Thoát hiểm thế nào khi xe gặp sự cố chìm, cháy?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Theo các chuyên gia cứu hộ 116, khi xe gặp những sự cô như chìm xuống nước, cháy nổ... người ngồi trên xe cần kiềm chế sự hoảng hốt, áp dụng đúng những kỹ năng thoát hiểm thì hoàn toàn có thể tránh khỏi những thiệt hại đáng tiếc.

Khi xe đang chìm

Theo ông Bùi Xuân Duyên - Giám đốc Trung tâm cứu hộ 116 (109 Trường Chinh, Hà Nội): “Khi xe bị chìm do ngập nước, hành khách trên xe sẽ bị hoảng loạn. Thông thường, trong trường hợp này, thiệt hại về người và tài sản trên xe khách, xe buýt sẽ lớn hơn nhiều so với những loại xe nhỏ 4 - 7 chỗ, và việc thoát hiểm trên những xe lớn cũng khó khăn hơn nhiều...”.

Để chuẩn bị cho sự cố này, ngoài việc xe phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ thoát hiểm như: búa thoát hiểm, bình cứu hoả... thì hành khách phải bình tĩnh, bám chặt tay vào thành xe hay bất cứ vị trí nào trên xe. Tiếp đến, bạn cần xác định được hướng phía trên và phía dưới của xe (phía trên mặt nước và phía đáy) để nhanh chóng di chuyển về phía trên xe, dùng búa thoát hiểm hoặc bất cứ vật gì có thể để đập mạnh vào cửa kính để thoát ra ngoài... Ngoài ra, xe khách và xe buýt thường chỉ có 1 hoặc 2 cửa chính, nên khi xe bị chìm, bạn cũng cần xác định được hướng cửa xe để di chuyển thoát ra.

Cũng theo các chuyên gia cứu hộ của Trung tâm cứu hộ 116, theo bản năng thì người ngồi trên xe sẽ tháo dây đai an toàn khi xe đang chìm. Tuy nhiên, bạn đừng vội tháo dây đai, bởi khi xe chìm xuống nước rất dễ làm bạn mất phương hướng, và bạn có thể bị xô đẩy ra vị trí xa cửa sổ hoặc cửa xe và càng khó thoát ra ngoài hơn. Cách tốt nhất là hãy thắt chặt dây an toàn để định vị được vị trí (đặc biệt khi xe bị lộn ngược), sau đó hãy tháo dây đai, tìm cách phá cửa để thoát ra ngoài.

Với những xe 4 - 9 chỗ ngồi, ngay sau khi xe vừa rơi xuống nước, bạn nên tìm mọi cách để mở cửa xe, kính xe trước khi xe chìm hẳn (bởi khi xe chìm hẳn xuống nước, bạn sẽ không thể mở cửa xe do áp suất bên trong và bên ngoài xe được cân bằng). Xe nhỏ thường không có búa thoát hiểm trên xe, vì thế bạn hãy sử dụng bất kỳ vật dụng nào có thể đập vỡ được kính xe như: kìm, tuốcnơvít, cờ lê... Bạn cũng nên nhớ, phía đầu xe nơi để động cơ có thể sẽ chìm nhanh hơn vì nặng, vì thế đuôi xe sẽ ở trên mặt nước lâu hơn. Bạn có thể mở cửa hoặc đập kính từ phía đuôi xe.

Cháy xe

Cũng theo ông Bùi Xuân Duyên: “Thông thường xe cháy xuất phát từ phía động cơ, trong khi đó, vị trí đặt động cơ của xe khách, xe buýt thường ở phía đuôi xe, và xe con là ở phần đầu xe. Vì thế, bạn nên xác định được vị trí phát hoả trên xe để thoát ra ngoài tránh những vị trí đó. Với xe khách, xe buýt, khi động cơ bị cháy ở phía đuôi nên người lái sẽ rất khó phát hiện để báo cho hành khách biết, và chỉ khi lửa đã cháy to mới biết nên hành khách thường rất bị động...”.

Tuy nhiên, theo ông Duyên, trái với trường hợp xe chìm, bạn không nên phá cửa kính để thoát ra ngoài, nhất là những vị trí gần nơi phát hoả, vì khi kính vỡ không khí lọt vào trong nhiều hơn, làm cho xe cháy to và nhanh hơn. Cách tốt nhất là mọi người trên xe phải bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy, di chuyển về cửa chính phía trên đầu xe, lần lượt thoát ra ngoài.

Trong khi đó, xe 4 - 9 chỗ thường cháy ở phía đầu xe do động cơ nằm ở nắp ca bô phía trước. Tuy nhiên, với xe nhỏ thì việc thoát hiểm khi cháy dễ dàng hơn nhiều vì có ít người và có đến 4 cửa để thoát ra ngoài. Khi phát hiện thấy khói ở trên đầu xe, bạn nên tạt xe vào lề đường nhanh nhất có thể và đưa mọi người ra khỏi xe, tránh xa xe đang cháy ít nhất 6m và báo cho các phương tiện khác biết và gọi cho trạm cứu hỏa gần nhất. Trong khi chờ đợi cứu hộ, bạn có thể dùng bình cứu hỏa mini trong xe để tư dập lửa, hoặc dùng đất, cát, vải dày thấm nước... phủ trực tiếp lên chỗ đang cháy.

Tuấn Leo
Tuấn Leo
Trả lời 8 năm trước

http://114hanoi.net/thoat-hiem-khi-chay/