Quan điểm của CN Mac Lênin về thời kỳ hóa độ lên chủ nghĩa xã hội

triet hoc
jdhgjfg
jdhgjfg
Trả lời 13 năm trước

Sau khi đập tan mưu toan của các nước đế quốc và các lực lượng phản cách mạng trong nước nhằm tiêu diệt chính quyền Xô-viết, Lê-nin tuyên bố: Trọng tâm toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước Xô-viết chuyển sang việc tổ chức công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, những năm chiến tranh đã làm cho nền kinh tế của nước Nga Xô-viết rơi vào tình trạng vô cùng suy sụp và kiệt quệ. Lợi dụng những khó khăn trong nước và sự bất mãn của nhân dân lúc bấy giờ, những phần tử phản cách mạng theo phái dân chủ lập hiến, "xã hội chủ nghĩa cách mạng", men-sê-vích, dân tộc chủ nghĩa tư sản, chủ nghĩa vô chính phủ đã điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng. Thực tế trên cộng với sự dao động của một bộ phận đảng viên càng làm cho tình hình chính trị trong nước những năm đầu tiên sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười trở nên khó khăn và nghiêm trọng hơn.

Trong hoàn cảnh đầy cam go như vậy, ở bước chuyển giai đoạn của cách mạng, Lê-nin đã đề xuất những quan điểm, đặc biệt là những quan điểm kinh tế hết sức sáng tạo, độc đáo, đúng đắn, khoa học và cách mạng. Những quan điểm kinh tế của Người không chỉ là những giải pháp cụ thể cho một tình hình cụ thể, mà còn chứa đựng những chân lý, những nguyên lý, nguyên tắc của quản lý kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và của việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa nói chung.

Quan điểm chỉ đạo của Lê-nin về việc xây dựng và phát triển chính sách kinh tế trong thời kỳ quá độ được khởi đầu từ việc Người soạn thảo bản Cương lĩnh về những biện pháp quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ trước khi nổ ra Cách mạng tháng Mười. Những biện pháp này đã được triển khai vào cuộc sống trong khoảng thời gian từ tháng 10-1917 đến tháng 5 - 1918. Trong các tác phẩm viết vào thời gian này, Lê-nin đã đưa ra hàng loạt các luận điểm cốt lõi làm cơ sở lý luận cho việc chấn hưng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách kinh tế này sau đó được tiếp tục phát triển và hoàn thiện dần qua nhiều tác phẩm mà Người viết vào những năm 1921-1923.

Theo quan điểm của Lê-nin, chính sách kinh tế của đảng không phải là chính sách chỉ dành riêng cho một thành phần kinh tế nào đó. Chính sách kinh tế của đảng càng không phải chỉ là tổng số giản đơn các hoạt động kinh tế. Với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối chung của đảng, chính sách kinh tế phản ánh những mối quan hệ về mặt kinh tế giữa các giai cấp, và trong phạm vi những mối quan hệ ấy, chính sách kinh tế đóng vai trò là "kế hoạch", "phương pháp" hay "chế độ hoạt động" phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Phân tích tính chất quá độ của nền kinh tế, Lê-nin đã chỉ rõ 5 thành phần kinh tế tồn tại ở Nga khi đó: Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; sản xuất hàng hoá nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước; chủ nghĩa xã hội. Trong nền kinh tế nhiều thành phần này, thành phần những người tiểu nông sản xuất nhỏ (mà chủ yếu là nông dân) chiếm phần đông dân cư. Với đặc điểm đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể giành thắng lợi trong điều kiện liên minh chặt chẽ giữa giai cấp vô sản nắm chính quyền với đa số nông dân. Vấn đề này không những được khẳng định như một giá trị phổ biến trong chính sách kinh tế của đảng ở thời kỳ quá độ, như một nguyên tắc bắt buộc đối với tất cả các nước tiểu nông bước vào con đường phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn là một đòi hỏi đối với những đảng cộng sản cầm quyền phải biết phân tích kỹ lưỡng những đặc điểm của nước mình trong khi triển khai chính sách kinh tế.

Bước ngoặt mang tính sáng tạo đầu tiên có ý nghĩa quyết định trong quan điểm kinh tế của Lê-nin chính là quyết định thực hiện thuế lương thực thay cho chế độ trưng thu lương thực thừa ngay từ những ngày đầu tháng 2-1921. Bước ngoặt này đồng thời là sự mở đầu cho việc chấm dứt "Chính sách cộng sản thời chiến"- một chính sách buộc phải thực hiện như một giải pháp tình thế trong những năm chiến tranh- và ra đời của chính sách kinh tế mới (NEP).

Việc thực hiện thuế lương thực đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho nền kinh tế nông dân đi vào ổn định và khởi sắc. Ngoài ra, nó không những tạo khả năng thực tế bảo đảm sự hình thành các mối liên kết kinh tế giữa kinh tế nông dân với công nghiệp, mà còn củng cố vững chắc khối liên minh công nông.

Kinh nghiệm thực tiễn qua thời gian ngắn cho thấy, không thể duy trì việc tự do buôn bán trong phạm vi trao đổi hàng hóa mang đặc tính của một thị trường mở với lưu thông tiền tệ, trong lúc hoạt động thương nghiệp hợp tác còn yếu, thương nghiệp quốc doanh hầu như còn trống vắng và thị trường đa phần nằm trong tay tư thương. Mặt khác, trên thực tế, thị trường và những quan hệ hàng hoá - tiền tệ không chỉ đáp ứng lợi ích của người nông dân mà còn góp phần chấn hưng nền kinh tế của nước Nga Xô-viết.

