Tôi muốn đơn phương ly dị phải làm thủ tục gì?

Xin các bạn cung cấp cho tôi thủ tục xin ly hôn như thế nào? Trường hợp của tôi sau đây thì hình thức giải quyết ra sao?

Tôi và chồng tôi kết hôn với nhau đến nay gần 8 năm, có với nhau một bé trai nay đã 8 tuổi, nhưng thực sự thời gian chung sống với nhau chỉ gần 3 năm. Những năm sau này anh ấy đi biền biệt không một lần ghé thăm tôi và con. Tôi rất buồn có đôi lần đi tìm anh thì mới hay anh đang chung sống cùng người phụ nữ khác.

Sau bao năm chờ đợi tôi nghĩ rằng một ngày nào đó anh sẽ suy nghĩ lại mà trở về với mẹ con tôi nhưng tôi hoàn toàn thất vọng vì anh không một lời hỏi thăm cũng chẳng chu cấp khoản kinh phí nào để tôi nuôi con. Đến hôm nay sức chịu đựng tôi có hạn, tôi không thể tiếp tục chờ đợi con người bạc tình bạc nghĩa đến thế.

Hiện tôi thường trú tại quận 6 còn anh ở đâu thì tôi không biết, nhưng gia đình mẹ anh thì ở Long An. Chúng tôi kết hôn với có hôn thú hẳn hoi do UBND xã ở Long An chứng nhận. Trong hoàn cảnh này tôi muốn được đơn phương xin ly hôn nơi mình đang cư ngụ có được hay không? (không cần sự hiện diện của anh).

Tôi xin chân thành cảm ơn.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Việc ly hôn được tiến hành như sau:

1. Bên vợ hoặc chồng nộp đơn xin ly hôn tại TAND quận, huyện nơi hai vợ chồng cư trú, hoặc TAND nơi bên kia cư trú có nghĩa là bên chồng chị cư trú hoặc nơi chị cư trú nếu có sự thống nhất của hai người. Kèm theo lá đơn này là bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân của vợ và chồng, giấy khai sinh của con chung của anh chị.

2. Đơn xin ly hôn trình bày rõ nguyên nhân dẫn đến lý hôn, các yêu cầu về con cái đề nghị tòa giải quyết khi ly hôn.

3. Án phí với các vụ án ly hôn không phân chia tài sản là 200.000 đồng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện phải nộp tiền. Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai.

4. Thời hạn giải quyết việc ly hôn là 4 tháng kể từ ngày tòa án nhận đơn xin ly hôn. Nếu phức tạp có thể kéo dài thêm nhưng không quá hai tháng.

5. Tòa án giải quyết ly hôn trên cơ sở mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống chung không thể kéo dài. Việc ly hôn không nhất thiết phải có sự đồng ý của cả hai bên vợ, chồng (đơn phương ly hôn). Mẫu đơn ly hôn chị tới tại tòa án sẽ có và họ hướng dẫn làm luôn.

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

Tôi sẽ tư vấn miễn phí cho chị

Chào chị!

Về câu hỏi của chị tôi xin tư vấn như sau: Theo quy định tại Điều Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HNGĐ) thì chị có quyền làm đơn đơn phương ly hôn mà không cần sự đồng ý của chồng chị, chị phải gửi đơn lên Toà án quận/huyện nơi vợ chồng chị có hộ khẩu thuờng trú, hoặc toà án nơi bị đơn cư trú (theo điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS) để giải quyết, hoặc nơi nguyên đơn cư trú nếu có sự thoả thuận của hai bên đuơng sự (điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS).

Để tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn thì chị cần chuẩn bị các giấy tờ như sau:

1. Đơn xin ly hôn theo mẫu (có chữ ký của 1 bên)

2. Bản sao Hộ khẩu (có công chứng)

3. Bản sao Chứng minh nhân dân của đương đơn (có công chứng)

4. Bản sao lục Giấy khai sinh của con

5. Những chứng từ chứng minh tài sản chung của vợ chồng (nếu có tài sản chung cần chia)

Sau khi đã có đủ các giấy tờ trên chị nộp lên toà án và nộp án phí (khi toà án đã thụ lý). Án phí với các vụ án ly hôn không phân chia tài sản là 200.000 đồng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện phải nộp tiền. Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai.

Thời hạn giải quyết việc ly hôn là 4 tháng kể từ ngày tòa án nhận đơn xin ly hôn Căn cứ (Điều 171 BLTTDS, điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTDS). Nếu phức tạp có thể kéo dài thêm nhưng không quá hai tháng (nghĩa là 6 tháng). (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 BLTTDS).

Tòa án giải quyết ly hôn trên cơ sở mục đích hôn nhân không đạt được (Theo Điều 89 Luật HN&GĐ và đuợc hướng dẫn Tại mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).

* Ngoài ra chúng tôi xin nói rõ thêm một vấn đề sau: Theo như chị nói, chồng chị đã bỏ đi và sống như vợ chồng với một phụ nữ khác mà chưa ly hôn với chị thì theo quy định của pháp luật thì chồng chị đã có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, chị có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan chính quyền nơi chồng chị và người phụ nữ kia đang chung sống trái pháp luật, chồng chị sẽ bị xử phạt hành chính và thẩm quyền xử phạt thuộc cấp phuờng/xã nơi đó (Theo Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ).

