Ở Hà Nội, gần như hàng ăn bình dân nào tăm cũng mốc!

“Loại tăm toàn bọng, chọn một nắm mới được một cái tạm xỉa được, nhưng nhìn kĩ sẽ thấy tất cả các đầu tăm đều mốc xanh. Rợn người!” – Bài viết của một độc giả sống tại Hà Nội.

Đọc bài Trào lưu gửi rau làng, thịt quê ra phố thấy quá chuẩn, phản ánh đúng thực tế bây giờ. Hiện nay, một bộ phận dân thành thị ở Hà Nội, sau khi đã có được một sự ổn định nhất định trong kinh tế và cuộc sống, bắt đầu biết lo nghĩ tới vấn đề sức khỏe lâu dài. Đây cũng là lớp người hay đọc báo, tiếp xúc nhiều thông tin nên bị ám ảnh về vấn đề thực phẩm bẩn tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn trên cả nước. Họ thông qua nhiều cách, nhiều nguồn để hi vọng giảm bớt liều lượng “thuốc độc” mà họ và người thân của họ phải tống vào cơ thể qua đường miệng mỗi ngày.

Tôi có ông anh trai, quê vợ ở Phú Thọ, anh đặt mẹ vợ tìm cho mối nuôi lợn sạch, hoặc nhờ mẹ vợ đi “dấm” nhà hàng xóm nào đấy nuôi lợn theo đặt hàng của bà, tức là cấm dùng tăng trọng (chẳng biết họ có lén lút cho ăn tăng trọng hay không thì có giời biết!). Mỗi 1-2 tháng anh đánh ô tô về quê, thuê người giết mổ một con lợn khoảng 20kg, lọc xương thịt để riêng, chia thành từng miếng nhỏ vừa mỗi bữa ăn. Chở thịt xuống, anh chia cho gia đình cô em vợ một nửa.

Cách nhận biết thịt lợn, thịt bò bị bơm nước tăng trọng

Thịt bò bị phát hiện ngâm nước để tăng trọng (ảnh minh họa)

Rau anh cũng đặt hàng gia đình ông chú vợ ở quê trồng rau sạch, không phun thuốc trừ sâu, chỉ bón bằng phân bắc, trả giá cao hơn hẳn. Mỗi lần về quê, xe gia đình biến thành xe chở thực phẩm.

Anh sợ thực phẩm ở Hà Nội tới nỗi hiếm khi anh ăn hàng, buổi trưa anh mang cơm nhà và thịt kho bỏ cặp lồng đến ăn ở cơ quan, tuyệt không la cà cơm văn phòng, bún đậu, phở miến ngoài đường.

Đến nhà anh em chơi, nếu dự kiến ở lại ăn cơm, anh mang sẵn cả thịt hoặc gà quê, cả rau tới nấu nướng, coi như nhà bà con chỉ góp mắm muối, ga, gạo. Ban đầu các nhà cứ tưởng anh chu đáo, mang đồ ăn cho gia chủ đỡ phiền, nhưng hóa ra ông anh tôi rất thực tế, anh không muốn liều ăn đồ mua ở chợ Hà Nội.

Đến cả nước anh cũng mang theo. Anh uống Lavie hoặc nước lọc ở nhà anh – cũng là nước máy của thành phố nhưng anh tự lắp thêm máy lọc. Anh bảo, nước ở Hà Nội mà không lọc qua một lần nữa thì không dám uống!

Ở Hà Nội, gần như hàng ăn bình dân nào tăm cũng mốc!

Ở Hà Nội, rau ngót là một trong những loại bị phát hiện “uống” nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhất.

Rất nhiều người khác chỉ ăn đồ ở quê bố mẹ biết rõ nguồn gốc, mua hộ gửi ra cho. Những người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh thì thường xuyên đặt mua cá và các loại hải sản ở quê gửi ra, chẳng hạn mỗi lần mua cả một, hai chục cân cá thu hay tôm chất đầy ngăn đá tủ lạnh.

