Đánh giá Sony XBA-3iP, tai nghe tuyệt vời trong tầm giá 3 triệu?

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 11 năm trước

ồi đầu năm nay tại CES 2012, Sony có giới thiệu một loạt 11 tai nghe sử dụng driver Balanced Armature thay thế cho Dynamic mà chúng ta vẫn thường thấy trên các headphone của họ. Trong số 11 tai này có 8 tai nghe inear (4 dòng chính là XBA-1/2/3/4 và các phiên bản bổ sung thêm microphone có thêm hậu tố iP), 1 tai nghe Bluetooth, 1 tai nghe chống ồn và 1 thể thao. Tai nghe mà mình dùng để đánh giá hôm nay là XBA-3iP, bản cao trung cấp với giá bán lẻ đề xuất là 300$ chưa thuế ở thị trường Mỹ. Lúc trước mình có mua chiếc tai nghe này về dùng thử nhưng không ấn tượng lắm với những gì nó thể hiện trong tầm 300$ đó, nhưng nay khi XBA-3iP được bán rất nhiều ở Việt Nam với giá có thể gọi là hời, chỉ khoảng 3 triệu đồng thì nó lại thật sự tỏa sáng. Bạn không để đòi hỏi gì ở một tai nghe hơn 3 triệu nhưng lại có tới 3 driver Armature, bằng với số driver của UE Triple.Fi 10 hay thậm chí là Shure SE535.

Vì các bạn ở diễn đàn của chúng ta ít quan tâm đến âm thanh hơn là hình ảnh nên mình sẽ nói sơ qua một chút về Balanced Armature trước khi đánh giá về tai nghe. Chúng ta sẽ có một bài viết khác chi tiết về 2 loại driver này cũng như một vài loại khác (Electrostatic, Electret)... trong tương lai. Armature là một loại công nghệ chế tạo bộ biến đổi (transducer) được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây. Mình không nói là công nghệ này ưu việt hơn Dynamic truyền thống nhưng rất nhiều các nhà sản xuất tai nghe inear lớn đã dần chuyển sang nó thay vì Dynamic vì những lợi thế nhất định như không cần trải qua quá trình burn in để tai nghe đạt được chất lượng cao nhất hay đặc biệt là rất nhỏ nên có thể ghép nối nhiều driver lại, mỗi driver bổ trợ cho một dải âm thanh cố định nhằm tăng mức chi tiết cho âm thanh. Có những tai nghe của JHAudio chứa tới 16 driver hay hơn thế nữa, có thể hiểu một cách đơn giản như hệ thống 8 loa nhỏ chứa trong mỗi bên tai nghe. Tất nhiên, Balanced Armature củng có những nhược điểm của nó nhưng đó không phải là nội dung chính của bài viết này.

Đóng gói và phụ kiện đi kèm:

Có những tai nghe mắc tiền nhưng cách đóng gói lại không tương xứng mà Shure SE535 là một ví dụ điển hình nhất. Sony XBA-3iP là tai nghe cao trung nhưng cách đóng gói của nó cũng chỉ ở mức trung bình, dù vậy thì Sony cũng tặng cho chúng ta rất nhiều phụ kiện khác nhau như hộp đựng, cục làm ngắn dây, kẹp áo các miếng mút tai nghe. Bạn có 3 miếng mút silicon khác nhau và 3 miếng mút mà Sony gọi là Hybrid, một giải pháp khá thông minh và tiết kiệm cho những ai thích miếng mút bọt biển nhưng lại không muốn bỏ tiền nhiều để liên tục thay những miếng mút dễ hỏng đó. Ở miếng mút hybrid, bên ngoài vẫn làm từ silicon nhưng phần trong là bọt biển, giúp âm thanh ít bị lọt vào hơn so với giải pháp silicon truyền thống. Do bên ngoài vẫn là silicon nên loại hybrid không êm và cách âm thật xuất sắc nhưng nó vẫn đáp ứng khá tốt nhu cầu của chúng ta, mình vẫn có thể đeo nó ngoài đường mà không cần phải bật âm lượng lớn (chi tiết hơn ở phần sau).


