Lợi ích của chuyển dịch cơ cấu đúng và hợp lý

youknow
youknow
Trả lời 15 năm trước
[b]Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là con đường đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại. Chính sách chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH ở nước ta được xây dựng trên những căn cứ khoa học sau đây:[/b] Thứ nhất, căn cứ xu thế phát triển kinh tế quốc tế. Trong những năm tới, kinh tế quốc tế tiếp tục chuyển mạnh sang các ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao. Xu hướng toàn cầu hoá phát triển nhanh chóng cả theo chiều rộng và chiều sâu, tạo cơ hội cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp thu kỹ năng tổ chức sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, căn cứ thực trạng chuyển dịch CCKT nước ta. Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, kim ngạch xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (2001: 15,03 tỷ USD; 2002: 16,06 tỷ USD; 2003: 19,9 tỷ USD; năm 2004: 26,003 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế cùng với những thành công của chính sách dân số làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục. Khả năng tích luỹ của dân cư tăng lên. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của nền kinh tế nước ta chưa đủ mạnh,. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là phát triển theo bề rộng, chậm chuyển biến về mặt chất lượng và phát triển theo chiều sâu. Tăng trưởng kinh tế hiện nay do yếu tố vốn đầu tư đóng góp chiếm 57,5%, do yếu tố lao động đóng góp chiếm 20%, do yếu tố năng suất và các nhân tố tổng hợp chiếm 22,5 %; hiệu quả đầu tư thấp so với những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước (hệ số ICOR năm 1993 là 3,3; hiện nay xấp xỉ bằng 5); sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, xét trên cả 3 giác độ: tổng thể nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sức cạnh tranh của hàng hoá. Nước ta vẫn là nước nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tính bằng USD theo tỉ giá sức mua tương đương của Việt Nam năm 2003 theo số liệu của Ngân hàng thế giới là 2.490 USD/năm (bằng 10% của Singapore, 28% của Malaysia, 33% của Thái Lan, 54% của Philippines, 77% của Indonesia, 50% của Trung Quốc) Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng của hàng xuất khẩu thô, chưa qua chế biến lớn, tỷ trọng hàng gia công cao, những ngành hàng có trình độ công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn chiếm tỷ trọng thấp. CCKT có những chuyển biến tích cực, đúng hướng nhưng chưa mạnh. Ngành Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, giữ tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Cơ cấu công nghiệp có sự chuyển dịch đáng kể. Tuy nhiên, yếu tố hiện đại hoá chưa được quan tâm đúng mức. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành công nghệ cao chưa phát triển. Tỉ trọng ngành dịch vụ trong GDP giảm liên tục trong những năm gần đây. Những ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính – tín dụng, dịch vụ tư vấn chậm phát triển. Tình trạng độc quyền, dẫn tới giá cả dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ thấp còn tồn tại ở nhiều ngành dịch vụ như viễn thông, đường sắt. Một số ngành có tính chất động lực như giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ, tính chất xã hội hoá còn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước. Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, vẫn diễn ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”; chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH. Trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp xu hướng tích cực là tỉ trọng hàng hoá trong tổng sản phẩm tăng lên, cơ cấu sản xuất đã bước đầu hướng về xuất khẩu. Về cơ cấu thành phần kinh tế: Chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần giải phóng sức sản xuất xã hội, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, bước đầu hình thành nên một nền kinh tế nhiều thành phần sôi động, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ cấu thành phần kinh tế còn bộc lộ những mặt hạn chế sau: - Tỉ trọng của thành phần kinh tế nhà nước còn cao, điều này là một nguyên nhân của tình trạng hiệu quả thấp, sức cạnh tranh yếu của nền kinh tế. - Tỉ trọng của khu vực kinh tế cá thể cao phản ánh phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán còn khá phổ biến trong nền kinh tế. - Khu vực kinh tế tư nhân còn quá nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, mặc dù đây là thành