuê theo dịch vụ lẻ. Ví dụ, nếu bạn muốn trang trí hoa trong tiệc mà không cần người lên kế hoạch, quán xuyến toàn bộ chương trình cưới, bạn chỉ cần làm việc với cửa hàng hoa phù hợp, không nhất thiết tốn chi phí cho wedding planner.

4. Lựa chọn kỹ trước khi mua đồ cho đám cưới

Với tất cả các chi tiết cần mua, cô dâu chú rể nên tìm ra từ 3 đến 4 lựa chọn để cân nhắc chọn giải pháp tiết kiệm nhất. Ví dụ, khi chọn áo cưới, nên đi xem qua vài cửa hàng sau đó mới quyết định chiếc váy nào phù hợp với bạn trong ngày cưới. Việc này tuy mất thời gian nhưng sẽ giúp bạn không cảm thấy hối tiếc khi mình đã quyết định vội vàng mà không cân nhắc tới lựa chọn rẻ, hợp lý hơn.

5. Luôn dự kiến chi phí cao hơn giá trị thực

Sau khi đã tham khảo các dịch vụ cho đám cưới, bạn cần có một bảng dự định chi tiêu trong đó, cần tính toán chi phí các dịch vụ cao hơn giá trị mà các nhà cung cấp đưa ra cho bạn. Ví dụ, giá in thiệp cưới là là 5.000 đồng mỗi chiếc, thì bạn nên dự tính khoản tiền chi cho thiệp là 6.000 đồng mỗi chiếc, như vậy, khi có chi phí phát sinh như sửa chữa, in thêm, bạn vẫn có thể chi trả trong khả năng mà không cần lấy ngân sách từ chi tiết khác để bổ sung cho thiệp.

Thông thường, đa số các đôi uyên ương đều mơ ước tới một ngày cưới thật lộng lẫy, sang trọng, nhưng điều quan trọng nhất là hai người có thể chi trả toàn bộ cho bữa tiệc đó. Khi không căng thẳng về chi phí tiệc cưới, các cô dâu chú rể mới có thể thoải mái, hạnh phúc trong ngày vui của mình.