Bao đựng tai nghe Sony tặng kèm trong hộp có hình vuông và khá lớn, mình không đánh giá cao thiết kế này, có những loại bao khác dẹp và gọn hơn khá nhiều. Dù vậy, bao Sony vẫn được coi là gọn gàng so với những gì Sennheiser tặng kèm theo các tai nghe dòng IE8/80 của họ, gần như không thể xài được vì quá lớn!


Thiết kế và cấu tạo:
XBA-3iP là một tai nghe có thiết kế rất đẹp, có thể khẳng định như vậy. Sony rất mạnh về thiết kế sản phẩm và họ lại tiếp tục kế thừa truyền thống đó trên XBA-3iP, nó rất hiện đại và phong cách, gần như không giống bất cứ sản phẩm nào khác trên thị trường với bề ngoài hơi dẹt. Theo Sony, họ đã phải rất cố gắng để chế tạo ra XBA-3iP gọn gàng mà không phồng lên như các tai nghe 3 driver khác, tuy vậy thì mình thấy nó vẫn hơi lớn và gồ ghề.

Sony đã dùng những vật liệu kim loại bóng để chế tạo XBA-3iP, tai nghe này cứng cáp và sang trọng, điều hiếm thấy ở tầm giá của nó. Sony cũng đồng thời sử dụng thiết kế mà họ gọi là khoang kép (Double-Layered Housing) để giúp XBA-3iP cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Theo đó, khoang bên ngoài từ nhựa ABS sẽ giúp giảm các rung chấn và khoang bên trong từ Liquid Crystal Polymer (tạm dịch là polymer tinh thể lỏng) làm cho âm thanh mềm hơn. Đó là những gì Sony công bố còn chúng ta sẽ tìm hiểu về khả năng tái tạo âm của nó ở phần sau bài viết.

Về driver, như đã nói thì Sony dùng 3 driver Balanced Armature để tái tạo lại âm thanh từ thiết bị phát. Có nhiều người hiểu lầm rằng nguyên tắc hoạt động của nó là mỗi một driver sẽ quản lý một dải âm thanh khác nhau gần tương tự nguyên tắc hoạt động theo từng kênh của dàn loa 5.1 hay 7.1 ở nhà bạn nhưng thực chất thì chúng ta luôn có 1 driver hoạt động ở toàn dải, trong trường hợp này là bằng đúng tần số đáp ứng của tai nghe 4-28.000Hz và các driver khác đóng vai trò phụ trợ bổ sung âm thanh cho những dải nhất định. Ở XBA-2 thì có thêm 1 woofer bổ sung âm bass và XBA-3 thêm 1 tweeter cho các âm treble. Trong bản XBA-4 ta sẽ có một driver siêu trầm nữa. Tất cả các driver dòng XBA đều sản xuất ở Nhật Bản, kể cả dòng giá rẻ XBA-1. Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo XBA trong video phía dưới (tiếng Anh).
Độ cách âm và tư thế đeo:
Như đã nói, XBA-3 có thiết kế rất đẹp và độc nhưng nó lại là một phần nhược điểm của tai nghe, đặc biệt là về mặt công thái học. Thiết kế dẹp làm cho tai nghe không chống gió tốt vì nó không che kín khoang tai, đặc biệt là ở môi trường đi xe máy nhiều như Việt Nam. Để khắc phục bạn phải nhét tai nghe sâu vào ống tai của chúng ta nhưng lúc này lại vướng một nhược điểm khác: thân tai nghe to trong khi phần mút tai lại ngắn và cụt, bạn sẽ bị vướng lại một chút.

