PHONG CÁCH BAROQUE – TINH THẦN BAROQUE

Phong cách Baroque, cho dù trải qua một hành trình dài kể từ điểm xuất phát, với vô vàn biến động của cuộc sống nhưng vẫn luôn giữ được sức sống bất diệt. Phong cách thiết kế nội thất cổ điển là tên gọi chung cho rất nhiều nhánh nhỏ khác như: phong cách cổ điển Pháp, phong cách cổ điển Ý, phong cách Phục Hưng, phong cách Baroque…Trong số những phong cách được yêu thích nhất, Baroque luôn được đánh giá cao về độ độc đáo và vững bền. Có lẽ không có nhiều phong cách có thể làm những điều vĩ đại như Baroque, khi mà trải qua cả một chặng đường dài với vô vàn biến động, đổi thay của thời cuộc nhưng tinh thần Baroque vẫn tràn đầy sức sống mãnh liệt, giữ nguyên giá trị cho tới tận ngày nay.

Phong cách Baroque là gì?

Baroque là một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ thời Phục Hưng – Ý, sau đó lan ra khắp châu Âu cho tới cuối thế kỷ 18. Tên gọi “Baroque” có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha là “Barroco”, tiếng Tây Ban Nha là “Barrueco”, nghĩa là những viên ngọc không có quy luật hay hình thù kỳ dị, là “tất cả những gì không tuân theo chuẩn mực về tỷ lệ mà chiều theo tính khí bất thường của nghệ sỹ”.

Kiến trúc Baroque tận dụng ngôn ngữ của kiến trúc Phục Hưng nhưng theo một cách mới.

Baroque tận dụng những ngôn ngữ của kiến trúc Phục hưng theo một cách thức mới mang tính chất hùng biện và phong cách sân khấu, thường dùng để phô trương sức mạnh của Nhà thờ và chính quyền chuyên chế. Nó tạo dựng nên một khám phá mới về hình dáng, ánh sáng với cường độ mạnh. Người ta nói rằng: trong kỷ nguyên Baroque, kiến trúc trở nên phức tạp và cầu kỳ hơn.

Nói về lịch sử ra đời của phong cách Baroque, trong thời kỳ Phục Hưng đã thu hút của cải và quyền lực của triều đình Ý và là sự pha trộn của các thế lực thế tục và tôn giáo thì ít nhất ban đầu, đặc trưng của kiến trúc Baroque lại trực tiếp liên quan đến Kháng cải cách – một phong trào trong giáo hội công giáo.

Đầu thế kỷ 13, tại Roma, một bộ phận tín đồ của nhà thờ đã nhận thấy sự mục nát trong tín ngưỡng nên đã đứng lên kêu gọi mọi người cùng cải cách tôn giáo, chống lại những áp đặt khắt khe của nhà thờ. Từ đó, những tín đồ của đạo Thiên chúa chia làm 2 phe: một bộ phận nhỏ đòi cải cách lập ra đạo Tin Lành, chống đối lại với đạo Thiên chúa chính thống. Phong trào chống cải cách của giáo hội Roma đã vô tình sản sinh ra đặc trưng của phong cách Baroque nói chung và kiến trúc Baroque nói riêng, xuất phát từ việc giáo hội Thiên chúa giáo đã đưa ra một số chương trình chống cải cách tôn giáo nhằm mở rộng thanh thế, uy tín cho nhà thờ trong dân chúng. Dưới sự chỉ đạo của giáo hoàng và giáo hội, ở Roma đã hình thành phong cách kiến trúc Baroque.

Đặc điểm của Baroque

Đúng như ý nghĩa cái tên “tất cả những gì không tuân theo các chuẩn mực về tỉ lệ, mà chiều theo tính khí bất thường của nghệ sỹ”, người ta khó mà nắm bắt được cụ thể những quy luật, cũng như hướng phát triển của phong cách Baroque.

Dễ dàng bắt gặp những bức tranh trần lớn trong các công trình Baroque.

Tuy vậy, trong ngôi nhà mang phong cách thiết kế nội thất Baroque, có thể dễ dàng bắt gặp những đặc điểm sau đây:

- Sử dụng ánh sáng một cách mạnh mẽ, hoặc tương phản sáng tối, hoặc ánh sáng đồng bộ với một loạt cửa sổ.

- Sử dụng phong phú các loại màu sắc, hoa văn trang trí, thường được mạ vàng, thạch cao hoặc vữa, đá cẩm thạch.

- Tranh trần tỷ lệ lớn

- Mặt ngoài đặc trưng bởi những phần nhô cao hướng tâm

- Không gian mang đậm tính nghệ thuật với sự kết hợp của hội họa, điêu khắc, nghệ thuật đắp hình nổi.

