Hỏi về lau sensor

Các bác ui, sensor của em nó bị bẩn (em thay nòng nhiều quá). Có bác nào biết làm ơn chỉ cho em địa chỉ lau sensor ở HN với. Hay các bác dạy em cách làm em tự vọc ở nhà cũng được. Cảm ơn các bác nhé!
Chita
Chita
Trả lời 14 năm trước
Lau sensor đơn giản hơn các bác nghĩ nhiều, kinh nghiệm của em là: 1- Mua một hộp clean kit 5 in 1 (hầu như tiệm ảnh nào cũng có bán) khoảng 45-50.000 đ 2- kiếm 1 cái que nhỏ dài khoảng 20cm, bằng gỗ là tốt nhất (cán bút, chổi sơn nhỏ...) 3- Cắt một miếng bìa carton hình như lưỡi xẻng, lưu ý là phần lưỡi phải cắt thật bằng và kich thước bằng đúng chiều rộng của sensor, buộc vào dầu que, lúc này nhìn dụng cụ giống một cái xẻng. 4- xé khoảng 3 tờ tissue trong hộp lean kit, gấp lại nhiều lần cho bằng đứng kích thước lưỡi "xẻng", đương nhiên là bằng đúng chiều rộng sensor, áp vào mặt dưới lưỡi "xẻng", lấy dây chun buộc lại cho chắc chắn. Lúc này ta có một dụng cụ lau sensor không đụng hàng, nhưng rất hiệu quả 5- Mở chế độ Mirror lock (em chỉ biết trên máy Nikon, máy khác chắc tương tự) 6- Thấm 1, 2 giọt dụng dịch lau trong hộp clean kit vào phần lưỡi, thò dụng cụ vào lau nhẹ 1 lượt theo chiếu dọc sensor, lật lưỡi, lau ngược lại. Sạch bong Lưu ý khác: Khi lau nên chọn chỗ kín, đảm bảo không có bụi bay vào phần thừa của miếng carton khoảng 0.5cm so với đầu que, đảm bảo không mềm qua, cũng không cứng quá. Nên để máy nghiêng để thao tác cho dễ, chú ý đừng căng thẳng quá. mồ hôi rớt xuống thì rắc rối to!!! * bác nào nói để chế độ B là không ổn rồi.
Wasabi
Wasabi
Trả lời 14 năm trước
Xin được trình bày với các bạn một số điều cần biết trong việc bảo quản mạch điện tử cảm quang của máy ảnh số dSLR. Từ rất lâu thì việc tìm cách chống lại sự xâm nhập của bụi vào máy ảnh làm ảnh hưởng tới kết quả của hình ảnh đã là một trận chiến không ngơi nghỉ. Điều này không thay đổi khi bạn dùng máy ảnh dSLR, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn so với máy ảnh cơ SLR. Trong máy ảnh chụp phim nếu vì một lý do nào đó mà có bụi bám lên phim thì nó chỉ làm ảnh hưởng tới một kiểu chụp duy nhất vì sau đó nó sẽ bị cuốn theo vào trong "bô-bin" của những kiểu phim đã chụp rồi. Nhưng đối với một mạch điện tử cảm quang "Sensor" thì lại là cả một vấn đề hoàn toàn khác biệt. Nếu bạn có một vết bụi bám trên Sensor thì hình ảnh của nó sẽ xuất hiện trên tất cả các kiểu ảnh! Việc thay...memory card không giúp gì được bạn đâu nhé. Những tế bào điện tử cảm quang bị che bởi vết bụi bẩn sẽ không nhận được ánh sáng và như thế những pixels tương ứng với nó sẽ bị tối đen (thường thì bạn hay thấy những đốm mầu xám) trên ảnh chụp. Cho dù bạn chụp ảnh trong Studio hay ngoài trời thì sớm muốn những hạt bụi bẩn này sẽ tìm đến bạn đấy. Thêm vào đó thì việc thay ống kính cũng là một thời điểm lý tưởng cho bụi xâm nhập vào "Sensor" của bạn. Lẽ dĩ nhiên là với các phần mềm xử lý ảnh hiện tại bạn có thể đễ dàng tẩy đi những vết bẩn ấy nhưng cũng cần phải lưu ý rằng việc "sửa chữa" ấy còn phụ thuộc vào chi tiết nội dung của tấm ảnh nữa đấy. Chẳng hạn như vết bẩn lại rơi ngay đúng vào mắt của nhân vật trong ảnh hay trên những chi tiết quan trọng và phức tạp...chẳng hạn thì việc sửa chữa các tấm ảnh sẽ không còn là điều thú vị nữa. Vậy thì làm sao để có thể theo dõi tốt tình trạng của Sensor? Cách làm khá đơn giản. Trước khi bắt đầu tiến hành làm sạch Sensor thì bạn nên có một tấm "bản đồ" chính xác của những vị trí bị bám bụi của Sensor. Cách làm như sau: - Đặt máy dSLR chụp ở chế độ ảnh lớn nhất (L) - Tiêu cự tự động - Việc chọn ISO không quan trọng - Dùng tiêu cự nào cũng được - Cuối cùng là chụp ảnh một tờ giấy mấu trắng để làm mẫu vật. - Dùng Photoshop đánh dấu những vị trí bẩn, tách chúng ra thành một "Layer" riêng. Bạn có thể dùng nhiều mầu sắc khác nhau để đánh dấu những vết bẩn, sẽ rất có ích khi muốn so sánh chúng với những ảnh có mầu phông nền khác nhau. Lợi ích của việc làm này là: - Bạn có thể định vị rất nhanh những vùng cần xử lý, ngay cả đối với các hình ảnh cỡ lớn. - Có thể xác định nhanh chóng những vùng quan trọng cần sửa chữa để có một kết quả tốt khi bạn thật sự thiếu thời gian. - Tránh được lỗi bỏ sót các vết bụi nhỏ. Thế nhưng việc lập một tấm bản đồ định vị các vết bụi bẩn chưa hẳn là đã đủ. Bạn cần phải luôn theo dõi xem trên Sensor của mình có các vết bản lạ không? Việc làm thường xuyên này sẽ giúp bạn theo dõi xem có những vết bản nào mới xuất hiện trên Sensor. Lẽ dĩ nhiên là việc theo dõi sự tiến triển của các vết bụi trên Sensor này cũng có những giới hạn vì đến một thời điểm nào đó khi mà Sensor quá bẩn thì không thể chụp ảnh được nữa mà cần đem đi bảo dưỡng hay bạn tự bảo dưỡng theo cách mà tôi sẽ nói ở phần tiếp theo. Có thể bạn đã từng nghe nói về các kính lọc bảo vệ Sensor tránh khỏi bụi bẩn có bán trên thị trường? Ngay bây giờ bạn có thể quên sự tồn tại của chúng đi đơn giản bởi vì sự xuất hiện của những kính lọc này làm giảm rất nhiều chất lượng hình ảnh và thậm chí có thể làm ảnh bị mờ. Vậy có cách nào chăng để làm giảm tốc độ của việc bám bụi trên Sensor? - Điều đầu tiên không được quên: tránh tuyệt đối thay đổi ống kính trong điều kiện thời tiết xấu như gió, bụi, mưa... - Bạn nên tìm một chỗ khuất để thay ống kính. Giấu máy ảnh vào trong quần áo để thay ống kính là một giải pháp cực kỳ tồi tệ vì những bụi bẩn trong quần áo sẽ rơi vào máy ảnh. Hoặc bạn có thể mang theo một chiếc túi ni-lông trong suốt chỉ để dùng cho việc đổi ống kính. Cần lưu ý tránh ma sát tĩnh điện. - Lau sạch các ngạnh nối của ống kính trước khi lắp vào máy ảnh. - Thao tác thay ống kính nhanh và chính xác: úp máy ảnh xuống phía dưới, tháo ống kính và lắp ống kính mới đang ở trong tư thế chờ thẳng đứng. - Kiểm tra cẩn thận ống kính mới xem có bụi bẩn không? Trên đây hoàn toàn là những điều mà có lẽ bất kỳ ai cũng...đã biết cả nhưng để thực hiện được chúng chính xác theo thói quen thì cũng cần thực hành trong nhiều tháng đấy. Như thế sau khi chụp ảnh về chúng ta nên chọn một phòng kín, khô sạch sẽ để kiểm tra và làm sạch các thiết bị chụp ảnh. Bạn có thể dùng quả bóng cao su để thổi bụi chứ không nên dùng chiếc chổi nhỏ đi kèm khi làm về sinh ống kính ở những vị trí quan trọng. Thế còn việc sử dụng bình hơi nén? Theo như một số khuyến cáo thì bình hơi nén này có thể gây tổn hại tới một số bộ phận của máy ảnh như để lại các vệt mầu trên gương phản xạ. Nhưng trong những trường hợp cần dùng bình khí nén thì bạn nên lưu ý một vài điều căn bản sau: - Bình khí nén luôn được sử dụng ở vị trí thẳng đứng. - Không lắc bình khí trước khi sử dụng. Bấm cho khí nén xả ra trước rồi đưa máy ảnh lại gần luồng khí. - Nên nhớ rằng bình khí không chuyển động và ta phải đưa thân máy ảnh lại gần nó. - Mỗi lần sử dụng bình khí nén chỉ trong vài giấy. Tất cả những điều mà chúng ta vừa đề cập ở trên chỉ có tác dụng làm chậm lại tốc độ bám bụi vào Sensor mà thôi, sớm hay muộn thì vấn đề này cũng sẽ xảy ra. Với những bạn chụp ảnh amateur thì khoảng thời gian trung bình độ 2 tháng là đủ để nhận ra trên ảnh có những vết bẩn lạ! Trong trường hợp như thế chúng ta sẽ xử lý ra sao? Có hai phương án: - Đem lại dịch vụ bảo hành hậu mãi (dĩ nhiên là bạn sẽ phải trả tiền dịch vụ) - Tự làm sạch lấy bằng các đồ nghề chuyên nghiệp Phương án thứ hai có vẻ thích hợp với điều kiện ở Việt nam hiện tại (?) Thế nhưng bạn không được quên rằng tự lau Sensor là một việc làm rất rủi ro. Nếu bạn nghĩ rằng những bụi bẩn bám trên Sensor có thể là bụi kim loại hoặc bụi cát thì bạn không nên tự lau lấy Sensor vì có nhiều khả năng là bạn sẽ tự làm xước bề mặt của nó. Một điểm cần lưu ý nữa là việc mua các công cụ chuyên dụng để lau Sensor cho lần đầu tiên không hề rẻ so với giá dịch vụ vì chúng khá đắt. Thế nhưng lợi thế là bạn sẽ có sẵn một bộ đồ nghề để xử lý những vết bẩn, thao tác nhanh chóng và ngay sau đó máy ảnh có thể được sử dụng để chụp ngay. Bạn không nên sử dụng bất kỳ loại đồ nghề không có chất lượng để lau Sensor, đặc biệt là nên quên ngay ý tưởng dùng que bông ngoáy tai để lau Sensor. Việc sử dụng tốc độ B chỉ có thể áp dụng để xem qua sensor, bạn tuyệt đối không được thao tác lau sensor với kiểu làm này vì nó rất nguy hiểm. Việc lựa chọn tự mình lau Sensor không hẳn là đơn giản vì bên cạnh cái tiện lợi luôn có cái rủi ro. Nếu như có sự cố thì bạn sẽ không được bảo hành đâu đấy nhé. Một lời khuyên cuối cùng cho những ai quyết định tự mình lau lấy Sensor là bạn nên thong thả, thoải mái khi bắt tay vào công việc. Cần tránh xa trẻ con, vật nuôi trong nhà và thậm chí tắt luôn cả điện thoại cố định cũng như di động (đừng quên logout YM và MSN nhé) Việc đầu tiên cần làm là bạn đọc kỹ lại trong "Manuel" để biết cách nâng gương phản xạ lên và lau Sensor. Cho dù bạn đang sử dụng bất kỳ loại máy nào thì có mấy điểm chung cần nhớ: - Khi máy ảnh khoá gương phản xạ và hệ thống cơ học cũng như điện tử của máy hoạt động sẽ rất tốn năng lượng. Bạn nên sử dụng dây sạc hay một chiếc ắc-qui mới nạp đầy điện. Đừng quên gập chiếc flash "built-in" xuống nhé. - Khi mà thân máy ảnh đã sẵn sàng thì bạn làm ẩm chiếc chổi lau chuyên dụng bằng 3 hoặc 4 giọt dung dịch chuyên dụng, không cần thiết phải nhỏ nhiều hơn. Cẩn trọng: trong một số dung dịch loại này có chất "méthanol" rất độc cho con người, chỉ cần hít nhẹ vào là đủ bị nhức đầu rồi. Bạn nên chọn một không gian thoáng đãng để làm việc. Thêm nữa là chất "méthanol" rất dễ cháy mà không cần mồi lửa do đó bạn nên cẩn trọng để tránh xa các thiết bị điện tử. - Bạn chỉ nên dùng mỗi mặt của chiếc chổi chuyên dụng này cho một lần lau mà thôi. Chẳng hạn như một mặt dùng để lau từ trái qua phải còn mặt kia thì để lau từ phải qua trái. Bạn không được ấn mạnh lên bề mặt của Sensor. Nếu chiếc chổi lau của bạn không có 2 mặt thì phải dùng 2 chiếc chổi khác