Bên cạnh đó, thiết kế khi đeo của chiếc Sony XBA-3iP không hề thông minh, nó có thể đeo theo kiểu truyền thống hoặc đeo ngược từ trên xuống như hình minh họa. Ở tư thế đầu tiên, nó không đủ gọn để đâm thẳng vào ống tai như những tai nghe có thiết kế thông mình là Etymotic ER4 hay Klipsch X10i và ở tư thế móc ngược thì nó cũng chẳng thoải mái như Shure SE535 hay Sennheiser IE80. Do với mình XBA-3iP hơi nặng nên mình chọn cách đeo ngược để giảm ám lực vào tai nhưng khi này thì hiệu quả chồng ồn sẽ bị giảm, bạn nên cân nhắc tùy theo nhu cầu của bản thân.

Sony XBA-3iP và Shure SE535


Có rất nhiều tai nghe xuất sắc về âm thanh như UE Triple.Fi 10 nhưng lại gặp khúc mắc ở tư thế đeo và Sony XBA-3iP cũng tương tự. Nói về cảm giác thì XBA-1 hay XBA-2 thoải mái hơn, tai nghe đưa sâu vào ống tai hơn, không cho cảm giác cấn. Với Klipsch X10i, mình có thể đeo trong suốt chuyến bay 8 tiếng mà không có cảm giác đeo khó chịu, Shure SE535 cũng tương tự (có nhích nhẹ tai nghe ra sau mỗi 2 tiếng để cho thoáng) còn XBA-3iP chỉ khoảng 1 tiếng là đã thấy cấn.

Nói vậy không phải để chê mà mình muốn khuyên các bạn nên thử kỹ trước khi mua. Mình là người khá khó tính và có tai nhỏ nên hơi khó chịu với các loại tai nghe, một người bạn của mình tai lớn hơn thì không bị cảm giác này và anh ấy thấy XBA-3iP khá thoải mái. Dù vậy, mình vẫn duy trì quan điểm là Sony nên thiết kế kiểu móc ngược với những tai nghe lớn như vậy, nó giúp chúng ta thoải mái hơn rất nhiều, áp lực chia đều lên toàn bộ ống và vành tai .

Một điểm khác cần nhắc tới là phần điều khiển iPhone của XBA-3iP nằm về phía tai trái, ngay sát miệng người dùng nên bạn hoàn toàn có thể nói chuyện mà không cần đưa tay giữ mic. Thiết kế này cũng gặp 1 điểm yếu khác là nó làm cho tai nghe bên trái hơi mất cân bằng, có thể bị tụt nhẹ. Cũng tương tự như trên, nhược điểm này chỉ xuất hiện với những ai có ống tai nhỏ như mình hoặc các em gái teen 15 tuổi! Các bạn tai trung bình trở lên hoàn toàn không bị. Ở phiên bản không có microphone (XBA-3) thì dây của tai nghe được thiết kế theo kiểu đeo vòng sau lưng, 1 dây dài 1 dây ngắn, mình rất thích như vậy nhưng bản iP thì 2 dây dài bằng nhau.

Dây của XBA-3iP không thay được nhưng mình đánh giá nó cao vì Sony sử dụng loại dây dẹp, ít bị rối kể cả khi bạn quấn nhanh và ném nó vào cặp. Dây này có vẻ khá bền nên bạn không cần lo lắng lắm về việc nó sẽ hỏng sau khoảng 1 vài năm.

Để chấm điểm cho cảm giác đeo, nếu lấy một tai nghe custom cho phù hợp với khoang tai từng người làm mốc 10 điểm thì Shure SE535 đạt 9 điểm, Klipsch X10i và Etymotic ER4 cũng 9 điểm XBA-3iP 7,5 điểm với ai có tai trung bình trở lên hoặc 5 với tai nhỏ.

Điểm về độ cách âm và thoát âm cũng tương tự, SE535 9 điểm, X10i kèm mút bọt biển Comply 8 điểm thì XBA-3iP kèm mút lai của Sony 6,5 điểm. Lưu ý đây là điểm xét hạng khi đi xe ở khoảng 30km/h, có gió chứ không phải trong phòng kín. Ở văn phòng làm việc bình thường thì bạn không cần lo lắng, chỉ cần vặn volume trên máy tính ở 25% thì ta đã không còn bị tiếng ồn bên ngoài ảnh hưởng nhiều rồi.

