Ba tôi năm nay 62 tuổi, đi khám BS được kết luận bị chứng thoát vị bẹn, giúp tôi?

Ba tôi năm nay 62 tuổi, đi khám BS được kết luận bị chứng thoát vị bẹn. Gia đình tôi ở quê nên mọi sinh hoạt và vận động của ba tôi trở nên khó khăn hơn, đi nhiều ba tôi cũng đau, lao động nặng cũng đau, thậm chí lúc ho ba tôi cũng đau. Tôi muốn hỏi bệnh này điều trị như thế nào là tốt nhất? Ba tôi có cần phải phẫu thuật ngay không? và những bệnh viện nào có kinh nghiệm phẫu thuật về bệnh này?
tun cua di
tun cua di
Trả lời 15 năm trước
Thoát vị là một điểm yếu của thành cơ bụng khiến các mô ruột bên trong phình ra. Thoát vị có thể phát sinh ở nhiều bộ phận của cơ thể. Sự thoát vị bẹn được định vị ở háng, ruột “cao hứng” di chuyển chui tọt xuống bẹn , thậm chí chui luôn vào bìu. Ðó là chỗ hở trong các cơ nâng đỡ đáy bụng, qua đó mô ruột có thể sa xuống. Tại sao đàn ông dễ bị thoát vị bẹn? Bởi đây là điểm yếu, có thể coi là khoảng hở mà trong bào thai quá trình quay quấn hai tinh hoàn sẽ “chạy” từ ổ bụng mà xuống “định cư” ở bìu. Ba bạn đã 62 tuổi, có thể ông đã từng phải làm công việc nặng, những chỗ hở này dãn hoặc rộng ra do khiêng nhấc những đồ vật nặng hoặc mắc chứng táo bón làm căng cơ mạn tính. Nhìn chung đàn ông chỉ thoát vị một bên, hiếm khi bị cả hai bên, vì khi làm việc nặng thường bên nào bị kéo căng rồi không co lại thì bên đó sẽ bị thoát vị. Tất nhiên cũng có trường hợp thoát vị cả hai bên mà chuyên môn gọi là “thoát vị đôi”. Thoát vị bẹn là một vấn đề gây nên nhiều khó chịu như ba của bạn là “ho cũng đau”. Nếu gia đình bạn không quan tâm hoặc xem thường vì chưa cảm nhận được nguy hiểm thì khi quai ruột chui hẳn vào lỗ hổng sẽ gây hội chứng tắc ruột (thoát vị bẹn nghẹt). Lúc ấy người bệnh sẽ đau quằn quại, nôn, các quai ruột nổi lên (các nhà ngọai khoa gọi là dấu hiệu “rắn bò”). Nếu để lâu thì chuyện bé sẽ to như con voi vì họai tử ruột, có trường hợp phải mổ cấp cứu , cắt ruột họai tử mà nối hai đọan lành với nhau. Điều trị thoát vị bẹn không có cách nào khác là phải mổ. Thời gian gây mê hay gây tê tủy sống để mổ cũng chỉ mất chừng 30-35 phút. Các bác sĩ sẽ làm việc “vá” lỗ hổng ở thành bụng hoặc mổ đặt mảnh ghép polypropylene theo kỹ thuật Lichteinstein (qua ngã trước) để từ đó trở đi mô ruột không có cơ may chui vào nữa. Việc hồi phục sau khi phẫu thuật chỉ trong vòng 2-3 ngày là xuất viện. Sau đó ba của bạn có thể đi lại chậm rãi khoảng 2 tuần là mọi chuyện “êm”. Nếu đặt mảnh ghép polypropylene theo kỹ thuật Lichteinstein thì cơ không bị kéo căng, sau mổ sẽ ít đau hơn. Nếu gia đình bạn ở phía Nam (trong thư bạn không nói ở đâu) thì bạn nên đưa ba đến bệnh viện Bình Dân, ở phía Bắc thì đến bệnh viện Việt Đức. Nếu bạn ở tỉnh xa có thể đưa đến khoa ngọai của bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ ngọai khoa đều làm được phẫu thuật này.
Tran
Tran
Trả lời 12 năm trước

Thoát vị bẹn-Chẩn đoán và điều trị phẫuthuật

Filed under: 3. Phẫu thuật nội soi, 4. Thoát vị, 7. Y học — Leave a comment
December 1, 2011

Thoát vị bẹn là gì?

Thoát vị bẹn xảy ra khi có sự ‘di chuyển’ nội dung ổ bụng (ruột, mạc nối) vào trong ống bẹn do tồn tại ống phúc tinh mạc (bẩm sinh) hay có điểm yếu của cân cơ thành bụng (mắc phải).

Biểu hiện của thoát vị bẹn như thế nào?

Xuất hiện khối phồng vùng bẹn, thường bị bên phải nhiều hơn bên trái, khối này mềm, thường không đau, rõ hơn khi đứng, to lên khi rặn, ho, hắt hơi, khóc…(khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng).

Nguyên nhân của thoát vị bẹn là gì?

  • Do tồn tại ống phúc tinh mạc (bẩm sinh) gặp ở trẻ em hay.
  • Có điểm yếu của cân cơ thành bụng (mắc phải) gặp ở người trưởng thành.

Ai có nguy cơ bị thoát vị bẹn?

  • Nam bị nhiều hơn nữ. Trẻ em do tồn tại ống phúc tinh mạc (cùng loạt bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc còn có: nang thừng tinh, dịch màng tinh hoàn).
  • Những người có áp lực ổ bụng cao, thành bụng yếu:
    • Bí tiểu do bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến).
    • Táo bón thường xuyên.
    • Ho mãn tính.
    • Béo phì.

