Trẻ bị mồ hôi trộm, ngủ không yên giấc, phân sống có phải bị rối loạn tiêu hóa không hay do chức năng gan kém? Vì cháu hay ngứa, gãi nhiều, lưới ăn và

Con trai tôi được 11 tháng, cháu hay ra mồ hôi trộm khi ngủ và ngủ không yên giấc . Ngoài ra tôi thấy phân của cháu thường xuyên trong tình trạng còn nguyên sợi thức ăn và có mùi hôi thối . Vậy có phải con tôi bị rối loạn tiêu hóa không và có phải rối loạn do chức năng gan kém không ? vì tôi thấy cháu lúc nào cũng gãi và cào xước hết cả mặt mũi và người . Hàng ngày tôi vẫn cho cháu ăn sữa chua nhưng cháu vẫn lười ăn và hầu như không tăng cân . Xin bác sỹ hãy cho tôi một lời khuyên để khắc phục tình trạng trên của cháu
hoang thi mai
hoang thi mai
Trả lời 15 năm trước
Dựa vào những triệu chứng mà bạn vừa cung cấp cho chúng tôi, có thể con bạn bị còi xương. Đó chỉ là chẩn đoán lâm sàng, bạn nên đưa cháu đến trung tâm y tế chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Bệnh còi xương hay xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, hay bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp (đặc biệt là tiêu chảy). Đây là bệnh toàn thân, ảnh hưởng không những đến hệ xương mà còn đến cả thần kinh, cơ, máu... Ở giai đoạn sớm, trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Giai đoạn muộn, xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín; có bướu ở trán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra. Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có khi biến dạng như ngực gà. Để điều trị bệnh còi xương, cần cho trẻ tắm nắng buổi sáng và uống vitamin D, chứ không phải uống các chế phẩm có chứa canxi và ăn thêm xương. Những trẻ phải uống vitamin D hoặc có bệnh cấp tính kèm theo như tiêu chảy, viêm phổi... cần được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn và hướng dẫn. Việc điều trị chỉnh hình được đặt ra với những trẻ bị biến dạng xương nặng, khi bệnh đã khỏi. Cách tốt nhất để phòng bệnh còi xương là trong thời gian mang thai và cho con bú, người mẹ được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời và chế độ ăn uống đầy đủ. Vào các tháng cuối của thai kỳ, nên ăn các thức ăn giàu vitamin D và uống thêm dầu cá. Trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ đầy đủ. Sữa mẹ không chỉ có một hàm lượng vitamin D nhất định mà còn chứa những chất chuyển hóa của vitamin D. Đối với trẻ đẻ non, thiếu cân, có thể cho uống vitamin D 400 đơn vị mỗi ngày trong suốt năm đầu. Điều quan trọng là phải thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời buổi sáng. Nhà ở phải có đủ ánh sáng. Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm, để ý đến các biến đổi của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra để cải thiện tình trạng tiêu hóa kém cháu, bạn nên bổ sung cho cháu các chế phẩm chứa men vi sinh kết hợp với các vitamin như Viabiovit, Biobaby... dưới sự tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc của các bác sĩ hoặc dược sĩ. Chúc bé yêu của bạn luôn khỏe.
nguyễn hoàn
nguyễn hoàn
Trả lời 13 năm trước

Dựa vào những triệu chứng mà bạn vừa cung cấp cho chúng tôi, có thể con bạn bị còi xương.Và có hiện tượng bị rối lọan tiêu hóa

Thông thường, khi cơ thể trẻ phát triển nhanh, quá trình trao đổi chất xảy ra dồn dập, nhiệt lượng và cặn bã sinh ra trong quá trình trao đổi chất khá lớn, cho nên trẻ ra mồ hôi nhiều hơn người lớn. Đồng thời, do hệ thần kinh của trẻ chưa kiện toàn, thần kinh giao cảm quản lí việc tiết mồ hôi trong khi ngủ do mất sự khống chế của thần kinh cao cấp đại não, dễ xuất hiện hiện tượng hưng phấn nhất thời, làm cho trẻ khi ngủ hay đổ mồ hôi trộm. Do vậy, việc ra mồ hôi trộm ở trẻ là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, khi mồ hôi ra quá nhiều và liên tục, cơ thể sẽ mất đi một lượng nước và muối sẽ khiến cơ thể trẻ yếu đi, người mệt hơn. Nếu hiện tượng đó kéo dài và liên tục ngày này sang ngày khác, cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến hiện tượng này của trẻ để tìm cách khắc phục, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy phải bổ xung vitamin D và chế độ ăn uống hợp lý

Đó chỉ là chẩn đoán lâm sàng, bạn nên đưa cháu đến trung tâm y tế chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.

thu
thu
Trả lời 11 năm trước

Có những bệnh sau khiếntrẻ embị ra nhiều mồ hôi

- Bệnh tim bẩm sinh: thường là tim bẩm sinh có luồng thông từ bên trái sang bên phải. Nếu vậy thì con bạn thường rất hay bị viêm phổi và có chiều cao cũng như cân nặng thấp hơn trẻ cùng tuổi.

- Bệnh lao sơ nhiễm.

- Bệnh còi xương: bên cạnh dấu hiệu ra mồ hôi trộm, trẻ ngủ không yên giấc, hay giật mình, hay rựng tóc gáy, kèm theo biến dạng xương như các đầu sụn sườn to, đi chân vòng kiềng.

Ngoài ra, trẻ còn bị ra mồ hôi do tính chất gia đình: bố hoặc mẹ ra nhiều mồ hôi, hoặc trẻ có thể ra mồ hôi nhiều khi vận động, khi trẻ bú…

Vậy bạn thử xem con bạn có các triệu chứng nêu trên hay không? Nếu không thì có khả năng cháu bị ra mồ hôi cả khi nóng, khi lạnh. Khi gáy trẻ ấm, đầu nóng thì mồ hôi đó là nóng. Còn khi gáy lạnh, quanh đầu cũng lạnh thì đó là mồ hôi do lạnh, chỉ cần lau hết mồi hôi và ủ ấm là hết.

Khi trẻ ra mồ hôi nhiều, có thể sẽ mất đi một lượng nước và muối khiến trẻ mệt và yếu hơn. Lúc này các bà mẹ nên lưu ý lau mồ hôi cho trẻ thường xuyên, giữ ấm, thoáng cho trẻ. Bổ sung các thức ăn, nước uống mát như rau cải, rau má, tránh ăn các loại trái cây như xoài, sầu riêng. Vì con bạn còn nhỏ, bạn chưa thể phân biệt được nguyên nhân ra mồ hôi do bệnh lý hay sinh lý. Tốt nhất hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa để được khám và tư vấn.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!