Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ?

Nguyễn Chí Linh
Nguyễn Chí Linh
Trả lời 12 năm trước

Giới thiệu bài thơ Tây Tiến.


Tây Tiến là một bài thơ của nhà thơ Quang Dũng, được in trong tập ''Mây đầu ô. Bài thơ này đã được đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

I.Tác giả:

Quang Dũng sinh tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng tỉnh Sơn Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).
Sau khi học Trường sư phạm tại Hà Nội, Quang Dũng làm nhạc công gánh hát rong và làm gia sư tại Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu trên hai mặt trận: vừa là người cầm bút nhưng cũng vừa là người cầm súng chiến đấu. Năm 1947, ông từng là đại đội trưởng của Trung đoàn Thủ Đô. Ông cũng hoạt động văn nghệ ở Liên Khu III thời kháng chiến, từng là trưởng phòng văn nghệ Liên khu. Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài ''Ba Vì'' của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Sau 1954, ông làm biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học.

Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Nhà thơ từ bỏ cõi đời vào ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Câu 1: Hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng:

Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc bộ VN. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, tuy vậy họ vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn anh hùng.

Đoàn quân Tây Tiến sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đó từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1948 rồi chuyển sang đơn vị khác. Nhà thơ nhớ về đơn vị cũ nên viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, sau đổi thành Tây Tiến (năm 1948), bài thơ được in trong tập Mây đầu ô.

Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn . Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ , dữ dội , hoang sơ . Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng . Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến . Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây .

Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa , lãng mạn , phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng . Với tài năng và tâm hồn ấy , Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn , đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ , dữ dội , mĩ lệ .

Đề 1: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

MỞ BÀI

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. ở trong thơ Quang Dũng cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm gian khổ ấy bất tử cùng thời gian

"Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc - Quân xanh màu lá dữ oai hùm - Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hnội dáng kiều thơm - Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

THÂN BÀI

"Tây Tiến" của Quang Dũng là dòng hồi ức vô cùng thương nhớ về những đồng đội của nhà thơ, những người đã từng sống, từng chiến đấu nhưng cũng có người đã hy sinh, những người đã trở về với đất mẹ yêu thương, nhưng dẫu sao đó cũng là những người mãi mãi nằm lại nơi biên cương hay miền viễn xứ. Chính vì thế QDũng không chỉ dựng lại cả một hình ảnh của đoàn binh Tây Tiến trên những chặng đường hành quân gian khổ hy sinh mà "đời vẫn cứ tươi" như ở 14 dòng thơ đầu tiên. Và QDũng cũng không chỉ khắc tạc hình ảnh của những người lính với một đời sống tình cảm hết sức phong phú, những tình cảm lớn lao là tình quân dân. QDũng đã đặc biệt quan tâm tới ý tưởng dựng tượng đài người lính Tây Tiến trong tác phẩm của mình. Nhà thơ đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, hàng loạt những thủ pháp như tương phản, nhân hoá, tăng cấp ý nghĩa để tạo ấn tượng mạnh để khắc tạc một cách sâu sắc vào tâm trí người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, của dtộc. Đó là bức tượng đài sừng sững giữa núi cao sông sâu, giữa một không gian hùng vĩ như chúng ta đã thấy trong các câu thơ

"Tây Tiến đoàn quân ..... khúc độc hành"

Bức tượng đài người lính Tây Tiến trước hết được khắc hoạ lên từ những đường nét nhằm tô đậm cuộc sống gian khổ của họ. Nếu như ở những đoạn thơ trước đó người lính mới chỉ hiện ra trong đoàn quân mỏi trong câu:

" Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi "

hay trong khung cảnh hết sức lãng mạn trong đêm liên hoan, đêm lửa trại thắm tình cá nước thì ở đây là hình ảnh đoàn binh không mọc tóc da xanh như lá rừng. Cảm hứng chân thực của QDũng đã không né tránh việc mô tả cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng. Những cơn sốt rét rừng làm tóc họ không thể mọc được (chứ không phải họ cố tình cạo trọc để đánh giáp lá cà cho dễ như nhiều người từng nói). Cũng vì sốt rét rừng mà da họ xanh như lá cây (chứ không phải họ xanh màu lá nguỵ trang), vẻ ngoài dường như rất tiều tuỵ. Nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ chính là những người chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo quân thù, họ dũng mãnh như hổ báo, hùm beo. Cái giỏi của QDũng là mô tả người lính với những nét khắc khổ tiều tuỵ nhưng vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Bởi vì câu thơ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" với những thanh trắc rơi vào trọng âm đầu của câu thơ như "tiến", "mọc tóc". Nhờ những thanh trắc ấy mà âm hưởng của câu thơ vút lên. Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. 2 chữ "đoàn binh" âm Hán Việt đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Và đặc biệt hai chữ "Tây Tiến" mở đầu câu thơ không chỉ còn là tên gọi của đoàn binh nữa, nó gợi ra hình ảnh một đoàn binh dù đầu không mọc tóc vẫn đang quả cảm tiến bước về phía Tây. Thủ pháp tương phản mà QDũng sử dụng ở câu thơ "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính mà còn thấm sâu màu sắc văn hoá của dân tộc. ở đây, nhà thơ không chỉ muốn nói rằng những người lính Tây Tiến như chúa sơn lâm, không phải muốn "động vật hoá" người lính Tây Tiến mà muốn nói tới sức mạnh bách chiến bách thắng bằng một hình ảnh quen thuộc trong thơ văn xưa. Phạm Ngũ Lão cũng ca ngợi người anh hùng vệ quốc trong câu thơ

"Hoành sóc giang san cáp kỷ thu - Tam quan kỳ hổ khí thôn ngưu"

Và ngay cả Hồ Chí Minh trong "Đăng sơn" cũng viết

"Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu - Thể diện sài long xâm lược quân"

Có thể nói QDũng đã sử dụng một môtíp mang đậm màu sắc phương Đông để câu thơ mang âm vang của lsử, hình tượng người lính cách mạng gắn liền với sức mạnh truyền thống của dtộc. Đọc câu thơ: "Quân xanh màu lá dữ oai hùm" ta như nghe thấy âm hưởng của một hào khí ngút trời Đông á.

Hình tượng người lính Tây Tiến bỗng nhiên trở nên rất đẹp khi QDũng bổ sung vào bức tượng đài này chất hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn họ

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Trước hết đó là một vẻ đẹp tấm lòng luôn hướng về Tquốc, hướng về Thủ đô. Người lính dẫu ở nơi biên cương hay viễn xứ xa xôi mà lòng lúc nào cũng hướng về HNội. Ta bỗng nhớ đến câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:

"Từ thuở mang gươm đi mở nước - Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long"

Người lính Tây Tiến dẫu "mắt trừng gửi mộng qua biên giới" mà niềm thương nỗi nhớ vẫn hướng về một "dáng kiều thơm". Đã một thời, với cái nhìn ấu trĩ, người ta phê phán thói tiểu tư sản, thực ra nhờ vẻ đẹp ấy của tâm hồn mà người lính có sức mạnh vượt qua mọi gian khổ, người lính trở thành một biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. QuDũng đã tạo nên một tương phản hết sức đặc sắc - những con người chiến đấu kiên cường với ý chí sắt thép cũng chính là con người có một đsống tâm hồn phong phú. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về một dáng kiều thơm, nhớ về vẻ đẹp của Hà Nội - Thăng Long xưa.

Bức tượng đài người lính Tây Tiến đã được khắc tạc bằng những nguồn ánh sáng tương phản lẫn nhau, vừa hiện thực vừa lãng mạn. Từng đường nét đều như nổi bật và tạo được những ấn tượng mạnh mẽ. Đây cũng là đặc trưng của thơ QDũng.

Nếu như ở 4 câu thơ trên, người lính Tây Tiến hiện ra trong hình ảnh một đoàn binh với những bước chân Tây tiến vang dội khí thế hào hùng và một thế giới tâm hồn hết sức lãng mạn thì ở đây bức tượng đài người lính Tây Tiến được khắc tạc bằng những đường nét nổi bật về sự hy sinh của họ. Nếu chỉ đọc từng câu thơ, chỉ phân tích từng hình ảnh riêng rẽ độc lập, người ta dễ cảm nhận một cách bi luỵ về cái chết của người lính mà thơ ca kháng chiến thuở ấy rất ít khi nói đến. Bởi thơ ca kháng chiến phần lớn chỉ quan tâm đến cái hùng mà không quan tâm đến cái bi. Nhưng nếu đặt các hình ảnh, các câu thơ vào trong chỉnh thể của nó, ta sẽ hiểu QDũng đã mô tả một cách chân thực sự hy sinh của người lính bằng cảm hứng lãng mạn, hình tượng vì thế chẳng những không rơi vào bi lụy mà còn có sức bay bổng.

Có thể thấy câu thơ: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" nếu tách riêng ra rất dễ gây cảm giác nặng nề bởi đó là câu thơ nói về cái chết, về nấm mồ của người lính Tây Tiến ở nơi "viễn xứ". Từng chữ từng chữ dường như mỗi lúc một nhấn thêm nốt nhạc buồn của khúc hát hồn tử sĩ. Chẳng phải thế sao? Nói về những nấm mồ, lại là những nấm mồ "rải rác" dễ gợi sự hoang lạnh, lại là "rải rác" nơi "viễn xứ", những nấm mồ ấy càng gợi sự cô đơn côi cút. QDũng muốn nói tới nơi yên nghỉ của những người đồng đội

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

Trong Chinh phụ ngâm:

"Hồn tử sĩ gió về ù ù thổi - Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi - Chinh phu tử sĩ mấy người - Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn"

Tuy nhiên với câu thơ thứ hai, ta lại thấy hình ảnh những nấm mồ rải rác nơi biên cương đã trở về với sự ấm cúng của niềm biết ơn của nhân dân, của đất nước. Bởi đó chính là nấm mồ của những người con anh dũng

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Đồng thời cũng chính câu thơ thứ 2 đã làm cho những nấm mồ rải rác kia được nâng lên những tầng cao của đài tưởng niệm, của Tổ quốc đối với người lính đã vì tiếng gọi của chiến trường mà hiến dâng tuổi xanh của mình. Trong thơ QDũng luôn là một sự nâng đỡ nhau của nhiều hình ảnh như vậy.

Sự hy sinh của người lính còn được tráng lệ hoá trong câu thơ

"áo bào thay chiếu anh về đất"

Bao nhiêu thương yêu của QDũng trong một câu thơ như vậy về một đồng đội của mình. Ai bảo QDũng không xót thương những người đồng đội của mình ra đi trong cách tiễn đưa ấy, cảnh tiễn đưa với bao thiếu thốn, khó khăn, cái thuở những người lính Tây Tiến chết vì sốt rét nhiều hơn chết vì chiến trận. Lại trong cảnh kháng chiến còn rất khó khăn nên tiễn đưa người chết không có cả một chiếc quan tài. Hoàng Lộc trong "Viếng bạn" cũng đã viết về cảnh tiễn đưa như thế

"ở đây không manh ván - Chôn anh bằng tấm chăn - Của đồng bào Cứa Ngàn - Tặng tôi ngày sơ tán"

Chỉ có điều câu thơ của QDũng không dừng lại ở mức tả thực mà đẩy lên thành cảm hứng tráng lệ, coi chiếu là áo bào để cuộc tiễn đưa trở nên trang nghiêm, cổ kính. Cũng có người hiểu đến chiếc chiếu cũng không có, chỉ có chính tấm áo của người lính. Dù hiểu theo cách nào thì cũng phải thấy QDũng đã tráng lệ hoá cuộc tiễn đưa bi thương bằng hình ảnh chiếc áo bào và sự hy sinh của người lính đã được coi là sự trở về với đất nước, với núi sông. Cụm từ "anh về đất" nói về cái chết nhưng lại bất tử hoá người lính, nói về cái bi thương nhưng lại bằng hình ảnh tráng lệ. Mạch cảm xúc ấy đã dẫn tới câu thơ đầy tính chất tráng ca

"Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

KẾT BÀI

Từ sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, QDũng đã dựng lên bức chân dung , một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Đó là bức tượng đài được khắc tạc bằng cả tình yêu của QDũng đối với những người đồng đội, đối với đất nước của mình. Vì thế từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng ấy.

rudfjghdgj
rudfjghdgj
Trả lời 12 năm trước

Quang Dũng lại nhớ về những kỉ niệm của những đêm liên hoan. Nhịp điệu câu thơ hình như có cái gì nao nức, rộn rã:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa...
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

Cái dữ dội, hoang dã của thiên nhiên trong hai khổ thơ đầu như biến mất đi sau những kỉ niệm vui của đoàn quân Tây Tiến. Nét nghịch ngợm, vui tươi của những chàng thanh niên Hà Nội xúng xính trong xiêm áo giả làm con gái, cùng tiếng nhạc và vẻ e ấp giả vờ. Câu thơ với hai chữ “kìa em” vừa mang vẻ ngạc nhiên vừa mang nụ cười thoải mái của người chiến sĩ. Những kỉ niệm vui đó hẳn sẽ không quên trong lòng người cũng như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Quang Dũng vậy. Cùng với sự vui tươi, người lính Tây Tiến còn sống với bản lĩnh lãng mạn, với tâm hồn giàu chất thơ, giàu cảm xúc của mình. Một dáng người trên độc mộc vào buổi chiều sương, một khóm hoa đong đưa trên dòng nước lũ… tất cả đi vào nhẹ nhàng cho cả đoạn thơ.

Quang Dũng xa Tây Tiến nhưng khoảng thời gian ấy chưa lâu nên kỉ niệm Tây Tiến vẫn như nguyên vẹn. Nỗi nhớ “chơi vơi” trải khắp bài thơ nhưng cô đọng vẫn là ở nỗi nhớ về người lính Tây Tiến. Có lẽ người lính Tây Tiến, hình ảnh của họ đã ăn sâu tận trong máu thịt tác giả:

“Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Câu thơ đầu hoàn toàn tả thực về người lính kháng chiến, nổi tiếng bởi tên gọi “Vệ trọc”. Giữa rừng núi hoang sơ, nạn sốt rét là nạn mà người lính thường mắc phải. Sốt rét đến nỗi trọc cả đầu chỉ còn một vài sợi tóc lưa thưa đến nỗi da xanh xao “màu lá”.

Bệnh sốt rét ác nghiệt như Chính Hữu đã từng mô tả:

"Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi."

Sốt rét là bệnh tiêu biểu thường gặp ở người lính khi Quang Dũng nói về điều này, tác giả còn muốn cho ta biết, người lính Tây Tiến sống như thế đấy! Họ s61ng đ46 chiến đấu với quân thù nhưng lại phải chiến đấu với cả gian khổ, bệnh tật nữa. Giữa bao nhiêu khó khăn người lính vẫn

"Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

Nét dữ tợn của người chiến sĩ Tây Tiến ở đây không làm nhạt đi tí nào hình ảnh người lính Tây Tiến trong ta. Bệnh tật, yếu đau tưởng chừng làm người chiến sĩ yếu đuối nhưng ta bất ngờ vì dáng vẻ “dữ oai hùm” của anh lính. “Dữ oai hùm” làm mất đi sự yếu đuối của “đoàn quân không mọc tóc” và của “quân xanh màu lá”, câu thơ trên giúp cho câu thơ sau tiếp tục:

"Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Đây chính là hai câu thơ tập trung nhất vẽ nên bức tranh người lính Tây Tiến và cũng là hai câu thơ hay nhất trong cả bài thơ. Người lính Tây Tiến sống với hình ảnh của quê hương Hà Nội, chiến đấu với tương lai trước mặt. Hai câu thơ vừa mang nét lãng mạn của người chiến sĩ vừa có nét hào hùng. Mắt người lính “trừng” nhưng không hề mang nét dữ tợn, đấy chỉ là quyết tâm của họ. Họ quyết tâm chiến đấu cho Tổ Quốc, đất nước, điều này là điều tâm niệm của mỗi người. Hai câu thơ trên đã có thời bị đưa ra chỉ trích cùng với bài thơ là buồn rớt, là bi quan, là tiểu tư sản. Đành rằng buồn; nhưng cái buồn ở đây không làm mất đi quyết tâm củangười lính Tây Tiến. Quyết tâm đánh giặc và lãng mãn phãi kết hợp hài hoà mới có thể taạ nên vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ một cách sâu sắc. Đây là điểm mà đã có một thời vì hoàn cảnh lịch sử, vì một lý do nào đó người ta đã quên đi hay cố tình quên đi. Người lính Tây Tiến chiến đấu cho ai? Mục đích của họ hướng tới là gì nếu không phải quê hương mà cụ thể là Hà Nội. Người lính mơ về Hà Nội, về người thiếu nữ Hà Nội thì chính những mộng mơ ấy đã tiếp sức mạnh cho người chiến sĩ sống và chiến đấu. Hai câu thơ chính vì thế lãng mạn mà rất hào hùng !

Người lính Tây Tiến gặp bao nhiêu gian khổ. Dọc con đường hành quân bao người đã ngã xuống vì gian khổ, vì khắc nghiệt của rừng núi, vì đau ốm bệnh tật và họ ngã xuống vì chiến đấu.

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ."

Câu thơ đọc lên nghe sao mà bi thảm quá. Bao người nằm lại nơi xa lạ không người qua lại, chẳng bao giờ về. Từ “rải rác” làm ta cảm giác người lính Tây Tiến ngã xuống, ngã xuống nhiều trong cuộc chiến đấu, làm ta cảm giác thấm thía cái lạnh khi những con người phải từ giã cuộc đời. Từ “viễn xứ” tạo nên sự xa xôi, lạnh lẽo của rừngnúi, gợi sự cô đơn của những người nằm lại. Câu thơ trầm xuống xoáy vào lòng ta nỗi buồn không thể thốt nên lời, ta tưởng chừng câu thơ sau sẽ không cất nổi mình, nhưng ngược lại:

"Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

Câu thơ lại nhẹ nhàng như không hề mang chút bi thảm của những nấm mồ viễn xứ. Câu thơ trước tạo nên cái “bi”, câu thơ sau tạo nên nét “tráng”. Cái không khí bi quan bíên mất, chỉ còn lại nét ngang tàng, chút thanh thản của người lính Tây Tiến. Bảo “chẳng tíêc đời xanh” là cách nói của người thanh niên tri thức Hà Nội nhưng cũng mang cả quan niệm về lí tưởng chiến đấu. Đâu phải họ không tiếc cho tuổi trẻ. Không phải “tuổi trẻ là mùa xuân” đó sao! Nhưng cao hơn cả tuổi trẻ họ còn có tự do, quê hương. Còn người hậu phương gởi gấm cả nỗi lòng cho họ. Đó là lí do tại sao người lính Tây Tiến chẳng tiếc đời xanh. Họ nằm xuống nhẹ nhàng:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Cách dùng từ “áo bào” làm câu thơ trở nên cổ kính hơn. Anh ra đi mãi mãi nhưng anh ra đi là cho lẽ sống của mình sống mãi nên cái chết của anh nhẹ nhàng như “về đất”. Hơn thế, có chăng Quang Dũng có lí khi dùng từ “về đất” ngoài ý giảm nhẹ sự đau thương ? Quang Dũng không muốn có bất cứ giọt nước mắt nào rơi trên thi hài người lính Tây Tiến. Người lính Tây Tiến sống lãng mạn, hào hùng thì chết cũng phải như vậy. Đấy chính là lí do tác giả có ý sử dụng từ cổ kính và nói theo lối nói của người lính Tây Tiến. Quang Dũng muốn rằng người lính Tây Tiến chiến đấu là cho quê hương thì sữ ra đi của họ là nhẹ nhàng, thanh thản: họ về với đất. Đất như người mẹ giang tay ôm đứa con yêu vào lòng và người chiến sĩ ngụ trong vòng tay mẹ. Như vậy anh hi sinh ở nơi xa nhưng linh hồn anh vẫn về bên đất mẹ. Câu thơ vì thế mất đi nét bi thảm vốn có. Anh chiến sĩ chết đi, quê hương ôm anh vào lòng, sông núi hát lên tiễn đưa anh:

"Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Không hề có tiếng khóc giọt nước mắt tang thương. Chỉ có núi sông, đất mẹ chứng kiến cái chết của anh. Bóng dáng của anh hoà vào núi sông, hoà vào đất mẹ.

Người lính Tây Tiến ra đi nhưng hình ảnh của anh không bao giờ mờ phai trong tâm trí congười. Hình ảnh người lính và những kỷ niệm đậm mãi trong lòng Quang Dũng và mỗi chúng ta.

"Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về sầm nứa chẳng về xuôi."

Bài thơ khép lại nhưng âm điệu vẫn mãi vang vọng trong tâm hồn ta. Nhịp điệu trùng điệp, nét lãng mạn hào hùng của bài thơ để lại dấu ấn trong ta. Có những tác phẩm đã gặp nhiều mà ta lại quên đi nhưng có những tác phẩm chỉ bắt gặp một lần lại sống mãi. Ấy là Tây Tiến!

Hình ảnh người lính Tây Tiến lung lnh ngời sáng với cả hào khí dân tộc!

djghjfdg
djghjfdg
Trả lời 12 năm trước

Có những ngày tháng không thể quên, cái gian khổ ác liệt không thể quên, cả cái hào hùng lãng mạn cũng không thể quên.
May mắn thay, giữa những ngày tháng không thể quên ấy, lại có những bài thơ không thể quên, như Tây Tiến của Quang Dũng.

Thật ra số phận của Tây Tiến cũng khá truân chuyên. Đã có lúc Tây Tiến được trích dẫn như một dẫn chứng để phê phán cái xu hướng gọi là “tiểu tư sản” trong thơ kháng chiến, một “đối chứng” để khẳng định những gì nên có trong thơ mới. Nhưng rồi Tây Tiến cuối cùng được nhớ lại như một kỷ niệm đẹp của kháng chiến, một tiếng thơ bi tráng của một nền thơ.

Thành công đầu tiên của Quang Dũng là đã cọn cho bài thơ một thể thơ rất hợp: thể bảy chữ; nhưng không phải bảy chữ Đường luật mà là bảy chữ thể hành; mỗi đoạn thơ ăn theo một vần bằng, cứ một câu vần bằng lại một câu vần trắc. Điệu thơ ấy, cách ăn vần ấy, tạo cho bài thơ một nhạc điệu vừa cổ kính nghiêm trang, vừa phóng khoáng bay bổng, vừa trùng điệp như trải ra vô tận, điệu thơ ấy, lại cộng với cách dùng từ hơi cổ kính một chút của Quang Dũng, khiến cho bài thơ ngay khi vừa đọc lên, đã có một không khí vừa man mác bâng khuâng vừa lãng mạn hào hùng. Nếu Quang Dũng sử dụng một thể thơ khác kể cả thất ngôn tứ tuyệt trường thiên như ở “Mắt người Sơn Tây”, điệu thơ sẽ khác đi, không khí bài thơ cũng sẽ khác đi, sẽ buồn hơn, và sẽ không còn là Tây Tiến nữa. Nhưng đây không phải là vấn đề lựa chọn. Cảm hứng nghệ thuật của Quang Dũng, nhu cầu bên trong của nhà thơ, đã tìm đúng cái dạng hình phải có cho sự thổ lộ của mình, để cho Tây Tiến ra đời và cuộc sống đời đầy thăng trầm nhưng mãnh liệt của nó.

Hình như có lúc nhan đề bài thơ gồm những ba chữ kia: Nhớ Tây Tiến. Cái nhan đề hơi thừa nhưng lại rõ nghĩa. Tây Tiến là một cảm hứng bắt nguồn từ kỷ niệm, kỷ niệm về một đoạn đời chiến đấu, về một miền đất, kỷ niệm về những người đồng đội, cả những kỷ niệm khó quên về chính mình. Trong đời có những lúc nào đò, kỷ niệm bỗng sống dậy với những đường nét và sắc màu nóng bỏng để gợi lên những cảm xúc và hoài niệm vô tận. Kỷ niệm về Tây Tiến, về cuộc hành quân tiến về tây đánh giặc bên kia biên giới Việt Lào, đã bắt đầu như thế.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.
Nhớ chơi vơi! Hai tiếng chơi vơi dùng ở đây thì thật là đắc địa. Nhớ chơi vơi là nỗi nhớ không có hình, không có lượng, hình như nhẹ tênh tênh mà nặng vô cùng, bỏi không đo nó được, không cân nó được, chỉ biết nó lửng lơ, đầy ắp, mênh mông, nó ám ảnh tâm trí mình, nó da diết thương nhớ vô cùng. Nhớ chơi vơi, ít ai nói như thế, hình như trong ca dao cũng có và chỉ có một lần nỗi nhớ như thế xuất hiện:
Ra về nhớ bạn chơi vơi…
Trong bài thơ Quang Dũng, hai tiếng chơi vơi này lại ăn vần với tiếng “ơi” ở câu trên, nên càng bộc lộ hết sắc thái ngữ nghĩa và sức khơi gợi của chúng, càng trở nên như một tiếng vang tức thời bật lên từ cõi nhớ: nhớ Tây Tiến - nhớ ngay về rừng núi.

Ấn tượng sâu đậm nhất về Tây Tiến là ấn tượng về rừng núi. Cả một đoạn thơ bắt đầu gồm 14 câu đều dành cho kỷ niệm về rừng núi một vùng bát ngát miền Tây, một vùng biên giới Việt Lào. Mà rừng núi mới dữ dội, khắc nghiệt làm sao: núi cao, dốc thẳm, sương dày, mưa mịt mù trời đất, thác gầm, cọp dữ… Miền Tây, ấy là nơi ngự trị của vẻ thâm u, hoang dã, những thách thức gớm ghê đặt ra trước con người; thiên nhiên ở đây luôn là một mối đe doạ, một sức mạnh sẵn sàng vồ lấy con người, nuốt chửng con người. Ta chớ quên rằng, vào cái mùa xuân Tây Tiến ấy, những người lính Tây Tiến như Quang Dũng chỉ vừa mới ra đi từ một mái trường hoặc một góc phố nào đó của Hà Nội – Thăng Long, nơi có Hồ Gươm, Tháp Bút, Tháp Nghiêng, có liễu Hồ Tây, có ba mươi sáu phố phường, có cả những cuộc chiến đấu trên chiến luỹ ácliệt mà vẫn pha nét hào hoa… ấn tượng trước miền Tây vì thế càng ghê gớm.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Từng chi tiết: sương, dốc, mây, mưa… đều được Quang Dũng đưa ra với ấn tượng mạnh nhất của nó. Sương thì dày đến “lấp” cả đoàn quan, dốc thì đã “khúc khuỷu” lại “thăm thẳm”, đã “nghìn thước lên cao” lại “nghìn thước xuống”, “cồn mây” thì heo hút và cao đến “súng ngửi trời”, mưa đến mức những ngôi nhà như bồng bềnh trên biển khơi… Những từ địa danh Sài Khao, MườngLát, Pha Luông, Mường Hịch xa lạ càng làm tăng cái ấn tượng xa ngái, hoang sơ lên một bậc nữa.
Đọc mấy câu thơ sau đây:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
tự nhiên thấy rợn ngợp cả người, cứ như khi đọc mấy câu thơi trong “Thục đạo nan” của Lý Bạch:
Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên!
(Đường xứ Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh)
Hoặc như khi đọc “Chinh phụ ngâm” mà đến câu:
Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao…
Tây Tiến là một cuộc hành quân cực kỳ gian khổ, gian khổ đến độ:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Gian khổ tưởng như đã vượt lên trên giới hạn chịu đựng của con người. Những người gục xuống trên đường đi, gục xuống khi chân còn đi; chỉ khi “không bước nữa”, không thể bước nữa mới “gục lên súng mũ”, và thế là “bỏ quên đời” chứ không phải nằm xuống, ngã xuống. Cái ý thơ này dẫu buồn mà vẫn không bi đát, bởi vì con người ở đây vẫn vượt lên mình, dẫu không áp đảo được khó khăn nhưng không khuất phục, và cho đến khi chết, vẫn chết trong cuộc hành trình. Thật là một hình ảnh vừa bi vừa hùng. Nó đúng với cái không khí thời đại của đấtnước đang bước vào một cuộc chiến đấu mà mỗi người chỉ có hai tay không và một tấm lòng, phải đương đầu với súng đạn bom pháo của một bầy giặc mạnh, chiến đấu cho một lời thề thiêng liêng: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mỗi cuộc ra đi đều không hẹn ngày về, giống như lời một bài hát rất thịnh hành ngày đó:
Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Là có sá chi đâu ngày trở về…
Đừng đưa những tiêu chuẩn tinh thần lạc quan cách mạng hay gì gì đó của những năm sau này mà đo đạc hay phê phán tinh thần của lớp người ngày ấy. Bởi vì ở họ, ở mỗi người chiến sĩ lên đường ngày ấy, đều có một hình ảnh và một tâm trạng của Kinh Kha sang Tần:
Phong tiêu tiêu hề dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn
(Gió hiu hắt chừ, sông Dịch lạnh tê
Tráng sĩ một đi chừ, chẳng trở về)
Ôi, cái lãng mạn đẹp đẽ của một thời! Đừng gọi đó là anh hùng cá nhân. Anh hùng thì có nhưng cá nhân thì không, bởi cái anh hùng ấy vô tư lắm.
Trong đoạn thơ đầu này, nếu Quang Dũng có nói “quá lên” về cái ghê gớm của núi rừng (mà chắc là không quá) thì cũng chỉ là để nói lên cái hào hùng của con người chứ không phải để hạ thấpnó.
Rồi giữa những kỷ niệm khổ và đau như thế, đoạn thơ bỗng khép lại bằng một kỷ niệm thật ấm áp, như một tiếng hát vui bỗng vút lên. Cái khổ cái buồn ấy thật đáng nhớ, vì thế cái ngọt bùi giữa bao nhiêu buồn khổ ấy lại càng đáng ghi nhớ hơn:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Điều vui gợi nhớ điều vui, Quang Dũng dành cả phần thứ hai gồm tám câu thơ cho những ký niệm vui về tình người xứ bạn:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Hình ảnh một cuộc liên hoan văn nghệ đã thành truyền thống trong cuộc kháng chiến chống Pháp được nhắc đến với ba nét tiêu biểu: đuốc hoa, điệu múa, tiếng khèn, những chi tiết có màu sắc tả thực mà vẫn có chút gì rất mộng, rất ảo. Hai tiếng “Kìa em” vừa ngỡ ngàng vừa trìu mến.
Một nét chấm phá về nhân dân xứ bạn lại được định hình rất rõ trên tấm ảnh thời gian:
Có nhớ dáng ngừơi trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Quang Dũng đã dành phần cuối của bài thơ cho hình ảnh anh bộ đội Tây Tiến, một hình ảnh mà tác giả muốn ca ngợi một cách khác thường sau khi đã nói đến những nét hoặc khác thường hoặc độc đáo của cuộc Tây Tiến gian khổ hào hùng.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu là dữ oai hùm
Nếu cần sự độc đáo thì mấy từ “không mọc tóc” đã đạt đến chỗ tột cùng của độc đáo, nhưng như thế thì có chân thật không? Hình ảnh anh bộ đội có trở nên quái đản không? Không! Bởi vì, đây là hình ảnh anh “vệ trọc” nổi tiếng một thời, hình ảnh như một dấu ấn không thể phai của những chàng trai từ thành phố, từ dưới các mái trường “xếp bút nghiên” bước vào chiến đấu, với một lòng yêu nước hoàn toàn vô tư và một chút lãng mạn của một khách chinh phu và một tráng sĩ “gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”. Hình ảnh anh bộ đội trong cái năm đầu tiên của kháng chiến ấy có thể hoàn toàn thoát được hình ảnh người anh hùng mà văn thơ lãng mạn đã tạo nên, cả từ “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn hay “Chí anh hùng” của Nguyễn Công Trứ. Mà đã có “đoàn binh không mọc tóc” thì tất nhiên cũng có được “quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Hơn nữa cái vẻ “dữ oai hùm” ấy cũng hoàn toàn tương xứng với một ý thơ của đoạn đầu:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Hình ảnh anh bộ đội Tây Tiến đã được dựng lên như thế thì thế tất phải có hai câu thơ này:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Mấy câu thơ sau thì thật buồn:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Đó là hình ảnh tất nhiên của một cuộc chiến tranh. Câu thơ đầu đọng lại như một bức tranh buồn thảm bởi tất cả bảy tiếng “rải rác – biên cương - mồ viễn xứ” đều hàm chứa một lượng thông tin lớn. Câu thơ này nếu đứng một mình thì ấn tượng bi thảm thật đến vô cùng. Nhưng từ cái bi thảm ấy, những câu thơ sau lại nâng nó lên thành bi tráng chứ không còn bi thảm nữa. Nó tráng bởi Quang Dũng đã nói được một điều cốt lõi trong nhân cách của người đã chết:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Cách nhìn, cách phát biểu của nhà thơ cũng xuất phát từ cái tráng ấy. Riêng chi tiết thực này: người tử sĩ được mai táng trong chính quần áo của mình (không có cả chiếu), Quang Dũng đã nói khác đi. Nhà thơ không nói “áo” mà nói “áo bào”, và khi nói “áo bào” thì ta không còn nghĩ đến “áo” nữa mà nghĩ đến một cái gì đẹp và hùng tráng hơn rất nhiều. Nói “áo bào” không phải là thi vị hóa hay “tiểu tư sản”, “mộng rớt” như có người đã nói. Áo bào là đúng trong trường hợp này, vì đây là tấm áo mà người chiến sĩ đã mặc để chiến đấu cho đến phút chót của đời mình. Vả lại “áo bào” chứ không phải “chiến bào”. chiến bào thì nghe cổ quá, không phù hợp, còn “áo bào” thì lại rất mới, rất đúng. Một sự kết hợp ngẫu nhiên giữa hai từ áo và bào, coi như một đóng góp về từ vựng của Quang Dũng. Người tráng sĩ thời phong kiến coi “da ngựa bọc thây” là một niềm vinh quang thì với người lính bảo vệ đất nước ngày nay, “áo bào thay chiếu anh về đất” là một hình ảnh đầy sức mạnh ngợi ca. Vả lại, Quang Dũng còn rất tinh tế khi dùng từ “về” : “anh về đất”; không từ nào có thể thay thế cho từ này được. “Về đất” không chỉ là được chôn xuống đất mà còn là hành động “tựu nghĩa” của người anh hùng đã hoàn thành nhiệm vụ, còn là niềm trân trọng, yêu thương của đất nước, của đồng đội. Bi tráng nhất là câu thơ cuối đoạn này:
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Buồn đấy nhưng sao mà hùng tráng quá!
Quang Dũng kết thúc Tây Tiến bằng một khổ thơ tứ tuyệt:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy.
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
“Không hẹn ước” rồi lại “thăm thẳm một chia phôi”. Quang Dũng khẳng định cái ý nhiệm “nhất khứ bất phục hoàn” trong hình ảnh anh bộ đội Tây Tiến, cũng là cái ý niệm chung cả một thời kỳ, một thế hệ con người. Đã nói nhiều điều về Tây Tiến, đã nhắc lại nhiều kỷ niệm về Tây Tiến, nhưng cuối cùng cái đọng lại sâu nhất, bền vững nhất về Tây Tiến là cái tinh thần ấy. Giọng thơ trầm, chậm, hơi buồn, nhưng ý thơ thì vẫn hào hùng.
“Tây Tiến mùa xuân ấy” đã trở thành cái thời điểm một đi không trở lại của lịch sử nước nhà. Sẽ không bao giờ còn có lại cái thuở gian khổ và thiếu thốn đến dường ấy nhưng cũng lãng mạn và hào hùng đến dường ấy. Không có cái thuở ấy thì sẽ không có bài thơ Tây Tiến; và tất nhiên không có cái hồn thơ, cái tài thơ của Quang Dũng thì cũng sẽ không có Tây Tiến.