Nét đặc trưng VHXH Bảo Lộc là gi`?

ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
Ngay từ những ngày này, UBND TX Bảo Lộc đã chú trọng vào công tác chuẩn bị một cách chu đáo để Lễ hội Trà lần II diễn ra thật ấn tượng, công phu, mang vẻ đẹp của Văn hóa Trà và mang đậm dấu ấn cộng đồng. Các kế hoạch như: chỉnh trang đô thị, tuyên truyền cổ động bằng trực quan, tổ chức hoạt động văn hóa thể thao chào mừng lễ hội, chuẩn bị các điểm tham quan du lịch, phối kết hợp với 4 địa phương trồng trà (Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Cầu Đất) tổ chức các tour tham quan du lịch về miền trà, những chương trình lễ hội đã được xây dựng cụ thể. Trong đó, việc chỉnh trang đô thị được xem là công việc cần làm ngay. Theo kế hoạch, Bảo Lộc sẽ bố trí thêm 100 thùng rác được trang trí thẩm mỹ tại các công viên, trục đường chính ở khu trung tâm, chăm sóc cắt tỉa công viên cây xanh, trồng mới cây xanh ở các công viên quảng trường 28/3, hồ Đồng Nai, đường Lý Tự Trọng, Đinh Tiên Hoàng; lắp đèn trang trí tại các tuyến đường trung tâm. Lắp mới hệ thống đèn chiếu sáng tại đường Đạm Bri và các cụm dân cư, nâng cấp các tuyến đường Trần Tế Xương, Trần Nguyên Hãn, Ký Con, Nguyễn Công Trứ, Đề Thám… Bên cạnh đó, để tạo niềm hứng khởi trong quần chúng nhân dân, nhiều hoạt động văn hóa thể thao chào mừng lễ hội sẽ diễn ra như liên hoan CLB Gia đình văn hóa TX lần thứ 3 với 119 CLB Gia đình văn hóa thuộc các khu phố, thu hút 7.500 diễn viên, vận động viên, thuyết trình viên tham gia, đăng cai tổ chức liên hoan các nhóm hát tỉnh Lâm Đồng lần thứ I (gồm các nhóm hát trên địa bàn toàn tỉnh do Trung tâm VHTT 12 huyện, thị, thành tập hợp), thu hút khoảng 20-25 nhóm hát diễn ra vào khoảng tháng 10; liên hoan “Tiếng hát xứ Trà” cho đối tượng là nam nữ thanh niên sống ở Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm, Cầu Đất diễn ra vào tháng 11; tổ chức giải bóng đá mini “tứ hùng”, giải cúp bóng chuyền TX Bảo Lộc mở rộng. Du khách đến với Lễ hội Văn hóa Trà không chỉ thưởng lãm trà, mà còn tham quan du lịch, tìm hiểu về văn hóa trà, TX Bảo Lộc đã đầu tư nâng cấp một số hạng mục công trình tại thác Đạm Bri, phối hợp với Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng, Nông trường Trà Lộc Tân và Nhà máy chế biến Trà Lộc An (tại Bảo Lâm) của Công ty Tâm Châu tổ chức cho khách đến tham quan quy trình trồng và chế biến trà. Hình thành “phố Trà” trên trục đường Trần Phú (từ Lộc Tiến đến nhà hàng Tâm Châu) bằng cách trang trí, trưng bày sản phẩm và tiếp đón khách đến tham quan uống trà, mua bán trà. Là nơi có lịch sử trồng và chế biến chè từ những năm đầu thế kỷ 20, có nhiều nông trang, đồn điền trà, có ngành công nghiệp chế biến trà, có nhiều làng trà, danh trà nổi tiếng đã khẳng định vị thế trong nước và quốc tế; người dân Bảo Lộc có nhiều kinh nghiệm trồng, sản xuất và chế biến trà đã hình thành nét đặc sắc trong ẩm thực văn hóa trà xứ B’Lao, đó là những thuận lợi làm nền tảng ban đầu để tổ chức thành công lễ hội. Tuy nhiên, những khó khăn cần xác định khi lễ hội diễn ra là cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch còn khá nghèo nàn. Ngoài khu du lịch thác Đạm Bri, các nông trường chè, các nhà máy chế biến chè, số lượng nhà nghỉ, khách sạn đang là vấn đề lớn trong việc giữ chân một lượng lớn khách lưu trú trong những ngày diễn ra lễ hội. Để giải quyết vấn đề này, TX Bảo Lộc đã chủ động phối hợp với các công ty xe buýt Phương Trang, Thái Hòa tuyến Đà Lạt – Bảo Lộc để phục vụ du khách chu đáo, tạo điều kiện để du khách vừa tham gia Lễ hội Văn hóa Trà, vừa kết hợp nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Nguồn: Báo Lâm Đồng
ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
Hiện nay, Việt Nam đã có 15 loại trà xuất đi và được ưa chuộng tại nhiều nước Châu Âu, Châu Á). Từ ngày 4 đến 7-12-2008, tại thị xã Bảo Lộc sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ hai và đây là một sự kiện văn hóa – xã hội lớn trong năm của người dân vùng trà B’Lao nói riêng và Lâm Đồng nói chung. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Quang Tường (ảnh), Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc, Trưởng ban tổ chức lễ hội văn hóa trà 2008 về sự kiện này. - Phóng viên: Lễ hội (LH) văn hóa trà Lâm Đồng 2008 sắp diễn ra tại thị xã Bảo Lộc, xin ông cho biết vài nét về chương trình lần này? Ông PHẠM QUANG TƯỜNG: Sau LH văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ nhất được tổ chức năm 2006 tại Đà Lạt, LH lần này được tổ chức tại TX Bảo Lộc, nơi có truyền thống làm trà gần 80 năm qua nhằm quảng bá thương hiệu trà B’Lao nói riêng, trà Lâm Đồng nói chung; đây cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương những người có công với sự phát triển của nghề trà ở Bảo Lộc – Lâm Đồng; là dịp động viên, khơi dậy niềm tự hào của người nông dân các làng trà trong tỉnh, là dịp để mở rộng cơ hội giao thương giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trà trong nước góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Chương trình (CT) LH được xây dựng khá đa dạng như: diễu hành xe hoa với chủ đề “Tưng bừng lễ hội”; Triển lãm “B’Lao – thương hiệu chè Việt” diễn ra trong 4 ngày; CT khai mạc với chủ đề “Hương sắc trà B’Lao” vào tối 4-12 sẽ là CT chính với màn diễu hành xe hoa, cảnh diễn nghệ thuật, hợp xướng của nông dân làng trà, tôn vinh các tổ chức, cá nhân làm trà tiêu biểu, biểu diễn nghệ thuật; Hội thi “Duyên dáng xứ trà” với sự tham gia của con em người làm trà; Hội thảo “Cùng nông dân ra đồng sản xuất trà theo hướng GAP”. Cũng trong thời gian diễn ra LH, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị kỹ thuật công nghệ trồng và chế biến trà các nước ASEAN; đêm hội “Sắc màu Tây Nguyên” mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào bản địa được tổ chức tại khu du lịch thác Đamb’ri, CT Hội thi “Pha trà và kiến thức về trà” tại doanh nghiệp trà Trâm Anh, Đêm trà Tâm Châu của Công ty Trà Tâm Châu, các CT biểu diễn nghệ thuật tại các điểm diễn ra LH của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, đoàn nghệ nhân Đà Nẵng… Bên cạnh đó là các CT mở với chủ đề “Sắc màu lễ hội” sẽ diễn tra liên tục trong những ngày LH như triển lãm ảnh nghệ thuật “B’Lao quê tôi”, cuộc đua pedallo, cuộc thi hái trà và đua thuyền trên hồ nông trường trà Tâm Châu; Liên hoan “Giọng hát hay xứ trà”, cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi “Xứ trà quê em”; các trò chơi dân gian, đua xe đạp tay cầm ngang, giải bóng đá tứ hùng các làng trà Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Cầu Đất… - So với lễ hội lần thứ nhất, lễ hội lần này có nội dung gì mới? Nét mới của LH lần này là sự tham gia của chính những người nông dân các làng trà địa phương vào các hoạt động của LH. Sự tham gia của đội hợp xướng làng trà Lộc Tiến, của đội kèn đồng làng trà Lộc Thanh, của học sinh con em nông dân các làng trà, các doanh nghiệp làm trà địa phương vào cảnh diễn nghệ thuật, triển lãm, diễu hành xe hoa; trực tiếp tổ chức các CT trong khuôn khổ LH như Tâm Châu, Trâm Anh và rất nhiều doanh nghiệp khác. Thậm chí các lực lượng làm nghệ thuật như các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật sinh ra và lớn lên ở vùng trà cùng góp mặt với mong ước giới thiệu về quê hương xứ trà B’Lao đến với mọi người. - Các cuộc thi người đẹp tổ chức ở Việt Nam trong vài năm qua đã gây ra những dư luận không tích cực, vậy cuộc thi “Duyên dáng xứ trà” có tránh được vết xe đổ này? Hội thi “Duyên dáng xứ trà” tổ chức trong khuôn khổ của LH lần này được xác định là sân chơi cho các con em của người nông dân, người công nhân vùng trà. Chúng tôi không coi đây là một cuộc thi hoa hậu, thi sắc đẹp mang tính chuyên nghiệp. Dĩ nhiên cái “Duyên dáng xứ trà” chính là sự tổng hợp cái nét đẹp bên ngoài và cả cái đẹp bên trong mỗi thí sinh tham gia đều được ban tổ chức chú ý. Chúng tôi hy vọng qua hội thi sẽ giới thiệu đến với mọi người cái nét duyên dáng của những nữ thanh niên xứ trà B’Lao cũng như các địa phương làm trà trong tỉnh. - Lễ hội văn hóa trà năm nay liệu có huy động được đông đảo người dân thị xã tham gia không thưa ông? Sự tham gia của người dân vào một LH có ý nghĩa rất lớn, nhất là đây lại là LH hướng đến những người làm trà - một nghề phổ biến ở địa phương. Ban tổ chức đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân thị xã Bảo Lộc hiểu và cùng với huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh tham gia vào các hoạt động của LH. Riêng nhân dân thị xã đã có sự