Đi tìm bản sắc cho doanh nhân Việt!

Trả lời 16 năm trước
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam nêu: Nói đến doanh nghiệp Mỹ, người ta nghĩ ngay đến phương thức gắn bó người lao động với doanh nghiệp bằng cách cho họ nắm giữ cổ phần, cổ phiếu. Đối với Tây Âu, đó là cổ phiếu cộng với đóng góp vào bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an sinh xã hội cho người lao động. Đối với doanh nghiệp Nhật Bản là chế độ đảm bảo việc làm suốt đời cho người lao động. Đối với doanh nghiệp Việt Nam đó sẽ là gì? Không xem thường lợi nhuận Theo ông Nam, lợi nhuận là mục tiêu tối thượng, là động lực của hoạt động kinh doanh. Nhưng nó cũng bị không ít doanh nghiệp, thậm chí cả quốc gia xem thường. Vì mục tiêu quan trọng nhất với họ không phải là lợi nhuận, mà là vì xã hội, vì thương hiệu, danh tiếng quốc gia… Hậu quả là nhiều doanh nghiệp nổi tiếng của đất nước này dù giữ vững tên tuổi, thương hiệu nhưng bị các công ty xuyên quốc gia của Mỹ, EU mua lại hoặc giữ cổ phần quyết định. Quốc gia đó có chỉ số tăng trưởng bằng không hoặc âm trong gần 20 năm liên tục. Ông Nam cho rằng, để giải quyết các vấn đề xã hội, làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì vấn đề không phải là bản thân hoạt động kinh doanh, mà là việc sử dụng thành quả kinh doanh - lợi nhuận, cho xã hội như thế nào. Tại các thị trường quốc tế quan trọng nhất (Mỹ, Nhật, EU, Canada) hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đều hướng đến việc thực hiện phương châm “tất cả cùng thắng”, không có kẻ bại. Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khẩu hiệu “thương trường là chiến trường”. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ những hiểu biết cần thiết ngay cả với sản phẩm, giao dịch và thị trường mà mình quan tâm. Thường chú trọng kết quả nhãn tiền mà bỏ qua hậu quả lâu dài. Chưa có ý thức tôn trọng cam kết do mình ký, thiếu hiểu biết về luật kinh doanh quốc tế… Và vẫn còn thói quen dựa vào sự bao bọc, hỗ trợ của nhà nước. Khi có khó khăn trong kinh doanh, gặp đối thủ cạnh tranh thì hành động đầu tiên là gọi nhà nước can thiệp bảo vệ mình. Do vậy cần thiết phải có những doanh nghiệp độc lập có thể tồn tại và phát triển bằng chính nội lực của mình mà không phụ thuộc vào quan hệ “cung - cầu” với nhà nước. Phân tích kỹ hơn về trách nhiệm với xã hội Quan hệ - hay trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng và góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu. Vậy thì một doanh nghiệp phải hoạt động thế nào mới gọi là có trách nhiệm xã hội? Kiến thức chuyên môn: tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM đưa ý kiến: bên cạnh các khía cạnh luật pháp như không gây ra tác hại với môi trường sinh thái, quan tâm đến người lao động về mặt vật chất và tinh thần, sản phẩm có chất lượng tốt không gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng… doanh nghiệp còn phải dành một phần lợi nhuận của mình đóng góp cho các hoạt động trợ giúp cộng đồng. Và muốn thực hiện đúng và đầy đủ những điều này, một yếu tố quan trọng với nhà doanh nghiệp, đó là kiến thức về sản phẩm - dịch vụ do chính họ cung cấp hoặc làm ra. Nhà doanh nghiệp phải có đủ kiến thức chuyên môn để biết rằng mình đang làm “bậy”. Chữ “tình”: theo ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty Thép Việt, để có được niềm đam mê kinh doanh thực sự, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải có động lực lớn, một động lực thăng hoa thành giá trị lớn vượt lên trên những lợi nhuận đơn thuần. Một doanh nghiệp mạnh phải là doanh nghiệp do xã hội và vì xã hội, từ xã hội mới thấy được nhu cầu, rồi đáp ứng nhu cầu và tạo ra nhu cầu mới cho xã hội. Đây là điều mà mỗi doanh nghiệp chân chính cần phải nhận ra và coi đó như kim chỉ nam của mình. Ông Thái phân tích, khi ký hợp đồng lao động với nhân viên, đâu chỉ đơn thuần là hợp đồng lao động, quan tâm đến trả lương là xong. Người lao động cần nhiều hơn thế, đó là chữ “tình” trong công việc, trong đối nhân xử thế, đó có thể là cái vỗ vai, nụ cười, sự quan tâm của cấp trên với cấp dưới… Trọng trách: bà Nguyễn Bích Lan, giám đốc Công ty Lan Anh nhìn nhận: khi thành lập một doanh nghiệp, những người sáng lập đã đặt lên vai mình trọng trách đối với xã hội: trách nhiệm với khách hàng, nhân viên, đối tác, với môi trường và cộng đồng dân cư chung quanh… Tư tưởng và quan điểm này sẽ phải thể hiện rõ qua các hoạt động, từ hoạch định chiến lược, văn hoá công ty, xây dựng thương hiệu cho đến liên kết, cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, hậu mãi… Đầu tư cho giáo dục đào tạo: rất nhiều chuyên gia, nhà kinh tế đều thấy rằng doanh nghiệp Việt Nam rất tích cực hoạt động từ thiện. Tuy nhiên nếu hoạt động này diễn ra theo kế hoạch dài hạn với những mục tiêu cụ thể thì chắc chắn sẽ tạo được hiệu quả và hiệu ứng dây chuyền trong xã hội lớn hơn hiện nay nhiều. Doanh nghiệp có thể đi theo xu hướng chung là đầu tư cho giáo dục và đào tạo, cụ thể là đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao tại chính công ty mình, cũng là mang lại lợi ích cho xã hội.