Ai biết lựa chọn và lắp ráp PC ?

Trả lời 16 năm trước
Nếu bạn hay người thân có ý định mua hay tự lắp ráp một chiếc máy tính cho mình hoặc cho người thân thì bài viết sau có thể sẽ giúp ích cho bạn nếu bạn không phải dân "chuyên ngành" hay đang cần mở rộng thêm kiến thức tin học cho mình, bài đầu tiên là hướng dẫn bạn chọn một chiếc PC như thế nào là phù hợp với nhu cầu của mình, bài thứ hai sẽ hướng dẫn bạn tự tay lắp ráp một PC cho riêng mình. ============================ Nên chọn máy tính bộ như thế nào cho phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình cũng như lựa chọn máy thương hiệu gì cho “chất lượng”, khi mà thị trường xuất hiện khá nhiều thương hiệu nội lẫn ngoại như HP, IBM, TCL, CMS, FPT Elead,… với các ưu và khuyết riêng. Đó là vấn đề mà chúng tôi thường gặp tại các buổi tư vấn khách hàng ITConnect trong khoảng thời gian gần kề năm học mới cũng như mùa mua sắm cuối năm. Đối tượng khách hàng có thể là người dùng gia đình, nhu cầu mua máy tính để phục vụ học tập và giải trí, hay doanh nhân, muốn trang bị cho nhân viên mình một hệ thống máy tính tốt nhằm nâng cao năng suất làm iệc. Vì vậy, bài viết này mong muốn chia sẻ một phần thông tin và kinh nghiệm hầu giúp bạn chọn được một hệ thống máy tính bộ vừa ý. Các máy tính bộ hiện nay thường có giá từ 350 USD đến 650 USD. Chúng có thể đáp ứng tốt công việc hàng ngày của bạn như xử lý ứng dụng văn phòng, duyệt web và giải trí đơn giản. Các hệ thống này thường sử dụng card âm thanh, card đồ họa,… tích hợp sẵn trên bo mạch chủ, bộ vi xử lý Intel Celeron 2.13GHz hay AMD Sempron 2200+ hoặc cao hơn, cùng bộ nhớ DDR có dung lượng từ 128 MB trở lên. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, đa số máy tính đều nhận được yêu cầu “cài đặt HĐH Windows XP” và khi hoạt động, chúng phải xử lý nhiều ứng dụng cùng lúc. Máy tính chạy được là chuyện thường nhưng để khỏi rơi vào tình trạng “ì ạch” thì dung lượng RAM ít nhất nên có là 256 MB. Bạn cũng nên chọn những máy có sẵn card mạng. Vì đôi khi, chỉ là do không để ý mà bạn phải tốn thêm tiền mua card mạng rời khi có phát sinh nhu cầu. Mà đây lại là nhu cầu khá phổ biến hiện nay. Các cổng giao tiếp mở rộng USB hoặc âm thanh ở phía trước thùng máy sẽ trở nên tiện hơn khi bạn làm việc với một số thiết bị ngoại vi gắn ngoài như ổ đĩa Flash, tai nghe,… Các máy tính dành cho văn phòng thường dùng màn hình nhỏ 15 inch loại CRT truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất máy tính đều cho bạn lựa chọn màn hình khác hoặc thay đổi cấu hình như CPU, chuột, bàn phím, loa, ổ đĩa CD,… theo yêu cầu riêng mà vẫn không thay đổi chế độ bảo hành hay hỗ trợ sau bán hàng. Phần lớn các máy tính bộ dòng phổ thông trên thị trường Việt Nam sử dụng bộ vi xử lý của Intel. Chỉ có một số ít dùng bộ vi xử lý AMD. Bo mạch chủ thường dùng chipset Intel 845 và 865, bus 533, ổ cứng 40GB. Công nghệ tích hợp trên các chipset này tuy hơi cũ nhưng vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu làm việc và sử dụng thông thường. Nếu bạn cần các dòng máy có cấu hình mạnh cho văn phòng, thiết kế đồ họa hay quảng cáo thì chi phí đầu tư sẽ cao hơn so với dòng máy thông thường khoảng 200 USD trở lên. Các hệ thống này thường sử dụng card đồ họa rời, dung lượng RAM từ 512 MB trở lên, màn hình