Chất lượng âm thanh:
Một tai nghe dù mắc tiền tới đâu, đeo dễ chịu tới đâu nhưng chất lượng âm thanh tệ thì cũng chỉ là một sản phẩm đáng bỏ đi. Thật may mắn là XBA-3iP không bị tình trạng đó. Có thể nói trừ khi bạn cực kỳ thích nhạc có bass mạnh, không một tai nghe mua mới nào vượt qua XBA-3iP ở tầm giá 3 triệu đồng, đặc biệt là về độ chi tiết. Như một người bạn của mình nói đùa, ta có thể nghe được cả tiếng ca sĩ lấy hơi hay khi "cô ấy gãi tay rột rột". Ưu điểm này đến từ việc sử dụng 3 driver mà các tai nghe giá rẻ không thể nào có. Hơn thế nữa, âm thành từ XBA-3iP còn khá trong và cân bằng, nó thậm chí còn cân bằng hơn cả tai nghe cao cấp hơn là XBA-4, không bị âm bass lấn như truyền thống của nhà Sony.

Mình không thích tai nghe nào quá giả tạo về bass, tạo ra những âm thanh ảo như các tai nghe của Beat và XBA-3iP không mắc lỗi đó, nó kiểm soát rất tốt và cho ta cảm giác của một tai nghe hi-end hơn là một tai nghe riêng cho hiphop hay dance. Âm bass của XBA-3 hơi chặt và có cảm giác vừa đủ, không bị thừa. Dù vậy, không biết có phải chiếc tai nghe mình cầm bị lỗi không nhưng trong một số bài nhạc điện tử, âm thanh có cảm giác phát ra tiếng xì xì nhẹ hơi khó chịu và âm thanh ở dải cao hơn rối. Phải để ý kỹ thì bạn mới thấy nhưng nó vẫn là một nhược điểm cần nhắc tới.

Về soundstage, XBA-3 cho âm thanh rộng ở mức trung bình khá, không quá rộng nhưng không hệ bị tù mù, bức bối như nhược điểm chung của các tai nghe inear trong tầm giá này. Bạn có thể phân biệt khá rõ các loại nhạc cụ khác nhau nhưng để thật rõ vị trí của chúng thì ta vẫn phải chuyển lên những tai nghe mắc tiên hơn rất nhiều. Tiếng của ca sĩ được nghe rõ ràng, kể cả những lần lấy hơi nhẹ hay các âm thừa không đáng có.

Có thể nói với những đặc tính này thì XBA-3iP phù hợp với rất nhiều thể loại nhạc khác nhau và nó là một lựa chọn rất an toàn cho những ai chưa biết mình muốn gì hoặc hợp với thể loại nhạc nào.
Tất cả các bải hát thử nghiệm đều được mua từ iTunes 256kbps AAC hoặc lossless. Mình có thử dùng headamp Corda 3move nhưng XBA-3iP khá dễ tính nên cũng không cần phải nhắc tới nhiều, nguồn phát là iPhone và Macbook Pro Retina, không chỉnh EQ.

Kết luận:
Như đã nói, đây là chiếc tai nghe ấn tượng nhất mà mình đã thử trong tầm giá 3 triệu, không một dải tần nào lấn át dải tần nào quá nhiều để ảnh hưởng đến cảm giác nghe nhạc của chúng ta. Ngoại trừ việc thiết kế và đeo không thật tốt cho người có tai nhỏ thì bạn cũng không thể đòi hỏi gì hơn với cái giá ở Việt Nam. Trước kia, chúng ta có UE Triple.Fi 10 rất tốt nhưng lại gặp vấn đề khi đeo vì quá lớn thì giờ đây XBA-3 cũng tương tự nhưng đỡ hơn, bạn có thể mua cái miếng nút tai bọt biển của Comply để cải thiện tình trạng này.