Đánh giá bo mạch chủ MSI Bigbang Marshal – đơn giản là “hoành” ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước

Chiếc bo mạch chủ MSI Bigbang Marshal nằm trong nhóm sản phẩm cao cấp nhất của MSI được tung ra thị trường cùng thời điểm với sự xuất hiện của các bộ xử lý Intel Core 2011 mang tên mã Sandy Bridge. “Ông tướng to tiếng”, “ông tướng nổ bự”,… và còn vài biệt danh khác nữa được vozLabs dành tặng cho MSI Bigbang Marshal. Cũng không hẳn là biệt danh mà đó chính là tên của Bigbang Marshal khi được Việt hóa, kể cũng khá vui.

Như trong bài hands-on đã đăng trước đây, chúng tôi đã giới thiệu một vài hình ảnh của Bigbang Marshal đủ để cho các bạn thấy được nhiều chi tiết chứng tỏ đẳng cấp “cứng cựa” của chiếc bo mạch chủ này. Khôngchỉ có “tiếng”, Bigbang Marshal còn có đủ các “miếng” từ độc đến kịch độc đủ để bạn phải vỗ đùi khoái trá khi trải nghiệm nó, một bo mạch chủ mà tôi sẽ chọn để chạy cùng với Intel Core 2600K!

Thông số kỹ thuật cơ bản

  • Socket: LGA 1155
  • Chipset: Intel P67 Express/ Lucid Hydra multi-GPU chip
  • BIOS: UEFI BIOS
  • Khe cắm RAM: 4 x 240 chân DDR3 DIMM, tối đa 32GB
  • Khe cắm mở rộng: 8 khe PCI-Express 2.0 (x16, x8, x16, x8, x16, x8, x16, x8)
  • Cổng SATA: 4 khe SATA 3Gbps, 4 khe SATA 6Gbps, 2 khe eSATA 6Gbps
  • Cổng USB: 8 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0 ở mặt sau
  • Đồng hồ báo lỗi, nút Power/Reset/Clear CMOS.

Hộp, phụ kiện


Hàng khủng, khủng từ hộp khủng vào trong!

Hộp đựng Bigbang Marshal có thiết kế ấn tượng với các họa tiết mang phong cách Bigbang (đặc trưng là các mảnh tinh thể nổ văn 1 cách lộn xộn có sắp xếp :D). MSI tặng kèm một key 3DMark 11 khi mua Bigbang Marshal.
Mặt sau hộp đựng là các thông số cũng như đặc tả kỹ thuật của Bigbang Marshal để bạn tham khảo trước. Từ các tính năng về overclock cho đến các linh kiện độc quyền như Dr.MOS đều được thể hiện. Mực in trên hộp của MSI Bigbang Marshal cũng khá đặc biệt. Nếu bạn chú ý trong ảnh thì loại mực in này có khả năng phản quang và tán sắc ánh sáng, nói nôm na là nhìn các góc khác nhau thì cáisự “lung linh” nó cũng thay đổi theo.

Phụ kiện đi kèm theo MSI Bigbang Marshal cực kỳ phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại.

  • Miếng che mang phía sau
  • 4 cáp SATA
  • 2 cáp chuyển từ đầu 4 pin sang SATA
  • OC Dashboard và cáp đi kèm
  • Cầu SLI 2-way (không có cầu 3-way SLI)
  • Cáp e-SATA, cáp nguồn e-SATA và panel 2 cổng eSATA gắn phía sau case
  • 2 card mở rộng 4 cổng USB 3.0 (gắn phía sau case)
  • Các đầu cắm nhanh cho các nút và cổng USB phía trước
    Đầu đo điện nối dài cho V-Check Point.

Kiểu dáng thiết kế


Mang màu sắc xanh đen chủ đạo của MSI, Bigbang Marshal có kích cỡ XL-ATX.Cả chiều ngang lẫn chiều dọc đều dài hơn 2cm so với các bo mạch chủ full-ATX thường thấy, chủ yếu là để đáp ứng không gian cho 8 khe PCI-Express và một sốchi tiết khác. Với kích thước này, việc lựa chọn thùng máy phù hợp là một việc cực kỳ quan trọng. Bo mạch Gigabyte GA-X58A-UD9 không thật sự thành công tại Việt Nam một phần cũng do vấn đề case.

Chúng tôi đã thử với một trong những chiếc case có thể được xếp vào loại “to-nạc” hiện nay là Thermaltake Level 10 GT nhưng kết quả là… không vừa!

Nếu gạt qua vấn đề rắc rối với case thì MSI Bigbang Marshal chắc chắn sẽ gây ấn tượng rất tốt với dải linh kiện dày đặc nhưng gọn gàng cùng nhiều thứ “đồ chơi” lạ mắt khác mà chúng tôi sẽ đề cập sau.

Các cổng giao tiếp chính ở phía sau Bigbang Marshal bao gồm 1 cổng PS2 dùng cho chuột hoặc bàn phím, 8 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, 2 cổng eSATA, 1 cổng kết nối FireWire 1394, 2 cổng Gigabyte LAN RJ45, ngõ xuất tín hiệu âm thanh Optical, Coaxial cùng 6 giắc 3.5 ly hỗ trợ âm thanh đa kênh. Dĩ nhiên là không thể quên nút Clear CMOS nằm gọn gàng gần cổng PS2.