có kích thước tối thiểu 17 inch, ổ đĩa quang tích hợp thường là loại đọc được đĩa DVD, thậm chí có thể ghi được cả đĩa CD. Chưa hết, khe cắm thẻ nhớ, cổng IEEE 1394 phía trước sẽ giúp bạn “trao đổi” dữ liệu với điện thoại di động, máy chụp hình và máy quay phim kỹ thuật số tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều (dòng Pavilion A1030L của HP- ITConnect News chuyên đề ADSL tháng9/2005). Ngoài các máy tính phục vụ cho công việc văn phòng thì cấu hình máy cho từng mục đích sử dụng đang bắt đầu được các hãng sản xuất máy tính trong nước chú ý đến. Điển hình như các hệ thống giải trí đa phương tiện, chơi game hay biên tập phim ảnh của CMS, T&H,… Ngoài ra, thị trường còn có các dòng máy phổ thông giá rẻ được tung ra nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, các hộ gia đình và vùng nông thôn... như máy tính Thánh Gióng của liên minh CMS, FPT Elead, Intel, Seagate, LG Electronics, Samsung, HP, Microsoft, VDC và G6 của nhóm 6 công ty Ben, Mai Hoàng, Máy tính Hà Nội, Phúc Anh, Trần Anh, Vĩnh Trinh với nhiều cấu hình đa dạng. Cấu hình máy dành cho việc học tập và giải trí đơn giản thường giống như các cấu hình máy dành cho văn phòng và có giá khoảng 400 USD với cấu hình CPU Intel Celeron 2.0GHz, RAM 128MB, đĩa cứng 40GB, CD ROM 52X, màn hình CRT 15 inch, modem và card mạng. Loại này thường không có loa đi kèm. Đối với các hệ thống cao hơn, hãng sản xuất thường dùng bộ vi xử lý Intel Pentium 4 2.66GHz, bo mạch chủ dùng chipset Intel 915 với card đồ họa tích hợp Intel Graphics Media Accelerator 900, ổ cứng 80 GB chuẩn SATA, bàn phím có thêm các phím chức năng mở rộng hỗ trợ duyệt web, đa phương tiện (multimedia) cũng như kèm theo loa 2.1 công suất vừa phải. Nếu cần trang bị một máy tính đa chức năng trong gia đình có khả năng xem TV, biên tập phim ảnh, thì máy tính của bạn ngoài việc phải sở hữu được một bộ vi xử lý mạnh còn cần trang bị thêm card TV, ổ đĩa kết hợp đọc DVD và ghi CD(ổ DVD/CD-RW Combo) cũng như một màn hình có kích thước rộng (tối thiểu17 inch), một máy in và một bộ loa tốt đi chung một card âm thanh “xịn”. Cần nói thêm là tại thị trường Việt Nam, bạn chỉ có thể chọn card âm thanh cao cấp của Creative mà thôi. Với hệ thống có cấu hình loại này, bạn có thể tham khảo mẫu Multimedia PS94 của T&H hay dòng X- Media của CMS. Hệ thống máy tính dành cho những người đang theo học lập trình viên chuyên nghiệp thường phải “đối mặt” với các cơ sở dữ liệu lớn sẽ cần đến một CPU mạnh và nhiều RAM (nên từ 512MB trở lên). Một nhà thiết kế chuyên nghiệp, một chuyên viên kiến trúc hay chuyên viên xử lý ảnh nên trang bị thêm cho hệ thống của mình một con chuột tốt, một màn hình phẳng chất lượng cao bên cạnh một card đồ họa loại chuyên dùng. Lúc đó, bạn mới có thể thỏa sức sáng tạo mà không gặp phải bất cứ phiền phức nào. Tuy nhiên, các thương hiệu máy tính bộ trên thị trường nước ta thường không có sẵn những hệ thống như vậy. Nếu có nhu cầu, bạn phải đặt hàng hoặc chờ họ nhập máy về. Bạn cũng cần biết thêm là để sở hữu một hệ thống giải trí đa phương tiện hoặc một máy tính có khả năng xử lý các ứng dụng chuyên ngành thì số tiền cần đầu tư dao động từ 800 USD trở lên. Đối với các hệ thống chuyên nghiệp dùng để “làm ăn”, bạn có thể phải đặt hàng các từ các thương hiệu máy