Điều trị cường giáp khi có thai?

Em 27 tuổi, có thai 3 tháng. Trước khi mang thai khoảng 1 tháng có đi khám tuyến giáp, T3, T4 nằm trong giới hạn bình thường nhưng TSH rất thấp. Bác sĩ kết luận: cường giáp dưới lâm sàng. Hiện nay nhịp tim em nhanh, khoảng trên 100 lần/phút. Đi xét nghiệm lại kết quả như sau: - TSH u.sentitive (3rd G): 0,031 L ( 0.32 - 5 ulU/ml) - FREE T4 : 1.85 ( 0,71 - 1.85 ng/dl) Vậy xin bác sĩ vui lòng cho biết tình hình hiện nay của em như thế nào? Bác sĩ đã chỉ định uống thuốc PTU 50mg. Nếu tình hình chưa đến nỗi nghiêm trọng lắm thì em không uống, để sau khi sinh điều trị luôn có được không (vì em có đọc được thông tin nếu cường giáp nhẹ chỉ cần theo dõi mà không uống thuốc nếu sức khỏe của mẹ và thai nhi bình thường)? Em chưa thấy những dấu hiệu đặc trưng như tay run, hồi hộp, bứt rứt... nhưng nhịp tim có hơi nhanh nhưng không khó thở.
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Đối với phụ nữ có thai, như trường hợp của bạn, việc chẩn đoán cường giáp khó hơn so với người bình thường. Những triệu chứng của người có thai, đặc biệt là nếu có biểu hiện nghén nặng, rất giống với người bị cường giáp, đó là mệt mỏi, sụt cân, đổ mồ hôi, tim đập nhanh…bên cạnh những triệu chứng của nghén là nôn ói nhiều, khó ăn uống. Những xét nghiệm của bạn cũng có thể là thay đổi thường gặp của người có thai với duy nhất TSH giảm thấp (ở mức lớn hơn 0,03 mIU/L), chưa đủ để kết luận bạn có cường giáp. Từ trước khi có thai, bạn đã có chỉ số TSH thấp và đó có thể là do cường giáp. Nếu bạn có cường giáp, nguyên nhân thường gặp nhất là do bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow) gây ra. Hiện nay có thể chẩn đoán có (hay không có) bệnh này bằng xét nghiệm đo TRAb trong máu (đây là loại kháng thể gây nên bệnh Graves, có trong máu những người mắc bệnh). Trung tâm y khoa Medic có làm xét nghiệm này. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc chẩn đoán cũng như việc cần thiết thực hiện thêm xét nghiệm đo TRAb để có chẩn đoán chính xác nhất. Trong trường hợp bạn chỉ có biểu hiện thai nghén hoặc chỉ có cường giáp dưới lâm sàng, với chỉ số FT4 còn trong khoảng bình thường, thường chưa cần thiết phải dùng đến thuốc PTU. Dù thế nào đi nữa, một việc rất quan trọng là bạn cần được theo dõi kỹ và đi tái khám sớm nhằm can thiệp kịp thời nếu bệnh có diễn biến. Bác sĩ khám trực tiếp cho bạn là người có đầy đủ thông tin nhất và là người cùng bạn quyết định, lựa chọn biện pháp điều trị cũng như theo dõi hay làm các xét nghiệm. Điều trị cường giáp trong khi có thai là vấn đề hết sức quan trọng bởi nếu điều trị không tốt có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Có vẻ như bạn và bác sĩ đang điều trị cho bạn chưa có đủ sự trao đổi thông tin cần thiết. Trong trường hợp đó, hoặc bạn chủ động cải thiện điều này hoặc bạn đi khám tại một phòng khám chuyên khoa nội tiết khác. Bạn nên đi khám tại một trung tâm có chuyên khoa nội tiết, có kinh nghiệm về bệnh lý tuyến giáp cho những người có thai. Chúc bạn sức khỏe và mẹ tròn con vuông.
thu
thu
Trả lời 9 năm trước

Triệu chứng của Cường giáp

Cường giáp có triệu chứng biểu hiện thường gặp là: hồi hộp, bồn chồn, không chịu được nóng, mất ngủ, thở nhanh, mệt mỏi, ít hoặc mất kinh nguyệt, tăng nhu động ruột, tuyến giáp to (trung bình), nhịp tim nhanh, run tay, mỏi cơ, da nóng ẩm, rụng tóc, lồi mắt. Xét nghiệm cho thấy hoóc-môn tuyến giáp (T3, T4) tăng.

Cường giáp do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường gặp nhất đặc biệt ở phụ nữ mang thai là bệnh Graves - đây là bệnh tự miễn, nó kích thích cơ thể tạo ra kháng thể gắn vào các vị trí hoạt động đặc biệt của tuyến giáp, làm tuyến giáp tăng tiết hoóc-môn tuyến giáp nhiều hơn bình thường.

Điều trị cường giáp tùy theo nguyên nhân, hiện có những phương pháp điều trị sau: dùng thuốc kháng giáp; iode có hoạt tính phóng xạ; phẫu thuật.

Cường giáp ảnh hưởng thế nào ở phụ nữ mang thai?

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) cho biết:

Cường giáp trên phụ nữ mang thai có thể gây những hậu quả cho cả mẹ và thai nhi như: khiến thai chết lưu hoặc sảy thai, thai chậm phát triển, sinh non, dị tật bẩm sinh, tiền sản giật.

Những nguy cơ trên sẽ giảm thiểu nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp. Biến chứng thường gặp khi phụ nữ có thai bị cường giáp là bệnh lý tim - do nhịp tim quá nhanh sẽ gây suy tim.

Một số phương pháp điều trị đặc hiệu cường giáp trên phụ nữ đang mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, do thuốc truyền qua nhau thai, hoặc trên trẻ sơ sinh (do truyền qua sữa mẹ).

Như, iode có hoạt tính phóng xạ là chống chỉ định tuyệt đối khi mang thai và khi nuôi con bằng sữa mẹ; các chất chẹn beta và iode chỉ sử dụng khi tình trạng bệnh gây nguy hiểm cho thai phụ, hoặc có yêu cầu phẫu thuật tuyến giáp. Một số thuốc kháng giáp có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.

Phẫu thuật có chỉ định khi không thể dùng thuốc kháng giáp liều cao, hoặc dị ứng thuốc. Phẫu thuật an toàn khi thực hiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ, nhưng chú ý điều trị trước phẫu thuật để tránh "cơn bão giáp trạng" .

Có khoảng 2% trẻ sơ sinh bị cường giáp do mẹ bị cường giáp. Ngay cả khi điều trị thành công cường giáp cho mẹ lúc mang thai, trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ phát triển cường giáp bởi kháng thể gây cường giáp truyền từ mẹ sang.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp chỉ là tạm thời và điều trị dễ dàng. Chú ý, cường giáp trên trẻ sơ sinh có thể bị che giấu do các thuốc kháng giáp từ mẹ truyền sang con qua nhau thai trong khoảng 7-10 ngày cho đến khi nồng độ thuốc giảm xuống.

Do đó, cần làm các xét nghiệm cường giáp và kháng thể kháng giáp cho bé sau 7-10 ngày sau sinh.

Cường giáp có thể tái phát hoặc bệnh sẽ nặng hơn sau khi sinh, do đó các bà mẹ sau sinh cần tiến hành xét nghiệm và có kế hoạch điều trị ngay. Lưu ý PTU và Methimazole có thể truyền qua sữa mẹ gây suy giáp cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, chỉ khi dùng PTU với liều rất thấp mới được phép nuôi con bằng sữa mẹ.