Món ăn, bài thuốc cho bà mẹ thiếu sữa?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 13 năm trước

Lạc nhân 50 g, gạo tẻ 100 g, đường phèn lượng vừa đủ. Lạc nhân rửa sạch, giã nhỏ, nấu cháo cùng gạo tẻ; khi cháo chín cho thêm đường phèn vừa ăn. Có thể hầm lạc nhân cùng móng giò lợn.

Theo y học cổ truyền, sữa mẹ từ huyết hóa thành, nhờ động lực của khí mà vận hóa, lưu thông. Do vậy, việc sữa nhiều hay ít liên quan mật thiết đến sự thịnh suy của khí huyết. Cuộc sinh nở khiến khí huyết người phụ nữ bị tổn thương, cơ thể hư nhược nên nguồn sữa bị ảnh hưởng (nhất là những người cơ thể đã sẵn hư nhược hoặc mất máu, mất sức nhiều khi sinh).

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục khí huyết của sản phụ. Cần chú ý:

- Đảm bảo cung cấp 3.400-3.600 calo/ngày (phụ nữ bình thường chỉ cần 2.500-2.600 calo/ngày). Vì vậy, khẩu phần ăn trong giai đoạn này phải đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất.

- Ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, hấp thu.

- Thay đổi món ăn thường xuyên để tăng khẩu vị.

- Ăn làm nhiều bữa, không nên ăn quá no một lúc.

- Không kiêng khem quá mức. Cần ăn các thực phẩm vừa có tính ấm vừa lợi sữa như thịt dê, thịt gà, móng giò lợn, trứng, lạc, các loại đậu...


Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục khí huyết của sản phụ

- Kiêng các đồ sống lạnh (như hải sản, gỏi cá), các chất tanh (như cua, sò, ốc, hến, trai, cá mè). Hạn chế các gia vị cay nóng (như ớt, hạt tiêu, mù tạt), các chất kích thích (như chè, cà phê, thuốc lá) vì chúng gây mất ngủ, ức chế quá trình tạo sữa.

Để tăng sữa, có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc sau:

- Móng giò lợn 2 cái (rửa sạch, cạo hết lông), thông thảo 30 g (cho vào túi vải bọc kỹ), hành hoa 3 nhánh. Tất cả cho vào nồi, đổ nước, hầm nhừ, bỏ bã thuốc, nêm gia vị. Ăn thịt, uống nước hầm; có thể dùng thường xuyên.

Nếu người khí huyết hư nhiều, mệt mỏi, có thể thêm đương quy, hoàng kỳ mỗi thứ 50 g để tăng cường khí huyết.

- Đương quy 100 g, thịt dê 200 g (rửa sạch, thái miếng), gừng tươi 5 lát, hành hoa 3 nhánh. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa, tới khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Ăn thịt, uống nước hầm (chia nhiều bữa). Món này thích dụng với người sau đẻ mất máu nhiều, gầy còm, kém ăn, người lạnh, ít sữa. Người táo bón không nên dùng.

- Vừng đen 30 g (giã nhỏ), gạo tẻ 50 g, nấu cháo. Món này vừa lợi sữa vừa nhuận tràng, thích hợp với những sản phụ sau đẻ huyết hư, táo bón, ít sữa.

Ngoài chế độ ăn uống, người mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, tránh mọi căng thẳng thần kinh và cáu giận, tự tạo cho mình sự thoải mái vì sự căng thẳng tinh thần ảnh hưởng rất xấu tới quá trình tạo sữa.

(Sức Khỏe & Đời Sống)

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng hiện nay rất nhiều bà mẹ không có đủ sữa cho con bú. Một số món ăn sau có thể giúp các bà mẹ cải thiện tình hình.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn chỉnh nhất cho sựphát triển bình thường của trẻ. Trong sữa mẹ chứa nhiều hormone và kháng thể, vì vậy suốt thời gian bú mẹ trẻ có khả năng miễn dịch nên không hay ốm.