Khi thị trường và các quan hệ hàng hoá - tiền tệ đã trở thành một thực tế trong đời sống kinh tế đất nước, Lê-nin cho rằng chỉ "rút lui" khỏi "Chính sách cộng sản thời chiến" thôi vẫn chưa đủ, mà "cần kéo dài cuộc rút lui nữa, rút lui xa hơn nữa". Thực chất của cuộc "rút lui xa hơn nữa" là thay việc trao đổi kinh tế giữa công nghiệp với kinh tế nông dân như đã thực hiện trước đây bằng việc mua bán thông thường thông qua quan hệ hàng hoá-tiền tệ, "chừng nào chúng ta chưa đủ sức thực hiện trao đổi hàng hoá, tức là cung cấp sản phẩm công nghiệp cho nông dân- chừng đó nông dân còn buộc phải sống trong điều kiện có những tàn tích của lưu thông hàng hoá (do đó của lưu thông tiền tệ) với thế phẩm của nó.

Chừng nào chưa cung cấp được cho nông dân những cái loại trừ được sự cần thiết phải có thế phẩm (tiền) thì bãi bỏ thế phẩm đó là không đúng về mặt kinh tế"(1). Từ đây, Lê-nin quyết định: cho phép tư bản tư nhân sử dụng thương nghiệp và các quan hệ hàng hoá - tiền tệ nhưng với những mức độ nhất định và trong những thời hạn nhất định. Điều quan trọng là làm cho thương nghiệp và các quan hệ hàng hoá - tiền tệ từ chỗ là công cụ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trở thành phương tiện hữu hiệu trong xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu này, theo Lê-nin, nhà nước chuyên chính vô sản phải giải quyết tốt hai nhiệm vụ có liên hệ chặt chẽ với nhau: một là, điều tiết thương nghiệp và lưu thông tiền tệ (giám sát, kiểm tra, quy định các hình thức, trình tự...); hai là, nắm lấy thương nghiệp, thị trường và các quan hệ hàng hoá- tiền tệ vì lợi ích của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong nhiều bài viết, bài phát biểu và cả những bức thư cuối đời, Lê-nin luôn đánh giá thương nghiệp và những quan hệ hàng hoá - tiền tệ không phải với tư cách là biện pháp tạm thời khôi phục lại những mối liên kết kinh tế giữa thành thị và nông thôn mà với tư cách một quan điểm cơ bản trong chính sách kinh tế của đảng trong suốt cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội lẫn trong giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Cùng với đánh giá đó, Lê-nin nhấn mạnh sự cần thiết phải khắc phục nhận thức sai lầm của một số cán bộ đảng và nhà nước cho rằng: chủ nghĩa xã hội và thị trường là hai vấn đề không thể dung hợp được, là những hiện tượng rất xa lạ với nhau và không có liên hệ gì với nhau. Trên thực tế, chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường không những có thể mà còn cần thiết phải được kết hợp lại với nhau, bởi sự kết hợp ấy tạo khả năng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Nếu như trong học thuyết của Mác, vấn đề chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội chưa được bàn tới, thì đến Lê-nin, những luận điểm chung về chủ nghĩa tư bản nhà nước với tư cách là một thành phần kinh tế trong điều kiện chuyên chính vô sản đã được Người phân tích cặn kẽ. Thành phần đó, theo đánh giá của Lê-nin, là "một bước tiến so với tình hình trong nước cộng hoà Xô-viết" khi đó. Người đã luận chứng một cách toàn diện các khả năng sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước vào mục đích thực hiện thành công bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì có thể hạn chế và quy định giới hạn phát triển hoạt động của chủ nghĩa tư bản nhà nước, nên nó "không đáng sợ, mà đáng mong đợi. Học tập chủ nghĩa tư bản nhà nước"(2). Và, Lê-nin đã đề cập đến việc sử dụng các hình thức cụ thể của thành phần kinh tế tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ. Nếu trong lĩnh vực sản xuất các hình thức đơn giản nhất của nó là tô nhượng và cho thuê, thì trong lĩnh vực phân phối, các hình thức này là hợp tác xã tiêu thụ và thu hút các nhà tư bản với tư cách là thương nhân trả tỉ lệ tiền hoa hồng. Đáng tiếc là sau khi Lê-nin mất, việc áp dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong điều kiện nước Nga Xô-viết đã bị hạn chế. Bởi thế, trên thực tế, nó không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Liên Xô thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, khả năng sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước có lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội như sự chỉ dẫn của Lê-nin đã được khẳng định trong thực tiễn ngày nay ở những nước tiếp tục khẳng định con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những phân tích trên đây chưa phản ánh được tất cả sự phong phú và sâu sắc trong tư duy kinh tế của Lê-nin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - một tư duy lô-gíc, biện chứng, hết sức khoa học và cách mạng. Đằng sau những biện pháp cụ thể để phục hồi kinh tế trên tất cả mọi lĩnh vực là quan điểm về sử dụng và phát huy mọi thành phần kinh tế vào phát triển lực lượng sản xuất; về mở rộng và phát triển quan hệ hàng hoá - tiền tệ; về các nguyên tắc của quản lý kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về quan hệ giữa kinh tế, tư tưởng và tổ chức; về vai trò của nhân tố chủ quan trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thời kỳ quá độ v.v...Những quan điểm của Lê-nin vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.