Lễ cúng Thổ Công diễn ra vào lúc nào?

Cá Cảnh
Cá Cảnh
Trả lời 16 năm trước
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa.
djshg
djshg
Trả lời 13 năm trước

Hầu như gia đình người Việt nào cũng thờ cúng Thổ Công (vị thần trông coi và định phúc họa cho gia đình) bên cạnh việc thờ cúng gia tiên. Thổ Công chính là hiện thân của sự no ấm, sung túc của gia đình thông qua công việc bếp núc cho nên còn được gọi là ông núc.

Thổ Công được xếp vào Thần đạo. Nhiều gia đình cổ truyền thường lập bàn thờ Thổ Công bên cạnh bàn thờ gia tiên. Những gia đình ngành thứ, không phải lập ban thờ tổ tiên nhưng vẫn lập ban thờ Thổ Công đặt ở vị trí gian chính giữa nhà. Ban thờ Thổ Công thường bày biện khá đơn giản gồm bộ 3 chiếc mũ. Chiếc mũ ở giữa là mũ đàn bà, hai bên là mũ đàn ông. Có khi, để giản tiện, nhiều gia đình chỉ thờ một chiếc mũ đàn ông (tức mũ Thổ Công). Theo truyền thống, mũ đàn ông có hai cánh chuồn vút lên, mũ đàn bà thì không có cánh chuồn. Bộ mũ (dù ba chiếc hay một chiếc) đều kèm theo chiếc áo và đôi hia đính vào bệ giấy hoặc khi cúng được kê trên bệ là vài trăm thoi vàng mã.

Mũ, áo, hia của Thổ Công mỗi năm một màu tính theo ngũ hành. Trên ban thờ còn có bài vị Thổ Công, thường được viết ngắn gọn là Định phúc Táo quân. Trường hợp viết đầy đủ sẽ là Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân, Bản gia Thổ Địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần. Những cỗ mũ và bài vị được thờ từ 23 tháng chạp năm trước đến 23 tháng chạp năm sau thì hỏa thiêu, đánh dấu hết một “nhiệm kỳ công tác” của Thổ Công.

Thổ Công chính là bộ ba gồm các vị: Thổ Công trông nom việc trong bếp, Thổ Địa trong nom việc trong nhà, Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa cho đàn bà và việc sản sinh của vật nuôi và cây trồng trong gia đình. Gộp lại cả ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ được gọi là Táo Quân với nhiệm vụ định phúc cho cả gia đình. Táo Quân, được hiểu nôm na là vua bếp, ba ông đầu rau hay ông núc vốn có sự tích (hai ông một bà) như sau: Vợ chồng nhà Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên sinh ra buồn phiền cãi cọ thường xuyên. Ngày nọ, Trọng Cao giận quá đánh vợ khiến Thị Nhi bỏ nhà ra đi. Trên đường đi, gặp Phạm Lang tỏ lời khéo léo quyến rũ, Thị Nhi cùng Phạm Lang trở thành đôi vợ chồng. Trọng Cao sau cơn giận liền bỏ cả công ăn việc làm, đi tìm vợ khắp nơi. Một ngày kia, tiền vơi gạo hết, Trọng Cao phải lần hồi hành khất ăn xin, chẳng may vào nhà nọ lại gặp Thị Nhi mang cơm ra cho. Vợ cũ gặp chồng xưa, đôi bên bày tỏ nỗi niềm, Thị Nhi thấy hối hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Đang khi bày tỏ tâm tình, bất đồ Thị Nhi nghĩ nếu Phạm Lang trở về thì thật khó xử nên bảo người chồng cũ ẩn tạm vào đống rơm để nàng lo sắp đặt mọi chuyện. Phạm Lang về nhà đốt đống rơm lấy tro bón ruộng nên vô tình khiến Trọng Cao chết cháy. Thị Nhi thương quá liền nhảy vào đống lửa chết theo. Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót, nhảy theo vợ và cũng chết cháy. Thế là hai ông một bà đều bị chết thiêu. Trời thấy ba người có nghĩa nên phong cho họ làm Táo Quân, mỗi người phụ trách một việc. Từ đó trong dân gian, hình ảnh Táo Quân là bộ ba, hai ông một bà.

Táo Quân được các gia đình cúng lễ quanh năm, vào các dịp sóc, vọng thường hương hoa oản quả. Những dịp lễ tết giỗ chạp hay có công to việc lớn trong nhà có thể cúng chay hoặc cúng mặn tuỳ nghi.

