Giúp bé nhà mình với?

bé trai 2t rùi mà chỉ có 10kg thui,8 tháng nay bé ko lên lạng nào do bé an quá ít lại qua hieu động.mình làm đủ mọi cách mà ko ăn thua gì.đi nhi đồng 1-2 tổng cộng 4 lần rùi.

Pham Thi Thu Thuy
Pham Thi Thu Thuy
Trả lời 13 năm trước

Đa số các bậc cha mẹ sau thời gian nuôi con nhỏ ắt hẳn đều rùng mình khi nhớ lại “cuộc chiến ăn uống” mà mình đã từng trải qua.Hẳn không ít lần bạn phải trổ đủ “món nghề” mới cho bé ăn nổi vài thìa cơm.

“Cuộc chiến” bên bát cơm thường xảy ra với trẻ từ 2 - 4 tuổi. Sự biếng ăn của trẻ xuất phát từ vô vàn những nguyên nhân khác nhau. Bạn chế biến món ăn theo khẩu vị của mình nhưng bé lại không thích món đó, bé hay ăn quà vặt nên ngang dạ không muốn ăn...

Làm thế nào để trẻ thích ăn hay chí ít cũng không sợ ăn?

- Chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nhận thấy bé đã đói. Trẻ thường chối bỏ thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói.

- Khi đã quan sát được lúc nào bé thường đói, bạn hãy cho ăn vào giờ cố định. Trẻ em thích cuộc sống điều độ.

- Hãy giảm số bữa ăn. Giữa bữa sáng và bữa trưa thay vì cho ăn cháo hay một lưng cơm bạn hãy cho bé ăn một quả chuối hay một miếng đu đủ, có thể sau đó bé ăn trưa một cách ngon lành.

- Hãy giảm bữa ăn vặt. Bạn thử xem bé có hay ăn vặt không? Vài cái kẹo, một gói bim bim.. tưởng như không là gì cả nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng trẻ.

Một bát cơm đầy sẽ khiến trẻ sợ và ngán. Chỉ cần một miếng thịt kho nho nhỏ, một chút xíu cơm và vài thìa canh là đủ để trẻ hai tuổi no bụng.

- Hãy quan tâm tới tính đa dạng của các món ăn. Thay đổi khẩu vị thường xuyên sẽ giúp trẻ hào hứng khi đến bữa hoặc chí ít ra bé cũng tò mò mà muốn ăn.

- Bạn có thể dùng chiến thuật "Bình mới rượu cũ". Thay vì cho bé ăn cơm với thịt, bạn bẹp thịt vào bánh mì, bạn có thể cho canh vào cốc như một thứ đồ uống thay vì ở bát như thường lệ. Bạn thử xay trái cây rồi cho vào ngăn đá đông sệt lại có thể bé sẽ thích hơn.

Hãy để tự ăn. Phần lớn trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu mẹ để chúng tự ăn. Hãy làm sao để bé thấy rằng được ăn là niềm vui giống như chơi một trò chơi vậy.

Bên cạnh các biện pháp này bạn có thể cho bé sử dụng các sản phẩm kích thích tiêu hoá, các sản phẩm này hiện rất sẵn và có tác dụng tốt. Có thể không cần phải đầu tư nhiều tiền lắm mà vẫn giúp cho bé chóng đối và thèm ăn.

(Theo vietbao)

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 13 năm trước
Bài thuốc chữa biếng ăn cho trẻ

Theo y học cổ truyền, chứng biếng ăn ở trẻ em thuộc phạm vi các bệnh tỳ, vị, do 3 nguyên nhân chủ yếu là ăn uống tích trệ, vị nhiệt, tân dịch thương tổn và tỳ khí hư nhược. Tùy theo từng nguyên nhân, cách điều trị có khác nhau.

Do ăn uống tích trệ: Những trẻ này thường có biểu hiện: hôi miệng, rêu lưỡi dày bệu, bụng chướng ấm ách, ngủ không yên, hay mê man, đại tiện bất thường, phân khắm.

