“Sinh thường không đau”: Có nên hay không?

yt
yt
Trả lời 13 năm trước

Càng gần ngày sinh nở, nhiều bà bầu càng lo lắng cho ngày “khai hoa mãn nhụy”. Các phương pháp sinh được đem lên bàn cân để “đo đếm”.

Nhiều bà bầu muốn con mình sinh ra theo lối sinh thường, nhưng bản thân lại vô cùng lo sợ những cơn đau đẻ (có thể do nghe từ người khác kể lại, hoặc cũng có thể có kinh nghiệm từ lần sinh trước).

Với bao niềm háo hức mong chờ con chào đời, chị Lê (Q.5 – TP. HCM) quyết tâm sinh thường chứ không muốn được can thiệp bằng các phương pháp sinh mổ hay sinh thường không đau. Thế nhưng, sau hơn một ngày vật vã vì đau chuyển dạ mà đứa con vẫn “chưa chịu ra”, chị và gia đình quyết định đăng kí phương pháp sinh thường không đau, bởi nếu cứ cố thế này, chị sợ chị không còn đủ sức mà rặn đẻ.

Với sự giúp đỡ của bác sĩ, chị Lê đã sinh một cậu con trai kháu khỉnh 3,7kg mà không cảm thấy quá đau đớn như chị vẫn thường “lên gân” tự động viên mình. Chị Lê chia sẻ: “Lúc tử cung mở thì mình vẫn cảm thấy đau như thể thuốc không có tác dụng. Nhưng khi em bé chui qua được khung xương chậu của mẹ rồi thì chẳng còn cảm thấy đau gì nữa. Lúc bác sĩ khâu thì chỉ có cảm giác tê tê như kiến đốt thôi, chứ không đau đến nỗi chảy nước mắt như các mẹ khác vẫn nói”.

"Sinh thường không đau" là thế nào?

Theo Th.s BS Đặng Lê Dung Hạnh – Bệnh viện Hùng Vương TP. HCM, kỹ thuật "đẻ không đau" (sinh thường không đau)là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào cùng cột sống ở thắt lưng (vùng này chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn.
Một vài nghiên cứu trước đây cho rằng, biện pháp gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng tới khả năng rặn đẻ, có thể làm chậm các cơn co thắt tử cung và ảnh hưởng đến quá trình chui ra của em bé. Tuy nhiên, những kết luận trên đã hoàn toàn bị bác bỏ.

Ở Việt Nam, kỹ thuật sinh này đã được ứng dụng thành công tại nhiều bệnh viện. Phương pháp này có ưu điểm là giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn. Thuốc tê có thể kéo dài để giảm đau sau đó nhiều giờ, và không ảnh hưởng đến em bé vì nó không qua nhau thai.

Trong quá trình sinh nở, nếu sản phụ không thể tự sinh thường thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để an toàn cho cả mẹ và con. Khi phải sanh mổ, chỉ cần thêm liều thuốc tê qua đường truyền để giảm đau trong lúc mổ.
Sản phụ nào không thể dùng phương pháp "sinh thườngkhông đau"?
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, để thực hiện một ca đẻ không đau, bác sĩ sản khoa sẽ phải khám thật chi tiết cho sản phụ để biết về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, tình trạng cơn co và xem có phù hợp với phương pháp sinh này không.
Phương pháp sinh này phù hợp với các sản phụ có các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim…, nhưng lại không được áp dụng cho các sản phụ có bệnh lý liên quan đến cột sống, rối loạn đông máu hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng…

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi chọn kỹ thuật"sinh thườngkhông đau"

Một số sản phụ có thể gặp trạng thái chóng mặt, ớn lạnh hay lạnh run, buồn nôn, nôn hay khó vận động chân ngay sau khi tiêm thuốc. Một số trường hợp có thể bị nhức đầu nhẹ, đau lưng trong thời kì hậu sản. Nhưng các triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ tự hết sau vài giờ. Hiếm hơn, một số người có thể có cảm giác lạ vùng mông, đùi (như kiến bò, rát bỏng) trong thời gian ngắn hậu sản và sau đó sẽ tự khỏi.

Theo aFamily