Nếu bị xử phạt mà chồng chị vẫn không khắc phục dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì chồng chị có thể bị truy cứu tránh nhiêm hình sự về tội "vi phạm chế độ một vợ một chồng" tại Điều 147 BL Hình Sự 1999.

Trên đây là phần tư vấn của tôi gửi tới chị, nếu còn chỗ nào chưa rõ hoặc cần tư vấn thêm chị có thể liên lạc trực tiếp với tôi qua số điện thoại 0937.433.151. Ls: Lưu Hữu Quyết. Văn phòng Luật sư Trí Minh, Hà Nội.

Tôi sẽ tư vấn miễn phí cho chị. Rất vui lòng được trợ giúp cho chị.

Trân trọng!

biet roi
biet roi
Trả lời 13 năm trước

Theo quy định tại Điều 91 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “ Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn”.

Khoản 1, Điều 89 quy định căn cứ ly hôn: “Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn”. Vợ chồng bạn kết hôn được 8 năm kể từ ngày kết hôn cho đến nay và có một con chung. Tuy nhiên, trên thực tế vợ chồng bạn chỉ chung sống với nhau được 3 năm, 5 năm sống ly thân, chồng bạn đang chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác không quan tâm đến gia đình.

Như vậy, theo quy định điều luật ở trên tình trạng hôn nhân của vợ chồng bạn là trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định cho ly hôn. Vì vậy, bạn đơn phương xin ly hôn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho ly hôn. Về câu hỏi bạn có thể đơn phương nộp đơn xin ly hôn nơi bạn đang cư trú được không?

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống.

Do vậy, để được tòa án thụ lý giải quyết vụ án, bên nguyên đơn chứng minh được nơi bị đơn thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống, hoặc nơi người này làm việc. Nếu thấy bị đơn thay đổi địa chỉ, không còn cư trú hoặc làm việc tại địa phương nữa mà thực tế đang cư trú hoặc làm việc tại địa phương khác, tòa án đang thụ lý sẽ chuyển vụ án cho tòa án nơi bị đơn đang cư trú hoặc làm việc để tiếp tục giải quyết vụ án.

Do vậy, trong trường hợp cụ thể của bạn, Tòa án nơi bạn đang cư trú không thuộc thẩm quyền giải quyết cho ly hôn, Tòa án nơi cư trú của bị đơn (nơi cư trú của chồng) mới có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, do bạn không biết rõ nơi cư trú của chồng bạn ở đâu nên rất khó xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nếu bạn nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nơi bạn đang cư trú, Tòa sẽ không thụ lý giải quyết và trả lại đơn theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án ly hôn được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh, chứng cứ thuộc về các đương sự.

Vì vậy, bạn nên tìm kiếm nơi cư trú của chồng bạn và cung cấp thông tin cho Tòa án để giải quyết việc ly hôn được nhanh chóng, nếu trong quá trình tìm kiếm không đạt kết quả bạn làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích, sau đó yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn theo Khoản 2 Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Khoản 2 Điều 89 quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn”.

Chúc bạn thành công.

lu mo
lu mo
Trả lời 13 năm trước

Theo thông tin mà chị cung cấp, hôn nhân của chị với người chồng lại hôn nhân hợp pháp, nay chị muốn ly hôn thì thủ tục ly hôn được giải quyết theo quy định chung của pháp luật. Khoản 1, Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn”. Như vậy, chị có thể đơn phương gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn của mình.

Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin ly hôn;

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

- Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của nguyên đơn và bị đơn;

- Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của nguyên đơn và bị đơn;

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

- Bản sao giấy khai sinh của các con.

* Thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của chồng chị (bị đơn) thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS). Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này chị nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chồng chị cư trú, làm việc cuối cùng (mà chị biết).

Lưu ý rằng, theo quy định của Điều 52 Bộ luật dân sự 2005, thì “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này (Điều 52 BLDS) thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58, điểm a, khoản 1 Điều 59 BLTTDS, chị có nghĩa vụ “cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Do đó chị cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về nơi cư trú cuối cùng của chồng chị cho tòa án nơi chị nộp đơn.

Khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của chị, theo quy định tại Điều 146 BLTTDS, tòa án có nghĩa vụ “cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự”. Trong trường hợp này, tòa án sẽ thực hiện thủ tục niêm yết công khai để triệu tập bị đơn theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 154 BLTTDS, như sau:

“2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

3. Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết”.

Nếu tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng chị cố tình không có mặt thì tòa lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu chồng chị vẫn không có mặt tại phiên tòa thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn (theo quy định tại Điều 200 BLTTDS).

Như vậy, chị cần gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền theo các quy định chúng tôi viện dẫn ở trên để được tòa thụ lý giải quyết theo luật định.

Luật sư Trần Thị Thúy Hằng
Công ty Luật Đại Việt
335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội