Tôi hay bị nghẹn, tại sao lại thế, xin tư vấn giùm tôi?

Lê thị huyền Trang
Lê thị huyền Trang
Trả lời 15 năm trước
Nghẹn là một triệu chứng thường gặp. Nghẹn là do rối loạn co bóp của thực quản mỗi lần có thức ăn, nước uống chạy từ miệng xuống thực quản để đến dạ dày. Nghẹn là một triệu chứng chứ chưa thấy ai gọi là bệnh nghẹn. Nhiều hiện tượng do ăn, uống gây nghẹn nhưng cũng có một số bệnh lý gây nên triệu chứng nghẹn. Nghẹn gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, không phân biệt vùng địa lý. [b]Nguyên nhân gây nghẹn là gì? [/b] - Nghẹn do phản xạ làm rối loạn chức năng co bóp của thực quản: Đây là hiện tượng nghẹn thường hay gặp ở một số người do tranh thủ ăn, uống vội vàng để giải quyết một việc cấp bách nào đó. Do ăn, uống vội nên phản xạ gây co bóp nhịp nhàng của thực quản bị đảo lộn, thức ăn hoặc nước uống được đưa xuống từ miệng nhưng phản xạ co bóp của thực quản chưa phản ứng kịp làm cho thức ăn, nước uống tạm dừng chuyển vận trong chốc lát gây nên hiện tượng nghẹn. Nhiều trường hợp không phải do ăn, uống vội vàng mà vẫn nghẹn, đó là các trường hợp do tính chất của thức ăn thay đổi không hợp với khẩu vị như thường ngày, ví dụ có người chỉ quen ăn cơm không trộn canh, nhưng khi cơm trộn một ít canh tạo thành món cơm có tính chất sền sệt thì ăn vào là bị nghẹn ngay. Và như vậy cứ mỗi lần có cơm trộn canh sền sệt là ngay lập tức có phản xạ ngưng khi thức ăn đi qua thực quản gây nghẹn. Cũng có trường hợp do thức ăn lạ nên dù thức ăn mềm nhưng khi ăn vẫn bị nghẹn, ví dụ có người ăn bánh trôi, bánh chay nhưng vẫn bị nghẹn (xin lưu ý là những trường hợp nghẹn với dạng thức ăn như thế này nếu gặp ở người già hoặc trẻ nhỏ là hết sức nguy hiểm). - Nghẹn do bệnh lý: Một số bệnh lý xảy ra tại thực quản có thể gây nên nghẹn như u thực quản. U thực quản có thể là lành tính, có thể là ác tính. Trong các trường hợp này, mức độ nghẹn tùy thuộc vào mức độ chèn ép của khối u; u càng lớn thì sự chèn ép càng mạnh gây nghẹn càng nhiều. Nếu giải quyết được khối u thì hiện tượng nghẹn cũng có thể hết. Ở thực quản cũng có thể gặp hiện tượng bỏng thực quản do nhiệt độ (thức ăn, nước uống) hoặc do axít. Nghẹn do bỏng thực quản cũng tùy thuộc mức độ bỏng, tùy thuộc vào khả năng phục hồi và tùy vào mức độ bỏng nặng hay nhẹ, có gây hẹp thực quản hay không và nếu có thì hẹp nhiều hay ít, có khả năng hồi phục hay không? Nhiều trường hợp rối loạn thần kinh thực vật làm rối loạn vận động của thực quản gây hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản cũng có thể gây nuốt vướng, nghẹn. Một số bệnh ngoài thực quản nhưng cũng có thể chèn ép vào thực quản gây nghẹn như bướu cổ đơn thuần hoặc dạng Basedow; suy tim dày thất phải đè vào thực quản gây chèn ép thực quản gây nghẹn; một số bệnh về phổi như u phế quản, u phổi... [b]Khi bị nghẹn nên làm gì? [/b] Nếu nghẹn do thức ăn, nước uống không phù hợp thì cần điều chỉnh lại và tốt nhất là không dùng dạng thức ăn, nước uống gây nên triệu chứng nghẹn. Trong những trường hợp như thế này người bị nghẹn cũng đã xác dịnh được nguyên nhân gây nghẹn và cũng biết là không gây nguy hiểm gì (trừ trường hợp người già, trẻ em bị nghẹn do ăn các loại bánh trôi, bánh chay gây nghẹn như vừa nêu ở phần trên thì cần cảnh giác cao, tốt nhất là không ăn các loại bánh như vậy). Nhiều trường hợp nghẹn do phản xạ bị rối loạn, chỉ cần một động tác đơn giản như uống một ngụm nước hoặc vuốt dọc theo đường thực quản là mất triệu chứng nghẹn. Vì vậy khi bị nuốt nghẹn cũng không nên quá lo lắng mà phải hết sức bình tĩnh để chọn phương pháp hữu hiệu nhất làm mất hiện tượng nghẹn vì nghẹn chưa chắc đã là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm nào đó. Cần tự mình theo dõi xem nghẹn có bị tăng lên về cả số lần và cả mức độ hay không? Tuy vậy khi đã nghi nghẹn do có một loại bệnh nào đó thì cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán xác định (tất nhiên không phải trường hợp nào cũng xác định được ngay mà đòi hỏi có thời gian để áp dụng các phương pháp chẩn đoán hỗ trợ như chụp thực quản có chất cản quang, nội soi (khi đã nội soi thì bác sĩ sẽ cho tiến hành sinh thiết để xét nghiệm tế bào học), chụp cắt lớp vi tính và các loại xét nghiệm cần thiết khác. Khi đã được một cơ sở y tế có đủ điều kiện khám và chẩn đoán xác định thì người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục.