Truyền thuyết & giai thoại

[b]Lê Quý Đôn giai thoại: Biết thì nói là biết...[/b] Lê Quý Đôn tự cho mình là người hay chữ nhất vùng Thái Bình. Một hôm làng có hội, một vị lão nho nhờ Lê Quý Đôn viết hộ vào dải lụa một vế đối. Lê Quý Đôn cầm bút chờ... Ông cụ ung dung đọc: "Tri", Lê Quý Đôn ngỡ ngàng và lúng túng không biết viết thế nào. Cụ lại nhắc lại "Tri", LQĐ vẵn cầm bút, vì trong chữ Hán có nhiều chữ "Tri" đồng âm dị nghĩa. Đọc đến lần thứ ba mà Lê Quý Đôn vẫn chưa viết được chữ "Tri", lòng cảm thấy xấu hổ. Thấy vậy cụ nho liền cười và đọc cả câu: "Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri." Nghĩa là: Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Như thế mới là biết. Lê Quý Đôn liền hạ bút, đến quỳ lạy trước cụ già, tạ lỗi.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Phùng Khắc Khoan[/b] Ngày xưa, vào đời Nhà Lê, ở làng Phùng Xá, đất Sơn Tây có một thư sinh tên là Phùng Khắc Khoan. Tương truyền rằng Khoan là anh em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan lớn lên, được mẹ cho đi Hải Dương theo học anh là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về sau đổ tiến sĩ, giúp nhà Lê trung hưng, làm được nhiều việc lớn. Đến khi nhà Lê khôi phục được kinh thành Thăng Long, thì Phùng Khắc Khoan được cử đi sứ triều Minh bên Tàu. Khi đi sứ, vua Tàu phục tài văn thơ của ông làm cả một lúc 36 bài thơ. Vua Tàu phong Phùng Khắc Khoan làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Khi ông trở về nước Việt, đi qua tỉnh Lạng Sơn, ông gặp Liễu Hạnh Công Chúa hiện hình chơi trên đỉnh núi. Đôi bên cùng đọc thơ xướng hoạ, rồi bà Chúa Liễu biến mất. Tục truyền rằng công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Nương. Vì cô lỡ tay làm rơi vỡ chén ngọc ở thiên đình, nên bị đày xuống trần gian, đầu thai làm người ở vào thời Hậu Lê, ở nhà của Lê Thái Công, đất Vụ Bản, Nam Định. Họ Lê đặt tên con gái là Giáng Tiên, lớn lên lấy chồng là Đào Lang. Sau 3 năm vợ chồng chung sống, đến ngày mồng 3 tháng 3 thì Giáng Tiên bay về trời. Nhưng vì chưa hết hạn ở hạ giới, nên Ngọc Hoàng lại đày cô xuống thế gian một lần nữa. Lần này, nàng công chúa Thượng Giới đi cùng với 2 tiên nữ nữa là Quế Nương và Thị Nương xuống ở miền Phố Cát, đất Thanh Hóa. Nàng thường ngao du sơn thuỷ, hiện ra ở nhiều nơi, làm nhiều việc linh hiển, và được triều đình phong sắc là công chúa Liễu Hạnh, được xếp vào hạng tứ bất tử của Việt Nam, sau các Thần Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử. Trong một cuộc du ngoạn, công chúa Liễu Hạnh đã gặp nhân sĩ Phùng Khắc Khoan. Sau cuộc hoạ thơ cùng tiên nữ tài hoa, Phùng Khắc Khoan đi trên đường thấy gỗ chất ngỗn ngang trên đường, có chữ sắp là Liễu Hạnh và Phùng, thì đoán biết là ý tiên nữ muốn ông đứng ra lập đền thờ bà. Phùng Khắc Khoan còn gặp công chúa Liễu Hạnh hiện ra một lần nữa, giữa lúc ông đang đi du thuyền chơi ở Hồ Tây, cùng hai người bạn họ Ngô và họ Lý. Kẻ tiên người phàm đã cùng nhau làm thơ xướng hoạ liên ngâm, và thơ hãy còn truyền đến nay.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Hồ Ba Bể[/b] Ngày xưa, ở vùng Bắc Cạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Gia. Dân chúng khắp miền mạn ngược tề tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Quần áo bà rách rưới, tả tơi, người bà bốc mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão hủi này đến nhà nào xin ăn, đều bị xua đuổi, mắng nhiếc. Người ta sợ lây bệnh cùi hủi. Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà góa, ở với con trai. Bà không kinh tởm, gọi bà lão hủi vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con rắn lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói: - Tôi thật sự không phải là người, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ 2 mẹ con nhà này. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành. Hai mẹ con bà biết thương kẻ khốn cùng, cho nên tôi xin báo trước là sắp có tai hoạ lớn xảy ra. Hễ khi nào thấy có nước nguồn bắt đầu đổ về đây, thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh. Nói xong, bà lão biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ 2 mẹ con bà góa kia đã chạy vội thoát lên được trên đỉnh núi cao. Trên núi, 2 mẹ con dựng lên một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu. Cả thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trợ Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Hưng Đạo Đại Vương[/b] Ngày xưa, về đời nhà Trần, ở đất Nam Định, có An Sinh vương phu nhân, chồng là anh ruột của vua Trần Thái Tôn. Một đêm, bà nằm mơ thấy có một vị thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử, theo lệnh Ngọc Hoàng xuống đầu thai. Sau đó bà thụ thai, đến lúc lâm bồn, có hào quang toả sáng rực cả nhà, mùi hương thơm ngào ngạt. Bà hạ sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn thông minh rất sớm. Mới lên 5 tuổi đã biết làm thơ, có óc lãnh đạo, thường bày trò chơi bát trận. Lớn lên, càng học giỏi, tinh thông nhiều sách thánh hiền và cổ nhân, tinh thông lục thao tam lược, văn võ toàn tài. Thuở ấy, dân tộc Mông Cổ làm bá chủ toàn cõi Trung Hoa, tràn chiếm một phần lớn Đông Âu, thâu tóm cả lục địa Á Châu. Thế lực của quân Mông Cổ mạnh mẽ như vũ bão, cuồng phong. Vó ngựa của quân Mông Cổ phi đến đâu, thì cỏ nơi ấy không mọc đựơc nữa. Đại quân nhà Nguyên mạnh như bão, như lửa, đã tiến về phương Nam của dân tộc Việt, tính thôn tính cả vùng Đông Nam Á, để thực hiện mộng làm bá chủ toàn cầu của lãnh tụ Mông Cổ: Thành Cát Tư Hãn. Nước Nam bé nhỏ, như con châu chấu chống bánh xe khổng lồ ở phương Bắc. Tuy nhiên, 3 lần quân Nguyên tràn sang đất Việt, đều hoảng hồn quay về. Tướng Trần Quốc Tuấn đã thống suất binh sĩ, cùng dân chúng một lòng cương quyết, đánh bật quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi Việt. Quân Mông Cổ từng "trăm trận trăm thắng", đã thảm bại kéo quân trở về. Họ rất nể sợ uy danh của Trần Quốc Tuấn, không dám nhắc tên ông, chỉ gọi là Hưng Đạo Vương. Khi tướng nhà Nguyên là Thoát Hoan kéo quân sang đánh nước Việt lần thứ 2, có mang theo một tỳ tướng tên là Bá Linh, tức Phạm Nhan, có tài yêu thuật. Trần Hưng Đạo lập trận cửa cung phá được, bắt sống Phạm Nhan. Kỳ lạ thay, binh sĩ Việt dùng gươm chém thế nào Phạm Nhan cũng không chết. Trần Hưng Đạo phải dùng Thần Kiếm mới giết được hắn. Tục truyền rằng, khi tên yêu thuật Phạm Nhan chết đi, thường hiện thành ma quỷ về phá rối đàn bà con gái. Dân chúng gọi là "tà Phạm Nhan", phải nhờ đến uy linh của Hưng Đạo Vương mới trừ khử được. Về già, Trần Hưng Đạo trí sĩ ở Vạn Kiếp. Ông được vua tôn kính phong làm Thái Sư Thượng Phụ Hưng Đạo Đại Vương, lập miếu sinh từ ở Vạn Kiếp và khắc văn bia để ghi nhớ công đức của Ngài. Hưng Đạo Vương đã soạn ra quyển Binh Thư Yếu Lược, và lập ra cửa đồ cửu cung bát quái thần diệu vô cùng. Ngoài 70 tuổi, Hưng Đạo Vương mất. Dân chúng ghi nhớ công đức của Ngài, hàng năm đến ngày huý nhật 20.8, thiện nam tín nữ đông đảo đi trảy hội Vạn Kiếp, lễ đền thờ Trần Hưng Đạo rất đông. Ở nhiều nơi khác trong nước, dân chúng cũng lập đền thờ Đức Thánh Trần để cậy uy linh của Ngài trừ tà ma.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Lê Lợi [/b] Ngày xưa, vào thời Việt Nam bị lệ thuộc Trung Hoa dưới thời nhà Minh, có một người làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá, tên là Lê Lợi. Ông là một thổ hào trên đất Mường, gia đình giàu có, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Lê Lợi khi lớn lên, gặp lúc nước nhà đang bị Tàu đô hộ, nên đã nuôi chí lớn khôi phục giang sơn Việt Nam. Quân nhà Minh nghe tiếng bậc hào kiệt, muốn dụ Lê Lợi ra làm quan, Lê Lợi nói: "Đại trượng phu phải giúp nước lúc gặp nạn, lập nên công lớn, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại bo bo chịu làm đày tớ cho người ngoài ư?". Trong cuộc kháng chiến chống Tàu, có một lần Lê Lợi thua trận ở Côi Huyện, binh sĩ tan rã, một mình ông tìm đường trốn. Giặc Tàu đuổi theo. Lê Lợi cùng đường, phải nhảy xuống ruộng. May thay, gặp một ông lão đang cấy mạ, Lê Lợi bèn cởi quân phục dấu xuống bùn, giả vờ cầm mạ, cấy mạ như một nông dân. Chốc lát sau, giặc Tàu kéo đến tìm. Thấy có 2 người làm ruộng, bèn hỏi thăm: Có thấy ai chạy qua đây không?. Ông lão chỉ tay về phiá trước mặt, nói: "Lão vừa thấy có một vị tướng chay về phía kia kìa!". Quân giặc tưởng thật, kéo cả đi mất. Lê Lợi thoát hiểm. Một lần khác, nghĩa quân Lê Lợi lại bị quân giặc Tàu đuổi gấp. Ông phải núp mình ở cánh đồng giáp Mường. Giặc xua chó săn tìm kiếm, bao vây chỗ bụi cây nơi Lê Lợi nấp. Bị quân giặc cầm giáo đâm vào trúng đùi, ông phải lấy áo lau sạch vết máu. Ngay lúc đó, bỗng có con cáo nhảy ra, khiến đàn chó sồng sộc đuổi theo. Nhờ đó, mà Lê Lợi thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc. Cánh đồng mà Lê Lợi nấp, dân chúng gọi tên là Cánh Đồng Chó, ngày nay nằm ở tả ngạn sông Chu, gần Bái Thượng, Bắc Việt. Một lần khác, Lê Lợi và nghĩa quân Việt Nam bị giặc Tàu bao vây ở núi Chí Linh. Lê Lai liều mình khoác áo ngự bào giả làm Lê Lợi, cởi ngựa ra trận để cho quân giặc tưởng đấy là Bình Định Vương Lê Lợi, xúm lại đánh bắt. Nhờ vậy, Lê Lợi lại một phen nữa thoát hiểm. Lê Lợi và nghĩa quân Việt Nam gian khổ kháng chiến suốt 10 năm trời. Lúc đầu gian nan, sau có nhiều người tài giúp đỡ, như Nguyễn Trãi. Dân chúng khắp nơi đã dốc lòng hưởng ứng, nên dần dà chiếm lại được nước Việt, đánh đuổi giặc Tầu ra khỏi bờ cõi. Sau đó, Lê Lợi lên ngôi, tức vu Lê Thái Tổ. Ông đặt tên nước là Đại Việt, lúc bấy giờ là vào thế kỷ 15.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Núi Bà Đen[/b] Ngày xưa, núi Bà Đen có tên gọi là Núi Một. Trên đó có một tượng Phật bằng đá, rất linh thiêng. Dân chúng rủ nhau chặt cây lá dọn đường lên núi cúng Phật. Người lên núi thường phải đi từng đoàn, vì dọc đường có rất nhiều beo cọp. Có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương, văn hay võ giỏi, gốc ở Trảng Bàng. Vào mỗi ngày rằm trăng sáng, cô hay lên núi lễ Phật. Trong làng, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt để ý cô, đem lòng thương mến. Vì thấy cô có nhan sắc, một ông quan nọ định dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Ông ra lệnh cho một thầy võ thi hành kế gian. Khi cô Lý bị thầy võ kia đánh bại, sắp gặp nạn, thì Lê Sĩ Triệt xông ra cứu thoát. Về nhà, cô thuật truyện lại, được cha mẹ đồng ý gả cô cho chàng trai cứu mạng. Vào lúc ấy, Võ Tánh đang chiêu binh giúp Gia Long đánh nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt ra tòng quân. Một hôm, giữa lúc đang chờ chồng trở về đoàn tụ, cô đang cầu khẩn trên núi thì có một bọn cướp đến vây bắt. Cô chạy thoát vào rừng trốn, rồi mất tích luôn. Sang đời vua Minh Mạng, có một vị hoà thượng trụ trì trên núi Tây Ninh ngày kia đang niệm Phật, bỗng thấy một người con gái mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói văng vẳng: "Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị rượt bắt nên té xuống hố chết. Nay ta đã đắc quả, xin Hòa Thượng xuống triền núi phía Đông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất dùm". Vị hoà thượng này y lời, đi tìm xác cô, đem về chôn cất. Câu chuyện đồn đãi ra tới tai Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt. Ông bèn lên núi tìm hiểu hư thực, và hứa dâng sớ về triều phong chức cho cô gái họ Lý này, nếu cô linh hiển cho ông thấy tận mắt sự thật. Cô bèn nhập vào xác một đứa con gái, nói rằng: "Hồn của thượng quan sau này sẽ được chức thần kỳ vinh hiển, nhưng xác của thượng quan sẽ bị hành hạ". Lê Văn Duyệt nói: "Bổn chức không cầu xin cho biết tương lai mình, mà chỉ muốn biết rõ căn nguyên của nàng". Xác cô gái rơi nước mắt, kể lại câu chuyện chết oan ức của mình, và nhắc lại duyên nợ tiền định với chàng Lê Sĩ Triệt. Theo lời kể, sau khi Võ Tánh tự hoả thiêu ngày thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt được phong chức chỉ huy 2 tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận. Hai người vì chưa sống chung chạ nhau, nên được trường sinh bất tử. Nhờ vậy, nàng trở thành tiên thánh, xuống cõi trần thế để cứu nhân độ thế. Kể dứt lời, cô gái nọ té nhào, bất tỉnh hồi lâu mới dậy. Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua, phong cho cô Lý Thị Thiên Hương chức vị "Linh Sơn Thánh Mẫu", ngự ở Núi Một, tức là núi Bà Đen ngày nay ở Tây Ninh. Núi Bà Đen nổi danh là một địa thế linh hiển, kỳ bí, nhiều phép lạ, khó ai giải thích được.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Phù Đổng Thiên Vương[/b] Vào đời Hùng Vương thứ sáu, thiên hạ bình yên; dân gian sống trong cảnh thái bình. Vua Hùng không triều cống nhà Ân bên Tàu. Thấy vậy, vua nhà Ân sai người giả đi tuần thú, tìm cách xâm chiếm nước Nam. Hùng Vương lo sợ, cho vời quần thần vào để hỏi mưu mẹo đánh giặc ngoại xâm và giữ yên bờ cõi. Có người thưa với vua rằng: - Bệ hạ nên kêu khấn với Long Quân để Ngài sai thiên tướng xuống giúp thì mới xong. Vua nghe lời, lập đàn chay trong ba ngày cầu khấn. Bỗng trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước. Rồi sau đó, một cụ già cao lớn, tóc trắng râu bạc, ngồi ở một ngã đường, vừa cười vừa nói, ca hát múa may. Ai trông thấy cũng cho là lạ. Có người tâu lên vua. Vua thân hành đến mời ông cụ đến nơi làm đàn chay, đem cơm rượu ra thiết đãi. Ông cụ không ăn và cũng không nói câu nào. Vua hỏi: - Sắp có giặc phương Bắc xâm lăng nước Nam, xin cụ mách bảo sự thể thua được như thế nào? Một hồi lâu, ông cụ mới nói: - Ba năm nữa, giặc Bắc sẽ kéo đến đây. Nhà vua nên tìm trong thiên hạ, cầu người kỳ tài, thì mới phá được giặc. Khi phá được giặc thì vua nên chia đất, phong tước cho người ta. Được vậy thì việc phá giặc không khó gì. Nói xong, cụ già bay vụt lên Trời, biến mất. Vua tuân lời, sai sứ đi khắp trong nước để tìm người tài ra giúp nước. Bấy giờ, ở làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng), có một gia đình nhà giàu, hai vợ chồng tuổi ngoài 60, sinh được một cậu con trai, đã 3 tuổi mà chưa biết nói, chỉ nằm ngữa và không ngồi dậy được. Khi nghe sứ giả đến làng truyền rao lời kêu gọi của nhà vua, tìm người tài ra cứu nước, bà mẹ đã nói giỡn với con rằng: - Đẻ được một chút con trai chỉ biết ăn uống, đứng ngồi không được thì nói gì đến đánh giặc, để mà lãnh thưởng của nhà vua, đền công cha mẹ nuôi dưỡng. Sau khi nghe nói vậy, cậu con bật nói với mẹ gọi sứ giả đến đây. Bà mẹ lấy làm lạ, đem chuyện kể cho những người láng giềng. Láng giềng thấy lạ bèn khuyên cha mẹ cậu bé thử gọi sứ giả đến xem sao. Sứ giả đến và thấy cậu bé mới hỏi: - Tiểu nhi kia, gọi ta đến để làm gì? Tiểu nhi ngồi dậy, bảo với sứ giả: - Sứ giả hay mau trở về tâu với nhà vua hãy đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước; một thanh kiếm dài 7 thước; và một cái nón sắt rồi đem đến cho ta. Ta sẽ ra trận, giặc thấy ta tự nhiên phải sợ mà chạy. Có gì mà phải lo? Sứ giả mừng rỡ, trở về tâu với vua. Nhà vua tỏ ra vui mừng bảo với quần thần rằng: - Năm ngoái ông cụ già đã nói, quả nhiên là đã có Long Vương giúp ta, không còn hồ nghi gì nữa! Vua lập tức sai thợ rèn đúc ngựa, kiếm, mũ sắt để đưa cho tiểu nhi. Cha mẹ cậu bé lấy làm lo lắng, sợ con nói xằng rồi mang vạ cho cả nhà. Tiểu nhi cười lớn và nói: - Cha mẹ cứ yên tâm và hãy kiếm rượu thịt thật nhiều để con ăn. Chuyện đánh giặc thì cha mẹ chớ lo. Tiểu nhi mỗi ngày một lớn nhanh, ăn nhiều. Gia đình cậu tuy giàu có nhưng không đủ gạo cho cậu ăn no, không đủ vải để may áo quần. Xóm làng phải chung góp gạo vải với gia đình để nuôi cậu. Bấy giờ cậu bé đã trở thành to lớn, không thể nào ở trong nhà được nữa, bèn phải cất một ngôi nhà to để cho Ngài ở. Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc huyện Tên Du), thì sứ giả đem ngựa, kiếm và mũ sắt đến trao cho Ngài. Ngài vươn vai đứng lên, cao hơn hai trượng, ngẩn mặt lên trời gầm lớn, rồi vung thanh kiếm quát lớn rằng: - Ta là thiên tướng nhà Trời đây! Lập tức đội mũ, nhảy lên ngựa phóng đi. Ngựa hét ra lửa và chạy như bay, chỉ chớp mắt đã đến chỗ đóng quân của giặc. Theo sau là các quan quân tiến theo ra trận. Ngài xông vào trận đánh giết một hồi gãy mất kiếm. Ngài với lấy bụi tre bên vệ đường để làm vũ khí. Đám giặc Ân bị đánh tan tác. Bọn giặc tranh nhau lạy phục xuống đất, kêu rằng: - Lạy Ngài, Ngài là thần tướng trên Trời, chúng tôi xin hàng. Khi đánh đến núi Ninh Sóc thì giặc tan hết. Ngài cởi áo bào để lại và cưỡi ngựa bay lên Trời. Đến bây giờ vẫn còn lại dấu người và ngựa ở trên núi. Vua Hùng nhớ ơn, phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập miếu thờ. Sau đó vua cũng ban cho dân làng Phù Đổng một trăm mẫu ruộng tự điền. Vua cũng ra lệnh bốn mùa phải cúng tế Thiên Vương. Giặc phương Bắc một phen kinh vía, không còn xâm phạm nước Nam nữa. Khắp nơi nghe chuyện cũng sợ và tỏ ra hòa hiếu với nước Nam. Đến đời nhà Lý, vua gia phong làm Sung Thiên Thần Vương. Bây giờ người ta vẫn còn thờ Sung Thiên Thần Vương ở làng Gióng, và tượng được tạc trên núi Vệ Linh. Mỗi năm, dân chúng ở làng mở hội rất lớn. Những bụi tre Ngài nhổ lên đánh giặc bây giờ thành rừng ở huyện Gia Bình, gọi là tre Đằng Ngà. Chỗ con ngựa sắt thét ra lửa đốt cháy một làng, bây giờ gọi là làng Cháy.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Con voi và người quản tượng già[/b] Ngày xưa, vào đời nhà Lê, nhà vua có nuôi một con voi rất khôn, dùng để cỡi. Voi có 3 cái đai bằng vàng đeo chặt ở cổ. Đến thời Lê mạt vận, con voi không chịu ở với ai nữa. Voi bỏ vào núi ở Truông Đay Thùng. Người quản tượng (giữ voi) có tên là đội Mậu cũng về hưu. Năm 70 tuổi, ông đau yếu nghèo không tiền mua thuốc, phải lên núi kiếm rễ cây làm thuốc. Đang lúc ông lom khom đào rễ cây, thì con voi chạy đến, nhận diện ra người giữ mình khi xưa. Voi lấy vòi quấn ngang bụng đội Mậu, cắm ngà xuống đất, chảy nước mắt, tỏ tình thương nhớ. Lúc đầu, đội Mậu hoảng hồn, không nhận ra voi, sợ voi vật mình chết. Đến khi thấy voi kéo tay mình để vào chỗ đai vàng đã phủ rêu mốc, tỏ ý bảo hãy lấy đi, thì ông mới nhớ ra con vật mình đã chăn giữ thương yêu ngày xưa. Ông nghĩ bụng: Nếu như cậy đai vàng ra, thì cổ voi sẽ đau đớn, sẽ chảy máu, tội nghiệp nó. Nên ông xua tay, lắc đầu, tỏ ý từ chối không chịu làm vậỵ Nhưng voi không chịu, cứ lấy tay đội Mậu đặt vào chỗ 3 đai vàng ở cổ. Ông đành cố cạy, nhưng đến tối trời mà vẫn chưa cạy đai ra được. Ông cúi đầu lạy Voi xin về, nhưng Voi nhất định giữ ông lại. Đến gần canh hai, người quản tượng già vẫn không gỡ được đai vàng ở cổ Voi. Ông khóc bảo Voi: "Ông quận ơi, chân tay tôi già yếu, mà ở đây núi rừng tối tăm, nguy hiểm cho tôi lắm. Ông thương tôi với". Con voi chừng như thông cảm, quỳ xuống cho đội Mậu leo lên lưng voi ngồi, rồi đưa ông về. Khoảng chừng canh tư, thì về tới nhà. Vợ con đội Mậu thấy Voi đi vào sân, sợ hãi toan bỏ chạy. Ông lên tiếng trấn an: "Đừng sợ, Ông quận này thuở trước theo hầu Vua, tôi theo giữ ông. Hôm nay ông gặp tôi trên núi, ông thương, đưa về đó mà." Trong vườn sẵn có mấy sào mía, đội Mậu bảo vợ con chặt hết, đem đãi cho Voi ăn. Ông còn mua cả 3 quan tiền rượu mời voi uống nữa. Trời gần sáng, voi tỏ ý muốn đi, lấy vòi đưa hai cha con ông đội đặt lên lưng mình, rồi lại chở họ trở về núi. Đến nơi, thì trời sáng bạch. Voi lại bắt tay đội Mậu đặt vào chỗ có đai vàng, ý bảo phải lấy đai đi. Ông Mậu bảo con: "Ông quận đã cho, cha con mình phải nhận lấy". Người quản tượng già bèn cùng con trai lấy dao cạy ra được 2 đai vàng. Máu chảy ướt đẫm cổ voi. Xót thương cho con vật có tình nghĩa, đội Mậu lạy voi xin thôi. Ông kiếm lá thuốc rịt vết thương cho cầm máu, rồi ông ôm chân voi, khóc từ giã. Đội Mậu đem số vàng voi cho về nhà. Từ đó, gia đình ông sống dư giã cho đến chết. Khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà, vua Quang Trung nghe dân chúng kể về con voi đời vua Lê đang ngự ở trên núi Đầu Tượng. Vua bèn sai quan quân vào núi tìm. Nhưng không ai thấy dấu vết của voi đâu nữa.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Nợ như Chúa Chổm [/b] Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của nhà vua cũng đều chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê, làm vua nước Ðại Việt. Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Ðăng Dung có ý muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực họ Mạc rất lớn: hắn cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được. Cuối cùng nhà vua cất lẻn trốn đi, nhưng chẳng được bao lâu đã bị Mạc Ðăng Dung bắt đem về giam lại. Hồi ấy ở gần trại giam có một cô hàng rượu vẫn thường đem rượu đến bán cho quân lính canh ngục. Một hôm, cô hàng đưa rượu vào bán, thấy có một phạm nhân mặt mũi khôi ngô bị giam riêng ra một nơi. Khi biết người đó là vua, cô hàng có ý muốn làm quen. Mỗi lần bán rượu cho ngục tốt, nàng đều rót cho vua uống. Dần dần giữa hai người có một mối tình nhóm lên. Một hôm, cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon lai jcó pha thuốc mê, đến chuốc cho quân canh. Khi thấy họ năm gục xuống, nàng bèn vào tình tự với vua. Từ đó biết cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của họ Mạc, bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói: - Nàng giữ vật này làm dấu tích, nếu sau này đẻ con trai, nó sẽ có ngày phục thù cho cha. Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của nhà vua cũng đều chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê, làm vua nước Ðại Việt. Cô hàng rượu được tin, không còn hồn vía nào nữa. Nàng trốn đi một nơi khác làm thuê làm mướn, sống một cuộc đời lẩn lút. Ðủ ngày, đủ tháng, nàng sinh được một người con trai đặt tên là Chổm. Lớn lên, Chổm được vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ. Chổm rất sáng dạ nhưng phải cái nghịch ngợm thì không ai bằng. Một hôm đi chơi về đói, Chổm thấy trước tượng mụ Thiện có bày một mâm đầy chuối và quýt. Anh chàng rón rén đến bệ, bịt mắt Mụ Thiện lại và bẻ chuối ăn. Bất đồ sư cụ ở đâu đi vào trông thấy liền nọc ra đánh. Chổm tức lắm, chờ lúc sư đi vắng, lấy giấy viết mấy chữ:"Mười tay, mười mắt không giúp gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa". Viết xong dán vào ngực mụ Thiện. Ðêm hôm ấy, sư cụ tự nhiên mộng mụ Thiện bảo mình rằng: - Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi. Vậy phải xin lỗi ngài để ngài tha cho ta. Tỉnh dậy, sư cụ rất phân vân, mới gọi chú tiểu Chổm vào kẻ chuyện cho biết và bảo bóc giấy đi. Sư cụ hỏi anh chàng: - Cha mày đâu? Chổm đáp: - Tôi lớn lên chưa từng nghe nói có cha. Sau đó Chổm trở về hỏi mẹ: - Cha con đâu: Mẹ sợ không dám nói sự thật cho con biết, đáp: - Cha con họ Lê, bị hổ ăn thịt mất rồi. Nghe nói Chổm rất buồn. Từ đo anh chàng lập tâm giết hổ để báo thù cho cha. Một hôm, Chổm đi vào rừng chơi, thấy một con hổ đang ngủ dưới gốc cây, liền rón rén cầm một hòn đá lớn ném mạnh vào đầu hổ, hổ vỡ óc chết tươi. Ðang nắm đuôi kéo hổ về thì Chổm bỗng gặp một con hổ khác xông ra. Chổm sợ quá quẳng xác hổ cắm đầu chạy. Khi hổ sắp đuổi kịp thì tự nhiên có một ông già tay cầm một cây côn sắt ở trong rừng hiện ra đánh chết con hổ dữ. Chổm thoát chết, sụp lạy ông già. Ông già trao cho Chổm cái côn, bảo: - Con hãy học một ít miếng võ để mà hộ thân. Chổm sung sướng vâng lời. Dạy xong, ông già cho Chổm cái côn rồi đi mất. Từ đó, Chổm dùng côn làm vũ khí tuỳ thân. Một hôm đi qua một cái miếu, Chổm từng nghe nói có nhiều yêu quái hại người, bèn cầm côn trèo tường nhảy vào tìm yêu quái. Một lát, ở trong hang sâu bò ra một con rắn lớn mắt sáng như sao, miệng phun khí độc toan vồ lấy Chổm. Chổm giơ thần côn vụt lấy vụt để vào đầu rắn. Rắn chết, từ đó trong xóm được yên ổn. Hai mẹ con Chổm về sau thấy yên, lại trở về chốn cũ. Hằng ngày anh chàng đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn tại các quán cơm ở cửa ô. Hàng nào được Chổm vào ăn là hôm đó đắt như tôm tươi; còn hàng khác chỉ ngồi xua ruồi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía nên hàng nào cũng muốn mời anh vào ăn dù bán chịu cũng được. Chổm loang toàng và tiêu pha bạt mạng. Toàn là ăn chịu, mua chịu. Ai hỏi nợ, hắn cũng bảo: - Ðến ngày tôi làm nên, sẽ xin trả chu tất! Hồi bấy giờ có một ông quan khác tên là Nguyễn Kim trốn sang Lào mưu đồ việc diệt Mạc. Vua nước Lào nhường cho ông ta miếng đất Sầm Châu làm căn cứ để lo việc khởi mã, Nguyễn Kim đã gây được lực lượng. Nhưng ông ta còn muốn tìm một người thuộc dòng chính thống để bá cáo thiên hạ. Khốn một nỗi con cháu vua Lê đã bị Mạc giết hại hầu hết. Một đêm nọ, Nguyễn Kim thấy một vị thầnd hiện ra trong giấc mộng bảo: - Thiên tử ra đời đã lâu sao không đón về còn chờ gì nữa. Ông hỏi: - ở đâu? - Cứ đi về phía tây kinh thành ,ở dãy hàng cơm đúng ngày thìn giờ ngọ, hễ thấy rồng đen quấn cột chính thị là thiên tử. Sau khi tỉnh dậy, Nguyễn Kim rất mừng, bèn mang theo một ít bộ hạ cải trang đi tìm con cháu nhà Lê theo như lời thần nhân đã mách. Hôm đó, Chổm đang ngồi ở hàng cơm, thấy có mấy người khách lạ đi qua, bèn đứng ôm lấy cột nhìn ra. Nguyễn Kim rảo bước qua một lượt chỉ thấy quấn cột là một chàng trai trẻ tuổi, da đen sì, nhưng thấy điệu hèn hạ nên cũng không để ý. Ðêm hôm đó Nguyễn Kim lại mộng thấy thần trách: - Ta đã mách cho biết thiên tử mà không nghe. Ngày mai ra bờ sông hễ thấy ai đội mũ sắt, cưỡi thuyền rồng là đúng. Hôm sau, Nguyễn Kim chực ở bờ sông nhìn những thuyền bè qua lại nhưng chờ mãi chả thấy ai đội mũ sắt cả. Mãi đến gần gối có một chuyến đò ngang, trong đó có Chổm và một người bán chảo gang. Gặp khi trời đổ cơn mưa, Chổm không có nón, phải mượn chiếc chảo úp lên đầu cho đỡ ướt. Nhưng Nguyễn Kim không chú ý vì thấy y không có vẻ gì là quyền quý. Thần lại xuất hiện trong giấc mộng của Nguyễn Kim, tráchh ông ta không nghe lời mình rồi bảo: - Ngày mai cứ đến chỗ quán cơm cũ tìm người nào "đi chữ đại, trở lại chữ vương" thì đón về. Qua ngày sau, Nguyễn Kim và bộ hạ lại kéo nhau đi tìm. Họ quả thấy anh con trai hôm nọ đang rượu say bây giờ nằm trong quán cơm, đầu gối lên ngon côn, hai tay bỏ xuôi xuống, hai chân dạng ra hai bên như chữ "đại". Bỏ đi một chốc, đến lúc trở lại, họ thấy Chổm đã cựa mình, lúc này ngọn côn trật lên khỏi đầu, hai tay bỏ ra trước ngực, còn hai chân thì xếp bằng tròn như chữ "vương". Bấy giờ Nguyễn Kim mới tin chắc anh chàng này là người mà thần có ý mách bảo cho mình, bèn giả cách vào quán ăn uống, chờ Chổm dậy sẽ tiến hành làm quen. Chổm chợt tỉnh, thấy một người khăn áo có vẻ quyền quý đến sát giường mình thì cầm côn chực bỏ chạy. Nhưng Nguyễn Kim đã giữ Chổm lại thưa rằng: - Xin điện hạ đừng sợ. Chổm ngạc nhiên đáp: - Ô hay! điện hạ nào. Tôi là thằng Chổm đây! Nhưng thấy người quyền quý ấy có vẻ ân cần kh hỏi thăm cha mẹ và chỗ ở, Chổm an tâm hơn trả lời: - Tôi họ Lê, cha bị hổ ăn thịt, còn mẹ ở nhà. Nghe nói là họ Lê, bọn Nguyễn Kim mười phần đã chắc đến bảy tám, liền theo Chổm về tận nơi. Trước những người khách lạ, mẹ Chổm vừa mừng vừa sợ. Khi biết bọn họ có thiện ý, mới đưa ấn ngọc ra và kể rõ đầu đuôi. Thế là từ đó Chổm cùng mẹ từ giã ngôi nhà nát ở ngoại thành lên đường đến Sầm Châu lo việc phục thù cho cha. Thanh thế quân Lê mỗi lúc ngày một to. Vua Mạc nghe tin, sai tướng đem sáu mươi vạn quân vào đánh. Qua bao nhiêu trận kịch chiến, quân Lê đại thắng. Rồi không bao lâu, quân của Chổm lại đánh tiến ra Bắc. Quân Mạc hễ thấy quân Lê tới đâu là chạy trốn như vịt. Bấy giờ Chổm đường đường là một vị chúa uy thế lẫy lừng. Ðến ngày khải hoàn trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô thì bỗng có một số người chủ hàng kéo ra để chào người quen và để đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính toan bắt vì tội vô lễ. Nhưng chúa Chổm ngăn lại rồi kể chuyện ăn chịu ngày còn hàn vi cho các tướng nghe. Ðoạn bảo quan hầu lấy tiền ra trả nợ cho họ. Lúc đó có nhiều người thấy kẻ kia đòi được đòi nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa cũ; kẻ tính thành năm quan, người tính thành mười.. biến thành một cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan hầu đếm tiền mãi không xiết vì con số chủ nợ mỗi lúc một tăng. Bọn họ bèn nghĩ ra một kế là đứng trên kiệu vung tiền xuống cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mọi người thấy thế đổ xô vào cướp. Dần dần quan quân tiến đến phố cứ như bây giờ là vườn hoa cưa Nam. Một viên đại tướng nghĩ chúa mình sắp lên ngôi tôn mà khách nợ cứ chạy theo réo mãi như thế thì còn ra thể thống gì nữa mới viết vào một tờ giấy hai chữ" Cấm chỉ" dán ở giữa phố và sai một toán quân đóng lại đó, ra lệnh hễ thấy ai đòi nợ chúa nữa thì chém ngay. Nhờ thế, người ta mới thôi réo và thôi đuổi theo xe Chổm. Chúa Chổm vào đến hoàng cung thì trời sắp tối. Thấy văn võ bá quan ai cũng muốn mình lên ngôi ngay để yên lòng thiên hạ, Chổm bèn ngửa mặt khấn trời rằng: - Hỡi thượng đế, nếu tôi xứng đáng nối nghiệp nhà Lê thì xin quay mặt trời trở lại chính ngọ, bằng không thì tôi trở về chốn cũ làm ăn, gia quyền vị lại cho người khác. Khấn được một lúc quả nhiên trời sắp tối bỗng sáng hẳn, mặt trời treo giữa đỉnh đầu. Chổm đường hoàng bước lên đàn làm lễ đăng quang tự xưng hoàng đế. Lễ tất, mặt trời tự nhiên kéo một mạch về phương Tây lặn mất. Trời bỗng tối sầm lại như mực; lúc mọi nhà vừa thắp đèn lền thì gà vừa gáy canh một. Ngày nay còn có câu tục ngữ "Nợ như chúa Chổm" và câu ca dao: Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì Chúa Chổm mắc nợ tì tì Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô Ở chỗ vườn hoa cưa Nam bây giờ, cũng do sự tích trên người ta gọi là Ngã tư Cấm Chỉ.