Optimus L7 II Dual có thiết kế khá nhỏ nhắn, phần mặt trước của máy được bố trí cân đối, 2 phần rìa trên và dưới màn hình không quá lớn. Trong khi L7 II bản 1 SIM sở hữu thiết kế vuông vắn và có nút Home vật lý thì người anh em Dual lại được thay thế bằng 4 nút cảm ứng điện dung (gợi nhớ tới những chiếc điện thoại Android đời cũ) và 4 góc cũng bo tròn nhiều hơn. Ngoài 3 phím cảm ứng truyền thống của Android, phím thứ 4 có tác dụng chuyển đổi giữa 2 SIM.
Mặt sau của L7 II Dual được làm hoàn toàn từ nhựa và phủ một lớp vân dạng nhám giúp tăng độ ma sát khi cầm và không để lại dấu vân tay. Có thể thấy mặt sau của máy khá đẹp, việc bo cong giúp cầm nắm bằng một tay rất thoải mái, chắc chắn.
Xung quanh 4 cạnh của L7 II Dual được bao trọn bởi một viền bezel khá dày, trong đó bên cạnh phải là phím nguồn, cạnh trái gồm cụm phím chỉnh âm lượng và phím Qbutton (tùy chọn để truy cập nhanh một ứng dụng bất kỳ giống như trên chiếc Optimus G Pro). Các nút cứng này hơi mảnh nhưng ấn có độ nảy tốt.
Cạnh đáy có cổng microUSB và jack tai nghe 3.5 ở cạnh trên.
LG Optimus L7 II có thiết kế không nguyên khối, bạn có thể mở nắp lưng để tháo pin, lắp thẻ nhớ microSD và thay SIM. Điều đặc biệt là vị trí lắp 2 chiếc SIM đều nằm cùng một chỗ và xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích.
Màn hình
LG Optimus L7 II Dual sở hữu màn hình IPS LCD 4,3 inch độ phân giải 480x800 pixel cho mật độ điểm ảnh 217 ppi. Có thể nói màn hình của LG vẫn tiếp tục phát huy những ưu điểm đáng giá như góc nhìn hẹp tốt, màu sắc trung thực hay nhìn ngoài nắng khá rõ. Tuy nhiên, độ phân giải màn hình không cao đã làm giảm chất lượng hiển thị. Hình ảnh bị vỡ hạt nhẹ, trong khi đọc báo hay đọc truyện, bạn sẽ thường xuyên phải phóng to văn bản để nhìn rõ hơn.
Giao diện
Optimus L7 II Dual chạy hệ điều hành Android 4.1.2 Jelly Bean với giao diện tùy biến Optimus UI 3.0 của LG. Trong năm nay, các dòng điện thoại mới của hãng điện tử Hàn Quốc này đều sử dụng loại giao diện đặc trưng từ năm ngoái nhưng được hỗ trợ thêm khá nhiều tính năng hữu ích đi kèm. Và mặc dù là chiếc điện thoại trung cấp nhưng L7 II Dual cũng được thừa hưởng nhiều phần mềm hấp dẫn như các dòng máy cao cấp. Có thể kể đến là Qtranslator hỗ trợ dịch nhanh và dịch văn bản được quét trực tiếp bởi camera hay QSlide sẽ cho phép người dùng mở một số cửa sổ ứng dụng nhỏ để chạy đa nhiệm.
Màn hình khóa hiển thị thông tin khá đầy đủ.
Tuy không bắt mắt như các bộ giao diện của Samsung hay Sony nhưng Optimus UI 3.0 có phong cách thiết kế khá trẻ trung với nhiều bộ theme đi kèm, đồng thời hệ thống widget cũng được đánh giá là đủ dùng. Khi kéo thanh thông báo “notification” xuống, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh độ sáng màn hình bằng một thanh trượt hoặc bật/tắt nhanh nhiều loại kết nối khác nhau.
Các bộ theme của LG thường rất trẻ trung.
Tính năng 2 SIM
Một khi đã lựa chọn chiếc điện thoại hỗ trợ 2 SIM thì tần suất đàm thoại hay lướt web của bạn là tương đối cao. Vì vậy, việc bố trí để người dùng dễ nhận diện cũng như tiện sử dụng qua lại giữa 2 thẻ SIM là yếu tố cực kỳ quan trọng. Optimus L7 II Dual đã làm rất tốt điều này.
LG sử dụng màu nền xanh và đỏ hoặc tím và da cam để đánh dấu cho SIM chính và SIM phụ. Ngoài phím nóng để chuyển đổi SIM, khi bạn gửi tin nhắn thì nút “gửi” sẽ hiển thị màu sắc ứng với màu SIM đã chọn.