Khi nào thoát vị bẹn cần điều trị?

Khi thoát vị tự nó không tự khỏi được, khối thoát vị ngày càng to ra. Trong thực tế ít khi thoát vị bẹn tự khỏi được vì hàng ngày ruột, mạc nối chui vào lỗ thoát vị và làm thoát vị ngày càng lớn. Số ít khỏi được khi xảy ra ở trẻ chưa biết đi, do trẻ không ở tư thế đứng nên ruột và mạc nối không chui vào lỗ thoát vị để làm lỗ thoát vị ngày một to ra. Do vậy ở trẻ em nếu không có biến chứng nghẹt thì có thể theo dõi và chờ đợi tới khi trẻ biết đi mà thoát vị bẹn vẫn không tự khỏi mới cần phải phẫu thuật.

Khi nào thoát vị bẹn phải cấp cứu.

Là khi ruột, mạc nối mắc kẹt và nghẹt trong bao thoát vị. Do bị nghẹt, phần ruột, mạc nối nằm trong bao thoát vị bị thiếu máu nuôi dưỡng, để lâu có thể bị hoại tử đoạn ruột nghẹt. Biểu hiện bệnh nhân rất đau đớn. Khối phồng rất đau và không hết khi nằm nghỉ.

Phẫu thuật điều trị như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị. Mục đích của phẫu thuật là làm mất đi (khâu 2 bờ của lỗ thoát vị, làm mất điểm yếu trên thành bụng nhưng để lại sức căng của đường khâu-tension repair) hoặc làm vững mạnh (tạo vạt che hoặc dùng mesh sợi tổng hợp che phủ điểm yếu của thành bụng, làm vững mạnh điểm yếu và không làm căng đường khâu-tension free repair) điểm yếu của thành bụng.

    • Mổ mở:
      • Tension repair:
        • Phẫu thuật Bassini.
        • Phẫu thuật Shouldice
        • Phẫu thuật McVay
      • Tension-free repair
        • Đặt mesh tổng hợp (giống như tấm lưới sợi tổng hợp) làm vững mạnh hơn vị trí thành bụng yếu.
    • Mổ nội soi: Có thể đi trong hoặc ngoài phúc mạc qua đó đặt mesh tổng hợp che phủ điểm yếu của thành bụng ngoài phúc mạc.
    • Trẻ em: Thoát vị bẹn là do tồn tại ống phúc tinh mạc nên khi mổ chỉ cần rạch da 2-3 cm trên thành bụng, phẫu tích và thắt ống phúc tinh mạc ở lỗ bẹn sâu là đủ.

Ưu nhược điểm của phương pháp nội soi so với mổ mở:

  • Ưu điểm:
    • Hồi phục nhanh.
    • Ít đau sau mổ.
    • Ít biến chứng sau mổ: Nhiễm trùng, chảy máu.
    • Ít nguy cơ đau mãn tính sau mổ.
    • Không thêm sẹo khi phẫu thuật cả 2 bên.
  • Nhược điểm:
    • Thời gian phẫu thuật có thể lâu hơn(?). Trên thực tế, hiện tại phẫu thuật nội soi không lâu hơn phẫu thuật mở. Thậm chí còn nhanh hơn nhiều khi phẫu thuật cả hai bên vì không phải thêm đường rạch.

Phục hồi sau phẫu thuật.

Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại với hoạt động bình thường sau 2-4 tuần.

Trong tuần đầu sau mổ cần chú ý với những hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng, căng vết mổ như:

  • Đang nằm ngồi dậy, đang ngồi đứng dậy.
  • Ho.
  • Hắt hơi.
  • Khóc.
  • Bê mang vật nặng.
  • Nôn.

Một số hình ảnh phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn được chúng tôi thực hiện.

Bệnh nhân nam người lớn. Chẩn đoán trước mổ là thoát vị bẹn qua thăm khám lâm sàng và siêu âm. Phẫu thuật nội soi điều trị.

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn

Nội dung thoát vị là mạc nối lớn đang được kéo trở lại ổ bụng

Lỗ thoát vị sau khi đã kéo hết mạc nối lớn trở lại ổ bụng

Phẫu tích mở phúc mạc

Phúc mạc được mở trên vị trí lỗ thoát vị

Đặt mesh tổng hợp che phủ lỗ thoát vị

Phúc mạc thành bụng lại được khâu phục hồi lại che phủ tấm mesh tổng hợp và kết thúc quá trình phẫu thuật

"Mảnh vá" nhân tạo-Surgical mesh sử dụng trong phẫu thuật bẹn trước khi được sử dụng

Hình ảnh thành bụng sau khi mổ xong

Bệnh nhân sẽ hầu như không thấy sẹo sau 4 tuần, và cũng chỉ với các đường rạch da như thế này có thể thực hiện phẫu thuật thoát vị 2 bên cùng lúc

Bệnh nhân khác, phẫu thuật mổ hở truyền thống

Đường rạch da

Mở gân cơ chéo ngoài

Che phủ, biệt lập vùng mổ với da xung quanh

Đường khâu da sau khi hoàn thành cuộc mổ

Bs Nguyễn Ngọc Khánh

Khoa Phẫu thuật tiêu hoá B bệnh viện Saint Paul Hà nội

YM: nnkhanh72@yahoo.com

http://bacsyphauthuatsurgeon.wordpress.com/2011/12/01/thoat-vị-bẹn-chẩn-doan-va-diều-trị-phẫu-thuật/