nhau. - Sau khi thao tác xong bạn làm theo hướng dẫn trong "Manuel" để cho máy "nghỉ" một thời gian cần thiết trước khi sử dụng lại. Tất cả chỉ có thế thôi nhưng sau khi lau Sensor bạn cần chụp ảnh test để kiểm tra tình trạng sạch sẽ của Sensor. Bạn không nên bực mình nếu nhận thấy rằng Sensor không sạch như lúc mới tinh nhé, nếu cần thiết thì bạn có thể lau thêm một lần nữa. Lời khuyên quan trọng cho tất cả những bạn nào chưa từng tự lau Sensor là nên chịu mất vài giọt dung dịch và một chiếc chổi để thử thao tác trên bề mặt của một tấm gương trước khi tiến hành lau Sensor. Tác dụng của việc thử nghiệm này giúp bạn làm quen với độ mềm của chổi lau và cách thao tác để không còn vết lau trên mặt Sensor. Cuối cùng tôi xin được giới thiệu với các bạn một sản phẩm nhà nghề mà các nhiếp ảnh gia PRO vẫn hay dùng: - 1 hộp "Sensor SWAB" với 12 chiếc chổi lau đã được khử trùng. - Một lọ dung dịch "ECLIPSE" 59ml Tổng chi phí sẽ vào khoảng 90€. Chúc các bạn may mắn và thành công! Sưu tầm
youknow
youknow
Trả lời 14 năm trước
Để làm sạch bên ngoài máy ảnh chuyên nghiệp, người dùng chỉ cần dùng vải lau. Tuy nhiên, muốn lau sensor, cần đọc hướng dẫn mở và dùng dung dịch để lau cho đúng kỹ thuật. Hằng ngày, khi thay ống kính, bụi bẩn thường bay vào, đây là một trong những tác nhân làm máy ảnh mờ, chất lượng các bức ảnh giảm. Để lau sạch máy, ngoài các phụ kiện như dung dịch lau, chổi mềm, bơm hơi cao su, bạn nên chọn vải mềm, đặc biệt không bị xơ, vương các sợi vải nhỏ. Một bộ các phụ kiện lau máy như trên có thể tìm thấy tại các cửa hàng máy ảnh trên đường Giải Phóng, phố Hàng Trống, Tràng Thi (Hà Nội)... với giá khoảng 2 triệu đồng. Để xác định cảm biến có bẩn hay không, đầu tiên, hãy chọn một miếng giấy trắng, ngắm ống kính vào tờ giấy và chụp các bức ảnh ở chế độ lớn nhất, chọn tiêu cự tự động, ISO không quan trọng. Chụp một vài bức hình và xem trên bức ảnh đó trên máy tính. Nếu ảnh tờ giấy trắng có những vết đen. Như vậy, bạn cần phải làm sạch sensor của máy. Dân chụp ảnh thường có xu hướng thay ống kính tại bất cứ nơi nào, có thể ngoài trời, trên đường. Lời khuyên của các chuyên gia là hãy chọn nơi càng ít bụi càng tốt. Trước khi lau ống kính, bạn dùng một lớp vải mềm lau bên ngoài. Chú ý lau sạch bụi hạt cát, vết dầu trên mặt ngoài và các góc, hốc máy. Bên cạnh đó, không nên thấm nước, hoá chất để lau. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các máy ảnh đều có hướng dẫn vệ sinh máy. Trên máy ảnh cũng có một chế độ tự động lau sensor gọi là sensor cleaning. Đọc hướng dẫn sử dụng để biết cách nâng gương phản xạ lên và lau sensor. Khi máy ảnh đã khoá gương phản xạ, hệ thống cơ học cũng như điện tử của máy hoạt động sẽ khá tốn năng lượng. Vì thế, bạn nên cắm sạc nạp điện và không quên gập đèn flash xuống. Có thể dùng ống hơi để thổi bụi trên sensor ra. Dung dịch lau sensor có chất “methanol” độc cho con người. Nên chọn nơi có không gian thoáng đãng. Nên dùng mỗi mặt của chổi lau chuyên dụng và chỉ lau một lần, nếu chổi không có 2 mặt thì dùng 2 chổi. Nếu chưa quen lau lần nào, bạn nên thử lau trên bề mặt kính để quen với thao tác và độ mềm của chổi. Lắp lại ống kính, lau lại bằng vải mềm không có sợi. Không nên chụp ngay mà để máy có một thời gian nghỉ.