Một số kinh nghiệm chọn mua card đồ họa?

Tư vấn cho em??
thuy linh
thuy linh
Trả lời 15 năm trước
Một card đồ họa mạnh và đầy đủ tính năng sẽ có một GPU mạnh, dung lượng VRAM lớn, có cổng DVI-out, S-Video out/in, Firewire, có khả năng “dual display”, ép xung, có chức năng “anti-aliasing”, thu truyền hình hay radio FM... Nhưng liệu bạn có cần tất cả những thứ đó để phải chi một khoản tiền khá lớn hay không? Bài viết sẽ giúp bạn có thêm một số thông tin để lựa chọn khi cần mua thiết bị phần cứng quan trọng này. Card đồ họa (Graphic card hay graphic board) là một trong những thiết bị phần cứng quan trọng mà nhiều người quan tâm khi chọn mua máy tính. Nhờ có card đồ họa mà máy tính có thể đảm đương các tác vụ nặng nề như xử lý phim ảnh, thiết kế đồ họa hoặc chơi các game 3D mới nhất. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả lý do để bạn bỏ tiền ra trang bị một card đồ họa mới bởi chúng được các nhà sản xuất trang bị ngày càng nhiều chức năng hữu ích như: hỗ trợ xuất tín hiệu ra hai hay ba màn hình; cho phép thu tín hiệu truyền hình hay radio FM để xem/nghe trên máy tính; có sẵn cổng DVI, kết nối S-Video và cổng FireWire (IEEE 1394)... MỘT SỐ THUẬT NGỮ CẦN BIẾT: - Bộ xử lý đồ họa (GPU hay Graphic Processor): bộ xử lý đồ họa là thành phần đóng vai trò quan trọng nhất trên card đồ họa. Các bộ xử lý đồ họa thế hệ mới cho phép bạn làm việc thoải mái với các tác vụ 3D. Đa số các loại game trên máy tính đều cho hình ảnh mượt và trung thực khi chạy ở tốc độ 60 fps hoặc hơn (fps: frame per second - số khung hình trên giây - là đơn vị đo lường tốc độ hiển thị tín hiệu mới). Bởi ở tốc độ 60 fps mắt người không cảm nhận được sự gián đoạn của tín hiệu hình ảnh do đó sẽ không gặp hiện tượng giật hình (flick hay lag). Dòng card đồ họa tầm trung (thường là các loại card màn hình sử dụng khe cắm 2X, 4X được sản xuất từ cách đây 2 năm về trước) có thể đáp ứng các tác vụ căn bản như văn phòng và một số game thuộc loại cũ. Những dòng các đồ họa mới hơn sẽ có đủ khả năng chơi các game ở độ phân giải cao mà vẫn đáp ứng tốc độ tiêu chuẩn là 60 fps. Ngoài ra, một số game mới còn yêu cầu DirectX 9 do đó bạn cần chú ý chọn card đồ họa có hỗ trợ tăng tốc phần cứng DirectX 9. - Dung lượng bộ nhớ: khi máy tính xử lý các tác vụ đồ họa nặng như chơi game hoặc chỉnh sửa video thì các thông tin cần thiết cho việc hiển thị hình ảnh sẽ được lưu trữ tạm trong bộ nhớ RAM của card đồ họa (Video RAM). Những tác vụ hay game càng nặng nề thì lượng bộ nhớ cần thiết phải càng nhiều. Card đồ họa loại cũ có dung lượng bộ nhớ từ 32 tới 64 MB, dòng card tầm trung có dung lượng từ 64 tới 128 MB và các mẫu cao cấp (với giá cao hơn) có bộ nhớ từ 128 tới 256 MB. Bộ nhớ 32 MB đáp ứng tốt các nhu cầu văn phòng, trong khi 64 MB có thể xem là đủ để chơi một số game thuộc loại cũ, nhưng thường không đủ đáp ứng các game mới khi chạy ở độ phân giải trên 1600 x 1200 pixel. Do đó, với các game 3D mới cũng như công việc xử lý đồ họa - phim ảnh cao cấp, bạn nên chọn card đồ họa với dung lượng bộ nhớ tối thiểu là 128 MB. Cũng cần nhắc đến các loại card đồ họa tích hợp sẵn trên mainboard (thường gọi là card onboard), loại này chia sẻ bộ nhớ RAM của hệ thống để sử dụng cho đồ họa. Nhìn chung, việc chia sẻ này làm giảm tổng hiệu năng của hệ thống nhưng lại tạm đủ cho các tác vụ đơn giản. Vì vậy đây không phải là sự lựa chọn tốt cho các game thủ, người làm công việc thiết kế và xử lý phim ảnh. Một số dòng card đồ họa đời mới thường đi kèm với nhiều tính năng mở rộng về phần cứng cũng như phần mềm. Sau đây là một số tính năng thường thấy nhất: - DVI-out: là cổng giao tiếp giúp truyền tín hiệu tới các thiết bị hiển thị kỹ thuật số. Hầu như card đồ họa nào có cổng DVI đều có cổng VGA thông thường. Như vậy nếu một card đồ họa vừa có cổng DVI, vừa có cổng VGA sẽ cho phép xuất tín hiệu hình ảnh ra cả hai loại màn hình digital và analog (hoặc xuất ra cả hai màn hình cùng một lúc). - S-Video out/in: cổng S-Video out cho phép gửi tín hiệu hình ảnh để hiển thị trên TV, máy chiếu, hay các thiết bị hiển thị và ghi hình khác. Còn cổng S-Video in thì cho phép bạn chuyển