chuẩn bị để nhập cuộc với LH thông qua việc chỉnh trang nhà cửa, làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo đèn lồng trước nhà cũng như tham gia tập luyện phục vụ cho các CT của LH cho thấy người dân đã gắn mình với LH lần đầu tiên tổ chức trên chính quê hương của những người làm trà. - Được biết kinh phí tổ chức LH cũng là một trong những khó khăn của BTC, vậy kinh phí tổ chức được xã hội hóa như thế nào? Kinh phí tổ chức LH là một vấn đề mà BTC lo lắng, ngoài nguồn kinh phí được tỉnh hỗ trợ và một phần của ngân sách địa phương, chúng tôi rất quan tâm đến sự hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các địa phương. Trong điều kiện tổ chức LH lần này không tìm được nhà tài trợ chính thức, chúng tôi đã đón nhận sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp thêm nguồn kinh phí để LH được tổ chức thành công. Xã hội hóa từ nguồn lực, đến lực lượng tham gia sẽ là những khó khăn cho việc tổ chức một LH nhưng BTC hiểu rằng đây cũng chính là bản chất đích thực của LH mang tính cộng đồng. Để chuẩn bị cho một LH lớn, Bảo Lộc cũng còn nhiều khó khăn khác như cơ sở lưu trú cho du khách, hạ tầng giao thông, và lực lượng tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm… rất cần được sự cảm thông, chia sẻ. - Cá nhân ông và BTC kỳ vọng gì ở LH văn hóa trà năm nay? Bản thân tôi và BTC đều mong muốn LH diễn ra tốt đẹp. Qua LH lần này, chúng tôi sẽ rút ra những kinh nghiệm, những bài học có giá trị cho việc điều hành phối hợp tổ chức những sự kiện có quy mô khác. Và điều mong muốn nhất của tôi, của BTC cũng như của mỗi người dân là sau LH, nghiệp làm trà của người nông dân, của các doanh nghiệp sẽ khởi sắc, Bảo Lộc - B’Lao sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn với vùng đất thơm ngát hương trà. - Xin cảm ơn ông!
ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
LỄ HỘI VĂN HÓA TRÀ LÂM ĐỒNG LẦN 2 NĂM 2008 (Thứ Hai, 01/12/2008-10:14 AM) Lễ hội văn hóa Trà Lâm Đồng năm 2008 sẽ chính thức diễn ra tại sân khấu chính quảng trường 23 tháng 08 thị xã Bảo Lộc từ ngày 4 -7.12.2008. Báo Du Lịch đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Dương Kim Viên, Phó Chủ tịch thị xã Bảo Lộc, Phó trưởng ban thường trực lễ hội. Thưa ông, chúng ta đã rất thành công trong Lễ hội Văn hóa Trà lần thứ nhất năm 2006 tổ chức tại TP.Đà Lạt, để tiếp theo những thành công đó, lần thứ hai này có gì mới so với lần trước? - Sau thành công rực rỡ của Lễ hội văn hóa Trà lần thứ nhất, năm nay chúng tôi kế thừa và phát huy làm sao cho ngày Hội Văn hoá Trà thực sự là một ngày của người nông dân trồng và chế biến trà. Hơn bao giờ hết, đây là một lễ hội được tổ chức dành cho những người một nắng hai sương, quanh năm làm lụng quần quật trên những cánh đồng chè, họ mang lại cho đời những vị ngọt của cuộc sống, cho nên họ sẽ là trung tâm điểm của lễ hội. Chúng tôi cũng sẽ phát huy tối đa tính chất xã hội hóa, để ai ai khi đến với lễ hội cũng có cảm giác là lễ hội tổ chức cho chính mình. Tính từ thời điểm này, thời gian không còn nhiều là diễn ra đêm hội khai mạc, BTC đã sẵn sàng đến đâu? Thưa ông – Từ bây giờ đến khi diễn ra lễ hội thời gian đang được “đếm ngược”, mọi thứ đã đâu vào đấy. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, để sẵn sàng bước vào chương trình chính thức. Tôi cũng không khỏi hồi hộp vì đây là lần đầu tiên Bảo Lộc được giao nhiệm vụ tổ chức một chương trình lễ hội vượt ra khỏi phạm vi địa phương. Để Lễ hội diễn ra trong sự an toàn, tốt đẹp chúng tôi cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực du lich tuyệt đối không được tự ý tăng giá, phải xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, để làm sao tạo dấu ấn tốt trong lòng du khách về một Bảo Lộc hiền hòa. Trong 7 chương trình chính thức và 10 chương trình mở, thì đâu sẽ là chương trình BTC lấy làm điểm nhấn – “linh hồn” của Lễ hội? – Đêm hội khai mạc, với chủ đề “Hương sắc trà B’lao” sẽ là điểm nhấn chính trong suốt chương trình lễ hội. Buổi khai mạc sẽ diễn ra trong thời lượng 105 phút (từ 20h – 21h45), trong đó chúng tôi sẽ thể hiện nhiều tiết mục đặc sắc. Cụ thể trong phần nghi thức khai mạc sẽ có tiết mục “Âm vang nam Tây Nguyên” trình diễn nhạc cụ Tây Nguyên, tiếp đó là diễu hành theo 3 chủ đề; 1 – “Tái hiện lịch sử trong không gian văn hóa”; 2 – “Khởi nguồn, điểm mốc thời gian để nhớ & tri ân; 3 – “Biển lớn – điểm hiện của thời gian”. Đoàn diễu hành sẽ chở các bậc tiền bối, trên 200 diễn viên và công nhân các làng trà, những chiếc xe chở nông cụ sản xuất và chế biến trà truyền thống, xe chở các nông dân sản xuất giỏi,… tất cả lần lượt đi ngang qua sân khấu chính, để nhằm tôn vinh những người có công đóng góp cho sự phát triển thương hiệu trà B’lao, giới thiệu nét phong phú đặc sắc về văn hóa của thị xã Bảo Lộc nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Qua Lễ hội Trà lần này, du khách, người dân trồng và chế biến trà sẽ được lợi gì?Thưa ông – Mục tiêu của Lễ hội Văn hóa Trà lần này không gì ngoài nhằm tôn vinh nghề trồng và chế biến trà của nông dân Lâm Đồng, tôn vinh người nông dân trồng trà, thông qua lễ hội quảng bá thương hiệu trà B’lao. Đây là một cơ hội rất hiếm hoi để các doanh nghiệp, cá nhân có cơ hội quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình cho bạn bè trong nước, thậm chí còn tìm kiếm đối tác trên trường quốc tế, từ đó thiết lập các mối quan hệ làm ăn. Còn với du khách, về với lễ hội trà là họ sẽ được sống trong không gian của lễ hội, thưởng thức hương vị của trà B’Lao, tham quan những danh lam thắng cảnh còn nguyên sơ của Bảo Lộc. Ngoài ra du khách cũng có thể tham gia các tour thăm thú làng trà, tìm hiểu về cuộc sống một nắng hai sương của người nông dân, tìm hiểu công nghệ chế biến trà. Theo ông, thì tổ chức Lễ hội Văn Hóa Trà có phải là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu trà B’lao? – Theo tôi, thì lễ hội không phải là cách duy nhất, nhưng nó là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu trà B’lao. Bởi lẽ chúng ta có rất nhiều cách để giới thiệu sản phẩm như: quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, liên kết kinh doanh, tạo sản phẩm chất lượng tốt,… nhưng theo tôi nghĩ là tổ chức lễ hội là cách tốt nhất để quảng bá thương hiệu trà B’lao, tất cả được tái hiện trong một không gian và thời gian đầy ắp, hơn thế nữa, các doanh nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, giao thương với nhau, tìm kiếm đối tác thông qua các cuộc hội thảo diễn ra trong suốt chương trình lễ hội. Xin cảm ơn ông, chúc cho Lễ hội gặt hái được nhiều thành công.
ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
Ở Việt Nam, luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương. Rất tiết độ, người Việt không uống trà nhiều, uống đặc và liên tục vì quan niệm trà là một triết học về sự tế nhị, thanh tao, sự suy ngẫm và. đầu óc tỉnh táo, là sự giao hoà với thiên nhiên, sự ứng xử với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con nguời... Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hoá trà thanh lịch và tỏa hương. Trà phong của người Việt Với nhiều dân tộc trên thế giới, từ lâu trà (gọi chệch đi là chè) đã trở thành một thứ đồ uống hết sức thông dụng. Người Nga, Anh, Pháp hay Hà Lan đều say mê trà theo cách riêng của mình. Ðặc biệt, với người dân châu á, uống trà được nâng thành thứ nghệ thuật thưởng thức sành điệu mang đậm chất thơ và màu sắc tôn giáo. Nổi bật có Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Nhật Bản có trà đạo, Trung Hoa và Việt Nam không có trà .đạo vì muốn giữ trà ở vị trí nghệ thuật và quan niệm rằng nghệ thuật phải phi công thức. Trung Hoa có ' ' Trà Kinh' ' , hàng nghìn trang sách và hàng vạn tư liệu nói về nghệ thuật uống trà đã được trưng bày thành bảo tàng trà. Việt Nam có cách uống trà riêng, có thể gọi là trà phong (phong cách uống trà). Phong cách uống trà của nguời Việt không hề bị ảnh hưởng theo Trung Hoa hay Nhật Bản như quan niệm của nhiều người. Nghệ thuật uống trà biểu hiện phong phú những khía cạnh văn hóa ứng xử của người Việt Nam. Trong gia đình truyền thống, người dưới pha trà cho người trên, phụ nữ pha trà cho đàn ông. Người ta có thể uống trà một cách im lặng khi sự im lặng chứa chất nhiều điều, người ta có thể xét đoán tâm lý của người đối diện lúc dùng trà và khi đã trở thành một cái thú thì không thể quên nó. Trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Trà trong lịch sử văn hoá Việt Nam Toàn thế giới có 40 nước trồng trà và kho dữ liệu trà của Trung