- Sử dụng hiệu ứng huyền ảo như Trompe-l'œil (một thể loại nghệ thuật thị giác, có thể tạo hình ảnh sống động như không gian 3 chiều).

- Cấu trúc mái vòm không tròn như phong cách Roman, cũng không vót nhọn như Gothic, mà theo hình dạng quả lê.

Về cơ bản, kiến trúc Baroque là sự vận động liên tục của những bức tường uốn lượn đầy ấn tượng. Lối kiến trúc này thường được thấy trong nhà hát, nhà thờ bằng những không gian kịch tính vốn là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc, các nhà hội họa cùng tạo ra một kết quả thống nhất và nhấn mạnh hiệu quả ảo ảnh với mục đích làm cho chiều sâu sâu hơn, chiều dài dài hơn, những luồng ánh sáng chuyển động và sự âm vang của âm thanh khi được phát ra dù chỉ là một tiếng động rất nhỏ.

Hình oval là hình chủ đạo của lối kiến trúc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ này. Nó xuất hiện hầu như ở tất cả mọi nơi, từ nét uốn lượn của những dãy tường dài đến góc nhỏ khuất cao trên trần.

Người ta thường nhắc đến Baroque kèm theo một sự ngưỡng mộ không giấu diếm về vô vàn những điều thần bí trong cách sắp xếp chi tiết của phong cách này. Baroque có thể tạo ra những không gian phức tạp và những luồng ánh sáng kỳ bí được chiếu khắp nơi mà người ta không thể nào tìm được điểm xuất phát của ánh sáng đó. Ngoài ra, người ta còn nhận biết được kiểu kiến trúc này thông qua các thức cột có kích thước lớn và thường chồng cao hai tầng, cửa sổ hình chữ nhật, một cửa bé hơn hình tròn, bán nguyệt hay oval.

Nghệ thuật Baroque đi ngược lại với lối kiến trúc thời Phục Hưng cứng nhắc vốn được thừa hưởng của Hy Lạp, La Mã cổ đại. Baroque hướng đến sự mới mẻ và phóng túng hơn.

Trong thiết kế nội thất, phong cách Baroque được yêu thích bởi những đường nét khoáng đạt và đầy cảm xúc. Những họa tiết hoa lá cầu kỳ, uốn lượn, cách điệu hoặc những hình khối được đan cài linh hoạt của phong cách Baroque tạo nên sức quyến rũ kỳ lạ. Baroque rất phù hợp với những không gian sang trọng nhưng cũng không kém phần hiện đại.

Tại Việt Nam, phong cách Baroque được xác định là có mặt vào thế kỷ 16, gần như tương đồng với Baroque châu Âu. Phần để lại tương đối nhiều hơn cả trong các công trình kiến trúc truyền thống là các chạm khắc đình làng. Nếu các kiến trúc thờ tự Phật giáo thiên về tính trau chuốt, kinh điển thì ở rất nhiều đình làng, mặc dù nhang nhác giống nhau nhưng mỗi nơi đều xuất hiện những tác phẩm điêu khắc độc đáo trên bức cốn, đầu bảy, đầu kèo, đầu đao… được người thợ thủ công chạm trổ kỳ công bằng tất cả tâm tình.

Nét phóng túng không chỉ nằm ở đề tài như cảnh sinh hoạt như hứng dừa, trai ghẹo gái tắm, cảnh hội hè phồn thực, cảnh thần tiên mà còn ở lối thể hiện dân dã hài hòa với tổng thể. Nó có dáng vẻ đặc trưng của kiến trúc Baroque khi tương phản với những chủ đề mực thước của các phạm trù Nho giáo. Điểm khác biệt ở chỗ trong các công trình đình chùa Việt Nam, các chi tiết trang trí thường ở vị trí khó nhìn, trên cao hoặc nơi thiếu ánh sáng trực tiếp của công trình. Điều này khác với sự phô trương như trong đặc trưng phong cách Baroque châu Âu, vốn đề cao khoái cảm trực diện, tôn vinh sự dư dật.

Cho tới ngày nay, Baroque vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình, khi sau nhiều thế kỷ, nó vẫn có chỗ đứng vững chắc trên sàn diễn thời trang, thiết kế nội thất. Dù là được gọi bằng những cái tên khác đi nhưng tinh thần Baroque vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại.

Hy vọng với những thông tin mà Thiên Phố cung cấp, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và gần gũi về lối kiến trúc bắn nguồn từ Châu Âu này. 

www.thienpho.com

Chưa có câu trả lời nào