Ai biết thông tin gì về top 5 máy ảnh ống kính rời ?

Trả lời 16 năm trước
Canon và Nikon đang cùng nhau thống lĩnh thị trường máy ảnh số ống kính rời trong nước khi cả 5 mẫu D-SLR bán chạy nhất thời gian gần đây đều là của hai “ông lớn” này. Trong khi Canon luôn được đánh giá như kẻ tiên phong trên thị trường máy ảnh số ống kính rời, với nhiều đột phá cả về công nghệ lẫn chiến lược kinh doanh, thì Nikon lại thu hút người tiêu dùng bởi mức giá vô cùng dễ chịu. Cách đây 4 năm, Canon đã mở ra phân khúc thị trường máy ảnh D-SLR tầm thấp bằng model 300D với ưu điểm là dễ sử dụng, các tính năng cũng ở mức vừa phải, nhắm tới những tay máy mới vào nghề. Cũng chính Canon là người đi đầu trong việc sản xuất những chiếc D-SLR tích hợp cảm biến full-frame dành cho dân chuyên. Nhưng những mẫu máy giá rẻ nhất trên thị trường lại thường thuộc về Nikon. Ví dụ, trong khi model có giá thấp nhất của Canon tại Việt Nam là 350D có giá 575 USD cho thân máy, thì bộ kit Nikon D40 bao gồm thân máy và một ống kính 18-55 mm chỉ có giá 525 USD.Thêm vào đó, máy ảnh số ống kính rời của Nikon còn có ưu điểm ở khả năng tương thích cao với các đời ống kính cũ, giúp tiết kiệm tối đa chi phí cho người dùng. Nếu người dùng máy ảnh Canon muốn chuyển sang sử dụng đời máy cao hơn hoặc mới hơn sẽ phải bỏ ra thêm một khoản tiền để mua ống kính tương thích, thì những model mới của Nikon thường có tính kế thừa rất cao, có thể dùng được với những đời ống kính cũ, thậm chí, có mẫu máy còn dùng được với cả ống kính của máy phim. Theo thống kê tại một số cửa hàng bán lẻ có uy tín tại Hà Nội, như Phan Hoa Digi (125E Lò Đúc), Techland (35 Hàng Khay), 4 trong số 5 máy DSRL bán chạy nhất thị trường đều thuộc về các model DSRL tầm thấp, với giá dao động trong khoảng 500 - 700 USD do đa phần người mua mặt hàng này thời gian gần đây là những tay máy nghiệp dư, mới chuyển sang chơi D-SLR. Model tầm trung duy nhất có mặt trong danh sách là Nikon D80, nhưng giá bán của sản phẩm này cũng chỉ ở mức trên 1.000 USD chút xíu. Canon EOS 350D Mặc dù ra đời cách đây đã khá lâu (năm 2005), nhưng Canon EOS 350D, ông hoàng một thời của phân khúc thị trường máy ảnh D-SLR giá rẻ, vẫn đang có sức hút vô cùng mạnh mẽ với các “thượng đế” Việt Nam. Máy cho chất lượng ảnh đỉnh cao, với tốc độ khởi động và thời gian đáp ứng cực nhanh, sánh ngang với những mẫu máy bán chuyên cao cấp. Thêm vào đó, giá bán 575 USD cho thân máy vào thời điểm hiện nay được xem là trong tầm tay của đa phần người dùng phổ thông Việt Nam. Cảm biến của Canon EOS 350D có độ phân giải 8 triệu điểm ảnh. Máy có tốc độ chụp liên tiếp 3 khung hình/giây. Tuy nhiên, thân máy được làm từ chất liệu nhựa nên không mang đến cho người dùng cảm giác thật sự an tâm về độ bền và sự cứng cáp của máy. Thêm vào đó, những ống kính tương thích với chiếc máy ảnh này cũng không thật ấn tượng. Canon EOS 400D Canon EOS 400D hiện là mẫu D-SLR bán chạy nhất tại Việt Nam Được nâng cấp từ model 350D, Canon EOS 400D ngay lập tức “đóng thế” vai trò của người tiền nhiệm khi trở thành mẫu máy D-SLR tầm thấp “hot” nhất trên thị trường. Theo nhiều nhà phân phối lớn tại Việt Nam, 400D của Canon đang là mẫu máy D-SLR được khách hàng tìm mua nhiều nhất hiện nay.