Mua máy ảnh và máy quay kĩ thuật số, bạn cần quan tâm điều gì?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Chọn mua máy ảnh Compact

Trước khi đi vào phần chính, có một số thuật ngữ mà những ai mới làm quen với máy ảnh số nên xem qua để hiểu rõ hơn vì đây là những tiêu chí chính để chọn mua một chiếc máy ảnh:

- Compact (hay Point and Shot): là loại máy ảnh kích thước nhỏ, đúng như tên gọi của dòng này. Hay được gọi là máy ảnh gia đình, máy ảnh du lịch do đặc điểm gọn nhẹ và dễ sử dụng.

- Advanced Compact hay Prosumer: vẫn nằm trong dòng máy ảnh compact nhưng về mặt kích thước thì to hơn. Điểm mạnh là có khả năng cao hơn những compact, đáp ứng được nhiều tình huống chụp khác nhau. Đặc biệt thường có nhiều tinh chỉnh cho người dùng hơn.

- Scene Modes: những tình huống chụp thông dụng. Thường thì nhà sản xuất đã kèm theo những setting cho mỗi tình huống để tự động cho ra chất lượng tốt nhất có thể, giảm thiểu mức can thiệp của người dùng. Đối với đa số người đây là điểm mạnh và quan trọng khi chọn mua máy (đỡ phải ngồi mò) Một số scene mode thông dụng: Macro (chụp gần), Potrait (chân dung), Landscape (Phong cảnh), thú vật, trẻ em, đồ ăn, ban đêm, thể thao…

Số lượng Scene mode cũng là một điểm đáng quan tâm. Đa số mọi người muốn cầm máy lên là chụp, nên càng nhiều tình huống có sẵn mà máy có thể xử lý càng tốt. Những scene mode này có giá trị rất lớn với người dùng bình thường vì nó tiết kiệm thời gian mầy mò mà trong đa số trường hợp vẫn cho ra những bức ảnh chất lượng tốt. Hơn nữa, trọng tâm của bài này là cho người dùng ít có kinh nghiệm nên những tinh chỉnh chuyên sâu hơn có lẽ không phù hợp lắm.
- Resolution: độ phân giải của cảm biến ánh sáng. Hiện nay phổ biến là từ 5 – 10 triệu điểm ảnh (Megapixel). Không thật sự quan trọng lắm với máy ảnh compact vì độ phân giải cao chủ yếu là để phóng ảnh ra bản in lớn, cho khổ ảnh gia đình 10×15cm, 13×18cm bình thường 8-10 Megapixel là đủ.

- ISO: Số ISO trên máy ảnh số (ISO 50 – 3200) chỉ khả năng điều chỉnh độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh. Đây là yếu tố quan trọng vì với khẩu độ và thời gian lấy sáng hạn chế của máy ảnh compact, nâng ISO thường là cách được sử dụng trong trường hợp thiếu sáng để cho ra tấm ảnh như ý. Nhưng khi đặt ISO càng cao thì chất lượng hình sẽ giảm do bị nhiễu hạt (do giới hạn của máy compact, trừ một số máy cá biệt thì hình ở ISO 800 và hơn gần như không thể sử dụng được do rất hay bị nhiễu).

- Noise: Nhiễu trên sensor, đặc biệt dễ thấy ở ISO cao. Nôm na là những điểm màu bất kì xuất hiện trên ảnh.

Khả năng zoom của máy ảnh compact: khi mua nên chú ý đến optical zoom (zoom quang học) vì đây mới là zoom thực, qua thấu kính của máy. Digital zoom chỉ là phóng to pixel trên tấm thường là từ 3x – 5x, của advanced compact từ 5x – 15x, tuy nhiên chất lượng ảnh sẽ giảm đi nhiều vì nhiễu (hạt) do đây là phương pháp nội suy, tức là tạo ra một điểm ảnh từ việc tính toán màu sắc, độ sáng từ điểm bên cạnh.

Với những kiến thức cơ bản ở trên, việc chọn máy ảnh số thật ra rất đơn giản. Bất cứ chiếc máy nào có độ phân giải trong khoảng loanh quanh 10 Megapixel, ISO khoảng 50 – 800 là đủ cho hầu hết mọi yêu cầu, những máy hiện nay có bán trên thị trường có độ phân giải là 10, 12 và 14M.Pixel, tuy nhiên xu hướng trong 2010 có thể sẽ xuất hiện máy ảnh P&S có độ phân giải 18M.Pixel. Với zoom thì phải xem bạn thường chụp gì. Bình thường zoom từ 3x-5x là đủ cho sử dụng hàng ngày, nhưng nếu bạn thích chụp hoa cỏ hay chim chóc thì tầm zoom lớn hơn một chút là đầu tư xứng đáng vì bạn sẽ phóng to được vật thể ở khoảng cách đủ xa mà không làm “kinh động” nó. Một số ví dụ cho dòng máy ảnh compact hiện nay đã có Optical Zoom từ 6x đến 12x.

Vậy còn gì nữa không? Những điểm sau cũng rất quan trọng mà bạn cần thử (nếu có khả năng) trước khi mua máy là:

- Pin dùng được bao lâu: trung bình pin của những chiếc máy ảnh compact cho bạn khoảng 150-500 lần chụp tùy loại pin và cách sử dụng máy. Nếu có thể nên đầu tư thêm một bộ pin rời để phòng trường hợp cần thiết.

+ Pin AA có ưu điểm là có thể mua và chụp ở bất cứ nơi đâu mà không bị bỏ lỡ dịp vui chơi nếu có hết pin. Nhược điểm là số lần chụp không được nhiều như pin của hãng (pin litium), tuy nhiên hiện nay có loại pin sạc Eneloop của Sanyo khỏe và bền sẽ giúp khắc phục nhược điểm này.

+ Pin của hãng: thời lượng chụp được lâu, gọn nhẹ, tuy nhiên việc mua pin phụ khá khó và đắt, khoảng 20USD trở lên.

- Kích thước của màn hình LCD phía sau: hiện tại kích thước phổ biến là 2.5 – 3 inches. Tuy ưu điểm của màn hình to là giúp bạn dễ chụp và xem lại hình, nó cũng làm giới hạn thời gian sử dụng pin của máy.

- Máy dùng loại thẻ nhớ gì: Hiện nay phổ biến nhất cho compact là thẻ SD. Nhưng một số nhà sản xuất như Olympus hay Sony dùng định dạng thẻ của riêng mình (xD và Memory Stick). Một số máy prosumer hỗ trợ thẻ CF. Một điểm đáng lưu ý là còn có một loại thẻ là SDHC (SD high capacity, dung lượng từ 2Gb – 8Gb), tuy hình dáng bên ngoài giống thẻ SD bình thường nhưng hoàn toàn KHÔNG tương thích với những máy ảnh không hỗ, cho nên bạn cần tìm hiểu kỹ vấn đề này trước khi mua thẻ nhớ.

Một số tính năng mới trong xu hướng sản xuất máy ảnh trong thời gian gần đây:

- Quay phim HD: chủ yếu là quay ở độ phân giải 720, một số ít máy có khả năng quay phim ở 1080. Đây là một xu hướng chung khi các màn hình TV, máy tính…đã có khả năng trình chiếu phim ngay khi cắm máy ảnh vào.

- Chống rung khi chụp ảnh: tính năng này giúp hỗ trợ giảm khả năng bị nhòe ảnh khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu như buổi chiều, trong phòng tiệc…

- Nhận diện khuôn mặt, nụ cười, cảnh báo chớp mắt/nhắm mắt: máy có khả năng tìm ra và khóa nét khi có mặt người ở trong khung ảnh và phát hiện có người đang nhắm mắt để tự động kéo dài thời gian chờ rồi mới chụp.

Và cuối cùng, thử trước khi mua, cầm nó trên tay xem nó có hợp với bạn không. Bạn có thích màu sắc, kiểu dáng đó không? Có đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh của bạn không? Một số máy có những khả năng đặc biệt như chống thấm nước, va chạm có thể đáng giá với một số người dùng hay đi biển, leo núi, băng đăng…những nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hoàn cảnh chụp ảnh cũng khó khăn hơn bình thường. Đó mới là điểm quan trọng nhất khi chọn một chiếc máy, chọn chiếc máy mà bạn thích.

Đến đây chắc có một số bạn sẽ thắc mắc tại sao có những yếu tố quan trọng của một chiếc máy ảnh như Auto-focus, Flash, Aperture (Khẩu độ), Shutter speed (tốc độ đóng màn chập) lại không được đề cập. Lý do, đây là một hướng dẫn hướng về người dùng chưa hoặc có rất ít kinh nghiệm về máy ảnh số thông dụng, cũng chưa có điềm đam mê mà chỉ cần một chiếc máy đủ đáp ứng nhu cầu giải trí hay công việc.

Với những máy thuộc dòng bán chuyên thì bạn sẽ thấy có những chế độ: P, A, S, M. Đây là 4 chế độ chụp phổ biến, được coi là tiêu chuẩn cho các máy ảnh tự động (kể cả phim lẫn số)

P là Programmed, máy sẽ đo sáng và chọn tự động cả khẩu độ (Aperture) lẫn tốc độ (Shutter Speed) để cho ra tấm ảnh đúng sáng.

A là Aperture Priority, máy sẽ cho bạn chọn khẩu độ bạn muốn và máy sẽ chọn tự động tốc độ chụp hợp với khẩu độ đó để cho ra tấm ảnh đúng sáng.

S là Shutter (Speed) Priority, máy sẽ cho bạn chọn tốc độ chụp và tự động chọn khẩu độ phù hợp với tốc độ đó để cho ra tấm ảnh đúng sáng.

M là Manual, bạn chọn cả hai thông số trên máy sẽ sử dụng cả hai mà không quan tâm ảnh ra có đúng sáng hay không, nhưng nó sẽ hiện giá trị sáng cho bạn tham khảo, khi giá trị này là 0 thì ảnh cho ra sẽ đúng sáng.

Chọn mua máy quay số

Máy quay kỹ thuật số hiện nay có thể thực hiện việc quay và biên tập video một cách dễ dàng. Bạn cũng có thể xuất những đoạn phim thu được ra băng hay đĩa DVD hoặc đưa trực tiếp lên mạng.

Những mẫu dùng băng MiniDV hiện nay đang là hàng hiếm, nhưng nổi trội bởi chất lượng phim tốt và có giá thấp hơn những loại khác. Loại dùng DVD và đĩa cứng thì đang thông dụng hơn. Bạn cũng có thể xem đĩa Mini DVD trên đầu đọc DVD nhưng nếu laptop của bạn chỉ có ổ DVD “nuốt đĩa” thì có lẽ những đĩa nhỏ hơn này sẽ không vừa. Với những mẫu máy dùng đĩa cứng thường hoặc đĩa flash thì bạn sẽ cần nhiều không gian lưu trữ trên máy tính cho các đoạn phim. Trường hợp những máy quay có thể nhận thẻ nhớ SD hay SDHC thì bạn có thể xem lại các đoạn video một cách dễ dàng trên những khung hình kỹ thuật số, TV chuẩn HD và những thiết bị giải trí khác có khe SD/SDHC.

Chất lượng cao (HD) hay tiêu chuẩn (SD)?


Mặc dù những phim HD có chất lượng rất tốt nhưng máy quay HD lại khá đắt và không phải tất cả các phần mềm biên tập phim đều chấp nhận những đoạn phim HD. Việc giải mã cũng là một vấn đề khi những tập tin HD thường sử dụng định dạng AVCHD (Advanced Video Codec High Definition), định dạng không phải lúc nào cũng được hỗ trợ bởi các phần mềm biên tập. Những máy quay miniDV HD lại thường dùng định dạng HDV tương thích tốt hơn. Cả hai định dạng đều đòi hỏi cấu hình PC cao để giải mã tập tin và nhiều giờ để dựng hình. Hơn nữa, thậm chí nếu chương trình biên tập của bạn có hỗ trợ HD thì có khi nó chỉ cho bạn chép ra một đĩa chuẩn thường.

