Viêm màng não ở trẻ em

Trả lời 16 năm trước
Viêm màng não là tình trạng màng não bị viêm. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở trẻ em. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến viêm màng não ở trẻ em bởi bệnh thường diễn biến nặng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ để lại những di chứng rất nặng nề như làm trí não phát triển kém, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Nguyên nhân Thường hay gặp là do virut (khoảng 2/3 trường hợp) còn lại là nguyên nhân do vi khuẩn. Tùy thuộc nhóm tuổi, nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Nhóm virut thường gặp là Entrovirus (Coxsackie, Echovirus, virut quai bị). Nhóm vi khuẩn gây bệnh hàng đầu ở trẻ sơ sinh là liên cầu bê ta tán huyết nhóm A. Ở trẻ bú mẹ là Haemofilus influenzae týp B (HIB), ở trẻ lớn là Neisseria meningites (não mô cầu). Viêm màng não lây như thế nào? Tùy thuộc vào nhóm nguyên nhân gây bệnh, đường lây truyền bệnh từ người này sang người khác cũng khác nhau. Có thể là đường hô hấp như viêm não do HIB, qua đường tiêu hóa như nhóm Enterovirus. Triệu chứng Tùy thuộc vào mỗi lứa tuổi, trẻ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Giai đoạn ủ bệnh: Tùy thuộc vào nguyên nhân, thời gian ủ bệnh khác nhau, có thể kéo dài từ 1-2 ngày đến 1 tuần. Giai đoạn khởi phát: Trẻ lớn thường có những dấu hiệu sốt, nôn, đau đầu, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, trẻ thường mệt mỏi, nằm quay mặt vào phía tối (tránh sự kích thích), tư thế đặc biệt đầu ngửa, hai chân co (tư thế cò súng), táo bón. Trẻ đang bú mẹ thường sốt cao, kích thích, bỏ bú, nôn, tiêu chảy, trướng bụng, trẻ chưa kín thóp sẽ thấy dấu hiệu thóp phồng, đập. Trẻ sơ sinh, triệu chứng thường kín đáo, trẻ có thể sốt hoặc không, thậm chí có thể hạ nhiệt độ, trẻ kích thích hoặc ức chế li bì, bỏ bú, giảm trương lực toàn thân, thường rất dễ nhầm lẫn và bỏ qua nếu không khám kỹ. Giai đoạn toàn phát: Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến trẻ rơi vào tình trạng rối loạn tri giác, co giật, hôn mê, tổn thương não, ảnh hưởng chức năng sống, rối loạn chuyển hóa tế bào và có thể dẫn đến tử vong. Một số trường hợp có thể có những dấu hiệu đặc trưng như dấu hiệu ban xuất huyết hoại tử hình sao (viêm màng não do não mô cầu). Giai đoạn di chứng: Có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì giảm trí nhớ, nặng thì gây chậm phát triển tinh thần, khả năng vận động, sa sút tâm thần, trẻ không có khả năng học tập hoặc học kém. Để chẩn đoán được viêm màng não, cần phải tiến hành làm xét nghiệm dịch não tủy để xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như chẩn đoán xác định được tình trạng viêm của màng não. Điều trị cơ bản căn nguyên trong những trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn là kháng sinh, hạ sốt, chống co giật, chống phù não, dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn bồi phụ do tình trạng nằm lâu, co giật kéo dài. Biến chứng tức thời của viêm màng não mủ có thể là mất nước, trụy mạch, ngừng thở, co giật kéo dài, viêm phổi, nhiễm trùng da... Các loại thuốc điều trị viêm màng não Tùy thuộc theo nguyên nhân, các thuốc được lựa chọn điều trị bệnh khác nhau. Thuốc điều trị ưu tiên hàng đầu là kháng sinh đối với viêm màng não mủ nhiễm khuẩn, kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (rocephin, maxepim, fortum...). Nhóm viêm màng não do virut tùy thuộc vào nhóm virut gây bệnh có thể sử dụng các thuốc chống virut như acyclovir trong viêm màng não do Herpes. Ngoài các thuốc điều trị nguyên nhân còn dùng các thuốc điều trị hỗ trợ, chống co giật, chống phù não... Phòng bệnh Đa số viêm màng não do virut chưa có vaccin phòng bệnh, một số viêm màng não do vi khuẩn có thể phòng được bằng vaccin. Hiện nay có 2 nhóm viêm màng não có thể phòng được, đó là viêm màng não do HIB và viêm màng não do não mô cầu... Do nguy cơ gây bệnh của hai nhóm vi khuẩn cho những đối tượng tuổi khác nhau nên thời điểm tiêm phòng vaccin cũng khác nhau. Với HIB, gây bệnh chủ yếu ở nhóm tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, nên đề phòng đối với viêm màng não mủ do HIB cần tiến hành tiêm vaccin tại các thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi là tốt nhất. Loại viêm màng não mô cầu cũng là nhóm có thể phòng được bằng vaccin, đối với loại này do đối tượng hay bị bệnh là thanh thiếu niên nên tuổi tiêm phòng từ 2-5 tuổi.