Giấy ăn càng trắng, càng độc

Theo các chuyên gia, sau khi nghiên cứu đã phát hiện ra trong giấy ăn có chứa chất độc hại policlobiphenyl (PCBs). Dù ở mức hàm lượng rất thấp nhưng các chất này có khả năng gây ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ.

Có thể gây ung thư

Theo các chuyên gia nghiên cứu khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong giấy nói chung và giấy ăn nói riêng thường có chứa các chất cơ clo, trong đó có cả các chất độc hại như  policlobiphenyl.

Hạn chế tối đa sử dụng giấy ăn. 

TS Vũ Quốc Bảo, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp giấy và Xenlulô cho hay, vẫn chưa có công nghệ thay thế để không sử dụng clo, nhưng tùy theo công nghệ có thể sử dụng ít hoặc nhiều. Chỉ còn cách không sử dụng giấy ăn hoặc hạn chế sử dụng các loại giấy công bố chất lượng đảm bảo an toàn.

Trước đây các chất này có nhiều trong dầu biến thế, trong tụ điện. Chúng được biết đến như là một loại các hợp chất cơ clo bền có độc tính cao như dioxin.

Policlobiphenyl tự sản sinh ra trong quá trình sản xuất giấy ăn. Khi nấu và  tẩy trắng giấy đòi hỏi nhà sản xuất phải sử dụng các chất clo. Các phân tử chất thơm và phenol có trong quá trình sản xuất giấy bị clo hóa tạo ra các chất policlobiphenyl. Tùy thuộc vào quy trình công nghệ mà mỗi loại giấy sẽ có mức nồng độ các chất policlobiphenyl khác nhau. Nhưng có một đặc điểm chung là giấy càng được tẩy trắng càng có nhiều chất này. Bởi lẽ để có giấy càng trắng thì càng cần lượng clo nhiều, từ đó phản ứng tạo ra các chất policlobiphenyl từ các chất thơm và phenol với clo càng nhiều.

PGS.TS Đỗ Quang Huy, khoa Môi  trường (Đại học Khoa học Tự nhiên), người nghiên cứu về chất độc này trong giấy cho biết, hàm lượng chất độc policlobiphenyl trong giấy là rất thấp, chỉ nhỏ hơn vài micro gam/kg giấy đã được tẩy trắng. Dù hàm lượng thấp nhưng có chất này vẫn có thể gây ung thư, đẻ quái thai và các bệnh tật nguy hiểm khác.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, trưởng khoa Môi trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, giấy ăn không chỉ có chất độc tương tự chất dioxin mà còn có thể có nhiều chất khác.

"Tẩy trắng bằng clo vẫn là phương pháp tối ưu, rẻ tiền nhất. Một tờ giấy trắng gồm có rất nhiều chất như xenlulo, nhựa thông, keo, hóa chất như sút, khoáng chất công nghiệp như cao lanh... Hay các chất vòng còn tồn tại trong quá trình sản xuất tinh bột của giấy, trong đó có chất PCBs".

Chất polyclobiphenyl trong giấy ăn chưa được kiểm soát

PGS.TS Huy phân tích, việc người dân có thói quen sử dụng giấy ăn chưa  được kiểm soát độc chất để lau tay, miệng hay thậm chí lau chùi bát đũa trước khi ăn uống sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại chất này. Vì thế, các loại giấy "tạp nham" được bán cho các nhà hàng, vỉa hè theo cân, gói cần phải được kiểm soát độc chất.


Các loại giấy này được sản xuất theo cách tận dụng lại giấy cũ, dù không tẩy trắng nhiều bằng các loại giấy khác nhưng trong bản thân nó đã tích lũy chất policlobiphenyl. Vì thế, việc dùng lại giấy cũ và với kỹ thuật sản xuất gia công giấy lạc hậu như hiện nay sẽ cho các sản phẩm giấy không hợp vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây độc.

Hiện nay, vẫn chưa có tổ chức hay nhà máy nào có kiểm soát polyclobiphenyl trong quá trình sản xuất giấy và sản phẩm giấy. Các chuyên gia khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu vấn đề này.

Theo các chuyên gia, để hạn chế nhiễm độc chất này, trước hết cần thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng giấy ăn và không nên dùng loại giấy tái chế, kém chất lượng trong vệ sinh các đồ vật dùng trong ăn uống.

Hạn chế ở mức tối đa hoặc không sử dụng giấy ăn lau chùi bát đĩa, lau miệng, hay gói thức ăn. Nên dùng khăn ăn thay thế cho giấy. Bát đũa nên rửa sạch, phơi khô trước khi ăn. Giấy vệ sinh nên mua các loại giấy mịn, chất lượng cao và đã được kiểm soát độc chất.

PCBs là một nhóm các hoá chất nhân tạo có cấu tạo bởi các nguyên tử  cacbon, hyđrô và clo. Ở nhiệt độ cao, PCBs có thể cháy và tạo ra các sản phẩm phụ nguy hiểm - như các chất độc dioxin. PCBs không có khuynh hướng bay hơi hay hoà tan trong nước. Tuy nhiên, chúng hoà tan được trong chất béo và các chất tương tự. Vì thế, PCBs có thể hình thành trong mỡ động vật và tích tụ qua chuỗi thức ăn. Vì những ảnh hưởng có thể xảy ra của chúng đối với sức khoẻ con người và môi trường nên một số nước đã bị cấm hay hạn chế một cách nghiêm ngặt. 

 

(Theo Bee.net)

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 13 năm trước

Thời buổi này cái gì chẳng độc hại: rau, thịt, cá, sữa,... trứng gà, trứng vịt lộn còn làm giả được nữa là.

Nước ngọt, bia nổi hết cả váng đen lên, sữa thì phồng lên...

Mới sản xuất được mấy tuần đã hỏng, thế mà hạn đề 2 năm sau khi sản xuất

Nói chung là, người dân không phải ko biết độc hại, mà là biết mà vẫn phải dùng, vì con người ko thể tồn tại nếu ko ăn.

Chỉ mong nhà nước mình có những quy định, chế độ phạt thật nặng, thật nghiêm khắc các doanh nghiệp, cơ sở sx làm giả, làm nhái, làm hàng chất lượng kém..v.v