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Quận Gió[/b] Ngày xưa vào đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh thành Thăng Long có một tay đại bợm. Hắn đã định tâm lấy của ai là thế nào cũng có kết quả. Hắn từng làm cho bọn quan lại và bọn trọc phú mất ăn mất ngủ Ngày xưa vào đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh thành Thăng Long có một tay đại bợm. Hắn đã định tâm lấy của ai là thế nào cũng có kết quả. Hắn từng làm cho bọn quan lại và bọn trọc phú mất ăn mất ngủ. Ðã nhiều lần các quan Phủ Doãn cho dò bắt nhưng hắn ẩn hiện như thần, không tài nào tóm được. Vì hành tích của hắn nhanh như gió, chỗ nào cũng vào lọt, nên người ta gọi là Quận Gió. Một hôm vào dịp gần Tết, nhà vua ăn mặc giả làm một người học trò nghèo đi dạo phía ngoài kinh thành để xem xét dân sự. Tình cờ vua đến gõ cửa nhà Quận Gió. Vua làm bộ túng bấn nói: - Tôi ngồi dạy học ở phường Ðồng Xuân, năm hết Tết đến được ít tiền về quê, chẳng may bị kẻ trộm lấy mất đi hết cả, nay xin cho trú chân một đêm, mai lại đi. Quận Gió thấy khách nói thế, bèn đáp: - Tôi sẽ vì ông mà giúp đỡ ít nhiều để làm tiền ăn đường. Vua thấy nhà y cột xiêu vách nát, hỏi: - Chả giấu gì ông, tôi vốn là Quận Gió đây, nghe nói ông gặp vận đen, tôi thương tình, vậy để đêm nay tôi cố thu xếp cho ông một món. - Nói rồi đưa rượu mời khách uống và nói thêm: - Tôi chỉ lấy của nhà giàu giúp người nghèo thôi, mà phải là của bất nghĩa tôi mới lấy, còn như những người làm ăn lương thiện, tôi không bao giờ động đến. Bây giờ ông thử xét xem có nhà nào giàu mà gian ác bất lương, cứ cho tôi biết, tôi sẽ vì ông giúp đỡ. Lấy của chúng nó không có tội vạ gì hết. Vua nghĩ một lát rồi nói: - Có nhà ông Bá Vân ở phía đông thành đây, hắn có cửa hàng buôn bán to, giàu có cự vạn. Quận Gió đáp: - Nhà ấy cho vay một lớp vốn, năm bảy lớp lãi, lấy được. Nhưng ta cứ nuôi cho béo rồi sẽ lấy sau. Vua lại nói: - Tôi có thấy nhà ông gì gần đây, ruộng sâu, trâu nái, nhà ngói tường dắc, coi chừng thế nào? - Không được! Nhà ấy trần lực làm ăn; trời chưa sáng đã dậy ra đồng, mặt trời lặn mới về thổi cơm, cần cù như thế, không nên lấy. Thôi! Có anh quan coi kho kia, hay ăn bớt của công, hôm nay nhân thể tôi đi lấy cho. - Thực thế à? - Tôi đã tra cứu kỹ. Hắn lấy của công mỗi ngày một ít, đưa về quê tậu vườn tậu ruộng, có đến hàng trăm mẫu. Vua tò mò muốn xem tài nghề của Quận Gió, bèn đòi đi theo. Quận Gió trước ngần ngại nhưng sau cũng bằng lòng, và bảo: - Trước khi lấy, tôi sẽ cho ông thấy đủ tang chứng là của phi nghĩa, nhưng ông phải giữ cho thật im lặng mới được. Ðoạn bảo thấy đồ giả nai nịt gon ghẽ, cả hai cùng ra đi trong đêm khuya. Ðến nhà viên quan coi kho, Quận Gió bảo vua đứng chờ ở bụi, rồi cắt giậu tìm cách mở cửa vào nhà. Sau đó, chàng dắt vua vào buồng, mở hòm lấy năm nén bạc đưa cho vua xem và nói: - Ðây là bạc hắn mới trộm của kho về để riêng chưa dùng đến. Thôi ông cầm lấy về quê ngay đi mà ăn Tết, đừng có la cà đâu để chúng bắt được. Tôi sẽ tìm cách làm cho hắn không biết là đêm nay có trộm. Vua nhìn thấy trên mỗi nén bạc có mấy chữ "ngự khố bạch kim", tin lời Quận Gió là đúng và thầm khen hắn có tài. Vua đi luôn về cung, giấu bạc dưới chân thành. Sáng hôm sau là ngày nguyên đán, trăm quan vào chầu, chúc vua muôn tuổi. Vua cho gọi thủ kho đến hỏi: - Nhà người đêm qua mất trộm phải không? Thấy hắn không đáp, vua lập tức sai viên Trung sứ đến dưới chân thành lấy năm nén bạc về. Vua đưa cho hắn xem, hắn cứng lưỡi không trả lời được đành cúi đầu nhận tội. Quận Gió sau đó được vua vời vào cung ban hiệu là "ăn trộm quân tử" và ban thưởng rất hậu.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 15 năm trước
[b]Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ[/b] Cách đây lâu đời lắm, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương, sức khoẻ tuyệt trần, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi hồ Ðộng Ðình, gặp Long Nữ là con gái Long Vương, hai người kết thành vợ chồng và ít lâu sau sinh được một trai, đặt tên là Sùng Lâm. Lớn lên Sùng làm rất khoẻ, một tay có thể nhấc bổng lên cao tảng đá hai người ôm. Cũng như cha, Sùng Lâm có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Khi nối nghiệp cha, chàng lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lúc bấy giờ ở đất Lĩnh Nam còn hoang vu, không một nơi nào yên ổn, Lạc Long Quân quyết chí đi du ngoạn khắp nơi. Ðến vùng bờ biển Ðông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn năm mươi trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đề bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư tinh. Chỗ ở của Ngư tinh là một cái hang lớn ăn sâu xuống đáy biển, trên hang có một dãy núi đá cao ngăn miền duyên hải ra làm hai vùng. Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân, Lạc Long Quân đóng một chiếc thuyền thật chắc và thật lớn, rèn một khối sắt có nhiều cạnh sắc, nung cho thật đỏ, rồi đem khối sắt xuống thuyền chèo thẳng đến Ngư Tinh, Lạc Long Quân giơ khối sắt lên giả cách như cầm một người ném vào miệng cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng đón mồi. Lạc Long Quân lao thẳng khối sắt nóng bỏng vào miệng nó. Ngư Tinh bị cháy họng vùng lên chống cự, quật đuôi vào thuyền của Lạc Long Quân. Lạc Long Quân liền rút gươm chém Ngư Tinh làm ba khúc. Khúc đầu hoá thành con chó biển. Lạc Long Quân lấy đá ngăn biển chặn đường giết chết con chó biển, vứt đầu lên một hòn núi, nay gọi hòn núi ấy là Cẩu Ðầu Sơn, khúc mình của Ngư Tinh trôi ra xứ Mạn Cẩu, nay còn gọi là Cẩu Ðầu Thủy, còn khúc đuôi của Ngư Tinh thì Lạc Long Quân lột lấy da đem phủ lên hòn đảo giữa biển, đảo ấy nay còn mang tên là Bạch Long Vĩ. Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hóa thành người trà trộn trong nhân dân dụ bắt con gái đem về hang hãm hại. Một vùng từ Long Biên đến núi Tản Viên, đâu đâu cũng bị Hồ Tinh hãm hại. Nhân dân hai miền rất lo sợ, nhiều người phải bỏ cả ruộng đồng, nương rẫy, kéo nhau đi nơi khác làm ăn. Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh, tìm cách diệt trừ nó. Khi Lạc Long Quân về đến tới cửa hang, con yêu tinh thấy bóng người, liền xông ra, Lạc Long Quân liền hoá phép làm mưa gió, sấm sét vây chặt lấy con yêu. Giao chiến luôn ba ngày ba đêm, con yêu dần dần yếu sức, tìm đường tháo chạy, Lạc Long Quân đuổi theo chém đứt đầu nó. Nó hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ chín đuôi. Lạc Long Quân vào hang cứu những người còn sống sót, rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo, đời sau mới gọi là Tây Hồ. Dẹp yên nạn Hồ Tinh nhân dân quanh vùng lại trở về cày cấy trên cánh đồng ven hồ, và dựng nhà lập xóm trên khu đất cao nhất gọi là làng Hồ, đến nay vẫn còn. Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn, cao hàng nghìn trượng, trước kia cành lá sum suê tươi tốt che kín cả một khoảng đất rộng, nhưng sau nhiều năm, cây khô héo, biến thành yêu tinh, người ta gọi là Mộc Tinh. Con yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định, khi thì ở khu rừng này, khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi hạng ẩn nấp khắp nơi, dồn bắt người để ăn thịt. Ði đến đâu cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết, Lạc Long Quân quyết ra tay cứu dân diệt trừ loài yêu quái. Lạc Long quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ ở của con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long đá lở, trời đất mịt mù mà không thắng được nó. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam, sống quanh quất ở vùng đó, người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng. Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy dân vùng này vẫn còn đói khổ thiếu thốn, phải lấy vỏ cây che thân, tết cỏ gianh làm ổ nằm bèn dạy cho dân biết cách trồng lúa nếp, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn để ở, phòng thú dữ. Lạc Long Quân còn dạy dân ở cho ra cha con, vợ chồng. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một toà cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: "Hễ có tai biến gì thì gọi ta, ta sẽ về ngay! " Lúc bấy giờ có Ðế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Ðế Lai đem theo cả người con gái yêu rất xinh đẹp của mình là Âu Cơ và nhiều thị nữ. Thấy Lĩnh Nam phong cảnh tươi đẹp, lại nhiều chim muông, nhiều gỗ quý. Ðế Lai sai quân dựng thành đắp lũy định ở lâu dài. Phải phục dịch rất cực khổ, nhân dân chịu không nổi, hướng về biển Ðông gọi to: "Bố ơi! Sao không về cứu dân chúng con!". Chỉ trong chớp mắt, Lạc Long Quân đã về. Nhân dân kể chuyện, Lạc Long Quân hóa làm một chàng trai rất đẹp, có hàng trăm đầy tớ theo hầu, vừa đi vừa hát đến thẳng chỗ Ðế Lai ở. Lạc Long Quân không thấy Ðế Lai đâu cả, mà chỉ thấy một cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng vô số thị tỳ và binh lính. Cô gái xinh đẹp đó là Âu Cơ. Thấy Lạc Long Quân uy nghi tuấn tú nàng đem lòng say mê, xin đi theo Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đưa Âu Cơ về ở trong cung điện của mình, trên núi cao. Ðế Lai về, không thấy con gái đâu, liền sai quân lính đi tìm khắp nơi, hết ngày này qua ngày khác. Lạc Long Quân sai hàng vạn các ác thú ra chặn các nẻo đường, xé xác bọn chúng làm cho chúng khiếp sợ bỏ chạy. Ðế Lai đành thu quân về phương bắc. Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp khoẻ mạnh và thông minh tuyệt vời. Hàng chục năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ. Một hôm Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây, bay về biển cả. Âu Cơ và đàn con muốn theo Lạc Long Quân, nhưng không đi được, buồn bã ở lại trên núi. Hết ngày này qua ngày khác, họ mỏi mắt trông chờ mà vẫn biền biệt tăm hơi. Không thấy Lạc Long Quân trở về, nhớ chồng quá, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Ðông lên tiếng gọi: "Bố nó ơi! Sao không về để mẹ con chúng tôi sầu khổ thế này". Lạc Long Quân trở về tức khắc. Âu Cơ trách chồng: - Thiếp vốn sinh trưởng ở núi cao, động lớn, ăn ở với chàng sinh được trăm trai, thế mà chàng nỡ lòng bỏ đi, để mặc con thiếp sống bơ vơ khổ não. Lạc Long Quân nói: - Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên. Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.