Một anh bạn khác của tôi người Hải Dương, gia đình bà cô làm nghề mổ lợn, hôm nào đi mua được con lợn nào mà bà cô biết được nguồn gốc hay “cảm nhận” được bằng con mắt người trong nghề của mình là lợn sạch, thì cô để dành cho thằng cháu vài cân, gửi xe khách mang lên Hà Nội. Anh bạn này của tôi bảo, mình chả dám tin đấy là lợn sạch, chỉ hi vọng là lợn “có vẻ sạch”, hoặc “sạch hơn” mà thôi, thế đã là tốt lắm rồi.

Chuyện vệ sinh thực phẩm thì ai cũng biết rồi. Tôi những lúc bất đắc dĩ phải ăn hàng, những hàng quá sang trọng, tính phí phục vụ cao ngất thì không nói làm gì, ít ra họ cũng được cái bề ngoài sạch sẽ; nhưng những hàng ăn bình dân phục vụ cơm cho dân công sở hay người lao động buổi trưa thì đúng là, vừa ăn vừa sợ. Vừa ăn vừa nhìn xem liệu miếng lòng này có sán không, liệu rau có đỉa hay rác bẩn không.

Có bạn từng lên facebook kể nhìn tận mắt thấy bà bán hàng thái rau ngải cứu vẫn còn nguyên cả lạt buộc mớ rau – tức là chắc chắn là chưa rửa – để rán trứng ngải cứu, thế thì có lý gì những nhà hàng bình dân một ngày phải xào bao nhiêu cân rau họ rửa rau cho mình?!

(Ảnh minh họa: Đũa dùng một lần tẩm hóa chất hay được dùng ở các quán ăn)

(Ảnh minh họa: Đũa dùng một lần tẩm hóa chất hay được dùng ở các quán ăn)

Tôi thỉnh thoảng ăn phở ở một quán trên đường Lạc Trung. Sàn nhà trắng xóa giấy lau, ngày mưa cũng như ngày nắng đều nhớp nháp. Hơi vắng khách một tí là phục vụ tranh thủ quét sàn, quét rất mạnh tay, nhắc thì khinh khỉnh không thèm nói gì (Quán ăn ở Hà Nội, phục vụ ít khi sợ khách, mà nếu khách có mách về thái độ của phục vụ với chủ hàng, thì chưa chắc khách đã được bênh vực). Và bao nhiêu quán khác như thế. Bát đũa nhầy nhụa. Có quán, thìa để trong ống đũa đầy bụi, có khi dính cả cọng hành khô trên thìa.

Quán bình dân ở Hà Nội hiếm khi thấy lau bàn. Nếu có lau thì một cái rẻ cháo lòng nhớp nhúa lau hết ngày này qua ngày khác, hết bàn này sang bàn khác. Lau xong bàn vẫn trơn nhậy. Sao không thay giẻ thường xuyên, sao không thể cầm một bình xịt nước vào bàn rồi hẵng lau? Chỉ thế thôi mà khó lắm hay sao, không thấy nhiều hàng ăn ở Hà Nội làm được.

Mà lạ một điều nữa, nếu bạn để ý kĩ thì thấy rất nhiều hàng, các lọ tăm của họ cái nào cũng mốc. Loại tăm toàn bọng, chọn một nắm mới được một cái tạm xỉa được, nhưng trước khi chọn nhìn kĩ sẽ thấy tất cả các đầu tăm đều mốc xanh. Rợn người!

Vấn đề an toàn thực phẩm ở cái đất nước này, không biết làm sao bây giờ nó lại thành ra kinh khủng như thế. Không còn một tí lòng tin nào. Tự nhiên muốn cất câu hỏi giống như ông bố trong bài thơ “Một ngày của bố” (Thụ Nho): “Thời này là thời gì?”.

Độc giả Hương Giang (tr_huong…@yahoo.com; Minh Khai, Hà Nội)

Nguồn http://mecon.vn

Chưa có câu trả lời nào