Hồ Gươm có ít nhất 2 cụ Rùa?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước

Từ nhiều năm nay, một số nhà khoa học (trong đó có PGS-TS Hà Đình Đức) cho rằng hồ Gươm chỉ còn sót lại một cụ Rùa.

Cách đây 3 năm đã có một cuộc tranh luận nảy lửa giữa một nhà khoa học và một người chụp ảnh ven hồ Gươm khi người kia căn cứ vào hàng trăm bức ảnh mình chụp được để xác định rằng “hồ Gươm có tới 5 cụ Rùa”, còn nhà khoa học thì trước sau như một “hồ Gươm chỉ còn duy nhất một cụ Rùa”.

Lần này, thông tin “hồ Gươm có ít nhất 2 cụ Rùa” được ông Nguyễn Ngọc Khôi - Chủ tịch Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT (cử nhân kinh tế, chuyên gia có kinh nghiệm 20 năm nuôi rùa và nghiên cứu về rùa - PV), đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ rùa hồ Gươm.

2 “vệt tăm”

Để tìm hiểu thêm, ngày 14/2, phóng viên đã xuống khu sinh thái Đầm Bông, Định Công, Hà Nội gặp ông Khôi. Hiện ông Khôi có 11 trang trại sinh thái nuôi trồng thủy sản và nuôi các loại rùa cạn, rùa nước, rùa tai đỏ. Ông là người đã tổ chức triển lãm 100 con rùa (từ 10-40 kg) trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua và cũng chính là người tư vấn cách diệt rùa tai đỏ cho Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội.

Ông Khôi cho biết trong dịp trước và sau Tết Tân Mão vừa qua, ông đã cùng PGS-TS Hà Đình Đức 2 lần khảo sát bằng thuyền trên hồ Gươm và 15 lần ông tự đi tìm hiểu ven hồ. Chỉ vào các bức ảnh chụp 2 vệt tăm rùa chạy dài hàng trăm mét trên mặt hồ Gươm, ông Khôi khẳng định: “Với kinh nghiệm thực tế 20 năm nuôi rùa, trong chuyến khảo sát bằng thuyền quanh hồ Gươm chiều 30 tết vừa qua, tôi phát hiện hồ hiện có ít nhất 2 cụ Rùa trở lên. Qua thực tế nuôi rùa to mai mềm (40-50 kg) trong nhiều năm, tôi thấy khi rùa to di chuyển thường để lại các vệt tăm bong bóng hơi nước chạy dài trên mặt ao hồ giống như kiểu máy bay phản lực để lại các dải khói đằng sau. Hôm ấy, tôi đi thuyền khảo sát cùng với PGS Đức và một cán bộ của UBND TP Hà Nội. Lúc đầu tôi phát hiện thấy một vệt tăm rùa chạy dài hàng trăm mét. Lúc sau, tôi đã chỉ cho mọi người thấy 2 vệt tăm rùa sủi nước chạy dài song song trên mặt hồ, đường kính mỗi vòng tăm từ 50 - 70 cm và tôi đã đề nghị chụp lại các vệt tăm đó. Tôi khẳng định với những người cùng đi trên thuyền đấy là vệt tăm của 2 cụ Rùa”.

Hồ Gươm có ít nhất 2 cụ Rùa?, Tin tức trong ngày, cu rua, rua ho Guom, rua tai do, Ha Noi, nam, ho Hoan Kiem, tin tuc 24h

Hai vệt tăm rùa trên mặt hồ Gươm chiều 30 Tết (Ảnh: Thanh niên)

Cụ Rùa đang nhiễm nấm độc?

Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng về việc hồ Gươm có mấy cụ Rùa, nhưng các chuyên gia đều lo lắng về tình trạng sức khỏe của cụ Rùa vì vết thương trên lưng và có thể cụ Rùa còn đang bị nấm độc tấn công.

“Tôi rất lo lắng về tình trạng nước Hồ Gươm. Quan sát qua ảnh, tôi cho rằng có thể Rùa Hồ Gươm đang bị nhiễm nấm nặng. Nếu không xử lý nhanh, tính mạng Rùa sẽ bị đe dọa”, một bác sỹ thú y về động vật hoang dã đến từ Vườn thú Cologne (CHLB Đức), đang làm việc ở Vườn Quốc gia Cát Bà, Hải Phòng, cảnh báo. Bà cho biết sẵn sàng tham gia hội chẩn và tư vấn sức khỏe cho cụ Rùa nếu được yêu cầu.

Tim McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa châu Á, người cũng tham dự hội thảo hôm nay, khẳng định những vết lở loét trên thân thể cụ Rùa là có thật và nghiêm trọng. Cần nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề một cách tổng thể hơn thay vì chỉ tập trung vào rùa tai đỏ, sinh vật ngoại lai đang sống trong Hồ Gươm.

Nhà động vật học nhiều năm kinh nghiệm về bò sát ở Bảo tàng Động vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Vũ Ngọc Thành, cũng lưu ý: “Cần chữa trị khẩn cấp cho cụ Rùa và hãy để các bác sỹ thú y quyết định. Các ý kiến khoa học về cụ Rùa ở Việt Nam còn rất khác nhau. Vì thế, để tiến độ không bị ảnh hưởng, tôi đề nghị các nhà khoa học không nên can thiệp vào công việc của chuyên gia thú y”.

Hồ Gươm có ít nhất 2 cụ Rùa?, Tin tức trong ngày, cu rua, rua ho Guom, rua tai do, Ha Noi, nam, ho Hoan Kiem, tin tuc 24h

Các chuyên gia cho rằng, phải chữa trị khẩn cấp cho cụ Rùa (Ảnh: Tiền phong)

Hồ Gươm ô nhiễm nặng

Hoàn Kiếm không còn là một hồ nữa mà là cái ao tù bẩn. Phải trả lại trạng thái cân bằng sinh thái tự nhiên cho hồ. Phải có thêm các loài thuỷ sinh khác để giúp tiêu thụ các chất phì dưỡng và phải có một cuộc hội thảo toàn diện. - GS.TSKH Dương Đức Tiến, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về tảo ở Việt Nam.

Các nhà khoa học nhận thấy khoảng 6-7 năm lại đây, hàm lượng các chất dinh dưỡng thuộc nhóm amoni, nitrat, và phosphat (chủ yếu phát sinh từ chất thải) tăng lên đáng kể ở Hồ Gươm.

Liên quan đến hệ tảo trong Hồ Gươm, khảo sát nhiều lần cho thấy loài tảo lam độc đang phát triển rất nhanh và mạnh theo thời gian. Nếu như năm 1997 mới chỉ đếm được 3,5 triệu tế bào trong một lít nước mẫu lấy trong Hồ Gươm, đến tháng 2 năm 2005, lượng tế bào tảo lam độc đã lên đến 747 triệu/lít nước mẫu.

“Đây là con số vô cùng lớn và rất đáng báo động” - Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đình Kim nói. Tham khảo bảng tiêu chuẩn nước của Australia, được biết, nếu hàm lượng microcystin (tên của một loại tảo lam độc cũng có ở Hồ Gươm đang đề cập) ở mức 15 triệu tế bào/lít nước trở lên, nước được xem là có độ độc cao.

Như vậy, mẫu nước Hồ Gươm được IET nghiên cứu có độ độc gấp ít nhất 30 lần so với ngưỡng độc cao của tiêu chuẩn Australia (Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn này). Các nhà khoa học lưu ý tảo lam độc không phải là thứ tạo nên mầu đặc trưng của Hồ Gươm. Mầu lục thủy mà những người yêu Hồ Gươm rất sợ mất được tạo nên bởi loại tảo gọi là tảo lục. Trong cùng mẫu nghiên cứu của IET, lượng tảo lục đếm được không đáng kể, chỉ 10-35 triệu tế bào/lít.

Hàm lượng độc tố 0,626-0,798mg/g tế bào tảo lam Hồ Gươm rất cao. Một lượng như thế trong một lít nước, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đủ để gây ngộ độc và ung thư. Hiện ở Hà Nội, hai hồ bị ô nhiễm tảo lam độc nặng nhất là Hồ Gươm và hồ trong Công viên Bách Thảo.

Tuy nhiên, nhận định của các nhà khoa học tại IET và bên Bộ Xây dựng không được tất cả nhà khoa học đồng tình. Có ý kiến cho đó là thổi phồng.