phần kinh tế hết sức quan trọng để thu hút các nguồn lực trong dân cư, để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. - Tỉ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp và tăng không đáng kể trong những năm vừa qua, chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của nước ta chưa được cải thiện tương xứng với mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ cấu vùng kinh tế, trong những năm vừa qua cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế. Trên bình diện quốc gia, đã hình thành 6 vùng kinh tế: Vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có 3 vùng kinh tế trọng điểm, là vùng động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Các địa phương cũng đẩy mạnh việc phát triển sản xuất trên cơ sở xây dựng các khu công nghiệp tập trung, hình thành các vùng chuyên canh cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng vùng. Điều này tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, góp phần tạo nên xu hướng chuyển dịch CCKT theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hoá, hướng về xuất khẩu. Tuy nhiên, ở các địa phương, quy hoạch vùng kinh tế còn rập khuôn, mang nặng tính phong trào. Có thể lấy ví dụ về điều này qua việc xây dựng tràn lan nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng, cảng biển, khu công nghiệp ở các tỉnh, dẫn đến hiệu quả đầu tư rất thấp. Nhiều vùng sản xuất hình thành một cách tự phát, hoặc quy hoạch phát triển thiếu khoa học, như phát triển tràn lan cây cà phê ở Tây Nguyên, xây dựng nhiều nhà máy đường ở các địa phương khác trong cả nước... Trên cơ sở phân tích thực trạng chuyển dịch CCKT nước ta trong những năm vừa qua cùng xu thế phát triển tất yếu của kinh tế thế giới, hệ thống mục tiêu chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH ở nước ta có những nội dung cụ thể sau: - Tăng tỉ trọng của công nghiệp, dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội. Chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH ở nước ta trước hết chính là quá trình phát triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, thông qua đó giảm bớt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tích luỹ cho dân cư. Đây lại chính là điều kiện để tái đầu tư, áp dụng các phương pháp sản xuất, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp. Kết quả là, tất cả các ngành kinh tế đều phát triển, nhưng ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh hơn, biểu hiện là tăng tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp và dịch vụ trong GDP. - Hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH là quá trình chuyển biến căn bản về phân công lao động xã hội theo lãnh thổ. Xoá bỏ tình trạng chia cắt về thị trường giữa các vùng; xoá bỏ tình trạng tự cung tự cấp, đặc biệt là tự cung, tự cấp về lương thực của từng vùng, từng địa phương. Mỗi địa phương phải đặt mình trong một thị trường thống nhất, không chỉ là thị trường cả nước mà còn là thị trường quốc tế, trên cơ sở đó xác định những khả năng, thế mạnh của mình để tập trung phát triển, tham gia vào quá trình phân công và hợp tác lao động có hiệu quả. - Chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH gắn với quá trình hình thành các trung tâm kinh tế thương mại, gắn liền với quá trình đô thị hoá. Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị, trung tâm kinh tế, thương mại có ảnh hưởng trực tiếp trở lại tới quá trình chuyển dịch CCKT. - Giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội. Chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH là quá trình phân công lao động xã hội, là quá trình chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây là giải pháp vừa cấp bách, vừa triệt để để giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay, đồng thời là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH. Để đạt được hệ thống mục tiêu trên, phương thức tác động của các chính sách kinh tế cần phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo tính linh hoạt mềm dẻo. Cần kết hợp giữa phương thức tác động trực tiếp với phương thức tác động gián tiếp để tác động tới quá trình chuyển dịch CCKT, nhằm đạt được hiệu quả mong muốn. Thứ nhất, phương thức tác động trực tiếp. Nhà nước có thể tác động trực tiếp tới quá trình chuyển dịch CCKT bằng các cách sau: Dùng vốn ngân sách đầu tư thành lập mới DNNN, hoặc đầu tư bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước để phát triển các ngành, các dự án sản xuất kinh doanh, các sản phẩm mà Nhà nước mong muốn; Nhà nước cũng có thể dùng mệnh lệnh hành chính buộc các DNNN tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực theo sự chỉ đạo của mình, yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại nhà nước cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vay ưu đãi để thực hiện một số dự án phát triển kinh tế cụ thể... Phương thức này bước đầu có thể mang lại hiệu quả chuyển dịch chuyển CCKT nhanh chóng theo kế hoạch của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng tỏ, sự tăng trưởng đạt được bằng cách làm này thường không bền vững, bởi vì các quyết định đầu tư dựa trên nguyên tắc mệnh lệnh hành chính thường không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Nhà nước chỉ nên sử dụng phương thức này trong các trường hợp thật cần thiết như phát triển các ngành mới, công nghệ mới, vật liệu mới có khả năng tạo tạo những bước đột phá, thúc đẩy các ngành, sản phẩm khác phát triển, mà vốn đầu tư lớn, khả năng rủi ro cao nên khu vực kinh tế tư nhân không muốn làm. Sau khi hoàn thành sứ mệnh tiên phong, gánh chịu rủi ro ban đầu, Nhà nước nên tiến hành cổ phần hoá, chuyển giao các doanh nghiệp này cho khu vực kinh tế tư nhân để nâng cao hiệu quả kinh doanh một cách lâu bền, đồng thời Nhà nước thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư vào các công nghệ, sản phẩm mũi nhọn khác. Thứ hai, phương thức tác động gián tiếp thông qua việc tạo lập môi trường. Có thể hiểu phương thức này là Nhà nước tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, bao gồm: sự ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng; ổn định về kinh tế vĩ mô; một hệ thống thị trưòng đồng bộ, hoàn thiện; môi trường pháp lý thông thoáng và minh bạch; bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, trong sạch; một môi trường tâm lý khuyến khích và tôn vinh các hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giầu chân chính; môi trường thông tin đa dạng, đầy đủ, chính xác và kịp thời, đặc biệt là các thông tin về chính sách và thị trường. Môi trường kinh doanh thuận lợi này sẽ tác động tới các chủ thể kinh tế, thúc đẩy, khuyến khích, hướng dẫn các chủ thể kinh tế phát huy sự năng động sáng tạo, khai thác các tiềm năng, phát triển sản xuất kinh doanh. Bằng các quy luật thị trường, các nguồn lực sẽ được khai thác, phân bổ tập trung vào các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế so sách, làm chuyển dịch CCKT một cách hiệu quả và bền vững. Đây có thể coi là phương thức tác động cơ bản, lâu dài và hiệu quả nhất của Nhà nước đối với quá trình chuyển dịch CCKT. Thứ ba, phương thức tác động gián tiếp tới quá trình chuyển dịch CCKT thông qua việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, y tế... Kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH: hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin… là những điều kiện kinh tế thiết yếu để thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT. Phát triển y tế, giáo dục vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế, vừa là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH. Khoa học công nghệ là một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất. Trong nền kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực ít hấp dẫn với thành phần kinh tế NQD vì đầu tư vào các lĩnh vực này đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn chậm. Do vậy, Nhà nước cần tập trung nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này. Các phương thức tác động trên đây cần được phối hợp thực hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ. Sự phối hợp giữa các phương thức phải đặt trên một nguyên tắc rõ ràng và nhất quán đó là: phương thức tác động gián tiếp thông qua việc tạo lập môi trường là phương thức hàng đầu, cơ bản và quan trọng nhất, hai phương thức còn lại là phương thức bổ sung, hỗ trợ cho phương thức này. Thông qua việc tạo lập môi trường, Nhà nước làm cho và để cho cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả. Bằng các quy luật kinh tế thị trường, các tiềm năng sẽ được khai thác, các nguồn lực sẽ được phân bổ, quá trình chuyển dịch CCKT sẽ diễn ra một cách hiệu quả mà không cần có bàn tay trực tiếp của Nhà nước. Kể cả trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, Nhà nước cũng cần tạo mọi điều kiện để phát huy những khả năng to lớn của cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ nên tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề mà cơ chế thị trường không giải quyết được hoặc giải quyết kém hiệu quả.