Trong năm, dịp lễ long trọng nhất dành riêng cho Táo Quân chính là tết ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp. Theo tín ngưỡng cổ truyền, đây là ngày Táo Quân lên trời báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian, những hành vi, việc làm tốt, xấu của các thành viên trong gia đình trong năm một cách khách quan, trung thực. Phương tiện để Táo Quân lên trời là cá chép vàng được hiểu là ngựa của các ngài. Tết ông Công ông Táo làm to nhỏ, chay mặn tùy khả năng mỗi gia đình, nhưng dứt khoát phải có bộ mã Táo Quân mới. Sau khi cúng Táo Quân, người ta hóa mã, đồng thời hóa cả bộ mã năm trước. Tục lệ cúng Táo Quân ở Trung Hoa có nét khác Việt Nam. Vào ngày Táo Quân lên trời, họ thường “hối lộ” Táo Quân bằng cách khi hóa mã thì đốt thêm gói kẹo để Táo Quân sẽ nói những lời dịu ngọt nhằm giảm nhẹ tội cho họ.

Ngày nay, việc cúng Táo Quân ở mỗi gia đình người Việt vẫn diễn ra, song hình thức đã có nhiều thay đổi. Thường các gia đình nhỏ (không phải trưởng họ, trưởng tộc) chỉ có một bát hương thờ thần linh hoặc ba bát hương gồm thờ Phật, thờ thần linh và thờ gia tiên. Như vậy, bát hương dành riêng cho Thổ Công không thấy xuất hiện. Giờ đây, thờ Thổ Công được hiểu là thần thuộc thần linh nói chung. Khi cúng, người ta khấn luôn cả ba vị Táo Quân. Chỉ dịp tết 23 tháng Chạp, người ta mới cúng riêng Táo Quân nhưng vẫn khấn chung với các vị thần linh và gia tiên của họ. Việc thờ bộ mã Táo Quân dường như không mấy gia đình duy trì. Thường sau khi cúng, mã được hóa luôn và đến tận 23 tháng Chạp năm sau, người ta mới mua bộ mã khác để cúng. Phương tiện cho Táo Quân lên trời được giản đơn hóa bằng cá chép vàng (đồ mã) đính kèm cùng mũ, hia của Táo Quân. Người ta cũng không phân biệt rạch ròi đâu là mũ ông, đâu là mũ bà và cũng chẳng mấy quan tâm xem mũ đó ứng với màu gì trong ngũ hành. Đơn giản chỉ là bộ mã gồm 3 chiếc mũ đều có cánh chuồn, hia và cá chép vàng đính kèm. Nhiều gia đình còn mua thêm cá chép sống, thả vào bát (chậu) nước đặt trước ban thờ. Sau khi hóa mã, người ta đem 3 con cá chép ra sông hồ phóng sinh với ý nghĩa cá chép hóa rồng, đưa Táo Quân lên trời. Cũng xuất hiện hình thức khác đối với phương tiện của Táo Quân, một số gia đình mua cá chép nhưng là cá to, rán lên, trở thành đồ lễ cúng Táo Quân, cũng là phương tiện của Táo Quân về trời. Sau đó, cả gia đình thụ lộc vui vẻ.

Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp được gọi là Tết ông Công ông Táo mang tính cách chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Chỉ từ ngày này, người ta mới coi những ngày tết đã bắt đầu, bắt đầu sắm tết, đòi nợ, sửa sang mồ mả… chuẩn bị cho chiều 30 là thời điểm đón ông Công ông Táo trở về trần gian làm nhiệm vụ năm mới.

Hình ảnh Táo Quân - vua bếp cũng trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt, bếp đỏ lửa mỗi ngày. Những gia đình không có điều kiện đỏ lửa mỗi ngày để ông vua bếp làm nhiệm vụ thì ngầm hiểu là Táo Quân chưa hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn tổ ẩm gia đình một cách trọn vẹn. Và dường như lúc này Táo Quân chính là hình ảnh ngọn lửa bếp ga reo vang trong bếp mỗi ngày chăng?

Một hình thức khác của việc thờ cúng Thổ Công là thờ ông Địa, cũng gọi là ông Thổ hoặc gọi đầy đủ là Thổ Công. Người ta tin rằng ông Địa - Thổ Công là chủ đất nơi mình sinh sống, do đó nếu được ông Địa phù hộ thì làm ăn khấm khá và toàn gia mạnh khỏe. Ông Địa được đặt một bát hương riêng trên ban thờ và được hưởng hương hoa oản quả, lễ lạt vào tất cả các dịp lễ của gia đình trong năm. ở một số thành thị việc thờ cúng ông Địa được hình tượng hóa bằng tượng (nhiều chất liệu khác nhau) một ông già to béo, bụng phệ, vẻ mặt tươi cười thoải mái. Ông Địa được đặt trên ban thờ hoặc nơi nào đó thuận lợi cho việc thờ cúng. Có khi ông Địa được đặt thờ cùng vị thần Tài để tiện việc hương khói hằng ngày.