Dùng bài thuốc sau: Kê nội kim (màng mề gà) 30g rửa sạch, phơi khô, sao vàng rồi tán thành bột. Khi dùng, thêm chút đường kính vào trộn đều để uống. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 0,5g (với trẻ dưới 3 tuổi), 1g (với trẻ 3-5 tuổi) và 1,5g (với trẻ từ 6 tuổi trở lên). Dùng liên tục trong 7 ngày.

Do vị nhiệt, tân dịch thương tổn: Biểu hiện của thể bệnh này là chất lưỡi đỏ, vài ba ngày mới đi đại tiện một lần, phân khô táo.

Bài 1: Cà bát tươi 1 quả (khoảng 150g) rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái nhỏ, để cả hạt, ép lấy nước uống, ngày uống 2 - 3 lần. Uống trong 3 ngày.

Bài 2: Ô mai 5g, thạch hộc tươi 10g, lô căn tươi 30g, sắc nước uống thay trà nhiều lần, dùng chữa mùa hè trẻ chán ăn, vị nhiệt, tân dịch hao tổn.

Do tỳ khí hư nhược: Thường kèm theo lưỡi nhạt màu, phân hơi nát hay bị tiêu chảy.

Bài 1: Thịt lươn 250g, màng mề gà 6g. Lươn dùng muối tuốt cho hết nhớt, mổ bỏ hết phủ tạng rửa sạch, thái thành từng khúc. Màng mề gà sao khô tán nhỏ thêm chút muối và gia vị trộn đều với thịt lươn hấp chín, có thể làm thức ăn cho trẻ trên 3 tuổi.

Bài 2: Bột thịt cóc 10g nên mua ở các cơ sở y tế, lòng đỏ trứng gà 2 cái, chuối ngự 12g, chuối sấy khô nhưng còn dẻo, giã nhuyễn thêm trứng gà đánh tan, sấy khô tán bột. Ba thứ trộn lại giã nhuyễn sấy khô đóng thành viên hoặc cho vào lọ ăn dần. Trẻ em dưới 1 tuổi uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê, trẻ em trên 3 tuổi mỗi lần 3 thìa cà phê.

Bài 3: Cá diếc 100g, ý dĩ nhân 30g, cùng nấu canh, có thể ăn 3 - 5 ngày liền, dùng chữa tỳ vị hư nhược.

Ngoài việc sử dụng các món ăn - bài thuốc trên, chúng ta cần phải:

- Cho trẻ ăn uống đúng giờ, ăn có mức độ, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, ấm và nấu nhừ.

- Không cho trẻ ăn quá no, không cho trẻ ăn những thức ăn sống lạnh, những món xào nấu quá béo.

- Khi trẻ bắt đầu hồi phục cần tăng lượng thức ăn từ ít đến nhiều. Chia làm nhiều bữa nhỏ để trẻ có thể ăn hết suất giúp hấp thụ được hết chất dinh dưỡng của món ăn nhằm, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Theo Bác sĩ Trần Thuấn
Sức khỏe và Đời sống
Lai Hoang Doanh
Lai Hoang Doanh
Trả lời 13 năm trước

1. Không đánh hay quát mắng trẻ

Ảnh: Inmagine

Cho dù bạn có bực tức vì tính biếng ăn của trẻ thì cũng đừng dùng roi vọt hay những lời quát mắng đối với trẻ. Lâu ngày, chúng có thể gây cho trẻ những tổn thương về mặt thể xác cũng như tinh thần. Trẻ sẽ hoảng sợ khi bữa ăn sắp đến gần.

2. Không hứa hẹn với trẻ

Thật là sai lầm nếu bạn dùng những lời hứa sẽ mua đồ chơi, quà vặt… để đối phó với tật biếng ăn của trẻ. Trẻ sẽ hình thành cho mình thói quen vòi vĩnh bố mẹ. Suy nghĩ về những thanh socola hay những chiếc kẹo ngọt trong đầu càng làm trẻ mất đi khẩu vị của các bữa ăn.

3. Không nên vội vã

Chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nó đã đói. Trẻ em thường từ chối thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói. Hãy cho bé ăn vào những giờ cố định.

Thói quen thường xuyên thúc giục trẻ trong bữa ăn, thậm chí là những cuộc thi xem “ai ăn nhanh hơn” của cha mẹ không phải là giải pháp hay giúp bé ăn nhanh và ăn nhiều. Ăn nhanh hay chậm, nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào thói quen, khả năng tiêu hoá cũng như sở thích của của trẻ đối với món ăn.

Việc bạn ép bé ăn nhanh có thể gây cho trẻ chứng đau bụng, rối loạn hệ tiêu hoá và ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Nếu những bát bột hay cháo đầy ắp trong mỗi bữa ăn luôn làm bé lắc đầu thì bạn hãy cho chúng ra đĩa. Đó là giải pháp tốt để đánh lừa cảm giác của trẻ.

4. Tắt tivi

Xem tivi trong khi ăn không những không giúp trẻ ăn nhiều mà còn ảnh hưởng xấu tới khả năng tiêu hoá thức ăn và thị lực của trẻ. Trẻ sẽ chú ý xem tivi mà quên mất bữa ăn của mình. Những chương trình quảng cáo hay những bộ phim hoạt hình ngộ nghĩnh chỉ tốt khi trẻ thư giãn.

5. Tìm hiểu sở thích của trẻ

Mỗi trẻ đều có sở thích và khẩu vị riêng. Bạn cần hết sức chú ý về điều này. Nếu bạn ép trẻ ăn những món ăn mà theo bạn sẽ có đầy đủ dinh dưỡng những trẻ lại không thích hoặc chỉ cho trẻ ăn mãi một món thì công sức bạn bỏ ra là hoàn toàn vô ích.

Việc trẻ chỉ thích ăn một số loại thức ăn giúp bạn hiểu rằng cơ thể trẻ có thể còn thiếu một số vi chất cần thiết có trong loại thức ăn đó. Hãy tìm đến những lời khuyên của bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp với trẻ.

6. Hạn chế cho trẻ ăn vặt

Bạn lo lắng vì bé lười ăn sẽ không đủ dinh dưỡng cho cơ thể vì vậy bạn chuẩn bị cho bé một kho đồ ăn vặt trong tủ lạnh. Hãy từ bỏ ngay ý nghĩ sai lầm đó. Ăn vặt nhiều sẽ làm bé mất đi cảm giác đói và thèm ăn với những bữa ăn chính.

Vì vậy không nên cho trẻ ăn vặt quá nhiều, đặc biệt là trước các bữa ăn. Nên cho trẻ ăn đúng bữa và đúng giờ.

7. Tạo sự hấp dẫn cho các món ăn

Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Thường xuyên thay đổi khẩu vị cho bé sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn. Các món ăn được bày biện công phu và đẹp mắt cũng có sức hút nhất định với trẻ.

Chỉ cho bé uống các loại đồ uống sau bữa ăn, chứ không để vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn.

Ngoài ra, không khí trong bữa ăn cũng rất quan trọng. Hãy để bé có cơ hội cùng ngồi ăn cùng gia đình. Không khí đầm ấm, vui vẻ trong bữa ăn có thể tạo cho bé cảm giác thích ăn.

(Theo dantri)

Tran Quynh Nhung
Tran Quynh Nhung
Trả lời 13 năm trước

Biếng ăn là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ và có một nghịch lý là ở các gia đình càng chú ý chăm sóc trẻ bao nhiêu thì trẻ càng lười ăn bấy nhiêu. Đây cũng là nguyên nhân khiến các bà mẹ đưa con đến gặp bác sĩ.

Biếng ăn do bệnh tật: Nếu trẻ đang bị bệnh như ho, sốt, tiêu chảy, kiết lỵ... thì biếng ăn là chuyện đương nhiên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị, ngoài việc điều trị bằng thuốc, trẻ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn về chế độ ăn riêng cho từng bệnh. Nói chung với trẻ ốm cần phải chế biến các thức ăn giàu dinh dưỡng, phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi khỏi bệnh trẻ sẽ thèm ăn trở lại. Lúc này cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.

Biếng ăn do chế độ ăn không hợp lý: Thường là do người chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng trong cách cho trẻ ăn và chế biến thức ăn cho trẻ. Khẩu vị của trẻ cũng giống như người lớn, nếu cứ bắt trẻ ăn một loại thức ăn nào đó trong một thời gian dài thì trẻ sẽ chán ăn. Muốn trẻ ăn ngon miệng phải liên tục thay đổi món ăn cho trẻ, thay đổi cả cách chế biến. Nếu có điều kiện, nên thay đổi các món ăn trong ngày (trong một ngày ăn 3-4 bữa bột thì có thể cho ăn bột trứng, bột thịt, bột tôm, bột cá, bột cua... ngay cả các loại rau cho vào bột cũng phải thay đổi cho hợp mùi vị (ví dụ: bột thịt cho rau ngót, bột cá cho rau cải, bột cua, tôm cho rau mồng tơi...) thì mới tạo ra các mùi vị thơm ngon giúp trẻ ăn ngon miệng. Đối với trẻ đã ăn cháo nếu ngày nào cũng chỉ nấu một nồi cháo thịt hoặc xương đun đi, đun lại cả ngày thì trẻ sẽ chán ăn, mà nếu nấu một nồi cháo trắng, đến mỗi bữa thêm một loại thực phẩm khác nhau để chế biến thành cháo cá, cháo tôm, cháo thịt gà, thịt bò, thịt lợn, cháo gan, cháo trứng... trong một ngày sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Nên thay đổi cả cách chế biến: trẻ 7-8 tháng tuổi phải ăn bột, nhưng nếu trẻ không chịu ăn có thể cho ăn cháo nấu nhừ; trẻ 2-3 tuổi không chịu ăn cơm có thể cho ăn cháo, bún, mì, súp, phở...

Biếng ăn còn do trẻ ăn không đúng bữa và hay ăn vặt: Muốn trẻ ăn ngon miệng phải cho trẻ ăn đúng bữa, không cho trẻ ăn vặt và tuyệt đối không cho trẻ ăn bánh, kẹo, nước ngọt, hoa quả ngọt trước bữa ăn, vì cho ăn như vậy làm cho lượng đường trong máu tăng, gây ức chế tiết men tiêu hóa gây ra sự biếng ăn ở trẻ. Việc cho trẻ ăn đúng giờ còn làm tăng lượng hấp thu thức ăn vào cơ thể. Tuy nhiên cũng không nên quá cứng nhắc, ví dụ trẻ đang ngủ say, giấc ngủ làm cho sự thèm ăn giảm đi, thì không nên đánh thức trẻ dậy bắt ăn, hoặc có khi trẻ đang đói, khóc hết hơi nhưng vẫn chờ đến giờ mới cho ăn. Trong những trường hợp này nên cho trẻ ăn chậm hơn hoặc sớm hơn một chút cũng không sao.

Biếng ăn do yếu tố tâm lý: Hay gặp ở những gia đình bà mẹ quá lo lắng, tìm mọi cách dọa nạt, bóp mồm, bóp miệng bắt trẻ ăn bằng được gây cho trẻ một tâm lý sợ hãi. Chán ăn tâm lý còn gặp trong các trường hợp do thay đổi người chăm sóc trẻ một cách đột ngột như: mẹ phải đi làm, cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, gửi người khác trông cũng có thể làm trẻ biếng ăn. Gặp trường hợp này người mẹ cũng không nên quá lo lắng vì qua một thời gian trẻ ăn sẽ thèm ăn trở lại. Khi cho trẻ ăn, phải tạo ra một không khí thoải mái, chỉ dỗ dành chứ không dọa nạt trẻ, khi trẻ không muốn ăn thì thôi chứ không bắt ép, có thể cho trẻ vừa chơi vừa ăn, ăn cùng với trẻ con hàng xóm, dần dần tạo ra cho trẻ một phản xạ thích thú khi ăn uống. Đặc biệt không nên để trẻ nhịn đói, trẻ em càng nhịn đói, bữa sau lại càng không muốn ăn, dù trẻ ăn ít cũng phải cho ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày. Với trẻ lớn hơn, trong bữa ăn nên tạo không khí vui vẻ, động viên khuyến khích khi trẻ ăn được nhiều, dần dần trẻ sẽ ăn ngon miệng.

BS. Nguyễn Minh Nguyệt
SK&DS