Phở có làm tăng huyết áp hôk?

Tôi năm nay 65 tuổi, bị bệnh cao huyết áp đã gần 10 năm, uống thuốc mỗi ngày, huyết áp thường ổn định ở mức 140/80mmHg. Trong dịp Tết vừa qua, tôi đi du lịch ra Hà Nội, rất thích món phở nấu theo đúng khẩu vị miền Bắc nên ngày nào tôi cũng ăn phở. Sau một tuần huyết áp tôi tăng lên đến 160/90mmHg. Có phải do ăn nhiều phở Bắc hay không?
Trả lời 15 năm trước
Phở Hà Nội thường chuộng vị ngọt thanh của nước dùng - nêm khá nhiều bột ngọt (người Bắc gọi là mì chính). Cho đến nay, chưa có một công bố chính thức nào xác định bột ngọt có hại cho sức khỏe người dùng, chỉ khuyến cáo nên dùng giới hạn ở mức thấp nhất có thể và hạn chế dùng ở trẻ em dưới 6 tuổi. Công thức của bột ngọt là MonoSodium hoặc DiSodium Glutamate, tức là một dạng muối Natri tương tự như muối ăn. Những người bị bệnh cao huyết áp thường phải hạn chế Natri trong khẩu phần ăn, vì Natri có thể gây giữ nước làm tăng khối lượng tuần hoàn và gây tăng huyết áp. Khi ăn bên ngoài, lượng muối và bột ngọt thông thường đã là quá cao với người cao huyết áp. Vì vậy, khi đã bị cao huyết áp, không chỉ kiêng ăn mặn mà còn phải kiêng cả... ngọt, tức là không nên nêm nếm bột ngọt vào thức ăn. Dù vậy, người cao huyết áp vẫn có thể thưởng thức món phở Bắc chính hiệu khi đi du lịch. Nên nhắc người bán hàng không cho thêm bột ngọt, không nêm thêm nước mắm hay tương. Bột ngọt và muối đều tan trong nước dùng là chủ yếu, nên ăn nước dùng càng ít càng tốt đồng thời hạn chế mỡ, gàu, béo, và cả dầu cháo quẩy. Cách ăn phở an toàn trên đây cũng nên áp dụng cho một số đối tượng khác như: người bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, bệnh thận, hoặc những người có cơ địa dị ứng với bột ngọt.