Sao mãi bé 5 tuổi chưa hết nói ngọng?

Tôi đã đọc bài bé 5 tuối vẫn noi ngọng phải làm sao đây? và đã xem đáp án.
Con tôi cũng tầm tuổi đấy và cung nói ngọng. Vừa ngọng phát âm theo kiểu l thành n và vừa ngọng do phát âm không chuẩn như tên cháu là Ngân Khánh thì nói thành nhân hánh... Cháu phát triển bình thường.
Vợ chồng tôi cũng uốn nắn nhưng cháu không phát âm chuẩn được nhiều khi cháu nói không hiểu nói gì. Vậy có phải do bệnh lý không, có cần phải cho cháu đi khám không ạ. Mong ban tư vấn Webtretho cho lời khuyên.

Xin chân thành cám ơn!

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 12 năm trước

Chào bạn,

Nói ngọng ở trẻ ngoài nguyên nhân do yếu tố bệnh lý còn phần nhiều do môi trường xung quanh tác động, vì ở độ tuổi này, bé rất hay bắt chước. Nếu bạn bè, người thân xung quanh bé thường xuyên nói l thành n thì hẳn nhiên bé cũng sẽ phát âm như thế, ngoại trừ khi bé lớn lên và có ý thức phải sửa đổi.

Hiện nay ở nước ta chưa có những lớp dạy trẻ phát âm chuẩn chuyên biệt. Tuy nhiên, khi bé đi học thì thầy cô ở lớp sẽ uốn nắn phần nào. Ngoài ra, bạn cần kiên nhẫn tập cùng bé như trong bài trước đã nêu: Cho bé nhiều cơ hội được trò chuyện hàng ngày. Nói chuyện với bạn không chỉ giúp bé tăng vốn từ vựng mà bạn cũng biết bé thường phát âm sai những cụm từ nào để kịp thời uốn nắn.

- Làm gương cho bé: Muốn bé phát âm chuẩn, cha mẹ hoặc người thân trong nhà phải làm mẫu cho bé trước đã.

- Dạy bé hát: Quá trình bé bắt chước theo ngôn từ, giai điệu của bài hát sẽ giúp bé biết cách phát âm đặc biệt hiệu quả. Bạn có thể chọn những bài hát đơn giản, hướng dẫn bé học thuộc từng đoạn nhỏ rồi ghép các đoạn lại với nhau. Nếu bé nói ngọng phần nào, bạn có thể lặp đi lặp lại phần đó nhiều lần để bé ghi nhớ và làm theo.

- Cho bé nói trước gương: Bạn làm mẫu phát âm thật chậm, rõ ràng một số cụm từ như “Con muốn ăn cơm”, “Con thích uống sữa”… và hướng dẫn bé làm theo. Bé cũng có thể dễ dàng bắt chước cử động miệng của bạn trong gương.

- Trường hợp bé nhút nhát, bạn nên tăng cường các hoạt động giao tiếp hàng ngày với bé, đặc biệt ở chỗ đông người. Các bé có xu hướng hoạt bát, nhanh miệng hơn trong môi trường gia đình, người thân và trở nên lúng túng, ngượng nghịu khi đứng trước người lạ.

- Bạn tuyệt đối không nên nhại lại giọng nói ngọng của bé, dù chỉ là trêu đùa cho vui. Làm như vậy, bé sẽ không ý thức được việc mình cần phải phát âm chuẩn hơn hoặc bé thấy bạn thích thú nên càng cố nói ngọng.

- Bạn có thể hướng dẫn bé các bài luyện tập cơ miệng vào buổi sáng, lúc bạn cùng tập thể dục với bé như: Há miệng to và cùng nói “A, O, U, I”. Lặp lại từ 5 đến 7 lần. Bạn có thể đổi sang cụm 4 chữ cái khác và hành động tương tự.

- Nếu nguyên nhân bé nói ngọng xuất phát từ yếu tố vướng dây chằng lưỡi, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

- Trò chơi ngôn ngữ: Hàng ngày, bạn có thể đố bé xem, trong nhà mình có những đồ vật nào bằng chữ “C”, những loại quả nào bắt đầu bằng chữ “N”… hoặc gợi ý để bé đố lại bạn. Hoạt động này giúp bé phân tích và nhận biết chính xác những cụm từ thông dụng.

Bạn nên kiên trì sửa tật nói ngọng cho bé càng sớm càng tốt, hãy đưa bé đi khám nếu nghi ngờ bé bị vướng dây chằng lưỡi. Càng để lâu sẽ càng khó sửa tật nói ngọng này.

Thân mến.

Ban Tư vấn Webtretho