Quốc đã khiến người ta cho rằng đó là quê hương của cây trà. Nhưng các tư liệu cổ và những kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học nước ngoài cùng Hiệp hội Chè Việt Nam đã chỉ ra rằng trà không xuất xứ từ Trung Hoa (không thấy cây trà thiên nhiên hay cây trà hoang ở châu thổ sông Hoàng Hà). Quê hương của cây trà ở tận phương Nam. Mặc dù người Trung Hoa đã biết đến trà từ đời Chu nhưng mãi đến thời kỳ nhà Tùy, cây trà mới từ phương Nam (Nam Chiểu xưa) và Việt Nam (Nam Việt xưa) nhập vào Trung Quốc. Ðến đất Trung Hoa, trà được chăm sóc tinh vi và sau nhiều năm tháng, trà được đưa lên hàng nghệ thuật. Thứ nữa, theo tài liệu khảo cứu của Uỷ ban Khoa học Xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời kỳ đồ đá Sơn Vi (văn hóa Hòa Bình). Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn-Nghĩa Lộ-Yên Bái), trên độ cao 1,000 met so với mặt biển, có một vùng chè hoang khoảng 40,000 cây chè dại, trong đó có một cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể. Như vậy, có thể nói Việt Nam chính là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Ngay từ thế kỷ XVIII, Phạm Ðình Hồ đã viết về uống trà từ trước đó hàng nghìn năm. Nguyễn Tuân có tùy bút về trà, Thạch Lam viết về trà xanh, Cao Bá Quát chê người uống trà ướp hương. Ca dao thì nói: " Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà mạn hảo xem nôm Thuý Kiều... " Chàng trai xưa còn tự hào: " Anh đây hay tửu hay tăm, hay nước trà đặc hay nằm ngủ trưa..." Trà là cái thú của người lịch lãm, trong đó trà mạn (thứ tốt là trà mạn hảo) mà trước thường quen gọi là trà Tàu là thứ trà quý nhất. Trà có nhiều loại. Người nông thôn trồng mấy gốc trà bởi có thú ra vườn tuốt mấy nắm lá, hãm một nồi to, ăn khoai luộc, hút thuốc lào... Sang hơn có trà ' ' mật vịt' ' (trà xanh pha đặc như mật con vịt). Trà hạt là nụ trà phơi khô, ủ vào tích có hoa cúc chi hoặc mấy lát gừng cho ấm giọng. Xoàng là trà bồm, lá già, tận dụng khi đốn đau cây trà .để chờ lứa trà búp mới mùa xuân. Trà bánh còn ' ' xoàng' ' hơn nữa, giống như một thời có loại chè ba hào hoặc nói vui " chín hào ba" (chín hào ba gói), nước vàng vàng mà không hương không vị. Người Nghệ An, Hà Tĩnh có tục mời nhau uống chè tươi, chè xanh vì họ coi trọng tình làng nghĩa xóm. Mùa hè nóng, đi làm đồng về, thứ quý nhất là bát chè xanh đặc pha chút đường. Trà mạn xưa cũng là trà lá già, sau ướp sen thành trà mạn sen là thứ quý. Thời bao cấp, trà loại hai đã là quý. Tết mới được phân phối mỗi gia đình một gói, trà loại một đã là mừng lắm, đó là Thanh Hương, Thanh Tâm, gói 50 gram. Hai loại trà ngon nhất Việt Nam là trà Thái Nguyên và Trà tuyết Suối Giàng bởi do đặc điểm vùng tiểu khí hậu, trà trồng ở nơi ấy có tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn và tỷ lệ tananh (chất chát) ít hơn so với trà trồng ở các tỉnh khác. Không chỉ là thứ đồ uống thơm ngon, trà còn là một loại dược thảo rất tốt. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trong lá chè có chứa 20% tananh có tác dụng sát khuẩn mạnh, một lượng lớn caffêin, hợp chất thơm, tinh dầu cùng một số loại vitamin... Hai công dụng lớn nhất của lá chè là làm tăng tuần hoàn máu, tăng cường chức năng hoạt động của thận và giúp tế bào AND tái tạo, giảm bớt các đột biến gen có thể dẫn đến ung thư, chữa bệnh sâu răng, kích thích hệ thần kinh trung ương giúp cho tinh thần sảng khoái. Caffein trong trà giúp cho lợi niệu, dễ tiêu hóa, chữa chứng xơ vữa động mạch, loại trừ chất độc trong cơ thể, lưu thông khí huyết. Dân gian Việt Nam và Trung Quốc còn lưu truyền vô vàn cách chữa bệnh bằng chè. Người xưa có thơ rằng: Bán dạ tam bôi tửu Bình minh sổ trản trà Mỗi nhật cứ như thử Lương y bất đáo gia (Mai sớm một tuần trà Canh khuya dăm chén rượu Mỗi ngày được như thế Thầy thuốc xa nhà ta) Nhưng có lẽ trà quan trọng và nổi tiếng hơn chính vì ở nhiều nước, việc uống trà đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa, tiêu biểu là Văn hóa Thiền. Nét đẹp nhất của văn hóa Thiền tông là thế giới thuần khiết, thanh tịnh, tao nhã và êm dịu. Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam là người ta lại nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội bởi vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.
ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
Trà Sen Muốn có trà ngon người ta phải ướp từ những loại trà khô như là trà mộc (black tea), trà xanh (green tea) hay trà Ô long có màu nâu sẫm. Ướp trà là một kỳ công phối hợp tinh tế giữa phong cách tao nhã, sành điệu và "ỷ thuật vi tế”. Ướp trà thường dùng các loại hoa sen, hoa cúc, hoa ngâu, hoa lài, hoa sói. Mỗi loại hoa làm cho trà có một hương vị khác nhau. Ðôi khi người ta ướp với cam thảo hay sâm để khi uống trà cảm thấy vị ngọt ở cổ họng và tinh thần phấn chấn. Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhiều nhà trà học lý giải "bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy". Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì "Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá... đều là những vị thuốc hay". Sen để ướp trà phải dùng loại sen bách hoa, phía bên trong các cánh hoa lớn có hàng trăm cánh nhỏ ôm sát vào nhau, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Mua sen bách hoa về,(hoa sen phải hái trước lúc bình minh, phải lựa những ngày nắng ráo, tránh sau ngày mưa ) bóc từng lớp cánh sen, kế đến tẽ những hạt trắng ở đầu nhụy hoa (gạo sen), trộn chung với trà, ủ trong vò kín từ một đến hai ngày cho gạo sen quắn lại rồi mới đưa trà lên sấy khô bằng than hay bằng nước nóng cách thuỷ. Phải giữ cho nhiệt độ vừa phải và điều hoà để không mất mùi hoa. Ứơp một kí-lô trà phải dùng tới hàng trăm bông sen, và phải làm nhiều lần như thế mới dùng được. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát. Uống một tách trà vào thấy tinh thần tỉnh táo, thoải mái làm sao! Nhiều nghệ nhân về trà còn tiết lộ: "Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại "một tôm hai lá" và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây hoặc là sen ở hồ Tịnh Tâm-Huế (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác)." Cụ Nguyễn Tuân ca ngợi kiểu ướp hương trà bằng cách bỏ trà mạn vào bông sen mới nở, buộc lại. Thực ra, cách chơi ngông đó của Cụ Nguyễn vừa rất cầu kỳ vừa không để trà được lâu (hay bị mốc) và hay bị mất hương, chỉ có thể dùng cho lượng trà rất ít và phải uống ngay. Trà Phong Việt Nam (Phong cách uống trà Việt Nam) Người Nhật có lối uống trà rất khác biệt với các dân tộc khác, khi uống trà họ phải tuân giữ một vài nghi thức nên gọi là Trà đạo. Ðối với Trung Hoa và Việt Nam, lối uống trà chỉ được coi như là nghệ thuật mà thôi, nghệ thuật thì không cần phải khuôn sáo hay công thức. Phong cách uống trà của Việt Nam không hề bị ảnh hưởng của Tàu hay Nhật như quan niệm cuả nhiều người. Nghệ thuật uống trà phản ảnh phong cách văn hoá ứng xử của người Việt Nam.Trong gia đình truyền thống, người nhỏ pha trà mời người lớn, phụ nữ pha trà mời các ông. Người ta có thể uống trà trong yên lặng suy gẫm như để giao hoà với thiên nhiên, như để tiếp cận giữa con người với môi trường, như để nhận xét, để thảo hoạch những dự án phúc lợi cho đại chúng. Khi đã trở thành thói quen rồi thì khó mà quên được.Trà đồng nghĩa với sự tỉnh thức, sáng suốt, mưu cầu điều thiện, xa điều ác. Theo truyền tụng, hình thức uống trà được khởi nguồn từ các chùa chiền gọi là Thiền Trà. Các nhà Sư thường uống trà trước các thời công phu sớm chiều. Cuộc đời trần tục nhiều hệ lụy, trà giúp cho con người tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, xoá tan cảm giác tĩnh mịch chốn thiền môn. Ngày nay chỉ còn ngôi chuà Từ-Liêm ngoài Bắc là giữ được nghi thức Thiền Trà này. Sau đó, trà được ưa chuộng trong giới quý tộc, trong cung đình như là một bằng chứng của sự quyền quý, để phân biệt với giai cấp thứ dân trong xã hội phong kiến. Kế đến, trà chinh phục các tầng lớp trung lưu, nhất là các nhà Nho, các chú học trò "dài lưng tốn vải ăn no lại nằm", mượn bộ ấm trà để bàn luận văn chương thi phú, để tiêu khiển giải trí sau những giờ điên đầu vật vã với tứ thư ngũ kinh. Do đó, dần dà uống trà là một lối tiêu khiển thanh đạm được tất cả mọi giới ưa chuộng. Pha trà mời khách cũng phải tốn nhiều công phu hàm dưỡng và trở thành một nghi thức. Trà-phong Việt Nam thật là trân trọng