Những tính năng chính

Màn hình: Màn hình LCD cho phép bạn dễ dàng quan sát chủ đề và xem trước những đoạn phim. Tuy nhiên, một vài LCD không rõ nét dưới tác động của nắng trời và màn hình kích thước lớn lại tiêu hao nhiều pin hơn. Do đó, hầu hết các máy quay đều trang bị kính ngắm.
Quay video widescreen: Một số máy quay có thể quay với tỉ lệ 16:9 (tỉ lệ mà TV HD dùng), thậm chí cho những đoạn phim thông thường. Với những máy quay như vậy, cảm biến CCD sẽ có tuỳ chọn 16:9 hay tỷ lệ truyền thống 4:3; trong trường hợp sau máy quay chỉ dùng một phần của CCD cho những đoạn phim widescreen.

Ống kính: Tất cả các máy quay đều có ống kính zoom nhưng không phải sản phẩm nào cũng phân biệt rõ giữa zoom quang và zoom số. Zoom quang tối đa là mức phóng đại cao nhất mà máy quay có thể đạt được với ống kính trên máy. Nhìn chung, zoom quang khoảng 10X là quá đủ. Trong khi đó, zoom số sẽ mở rộng phần hình ảnh để làm đầy màn hình sau khi zoom quang được mở hết mức, làm cho phim có hạt.

Chống rung: Bạn có lo lắng về những hình ảnh bị giật bị gây ra do run tay? Với tính năng chống rung số, cơ chế chuyển động của ống kính sẽ khắc phục những chuyển động bên ngoài. Với chống rung điện tử, hình ảnh sẽ được xử lý lại bởi CCD. Tính năng chống rung quang thường cho kết quả tốt hơn.

Pin: Hầu hết máy quay có thể hoạt động trong vòng ít nhất 1 giờ với pin đi kèm. Những loại pin có thời gian dùng lâu hơn thường có giá từ 50USD đến 100USD.

Micro: Những micro được đặt phía trước thường cho âm thanh tốt hơn micro đặt trên đỉnh của máy. Một vài máy quay có “zoom mic” để tăng âm lượng theo mức ống kính zoom được sử dụng và một số mẫu khác cho phép bạn cắm micro ngoài.

Chụp ảnh: Nhiều máy quay có thể lưu hình ảnh tĩnh vào thẻ nhớ hay băng từ. Một vài máy còn có thể lưu hình ảnh có cùng độ phân giải như máy ảnh số 5Mpixel. Tuy nhiên, không dễ tìm được máy quay có số lượng nút điều khiển hay chất lượng hình ảnh ngang ngửa với máy ảnh số thông thường.

Chế độ ánh sáng yếu: Nhiều máy quay có thể hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu với sự giúp đỡ của ánh sáng hồng ngoại, chế độ đóng ống kính chậm để thu được nhiều ánh sáng nhất, hoặc lấy ánh sáng từ một hoặc nhiều LED có sẵn. Những chế độ này có thể sẽ hữu ích nhưng đoạn phim vẫn không thể đẹp như trong điều kiện ánh sáng tốt.

Cổng giao tiếp: Hầu hết máy quay MiniDV có cổng FireWire để chuyển phim vào PC; vài mẫu sẽ chuyển phim qua cổng USB 2.0. Hầu hết các mẫu máy quay đều có cổng xuất S-video hoặc cổng xuất composite (video và âm thanh) để xem video trên TV. Ngoài ra, các máy quay cũng có cổng nhập S-Video và cổng nhập composite, cho phép bạn thu lại từ những nguồn khác như từ máy quay dạng tương tự (analog) đời cũ.

Khối lượng: Bên cạnh việc có màn hình LCD lớn và nhiều tính năng phụ sẽ làm cho máy quay có giá cao hơn nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho người dùng và tăng kích thước máy. Khối lượng máy cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng với máy quay số vì ảnh hưởng đến việc bạn thường xuyên mang nó theo trong những chuyến đi. Ngoài ra, khối lượng cũng ảnh hưởng tới giá: những kiểu máy nhỏ thường đắt tiền hơn. Thông thường, máy quay nhỏ sẽ có ống kính đơn giản hơn, ít tính năng hơn và các chế độ điều khiển khó dùng hơn.

(*) Phần kiến thức về máy quay được chúng tôi lấy từ tạp chí PCWorld Việt Nam nhằm đem đến cho các bạn một cái nhìn tổng quan hơn về thị trường các thiết bị ảnh nói chung.