Giúp chỉnh hình gãy xương vùng khuỷu ở trẻ em?

Tay trái của con tôi lúc 5 tuổi bị té và bị nứt đầu khớp khuỷu tay, bác sĩ bó bột, đến khi tháo bột thì tay cháu bị trật khớp nên nay cháu bị cán vá (đầu khớp cong lên giống hình dấu ^ ). Hiện nay cháu đã 8 tuổi. Xin hỏi liệu có chỉnh hình cho tay cháu thẳng lại như bình thường được không?
Con Nan
Con Nan
Trả lời 15 năm trước
Bình thường khớp khuỷu của con người hơi bị lệch ra ngoài khoảng 5-7 độ, khi cẳng tay sấp, trục cánh tay và khuỷu sẽ thẳng hàng làm tăng tối đa lực kéo đẩy của cánh cẳng tay. Xương trẻ em còn đang phát triển nhờ có vùng sụn gọi là sụn tăng trưởng hay sụn tiếp hợp. Vùng sụn này phát triển giúp xương dài ra. Vùng khuỷu, sụn tiếp hợp đóng vai trò ít quan trọng hơn vùng vai trong sự phát triển chiều dài cánh - cẳng tay. Tuy nhiên, gãy xương vùng khuỷu của trẻ em, nhất là gãy vùng mỏm trên lồi cầu trong cánh tay, thường có di chứng khuỷu vẹo vào trong. Nguyên do là vùng xương gãy bị hoại tử, vùng sụn tăng trưởng bị hư hại nên không phát triển được, trong khi đó vùng sụn tăng trưởng phía ngoài vẫn phát triển nên đẩy khuỷu vẹo vào trong. Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ vẹo càng lớn vì xương còn phát triển mạnh. Khuỷu vẹo vào trong sẽ làm chức năng khớp khuỷu bị giảm tùy theo mức độ nặng hay nhẹ. Việc khiêng vác vật nặng bị hạn chế cũng như sức kéo - đẩy của tay sẽ giảm đi vì lúc đó khuỷu không còn thẳng được như bình thường. Ngoài vấn đề chức năng thì khuỷu vẹo vào trong cũng gây ra vấn đề về thẩm mỹ cho các bé. Nếu khuỷu vẹo nhiều như chị mô tả, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật đục xương chỉnh trục cho khuỷu thẳng trở lại. Các khoa chấn thương chỉnh hình đều có thực hiện phẫu thuật này. Chị có thể đưa cháu đến các bệnh viện có khoa chỉnh hình để khám và điều trị hoặc có thể khám tại khoa cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 1.