tính nước ngoài. Mức đầu tư cho nó sẽ có giá từ 1500 USD trở lên cho cả giải pháp phần cứng và phần mềm chuyên dụng. Những người chơi game chuyên nghiệp muốn tham gia tất cả các “trận đánh lớn” sẽ phải tập trung đầu tư vào một hệ thống cấu hình thật mạnh với nhiều RAM (1 GB trở lên) và một card đồ họa “chiến”. Chưa kể đến hệ thống âm thanh vòm 5.1 (trở lên) để cảm nhận hết các hiệu ứng của game. Ngoài ra, họ còn cần thêm các phụ kiện cho game bắn súng hay đua xe,… Nói tóm lại, một hệ thống dùng để chơi game “chính hiệu” phải được cấu thành từ những linh kiện “chính hiệu” về kiểu dáng và công nghệ, thậm chí cả miếng lót chuột (mousepad) cũng phải là loại xịn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bạn có ý định tham gia “chinh chiến” ở các giải game hay đi thi đấu giao hữu với bạn bè thì các món “vũ khí” của bạn như bàn phím hay chuột nên là loại có dây vì chúng có tính ổn định và độ chính xác cao. Cần chọn một bộ máy tính phục vụ cho nhu cầu chơi game, có kiểu dáng và phong cách game chuyên nghiệp, bạn có thể tham khảo cấu hình của CMS với dòng Game Station hay dòng Pirate của TCL. Chọn thương hiệu và xu hướng của công nghệ Khi bạn đã xác định được nhu cầu và chuẩn bị “hầu bao” đầy đủ thì việc chọn máy tính hiệu gì cũng là vấn đề “nan giải”. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, bên cạnh các thương hiệu đã khẳng định được đẳng cấp trên thế giới như IBM, HP, Acer,… máy tính “hàng Việt Nam chất lượng cao” có giá trị cạnh tranh lớn về giá bán. Với dây chuyền lắp ráp máy tính chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, FPT Elead, CMS, SingPC, Mekong Green,… đã sản xuất ra các hệ thống máy tính có chất lượng và tính ổn định cao. Chính điều này làm tăng giá trị thương hiệu và uy tín cho các nhà sản xuất máy tính trong nước. Hơn thế nữa, họ liên tục tung ra nhiều dòng sản phẩm mới cũng như cung cấp nhiều tùy chọn thay đổi cấu hình linh động hầu giúp người dùng dễ lựa chọn. Và khi nhắc đến máy bộ mà không nhắc đến chế độ bảo hành và dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng sẽ là một thiếu sót! Thực tế, khi mua máy, bạn sẽ được cung cấp các số điện thoại nóng và địa chỉ trung tâm bảo hành bên hông thùng máy để dễ liên lạc khi có sự cố xảy ra. Các nhà sản xuất còn phát hành “sổ khám bệnh” cho máy tính cũng như chế độ bảo hành 3 năm tận nơi, cung cấp các giải pháp hỗ trợ toàn diện và trọn gói từ phần cứng đến phần mềm cho hệ thống mạng máy tính của doanh nghiệp. Do đó, bạn có thể yên tâm với các thương hiệu máy tính trong nước. Tính toán 64 bit, CPU đa nhân, đồ họa kép hay giao tiếp đĩa cứng SATA II,… thực sự làm máy tính của bạn trở nên “khủng khiếp” hơn. Nhưng các phần mềm hiện nay đều chưa khai thác tốt các công nghệ này. Dẫn đến, nhu cầu cần sử dụng chưa thật sự cao. Chưa kể giá thành đầu tư cho chúng không phải là nhỏ! Do đó, việc đầu tư chỉ hấp dẫn với những người thích “đón đầu công nghệ”. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, bạn nên tìm hiểu và tham khảo thêm các công nghệ này hầu nâng cao tính sẵn sàng cho hệ thống máy tính tương lai. Và bây giờ, bạn có thể tham khảo thêm thông tin mà chúng tôi cung cấp bên dưới để biết được chọn máy tính bộ như thế nào cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của mình.