Ô tô, xe máy tiết kiệm xăng: Nên hiểu thế nào cho đúng?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước
Khoảng năm 2004, người sử dụng xe máy xôn xao về một loại “thuốc” bỏ vào thùng xăng sẽ tăng gấp rưỡi quãng đường đi được. Ngay lập tức các nhà khoa học vào cuộc và tuyên bố chúng chẳng có tác dụng nào ngoài “cảm giác” của người sử dụng. Chưa hết, khi xăng liên tiếp tăng giá vào năm 2005, một công nghệ dùng từ tính tác động lên dòng nhiên liệu được các báo tích cực quảng bá. Thế nhưng, cuối cùng nó rơi vào quên lãng vì chẳng ai nhận ra hiệu quả thực, bởi xét một cách khách quan, nguyên lý làm duỗi phân tử xăng để dễ cháy hơn không đủ để thuyết phục người dân. Những “công nghệ” tiết kiệm xăng này dễ dàng bị lộ tẩy vì tính thiếu logic trong các lý giải của nó. Thế nhưng, với các nhà sản xuất, chẳng ai lên tiếng các kết quả thử nghiệm là đúng hay sai. Mặc dù ai cũng thấy vô lý. Điển hình nhất trong số đó là việc Isuzu Việt Nam công bố mức tiêu hao 0,95 lít dầu/100 km cho người thắng trong cuộc thi diễn ra vào tháng 6-2005. Đây có lẽ là mức tiêu hao thấp nhất trên thế giới cho một chiếc ô tô bởi ngay Honda Insight, dù được những tổ chức uy tín công nhận cũng đạt mức 4 lít/100 km là cùng. Hiệu quả của “chiêu” marketing này không thấy nhưng phản ứng của những người am hiểu ô tô, xe máy thì khá gay gắt. Có thể nói, giữa thời buổi công nghệ cao áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực thì cách tiến hành đo nhiên liệu của nhà tổ chức đơn giản tới mức không tính toán sai số của thiết bị, không làm đầy bình đúng cách. Chỉ đơn giản là đổ xăng vào và hút xăng ra. Trong khi đó, chỉ cần một đồng hồ đo mức tiêu hao điện tử, mọi kết quả sẽ đồng đều và chính xác hơn. Gần đây nhất, Công ty Hoa Lâm Kymco công bố mức tiêu hao nhiên liệu lý tưởng 2 lít/100 km cho chiếc Jockey 125. Đây rõ ràng không phải là mức “hoang tưởng” như Isuzu nhưng không được làm rõ khiến khách hàng có thể hiểu nhầm. Công ty Hoa Lâm Kymco cho biết mức 2 lít/100 km được Cục đăng kiểm xác nhận nhưng không hề nói tới điều kiện thử nghiệm. Việc chạy xe trên đường thực, mà điều kiện thực khác xa thử nghiệm chạy tại chỗ ở 45 km/giờ trong phòng thí nghiệm. Theo các chuyên gia kỹ thuật, khi chạy xe trên đường, chúng ta chịu sức cản gió, phải phanh khi gặp chướng ngại vật (hay đèn đỏ) và tăng ga mà những điều kiện này là nguyên nhân chính gây hao xăng. Trong khi đó, ở phòng thí nghiệm các yếu tố gây ảnh hưởng bị loại trừ nên việc người sử dụng đạt được mức trên cũng chỉ là “lý tưởng”. Cũng theo các chuyên gia, xe tay ga có mức tiêu hao tối thiểu cũng phải 3 lít/100 km, tức Jockey có thể tiết kiệm 30% nhiên liệu, một con số “mơ ước” của các hãng lớn như Toyota, Honda vì công nghệ VTEC hay VVT-i cao cấp đến thế cũng chỉ giảm được tối đa 12% nhiên liệu. Một thực tế là, tuần qua khi chúng tôi ghé vào một đại lý có bán xe tay ga Jockey tại quận 5, khi được hỏi có đúng xe tiết kiệm nhiên liệu 2lít/100km hay không, nhân viên bán hàng cũng ấp úng cho rằng “không biết được không nhưng nghe “mấy ổng” nói thế”...? Có đúng hay không thì chưa ai kiểm chứng khi chạy ngoài thực tế, nhưng thời gian gần đây trên các báo, đài thì Jockey được quảng cáo ra rả là... tiết kiệm 2lít/100km. Chính kiến mức tiêu hao nhiên liệu “lý tưởng” này, một chuyên gia kỹ thuật trong ngành ô tô tại một công ty liên doanh Việt Nam đã phải thốt lên:” Tiết kiệm xăng như thế...tài thật(!)”. Việc quảng cáo không đúng sự thật ở các nước phát triển hoàn toàn có thể bị kiện vì làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Chẳng hạn mới đây Honda bị một khách hàng kiện lên tòa án California vì sử dụng kết quả không chính xác để quảng cáo cho chiếc Civic Hybrid. Còn ở Việt Nam thì sao? Người tiêu dùng khi nghe quảng cáo “thôi miên” là chạy đi mua xe, thế nhưng khi sử dụng có được kết quả “như quảng cáo” hay không thì đố ai biết được. Vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Các phương tiện ô tô, xe máy được chứng nhận tiết kiệm xăng “trong phòng thí nghiệm” sẽ được người tiêu dùng phải hiểu như thế nào đây?