NGƯỜI CAO TUỔI TỰ ĐO HUYẾT ÁP TẠI NHÀ thế nào?

chuyengia
chuyengia
Trả lời 16 năm trước
Các biến chứng về tim, mạch não, thận, mạch máu... đều có liên quan chặt chẽ với mức huyết áp. Mỗi khi huyết áp tăng 10-20mmHg sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người cao tuổi. Ngược lại, khi làm giảm được mức huyết áp, sẽ giảm 35-40% tỷ lệ tai biến mạch máu não; giảm 20-25% nhồi máu cơ tim và giảm hơn 50% tỷ lệ bị suy tim. Để hạn chế các bệnh có liên quan đến tăng huyết áp, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến khích việc tự đo huyết áp tại nhà, nhất là đối với người cao tuổi, nhằm giúp bệnh nhân có thông tin về mức huyết áp hàng ngày, sự đáp ứng với thuốc hạ huyết áp và quan tâm hơn đối với vấn đề điều trị. Để khai thác tối ưu các điểm mạnh của phương pháp này, cần tuân thủ một số hướng dẫn sau: 1. Cần chỉnh đúng huyết áp kế: Đo huyết áp bằng huyết áp kế thủy ngân vẫn được coi là phương pháp tốt nhất để đánh giá số đo của huyết áp. Sau một thời gian sử dụng, đa số huyết áp kế đồng hồ, huyết áp điện tử đều có sai lệch, vì vậy nên được chỉnh lại sau mỗi 3 tháng sử dụng. 2. Trước khi đo huyết áp, người được đo cần ngồi nghỉ hoàn toàn trên ghế ít nhất 5 phút, chân đặt lên sàn nhà, tay đặt trên bàn ngang mức tim. Đây là tư thế của mức huyết áp thường diễn ra hàng ngày. 3. Đo huyết áp tư thế đúng, được đo định kỳ mỗi 3-6 tháng, đặc biệt ở những người có nguy cơ hạ huyết áp tư thế (suy tĩnh mạch, đái tháo đường...). 4. Băng quấn tay phải quấn được 80% cánh tay người được đo. Với người có thể trạng to lớn, người quá béo, nếu băng quấn tay đo huyết áp nhỏ có thể làm tăng số đo, sai tới 10-15mmHg và ngược lại. 5. Đo ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 2 phút cho mỗi lần đo. Trị số huyết áp chính xác là giá trị trung bình cộng của 2 lần đo nói trên. Nếu 2 lần đo chênh lệch nhau > 5mmHg, cần thực hiện đo lần thứ 3 và lấy trung bình cộng của cả 3 lần đo. 6. Huyết áp tâm thu được tính từ 2 tiếng đập liên tiếp đầu tiên, để tránh nhầm với “lỗ thủng huyết áp” của người cao tuổi có xơ vữa động mạch hay người bị hẹp van động mạch chủ, chỉ có một tiếng đập đầu tiên. 7. Huyết áp tâm trương được tính khi tiếng đập cuối cùng mất đi. 8. Cần đo huyết áp của tay đối bên và đối chiếu mức huyết áp của hai tay. 9. Người đo huyết áp nên nói hoặc ghi lại cho người được đo trị số huyết áp cũng như mức huyết áp mục tiêu của họ. Theo quy định, ở bất cứ lứa tuổi nào, người có mức huyết áp bằng hoặc lớn hơn 140/90 mmHg thì được xem là bị tăng huyết áp. Còn những người tự đo huyết áp tại nhà có mức huyết áp lớn hơn hoặc bằng 135/85 mmHg đã được xem như bị tăng huyết áp.