Smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới

Điện thoại màn hình gập là chủ đề đã được nhắc đến rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mãi đến tuần trước thì một chiếc smartphone màn hình gập thực sự mới được trình làng với tên gọi FlexPai. Khá bất ngờ, nó lại đến từ một hãng sản xuất ít danh tiếng là Royole.

Những nhận định ban đầu về màn hình gập

Ở tư thế mở rộng hoàn toàn, FlexPai giống máy tính bảng hơn là điện thoại thông minh với màn hình AMOLED kích thước 7.8 inch và độ phân giải 2K. Màn hình này có độ sáng cao và màu sắc bão hòa cùng chất lượng hiển thị khá tương đồng với những màn hình AMOLED khác trên thị trường.

Tỷ lệ màn hình 4:3 giúp cho thiết bị hoạt động như một chiếc điện thoại truyền thống tốt hơn khi gập lại. Cơ chế gập được hỗ trợ bởi bản lề với hơn 100 thành phần cấu tạo. Bên cạnh đó, Royole đã sử dụng vật liệu nhựa dẻo thay thế cho tấm kính quen thuộc.

Chắc chắn, nhựa không cho cảm giác cao cấp như kính, nhưng đây là vật liệu tốt nhất để cấu thành một chiếc điện thoại màn hình gập. Nó cũng tỏ ra hiệu quả trong việc bảo vệ và chống vỡ màn hình tốt hơn.

Thao tác chuyển FlexPai từ chế độ máy tính bảng sang điện thoại khá đơn giản, bạn chỉ cần gập lại là xong. Bản lề hỗ trợ nhiều góc nên bạn có thể gấp và sử dụng nó ở bất kỳ vị trí nào mình muốn. Theo tuyên bố từ Royole, FlexPai có thể gập lại ít nhất 200.000 lần, đủ cho nhiều năm sử dụng với nhu cầu thông thường.

Đây có phải là một sản phẩm dành cho nhà phát triển?

Cấu hình phần cứng của FlexPai khá ấn tượng cho một thiết bị cao cấp: Chip series 8xx mới nhất của Qualcomm, hỗ trợ 2 SIM, khe cắm thẻ nhớ microSD, camera kép, pin 3.800 mAh, tích hợp công nghệ sạc nhanh (sạc 70% pin trong vòng 30 phút) giống như Huawei Mate 20 Pro.

Tuy nhiên, về phần mềm, có lẽ do được cài đặt Android 9.0 tùy chỉnh nên FlexPai gặp nhiều lỗi trên phiên bản tiền sản xuất, chẳng hạn như giao diện chưa chuyển đổi kịp thời với những thao tác gập và mở, thậm chí đôi khi bị biến dạng, màn hình xoay không chính xác, ứng dụng (và cả toàn bộ thiết bị) có lúc gặp sự cố.

Royole cho biết, họ đang nỗ lực hoàn thiện phần mềm và sẽ giải quyết tất cả sự cố trong vòng 6 đến 8 tuần trước khi chính thức phát hành ra thị trường. Có thể thấy, việc áp dụng một thiết kế và công nghệ hoàn toàn mới lên smartphone là công việc không hề dễ dàng một chút nào.

Theo tuyên bố từ Royole, đã có đơn đặt hàng trước cho FlexPai và hãng sẽ bắt đầu vận chuyển vào khoảng cuối năm nay. Tại Mỹ, FlexPai có giá 1.318 USD (30.65 triệu) cho bản RAM 6 GB – ROM 128 GB và 1.469 USD (34.69 triệu) cho bản RAM 8 GB – ROM 256 GB.

Đây là những mức giá khá cao với người dùng thông thường, vì vậy, sản phẩm có lẽ sẽ dành cho nhóm các nhà phát triển và người đam mê khám phá công nghệ mới.

Thiết lập cột mốc đặc biệt cho ngành công nghiệp smartphone

Royole FlexPai là chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên. Nó mang nhiều yếu tố khác biệt hẳn so với toàn bộ phần còn lại trên thị trường. Dù vẫn còn nhiều vấn đề nhưng việc thương mại hóa một chiếc điện thoại đặc biệt như vậy sẽ là cột mốc quan trọng cho toàn ngành công nghiệp smartphone.

Lâu nay, điện thoại màn hình gập chưa thể trở thành một sản phẩm tiêu dùng là do thái độ có phần dè dặt của các hãng sản xuất. Chính vì vậy, việc Royole đầu tư đến 1.2 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất để dễ dàng hơn trong việc áp dụng công nghệ mới là hành động đáng khích lệ. Động thái đi tiên phong của một công ty nhỏ có thể sẽ là tiền đề để các “ông lớn” tiếp bước.

Nhìn chung, FlexPai của Royole nên được xem như một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp smartphone thay vì một sản phẩm mà người dùng bình thường có thể mua. Trong tương lai, khi có nhiều hơn các công ty cạnh tranh với nhau, chúng ta có thể kỳ vọng chi phí triển khai công nghệ sẽ giảm xuống và tốc độ đổi mới sẽ tăng lên.

Chưa có câu trả lời nào