Để trẻ em có giấc ngủ ngon , chúng ta nên làm gì?

Để trẻ em có giấc ngủ ngon , chúng ta nên làm gì?
tran hieu ngan
tran hieu ngan
Trả lời 15 năm trước
Có lẽ không ai là không biết tầm quan trọng nói chung của giấc ngủ. Nhưng hiểu rằng thời lượng ngủ có thể ảnh hưởng tới độ tập trung và thậm chí là tính cách của trẻ thì không phải ai cũng biết. Riêng đối với tôi, cuốn sách này có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nó đã giúp tôi đủ sức mạnh để tập cho cô con gái 6 tháng tuổi ngủ một mình. Trong 2 ngày đầu, bé khóc rất nhiều. Nhưng dần dần, bé đã cảm thấy thích thú khi được ngủ một mình, không bị ai quấy nhiễu. Hy vọng rằng các bà mẹ sẽ rút ra được những điều bổ ích từ cuốn sách này. Sách do bác sĩ Lê Văn Tri viết, dựa trên tư liệu nghiên cứu của bác sĩ Marc Weissbluth, chuyên gia về giấc ngủ của Mỹ.
hao
hao
Trả lời 9 năm trước

Khoảng 3 tháng tuổi, nhịp sinh học của bé bắt đầu thay đổi, bé có thể ngủ liền mạch 1 giấc về đêm.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, vì vậy, bạn nên lưu ý một số điểm sau để tăng chất lượng giấc ngủ cho bé.

- Tư thế nằm úp: Bạn nên để ý vì bé có thể lật người và nằm ngủ với tư thế úp mặt xuống giường. Tư thế ngủ này sẽ gây sức éo lên bụng, ngực và khiến bé khó thở.

- Bé ngủ cùng cha mẹ: Nhiều bậc cha mẹ không có thói quen cho bé nằm cũi mà muốn bé ngủ chung giường. Bạn nên cẩn thận vì nhiều khi ngủ chung, chăn, gối… của cha mẹ có thể đè lên người bé. Ngoài ra, thân nhiệt của bé không giống như người lớn, do đó, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng điều hòa, quạt máy… trong phòng ngủ.

- Không ủ ấm bé: Bạn nên chọn quần áo rộng rãi, chất liệu mềm mại mặc cho bé khi ngủ (không cần mặc thêm áo ngoài). Nếu trời lạnh, bạn có thể đắp thêm chăn (loại dành cho bé, tuyệt đối không sử dụng loại chăn, gối của người lớn).

- Thu dọn đồ chơi gọn gàng, không nên để bừa bãi đồ chơi trên giường hay trong cũi bé, kể cả những loại an toàn như thú nhồi bông. Với bé sơ sinh, thú bông có thể đè lên người khiến bé khó thở. Nếu bé ngủ trong cũi, bạn nên cẩn thận với những loại đồ chơi treo, móc trên cũi vì chúng có thể rơi vào người bé. Tốt nhất, bạn nên tháo tất cả những loại đồ chơi treo trên cũi khi bé ngủ.

- Lưu ý với bề mặt cũi, giường: Bạn nên đảm bảo độ an toàn và vệ sinh tối thiểu với mặt cũi, mặt giường của bé. Nên sử dụng những tấm nệm mỏng để lót phía dưới bề mặt cũi (giường) khi bé ngủ. Mùa đông, bạn có thể dùng những tấm nệm dày hơn nhưng phải lưu ý để nệm không bị xô, nghiêng, co… trong quá trình bé ngủ.

- Tránh cho bé bú quá no trước giờ ngủ. Tránh mở cửa sổ để gió lùa hay ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ngủ của bé.

Cha, mẹ cần lưu ý những nguyên tắc căn bản sau đây:(Tuỳ theo từng độ tuổi mà có cách áp dụng cụ thể)

- Tạo thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ như đã định.

- Nhắc nhở trẻ bớt chạy nhảy, đùa giỡn 30 phút trước khi đi ngủ.

- Nhắc nhở trẻ một số việc cần làm trước khi ngủ như: đánh răng, rửa mặt, đi nhà vệ sinh … tạo cho trẻ sự thoải mái trước khi ngủ.

- Tạo không gian yên tĩnh, du dương bằng những lời hát ru, kể chuyện cổ tích, mở cho trẻ nghe những đoạn nhạc thiếu nhi hoặc nhạc nhẹ mà trẻ yêu thích.

- Kiểm tra sự tiện nghi thoải mái tối thiểu phòng ngủ của trẻ như nhiệt độ, sự thông khí, đèn ngủ…

- Tắt TV và ngưng tất cả các trò chơi điện tử mà trẻ thường chơi.

- Chúc “trẻ ngủ ngon” trước khi trẻ đi vào giấc ngủ.

- Giữ yên lặng tuyệt đối trong suốt thời gian trẻ ngủ.

- Khen ngợi trẻ đã ngủ ngon vào sáng ngày hôm sau.

Khi trẻ có vấn đề về giấc ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, Cha, mẹ chính là nhân tố tích cực giúp giải quyết những vấn đề về giấc ngủ cho trẻ

- Nên động viên trẻ trở về phòng ngủ nếu trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ.

- Trẻ cảm thấy lo sợ khi đi ngủ, nên tìm hiểu nguyên nhân nhằm giúp trẻ yên tâm và tự tin hơn.

- Nếu trẻ quấy khóc hoặc phản đối việc đi ngủ nên kiên nhẫn dỗ dành và khuyến khích trẻ đi ngủ trở lại. Nếu trẻ cần cha, mẹ bên cạnh mình, nên nán lại với trẻ một thời gian trước khi trẻ rơi vào giấc ngủ sâu.

- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ như nhiệt độ phòng, ánh sáng đèn, sự ẩm ướt, màu sắc phòng ngủ… để đảm bảo trẻ luôn cảm thấy thoải mái, yên tâm khi ngủ.

- Nếu trẻ của bạn có cơn miên hành hoặc cơn hoảng sợ ban đêm, không nên quá lo lắng, nên tạo cho trẻ một không khí chơi đùa thật hồn nhiên và lành mạnh vào ban ngày bằng các trò chơi vận động nhẹ, dành nhiều thời gian vào ban đêm ở bên trẻ nếu trẻ gặp những cơn hoảng sợ ban đêm. Nếu cần bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của bác sỹ chuyên khoa để nhận được phương pháp trị liệu thích hợp nhất cho trẻ.

Chúc bạn và bé sức khoẻ!