các đoạn video từ máy quay vào máy tính. Bên cạnh S-Video, một số loại card đồ họa còn có cổng Composite Out/In. Về bản chất thì cổng composite có chức năng tương tự như S-Video nhưng có chất lượng hình ảnh truyền tải thấp hơn. Một số loại card đồ họa có cổng S-Video có thể kèm theo một sợi cáp chuyển đổi từ cổng S-Video sang composite. - Khả năng hiển thị kép (Dual display hay Dual head): cho phép xuất tín hiệu từ máy tính tới một màn hình thứ hai hoặc TV. Để thực hiện việc này, card đồ họa đòi hỏi phải có từ hai cổng tín hiệu trở lên với chip RAMDAC để chuyển đổi những hình ảnh số sang tín hiệu tượng tự (analog signal). - Khả năng ép xung: là việc ép bộ xử lý đồ họa làm việc nhanh hơn tốc độ vốn có khi xuất xưởng. Việc làm này có thể cải thiện chút ít hiệu năng cho những ai khao khát tốc độ nhưng cũng đem lại nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là sự quá tải về nhiệt. Một số loại card màn hình trên thị trường được bán kèm với các phần mềm ép xung, nhưng hầu như tất cả các hãng sản xuất đều không hỗ trợ và không chịu trách nhiệm nếu việc ép xung gây ra hư hỏng nào đó cho card đồ họa. Do đó nếu quyết định thực hiện ép xung, bạn cần đọc kỹ các tài liệu hướng dẫn kèm theo và phải hết sức thận trọng trong từng bước tiến hành. - Chức năng Anti-aliasing: nhiều loại card đồ họa đời mới có hỗ trợ chức năng anti-aliasing. Đây là một tính năng hữu ích cho phép làm mượt và mềm các góc cạnh của những hình ảnh 3D. Khi chơi game ở độ phân giải cao nhất có thể bạn sẽ không cần đến chức năng này, thế nhưng nó sẽ thật sự hữu ích khi thiết lập game ở độ phân giải thấp hơn. Kích hoạt chức năng này có thể làm giảm tốc độ khung hình trên giây, đồng nghĩa với việc hình ảnh bị khựng nhiều hơn. Do đó các game thủ buộc phải lựa chọn giữa chất lượng hình ảnh và tốc độ hiển thị. GIÁ CẢ MỘT SỐ LOẠI CARD ĐỒ HỌA TRÊN THỊ TRƯỜNG Bảng phân loại dưới đây liệt kê các loại card đồ họa có bán trên thị trường thành ba cấp: tầm thấp, tầm trung và cao cấp ứng với giá tiền và các chức năng khác nhau. Bạn căn cứ vào nhu cầu sử dụng của mình để xác định đúng loại card mình cần thuộc cấp nào để không phải trả tiền cho những tính năng mà mình chẳng bao giờ dùng đến. MỘT SỐ KINH NGHIỆM MUA SẮM Khi đi mua card đồ họa, bạn sẽ dễ dàng choáng ngợp giữa một rừng chủng loại phong phú. Bởi vậy bạn nên chú ý một số kinh nghiệm sau. - Trước hết cần xác định mình thuộc đối tượng sử dụng nào. Với người dùng thông thường chỉ sử dụng máy tính cho việc học tập ngoại ngữ, nghe nhạc xem phim và đánh máy văn phòng thì chỉ cần chọn card tầm thấp như đã nêu trong bảng trên là đủ. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí (tối thiểu là 100 USD) cho những nhu cầu mà mình chẳng bao giờ cần đến. Với người dùng là các game thủ hoặc chuyên xử lý và thiết kế phim ảnh, đồ họa thì nên chọn card tầm trung trở lên (card đồ họa với tối thiểu 128 MB bộ nhớ) và nên chọn loại bộ nhớ DDR. - Điểm tiếp theo cần xem xét là lựa chọn card đồ họa sử dụng khe cắm phù hợp với mainboard mà bạn đã có sẵn (hoặc đang định mua). Nếu máy tính của bạn được ráp từ bốn hay năm năm trở lại đây thì có thể chúng sử dụng khe AGP (cũng có thể là không nếu hệ thống của bạn sử dụng card đồ họa tích hợp, do đó bạn cần tham khảo trong tài liệu đi kèm theo mainboard). Trên thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều các loại card sử dụng khe cắm PCI Express có nhiều ưu thế, đặc biệt là về tốc độ. Tuy nhiên, một lần nữa bạn cũng cần xem lại mainboard của mình có hỗ trợ khe cắm này không. - Bước tiếp theo bạn cần xem xét lại nhu cầu của mình. Không nên tốn tiền cho những chức năng bổ sung mà bạn không cần đến như DVI, S-Video hay Composite... chỉ trừ khi bạn thực sự có nhu cầu chuyển video từ các thiết bị ghi hình sang máy tính để xử lý và lưu trữ. - Sau cùng bạn nên kiểm tra danh sách các phần mềm đi kèm, thường được gộp trong một vài đĩa CD. Một là đĩa chứa driver (trình điều khiển) đặc biệt quan trọng khi tiến hành cài đặt card đồ họa mới vào hệ thống. Các CD còn lại có thể là các phần mềm và tiện ích bổ sung hoặc một số game có bản quyền được khuyến mãi kèm theo.