Bởi những lý do trên mà việc bảo vệ bầu sữa mẹ là rất cần thiết để có đủ nguồn sữa cung cấp cho trẻ. Nhưng vì lý do nào đó đã làm chotuyến sữa tiết ít đi, vậy ta có thể dùng các phương pháp dân gian đã được áp dụng có hiệu quả:

- Nếu bạn ít sữa hãy ăn cháo gạo nếp nấu với chân giò lợn thêm một chút ý dĩ, cam thảo, hoặc chân giò lợn hầm với hoa chuối hột và hạt sen. Nên ăn nhiều trong thời kì mang thai, kể cả lúc đã sinh.

- Nếu sau sinh chậm ra sữa hãy lấy vỏ mướp và thông thảo mỗi thứ một nắm nhỏ. Dùng nồi đất, nấu nhỏ lửa, đậy kín, uống thay trà cả ngày. Uống liên tục vài ngày sẽ ra sữa nhiều và tốt.

Hoặc dùng các phương thuốc sau:

- Hạt mướp 20g, thông thảo 8g, mộc thông 8g, giò lợn đen 1 cái cho nước vừa đủ hầm trong nồi đất chín nhừ - gạn lấy nước uống liên tục vài ngày sẽ có hiệu quả.

- Ý dĩ 8g, thông thảo 8g, nếp trắng với 2 chân giò lợn đen (chỉ cần lấy từ khuỷu xuống đến móng). Nấu nhừ ăn cả cái lẫn nước. Có thể thêm mắm muối vừa đủ để dễ ăn. Dùng 2 đến 3 lần là ra sữa ngay.

mùa đông
mùa đông
Trả lời 13 năm trước

Ăn uống để có nhiều sữa

- Từ thực vật: vitamin A có nhiều trong cần ta, hành lá, rau mồng tơi, rau bí, rau đay, rau lang, rau muống, rau ngót, rau xà lách, rau dền, rau càng cua, đậu xanh, cải bắp, cải trắng, rau trái có màu đỏ hay vàng như bắp, bí đỏ, cà chua, cà rốt, gấc, ớt đỏ, dưa hấu, đu đủ chín, mơ, mít, xoài…

- Từ động vật: vitamin A có nhiều trong gan súc vật, gan gà, vịt, gan cá, cua đồng, tôm đồng, trứng…

- Các thực phẩm chứa vitamin A cao là gấc, cà rốt, gan heo, trứng vịt lộn.

Vitamin B1 giúp hạch sữa tiết nhiều

Giò hầm đậu Hà Lan: Đậu Hà Lan 250g + một đôi chân giò heo, thêm gia vị. Ngoài ra, có thể hầm giò heo với đu đủ non.

Mướp non được xem là thực phẩm có công dụng làm thông sữa, giúp sản phụ có thêm sữa. Tuy nhiên, mướp có tính thanh nhiệt nên sản phụ khi dùng mướp nên dùng thêm gừng để trung hòa tính thanh nhiệt, thông khí huyết và trị tắt tia sữa.

Rau đay: Góp phần làm lợi sữa. Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, tuần đầu tiên sau khi sinh, ăn hàng ngày 150-200g rau đay vào bữa ăn chính, các tuần sau mỗi tuần ăn hai lần với liều từ 200-250g thì lượng sữa tăng, trong sữa lượng chất béo cũng tăng lên. Mè đen cũng có tác dụng lợi sữa.

Người mẹ hàng ngày cũng nên uống nhiều nước, nhất là nước rau quả tươi như cam, chanh để vừa cung cấp nước, vừa cung cấp nguồn vitamin C.

Thận trọng với thuốc

Khi đang trong giai đoạn cho con bú, việc dùng thuốc phải hết sức thận trọng vì thuốc trị bệnh cho mẹ sẽ tác động tới bé. Do đó:

- Không cần thiết thì không nên dùng thuốc, dù là thuốc đã quen dùng hoặc dùng lại theo toa thuốc cũ trước khi mang thai.

- Trường hợp bệnh đòi hỏi phải dùng thuốc thì nên tới bác sĩ khám và cần nói rõ đang cho con bú, con bao nhiêu tháng tuổi để bác sĩ có sự cân nhắc lựa chọn loại thuốc thích hợp cho mẹ mà không gây hại cho con. Liều được dùng bao giờ cũng là liều thấp nhất có hiệu quả để hạn chế gây hại cho bé.

Chúc bạn và bé sức khỏe!