ở cách dâng mời nhiều ngụ ý. Dù mưa nắng, sớm chiều, buồn vui khách không thể từ chối một chung trà trong khi gia chủ trang trọng hai tay dâng mời. Mời trà là một hành vi biểu hiện phong độ thanh nhã và hiếu khách của hầu hết các gia đình Việt Nam. Kỵ nhất là tiếp khách bằng những tách trà còn đóng ngấn hoen ố nước trà cũ. Cũng không bao giờ tiếp khách bằng một ấm nước trà nguội. Tách trà tiếp khách là thể hiện những tình cảm tối thiểu nhất, không thể tuỳ tiện coi thường, dù không nhất thiết phải là loại trà thượng hảo hạng. Uống trà cũng phải uống từ ngụm nhỏ, để cảm nhận hết cái dư vị thơm ngon cuả trà, cái hơi ấm cuả chén trà tỏa vào hai bàn tay ấp ủ nâng chén trong muà đông tháng giá, làm ấm lòng viễn khách. Uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hoá và cảm tình cùng người đối thoại. Trong ấm trà ngon, người cùng uống tâm đầu ý hợp, dưới ánh trăng thanh gió mát, ngắm khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng mà luận bàn thế sự thì không còn gì thú vị hơn nữa. Chỉ có những tao nhân mặc khách mới thưởng thức được trọn vẹn cái phong vị cuả cách uống trà này, chứ không phải như kẻ phàm phu tục tử bưng ly trà to tổ bố lên uống ừng ực, người ta gọi là "ngưu ẩm" hay là uống như trâu uống nước. Ngoài các lối uống trà đơn giản đến cầu kỳ trong các gia đình Việt Nam, các cụ ngày xưa còn có những hình thức hội trà. Ðó là uống trà thưởng xuân, uống trà thưởng hoa, uống trà ngũ hương. Hội trà là tụ họp những người bạn sành điệu cùng chung vui trong các dịp đặc biệt hoặc có hộp trà ngon, hay có một chậu hoa quý hiếm trổ bông, hay trong nhà có giỗ chạp. Thưởng trà đầu xuân là thói quen cuả các cụ phong lưu, khá giả. Trước tết, các cụ tự đi chọn mua các cành mai, đào, thuỷ tiên hay các chậu hoa lan, hoa cúc ở tận các nhà vườn, và chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết, nhất là một hộp trà hảo hạng. Sáng mồng một, cụ pha một bình trà và ngồi chỗ thích hợp nhất, thường là giữa nhà. Cụ ngồi tĩnh tâm, ngắm nhìn những đoá hoa nở rộ, thưởng trà. Khoảng 8 giờ sáng, cả đại gia đình sum họp quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe những lời dặn dò của Cụ. Trẻ con thì chờ lì xì. Uống trà thưởng hoa quý như hoa Quỳnh, hoa Trà, cũng là cái thú của nhiều người. Khi nhà cụ nào có một chậu hoa trổ, cụ chuẩn bị và mời các bạn già sành điệu tới ngắm hoa, luận bàn thế sự, hay dặn dò con cháu. Hội trà ngũ hương chỉ giới hạn có năm người thôi. Trên khay trà có năm lỗ trũng sâu, dưới các lỗ trũng đó để năm loại hoa đang độ ngát hương : Sen, Ngâu, Lài, Sói, Cúc. Úp chén trà che kín các hoa lại rồi mang khay để trên nồi nước sôi cho hương hoa bắt đầu xông lên bám vào lòng chén. Pha bình trà cho thật ngon rót đều vào từng chén, mỗi người tham dự sau khi uống trà phải đoán hương trà mình đã uống và nhận xét. Sau mỗi tuần trà lại hoán vị các chén trà để mọi người đều thưởng thức được hết tinh tuý của năm loại hoa.
ko ro
ko ro
Trả lời 15 năm trước
1/ Cây chè là cây bản địa Vùng nguyên sản cây chè trên thế giới đã được nhiều nhà khoa học tranh luận đã hai thế kỷ nay nhưng vẫn chưa kết thúc. Đã có năm thuyết về nguồn gốc cây chè : Trung Hoa, ấn Độ, Việt Nam, nhị nguyên và chiết trung (xem Đỗ Ngọc Quỹ – Vùng nguyên sản cây chè, Tạp chí Hội khoa học lịch sử, Xưa và Nay số 127, XI 2002, trang 32). Từ những tư liệu trong và ngoài nước của các nhà khoa học tự nhiên, sử học và xã hội học kể trên đã công bố đến nay, có thể rút ra nhận thức mới về nguồn gốc cây chè trên thế giới: “Cây chè có nguồn gốc ở vùng sinh thái gió mùa Đông nam á, bao gồm vùng Tây nam Trung Quốc, Bắc Myanmar, Bắc Lào và Bắc Việt Nam hiện nay. Cây chè được cư dân Bách Việt phương Nam, thuộc nền văn hoá lúa nước phát hiện đầu tiên trên thế giới làm dược thảo; rồi lan truyền lên phương Bắc của dân tộc Hán có nền văn hoá nông nghiệp cạn và du mục Hoàng Hà. Từ đó phát triển mạnh mẽ về công nghệ chế biến thành nước trà, một thứ nước uống giải khát phổ cập ở Trung Hoa, rồi từ đó truyền bá ra khắp năm châu đã có trên 4000 năm lịch sử”. 