Việc bố trí chỉ 2 cổng USB 2.0 phía sau khiến tôi gặp một rắc rối nhỏ khi cài hệ điều hành bằng USB flash drive. Bạn biết đấy, cổng USB 3.0 đòi hỏi phải có driver đi kèm mới hoạt động được. Do đó, với 2 cổng USB 2.0, tôi chỉ có thể gắn một USB flash drive cùng với 1 chuột hoặc 1 bàn phím cổng USB. Sẽ không là vấn đề với các bạn dùng chuột hoặc bàn phím thông qua cổng PS2.

Đừng quên bạn có thể bố trí thêm 4 cổng USB 3.0 và 2 cổng eSATA bằng các card mở rộng gắng phía sau. Dùng thế nào cho hết từng này cổng giao tiếp đây ???

MSI Bigbang được trang bị đến 8 khe PCI-Express kích cỡ tiêu chuẩn. Trong đó có 4 khe chạy ở tốc độ x16 (các khe 1, 3, 5, 7), 4 khe còn lại chỉ được thiết kế để chạy ở tốc độ tối đa là 8x.

Nếu như một số bo mạch chủ cao cấp khác chọn nForce 200 làm giải pháp chạy đa card đồ họa SLI (CrossFireX mặc định được hỗ trợ bởi chipset P67) thì MSI trang bị cho Bigbang một loại vũ khí khác ít thấy hơn: Lucid Hydra. Thực tế, MSI là một trong những nhà sản xuất tiên phong đưa Lucid Hydra lên bo mạch chủ, giải pháp này cho phép bạn có thể sử dụng được tất cả các chế độ đa card đồ họa bao gồm: NVIDIA-NVIDIA, ATI-ATI và NVIDA-ATI.

Chip Lucid Hydra là thế hệ thứ 2 của công nghệ này. Bản thân chip Lucid Hydra sẽ điều khiển được 2 đường PCI-Express x16 dành cho card đồ họa (downstream) và kết nối với CPU (hoặc chipset) thông qua 1 đường x16 khác (upstream). Như vậy, với Lucida Hydra được trang bị trên Bigbang Marshal, bo mạch chủ này có thể chạy được ở chế độ 4 card đồ họa đồng thời ở băng thông x8-x8-x8-x8. Các bạn có thể tham khảo mô hình chia sẻ băng thông dành cho MSI Bigbang Marshal ở hình bên dưới và tham khảo điểm số cũng như đánh giá về hiệu quả của chip Lucid Hydra trên Guru3D.

Ngoài chip Lucid Hydra, MSI còn trang bị thêm 1 chip PLX cũng có chức năng gần gần giống với Lucid Hydra. Chip PLX sẽ cung cấp thêm một đường PCI-Express x8 khác cho 4 khe PCI-Express còn lại (chia sẻ ở chế độ x1-x1-x1-x1).

Cấu hình thử nghiệm

  • CPU: Intel Core i7 2600K
  • Mainboard: MSI Bigbang Marshal
  • RAM: 2 x G-Skill 2GB bus 1333 MHz
  • HDD: Western Digital 320GB
  • VGA: MSI HD6870 HAWK
  • Tản nhiệt: Thermalright Ultra Extreme 120
  • PSU: Thermaltake Toughpower XT 750W.

Kết luận

Dù xét ở bất cứ góc độ nào thì MSI BigBang Marshal vẫn hoàn toàn xứng đáng với cái tên của nó. Không chỉ có một thiết kế rất “chiến”, được chăm chút cực kỳ tỉ mỉ, MSI BigBang Marshal còn mang trên mình cực kỳ nhiều “vũ khí” dành cho giới chuyên nghiệp. Từ 8 khe PCI-Express cùng với chip Lucid Hydra cho thiết lập đa card đồ họa NVIDIA/ATI cho đến OC GENIE II, Multi BIOS, V-Kit, PCI-Express Cease Fire,… tất cả đều hữu dụng cho những tay chơi PC hàng đầu. Dĩ nhiên, ở góc độ người dùng thuần túy hơn sẽ quan tâm nhiều đến các cổng kết nối USB 3.0, SATA 6Gbps hay eSATA. Tóm lại, về mặt tính năng, MSI BigBang Marshal hoàn toàn thừa, vấn đề dùng thế nào cho hiệu quả vẫn nằm trong tay bạn.

Điểm gây khó khăn nhất cho người dùng ở Việt Nam khi muốn sở hữu MSI Bigbang Marshal có lẽ là việc chọn case cho nó. Kích thước hơi “quá khổ” của BigBang Marshal sẽ gây không ít khó khăn cho bạn khi chọn một chiếc case ưng ý (dĩ nhiên đến đây thì tiền không là vấn đề).

Overclock là điểm mà tôi chưa thỏa mãn trong bài viết này. Quy chuẩn, thiết bị và thời gian không cho phép tôi nghịch với các giải pháp tản nhiệt tối ưu hơn và có được CPU tốt nhất để khám phá hết năng lực của Bigbang Marshal. Rõ ràng, đấu trường của BigBang Marshal nằm trong tay các dân chơi Nitơ lỏng với nhiều thời gian để tinh chỉnh và đạt được kết quả cao hơn nhiều so với kết quả mà tôi đạt được. Dĩ nhiên, trước sau gì chiếc BigBang Marshal này cũng sẽ được nếm “hàng lạnh”, tôi sẽ đề nghị với MSI điều này, kết quả sẽ được cập nhật cho các bạn sớm nhất nếu có :D.

Hiện tại, MSI Bigbang Marshal vẫn chưa được bán chính thức tại Việt Nam và thậm chí vẫn chưa được phổ biến trên toàn cầu. Nhưng đây sẽ là một bo mạch chủ tốt và sẽ có giá hấp dẫn (trong phân khúc các sản phẩm cao cấp nhất), theo đúng như chiến lược kinh doanh của MSI.