Điểm mạnh của Canon EOS 400D là thân hình gọn và trọng lượng nhẹ. Thêm vào đó, tuy cũng chỉ có tốc độ chụp liên tiếp 3 khung hình/giây giống như 350D, nhưng mỗi lần chụp, 400D có thể “chớp” được tới 27 bức ảnh JPEG hoặc 10 bức ảnh RAW (so với chỉ 14 bức ảnh JPEG ở 350D).Canon EOS 400D có cảm biến 10 triệu điểm ảnh, độ nhạy sáng tối đa ISO 1.600. Máy có khả năng lấy nét tự động tại 9 điểm trong khung hình. Màn hình chính của máy có đường chéo 2,5 inch và góc nhìn lên tới 160 độ, nhưng đáng tiếc là chiếc màn hình phụ dành để hiển thị các thông số về hiện trạng của máy đã bị lược đi. Giá bán tại Việt Nam của thân máy là 700 USD. Nikon D80 Nếu D70 là mẫu D-SLR giá rẻ đầu tiên của Nikon, đối chọi lại với Canon 300D, thì D80 lại được xem là đối trọng của 400D. Máy có cảm biến tương đương với của Canon 400D, với độ phân giải 10 Megapixel. Tuy nhiên, khả năng lấy nét tự động của Nikon D80 ấn tượng hơn (có thể lấy nét tại 11 điểm). Thêm vào đó, chiếc D-SLR này cũng hỗ trợ định dạng thẻ SDHC, giúp người dùng có thể lưu trữ nhiều ảnh hơn.Máy có tốc độ trập tối đa lên tới 1/4000 giây. Tốc độ chụp liên tiếp của Nikon D80 cũng là 3 khung hình/giây, nhưng mỗi lần, máy chỉ chụp được 23 bức ảnh JPEG hoặc 6 bức ảnh RAW, kém Canon 400D một chút. Bù lại, sản phẩm của Nikon được dân chơi đánh giá cao ở chức năng sửa ảnh ngay trên máy và được trang bị đầy đủ 2 màn hình LCD. Chất lượng ảnh cũng miễn chê, ngay cả khi chụp ở ISO cao đến 1.600. Giá bán ở thời điểm hiện tại của Nikon D80 tại Việt Nam là 1.120 USD, bao gồm thân máy và 1 ống kính AF-S 18 - 135 mm. Nikon D40 và D40x Nikon D40 và phiên bản nâng cấp, D40x, cũng là những sự lựa chọn được rất nhiều tay máy Việt Nam tìm đến. Điểm hấp dẫn dễ thấy nhất của 2 sản phẩm này là giá bán cực “mềm”. Hiện, chỉ cần bỏ ra 525 hay 675 USD là bạn đã có thể sở hữu một chiếc D40 hoặc D40x, với ống kính 18 - 55 mm đi kèm. Trong hai sản phẩm, D40 là model ra đời trước, với cảm biến 6 Megapixel và một màn hình LCD 2,5 inch duy nhất. Máy có tốc độ chụp liên tiếp 2,5 khung hình/giây, không giới hạn số lượng ảnh JPEG trong một lần chụp. Nikon D40 cũng có khả năng sửa ảnh ngay trên máy. Tuy nhiên, khả năng lấy nét tự động của chiếc D-SLR giá siêu rẻ này khá khiêm tốn, chỉ dừng ở mức 3 điểm trong khuôn hình. Các lựa chọn về độ nhạy sáng của máy cũng chỉ nằm trong khoảng từ ISO 200 đến ISO 1.600. Trong khi đó, tuy đã được nâng cấp từ D40, nhưng Nikon D40x cũng không khác là bao so với người tiền nhiệm. Những điểm thay đổi duy nhất có thể kể đến ở đây là cảm biến có độ phân giải cao hơn (10 Megapixel), độ nhạy sáng tối thiểu thấp hơn (ISO 100) và tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn (3 khung hình/giây). Tuy nhiên, người dùng hoàn toàn có thể thông cảm khi biết rằng, chỉ 4 tháng sau khi D40 có mặt trên thị trường, D40x đã được cho ra mắt. Thời gian quá ngắn có thể đã khiến Nikon không nâng cấp được nhiều hơn cho mẫu D-SLR tầm thấp của mình.