2/ Vua Thần Nông là ông tổ nghề chè của các dân tộc Bách Việt Vua Thần Nông của vùng lúa nước phương Nam Trung Hoa, thường được coi là người đầu tiên phát hiện cây chè là một dược liệu. Như vậy theo truyền thuyết thì vua Thần Nông là ông tổ nghề chè của các dân tộc Bách Việt văn minh lúa nước phía Nam sông Dương tử, Trung Quốc. Nhưng khoa học hiện đại chưa có bằng chứng đáng tin cậy, vì cách đây 4000 năm ở Trung Hoa chưa có chữ viết cho nên có học giả Trung quốc cho rằng vua Thần Nông chỉ là truyền thuyết mà thôi, vả lại với trình độ khoa học thời cổ đại một người không đủ tài năng giỏi cả ba nghề nông, đồ gốm và dược liệu được. Đáng ghi nhớ ở Nhật Bản còn có truyền thuyết cây chè mọc ra từ đôi mi mắt của một nhà tu hành vứt xuống đất mọc lên ! 3/ Hiện nay chưa phát hiện tư liệu lịch sử khoa học nào ghi chép về người trồng chè đầu tiên ở Việt Nam. Việt Nam trước hồi Pháp thuộc đã có hai vùng chè: vùng chè tươi châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam và vùng chè cổ thụ dân tộc miền núi phía Bắc. Gần đây mới có một thông tin ông nghè Sổ là ông tổ nghề chè ở xã Tân Cương, Thái Nguyên. Nhưng trà Thái mới nổi tiếng trong phạm vi một xã vào khoảng những năm 1960 – 1980. Còn dân tộc Lạc Việt đã uống chè tươi từ xa xưa, mà nhà bác học Lê quý Đôn đã ghi chép trong cuốn Vân Đài loại ngữ năm 1773. Còn chè mạn chế biến từ búp những cây chè Shan cổ thụ của đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng … cũng chưa có tư liệu nào xác định được có từ bao giờ ? Tóm lại đến ngày nay khoa học và lịch sử vẫn chưa có lời giải đáp đủ tin cậy về ông tổ nghề chè Việt Nam. Bông hoa Sói để ướp trà (hình chụp tại Bảo Lộc)Chè hột hoa sói – Chữ chè thường dùng ở miền Bắc có nghĩa loại trà để uống. Hoa sói là một loại hoa ở miền Bắc dùng để ướp trà. Chữ hột có thể hiểu là chè trồng bằng hạt, rồi chế biến thành trà khô sản phẩm. Bạn có thể xem phân bố và hình vẽ cây hoa sói trong các cuốn Phân loại thực vật ở Việt Nam. Nước sông Nhị Hà (Sông Hồng) có nghĩa là trà ướp hoa sói + pha với nước sông Nhị Hà. (Phạm Đình Hổ nhà văn thời Hậu Lê dẫn bạn đi ngắm cảnh ven sông rồi cũng múc nước sông Tô Lịch hồi đó còn rất trong để pha trà, nhưng ngày nay thì không dùng được vì ô nhiễm nặng). Như vậy nhiều khả năng câu này xuất phát từ châu thổ sông Hồng ở miền Bắc. Công nghệ trà hoa tươi Hoa tươi gồm có các loại sen, nhài, ngọc lan, sói (chu lan), bưởi, quít, quế, hồng, mộc lan ... Trà thường dùng là trà xanh sao chảo (kiểu trà thái) Chuẩn bị trà và hoa tươi --> Trộn lẫn hoa và trà --> Thông hoa --> Sàng hoa --> Sấy khô --> Để nguội --> Đề hoa --> Sàng hoa --> Trà thành phẩm. (xem Đỗ Ngọc Quỹ. Cây chè – Sản xuất, chế biến, tiêu thụ, NXB Viện nghiên cứu và phổ biến kiến thức bách khoa, Hà Nội, 2003, Chương 4 Công nghệ, trang 157 – 158). 11. Việt Nam có Trà đạo không ? Theo “ Từ điển tiếng Việt “ của Viện Ngôn Ngữ Học, do Hoàng Phê chủ biên (1998) trang 280, chữ đạo có ba nghĩa sau đây : Đường lối, nguyên tắc mà con người phải giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội như đạo làm người, đạo vợ chồng, ăn ở cho phải đạo ... Nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa, như tầm sư học đạo, mến đạo thánh hiền ... Một tổ chức tôn giáo, như đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Hồi, đi đạo ... Hiểu theo ý nghĩa thứ ba “một tổ chức tôn giáo” như Trà Đạo Nhật Bản có ba tiêu chí giáo lý, giáo chủ và thánh đường, thì Việt Nam không có Trà đạo. Còn hiểu theo nghĩa thứ nhất “đường lối, nguyên tắc mà con người phải giữ gìn tuân theo trong cuộc sống xã hội”, thì Việt Nam có Trà đạo. Đó là phong tục tập quán uống trà hay nghệ thuật uống trà, với nội dung bao gồm cách thưởng thức phẩm chất của trà và giá trị phi vật thể biểu hiện trong nghi thức giao tiếp ứng xử, như đạo đức niềm tin của con người đối với bản thân, xã hội và đất nước. Như vậy Trà chỉ là một vật phẩm xúc tác dùng trong hoạt động giao tiếp, lễ nghi và tôn giáo mà thôi, chứ không có nghĩa huyền bí khó hiểu như khái niệm “ Trà là hiện thân của Đạo, theo công thức Trà = Đạo = Phật (Ngô Linh Ngọc) “.